Quảng Trị công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050
Chiều 6/7, tỉnh Quảng Trị tổ chức Hội nghị Công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long dự, phát biểu chỉ đạo và trao Quyết định phê duyệt quy hoạch tỉnh. Cùng dự, có lãnh đạo các bộ, ban, ngành, các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Hội nghị đã cung cấp những thông tin cơ bản về Quy hoạch tỉnh Quảng Trị thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đồng thời giới thiệu, quảng bá tiềm năng, lợi thế, định hướng thu hút đầu tư của tỉnh đến các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Theo quy hoạch, Quảng Trị xác định mục tiêu đến năm 2030 đạt trình độ phát triển thuộc nhóm tỉnh khá của cả nước, có cơ cấu kinh tế cơ bản là một tỉnh công nghiệp - dịch vụ; là một trong những trung tâm kinh tế tổng hợp của khu vực Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ, trung tâm hậu cần và trung chuyển hàng hóa của khu vực Đông Nam Á và các hành lang giao thông trong khu vực ASEAN, tiểu vùng sông Mê Kông (GMS).
Tầm nhìn đến năm 2050, Quảng Trị trở thành tỉnh có nền kinh tế vững mạnh với cơ cấu chính là công nghiệp - dịch vụ và là một trong những động lực phát triển của khu vực, quốc phòng an ninh được đảm bảo, Nhân dân có cuộc sống hạnh phúc.
Công bố quy hoạch tỉnh Hưng Yên: Hướng đến góp phần hiện thực hoá "Kỳ tích sông Hồng"
Chiều 7/7, UBND tỉnh Hưng Yên đã tổ chức trọng thể lễ công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư vào tỉnh Hưng Yên. Hội nghị có sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ngành trung ương, lãnh đạo UBND các tỉnh/thành phố, doanh nghiệp trong và ngoài nước, các tổ chức quốc tế…
Tại Hội nghị, cùng với việc công bố các nội dung cơ bản của Quy hoạch tỉnh để các cấp, các ngành, các cơ quan, tổ chức và toàn thể nhân dân được biết, thống nhất nhận thức và tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, hiệu quả; tỉnh Hưng Yên đồng thời giới thiệu các tiềm năng, lợi thế, định hướng thu hút đầu tư đến các nhà đầu tư, cộng đồng doanh nghiệp và trao các quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho một số dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, giai đoạn 2021 - 2030, tỉnh Hưng Yên sẽ phát triển nhanh, bền vững, trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại có quy mô kinh tế và trình độ phát triển trong nhóm dẫn đầu cả nước; hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế và xã hội đồng bộ, hiện đại; công nghiệp thuộc nhóm phát triển mạnh của cả nước; phát triển bền vững theo xu hướng chuyển đổi xanh dựa trên phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh; xã hội phát triển hài hòa với thiên nhiên; bản sắc văn hóa được bảo tồn và phát huy; đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được nâng cao; quốc phòng và an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm.
Hà Nội điều chỉnh kế hoạch đầu tư công
Ngày 4/7, HĐND TP. Hà Nội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết Điều chỉnh kế hoạch đầu tư công cấp TP. Hà Nội năm 2024 và định hướng kế hoạch đầu tư công năm 2025. Cùng với đó, cập nhật, điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021 - 2025 cấp Thành phố Hà Nội.
Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021 - 2025 cấp Thành phố đến nay đã phân bổ chi tiết cho các nhiệm vụ, dự án là 248.034,036 tỷ đồng, còn 6.281,69 tỷ đồng chưa phân bổ chi tiết. Kế hoạch đầu tư công trung hạn cấp thành phố đến nay đã bố trí hàng năm giai đoạn 2021 - 2024 là 144.878 tỷ đồng chiếm 57% kế hoạch, còn lại phải bố trí là 109.437 tỷ đồng, chiếm 43% kế hoạch. Sau điều chỉnh, Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021 - 2025 cấp Thành phố theo phương án 1 là 237.748,631 tỷ đồng; phương án 2 là 230.748,631 tỷ đồng.
Hà Giang: Nỗ lực cao nhất giải ngân vốn đầu tư công
Từ đầu năm đến nay, có 3 phiên họp được UBND tỉnh Hà Giang tổ chức nghe các chủ đầu tư báo cáo tình hình thực hiện các dự án và tiến độ giải ngân kế hoạch vốn ĐTC, 3 chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG). UBND tỉnh ban hành 16 văn bản, thông báo kết luận về đẩy nhanh tiến độ thi công, thực hiện và giải ngân nguồn vốn ngân sách nhà nước năm 2024. Điều đó cho thấy sự quyết tâm, quyết liệt trong công tác chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh nhằm thúc đẩy KT – XH.
Tuy nhiên, do nhiều yếu tố tác động nên tỷ lệ giải ngân đạt thấp. Theo lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Nguyên nhân khiến tỷ lệ giải ngân thấp chủ yếu do khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, vướng mắc về đất đai, tài nguyên... Đặc biệt, hiện nay trên địa bàn 11 huyện, thành phố gặp khó khăn trong việc cung cấp nguồn nguyên vật liệu xây dựng thông thường cho các dự án, thiếu nguồn nhân lực cục bộ tại một số địa bàn; giá cả nguồn vật liệu thông thường cao hơn nhiều so với dự toán dẫn đến một số dự án chậm tiến độ thi công. Từ đầu tháng 6 đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh diễn biến thời tiết bất thường; mưa to, lũ ống, lũ quét gây ảnh hưởng lớn đến tiến độ các dự án.
Cao Bằng: Tập trung khắc phục tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công
Mặc dù đã hết 6 tháng đầu năm 2024, song tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công (VĐTC) của tỉnh Cao Bằng mới đạt 13,2% kế hoạch (KH), thấp hơn tỷ lệ giải ngân trung bình của cả nước 22,34%. Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, tỷ lệ giải ngân VĐTC của tỉnh đạt thấp do các chủ đầu tư chưa đánh giá đầy đủ những vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai dự án, chưa chủ động đưa ra các giải pháp, đánh giá chưa sát tình hình, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến GPMB, nguyên vật liệu, giải pháp thi công, vướng mắc trong thủ tục thanh lý tài sản... Do đó làm chậm tiến độ triển khai thực hiện dự án. Ngoài ra, một số nguồn vốn mới được giao bổ sung trong tháng nên các chủ đầu tư chưa kịp thực hiện giải ngân vốn.
Khắc phục những khó khăn, vướng mắc trên, UBND Thành phố tập trung nâng cao năng lực điều hành; tăng cường công tác quản lý giám sát chất lượng, đôn đốc các nhà thầu thi công tăng ca, tăng kíp đẩy nhanh tiến độ thi công các gói thầu xây dựng; kịp thời phối hợp xử lý những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thi công. Đôn đốc các đơn vị tư vấn, nhà thầu khẩn trương thực hiện, hoàn thiện hồ sơ, thủ tục thanh quyết toán.
Ninh Bình: Dự kiến khởi công mở rộng cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn vào tháng 11/2024
Theo thông tin từ Sở Giao thông Vận Tải (GTVT) Ninh Bình, sau khi Bộ GTVT phê duyệt dự án đầu tư mở rộng cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn từ 4 làn xe hạn chế lên 6 làn xe hoàn chỉnh, tính đến nay, công tác phát hành hồ sơ mời thầu lựa chọn tư vấn lập thiết kế kỹ thuật đang được gấp rút triển khai. Dự kiến, trong tháng 9 năm nay, thiết kế kỹ thuật sẽ được phê duyệt, tiến tới lựa chọn nhà thầu xây lắp trong tháng 10 và khởi công dự án trong tháng 11/2024.
Theo phương án đã được phê duyệt, điểm đầu dự án được kết nối với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình thuộc địa phận xã Yên Bằng (huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định). Điểm cuối dự án kết nối với dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Mai Sơn - QL45 thuộc địa phận xã Mai Sơn (huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình).
Tổng mức đầu tư dự án mở rộng cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn là 1.875 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương. Dự kiến kế hoạch vốn bố trí theo tiến độ thực hiện dự án: Giai đoạn 2021 - 2025 bố trí khoảng 1.200 tỷ đồng. Giai đoạn 2026 - 2030 dự kiến bố trí khoảng 675 tỷ đồng.
Hà Nội sẽ có thêm 8 cụm công nghiệp mới vào năm 2030
Sở Công Thương Hà Nội đã thực hiện thủ tục bổ sung quy hoạch 8 cụm công nghiệp vào Quy hoạch cụm công nghiệp Hà Nội đến năm 2020, có xét đến năm 2030.
Theo đó, trong 6 tháng đầu năm 2024, Sở đã phối hợp UBND các huyện Gia Lâm, Thường Tín báo cáo UBND TP tiếp tục thực hiện thủ tục bổ sung quy hoạch cụm công nghiệp đối với 8 cụm công nghiệp gồm: Cụm công nghiệp Tín An, Cụm công nghiệp Thống Nhất, Cụm công nghiệp Nhất Hiệu (huyện Thường Tín); Cụm công nghiệp Phú Xuyên, làng nghề Nam Tiến (huyện Phú Xuyên); Cụm công nghiệp Lệ Chi, Cụm công nghiệp Dương Quang, Cụm công nghiệp Dương Xá (huyện Gia Lâm) vào Quy hoạch cụm công nghiệp Hà Nội đến năm 2020, có xét đến năm 2030.
Cũng trong 6 tháng đầu năm, Sở Công Thương Hà Nội đã tổ chức khởi công đầu tư hạ tầng kỹ thuật 4 cụm công nghiệp (Cụm công nghiệp Đông Phú Yên, huyện Chương Mỹ; Cụm công nghiệp Tam Hiệp, Liên Hiệp, huyện Phúc thọ, Cụm công nghiệp Xà Cầu, huyện Ứng Hòa), nâng tổng số cụm công nghiệp đã được khởi công lên 24 trong tổng số 43 cụm công nghiệp đã có quyết định thành lập giai đoạn 2018-2020.
Bắc Giang đặt mục tiêu nằm trong 15 tỉnh, thành phố dẫn đầu PCI
Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang - Lê Ánh Dương cho biết, tỉnh phấn đấu đến năm 2025 nằm trong nhóm 15 tỉnh, thành dẫn đầu năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).
Theo đó, từ nay đến năm 2025, Bắc Giang tiếp tục quan tâm cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của địa phương. Bắc Giang phấn đấu đến năm 2025 giữ vững vị trí nằm trong nhóm 12 tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước về quy mô tổng sản phẩm trên địa bàn GRDP; duy trì xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) nằm trong nhóm 15 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước.
Từ nay đến năm 2025, Bắc Giang tập trung mọi nguồn lực để xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp phục vụ thu hút đầu tư vào tỉnh. Phát triển công nghiệp hướng tới mô hình “Hệ sinh thái công nghiệp”, gắn kết khu công nghiệp với khu đô thị, dịch vụ có kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại.