Quê tôi một vùng doi cát rất đẹp nửa sông nửa phá, cách thành phố Huế hơn một giờ chạy xe. Năm đôi lần tôi về, về rồi bao giờ cũng vấn vương...
Thấy quê thành phố xá hoặc gần giống phố xá. Đường nhựa (hoặc xi măng) xe ô tô chạy vào từng ngõ nhỏ. Xe máy nhiều hơn. Quán xá cũng nhiều hơn, quán cà phê đông khách, khuya khuya trai làng nhậu say chạy hùng dũng phết.
Đời sống nhìn bề ngoài có vẻ khá hơn, bếp gas thay củi - củi chỉ để khi nhà có việc (tất nhiên không phải tất cả, vẫn còn rất nhiều nhà lụp xụp, nấu bằng lá tre, lá phi lao). Có các hội cầu lông, hội dưỡng sinh... dân nhàn nhã hơn. Có ông bảo: Nông dân mà nhàn thì là mối nguy chứ chả phải may đâu. Nó chứng tỏ ruộng ngày càng ít, hoặc dân đã bán ruộng, không còn ruộng để làm. Nông dân mà thất nghiệp thì nguy. Có rất nhiều người làm nghề ve chai, rất nhiều vỏ lon bia được thu mua.
Giỗ, vẫn rất nhiều giỗ. Hỏi chuyện một chị, chị bảo nhà chị hầu như tháng nào cũng có giỗ, chừng vài ba mâm thôi, nhưng một năm phải có hai lần giỗ to, trên chục mâm, mời đủ bà con anh em và hàng xóm. Có cái hay là gia phong được giữ, tình làng nghĩa xóm nâng cao, nhưng mặt nào đấy cũng mệt mỏi. Nhà ai cũng nuôi gà, nuôi vịt là thế, để có việc là ngả ra, đỡ phải đi mua. Cỗ giờ hiện đại hơn, 10 người mâm tròn chứ không cỗ 6 người một bàn chữ nhật như xưa, các món ít hơn nhưng đĩa to hơn. Cỗ Huế xưa rất nhiều món, các món được bày trong các đĩa bé xíu, xếp chồng lên nhau hình tháp... Hầu như mục đích kiếm tiền cả năm là chỉ để nhăm nhăm lo giỗ...
Về quê thấy rất nhiều cử nhân thất nghiệp. Tội nghiệp, bố mẹ nghèo, chọn con đường cho con học chữ để thoát nghèo. Bóp bụng bóp lưng vay nợ các loại để nuôi con học đại học, dù nhiều ông bố bà mẹ không biết con học cái gì. Học xong về nhà... ngồi, nằm các kiểu. Nhiều nhà nghe xui bậy, lại tiếp tục gom góp vay mượn để chạy việc cho con, đa phần là bị lừa. Thấy tôi về, nhiều người đến nhờ tư vấn hoặc nhờ xin việc. Nói thật là tôi ứa nước mắt. Dân khổ quá, và lại thiếu thông tin, các cháu thì lại càng chả biết gì, thế là giờ cứ cầm tấm bằng vạ vật. Tôi chỉ khuyên một điều duy nhất: Nếu có bà con anh em ở thành phố thì hãy đổ bộ lên, từ đấy mới có cơ hội kiếm việc, chứ ở làng cả đời cũng chả có việc đâu. Và đừng nghe bọn mồi chài nó lừa, con nó nó còn chả xin được thì xin được cho ai. Hãy từ bỏ ngay ý định tốt đẹp là được làm đúng ngành nghề đào tạo, mà có việc gì hãy nhận làm ngay, lấy đấy làm bàn đạp để vào đời...
Là tôi khuyên cái bọn học lực trung bình, học ở các trường trung bình như thế. Số này ở nông thôn đang rất nhiều. Chỉ thương bố mẹ chúng, khổ hơn cả khổ mà giờ ôm thêm đứa con tốt nghiệp đại học vạ vật trong nhà. Có cách gì giúp họ được nhỉ?
Nhưng cũng phải cảnh báo các trường đại học mở lấy được, không chịu tư vấn cụ thể, vơ bèo vạt tép, dăm bảy điểm cũng tìm cách tuyển con người ta vào học, rồi cấp cho cái bằng, rồi... kệ chúng mày. Ở thành phố còn đỡ, nông thôn học hết bao nhiêu lúa gạo của bố mẹ xong mang cái bằng về dí vào mặt bố mẹ đòi mấy trăm triệu nữa để xin việc. Và bố mẹ cứ ngỡ là vài trăm triệu là xin được việc thật, cứ hỏi tôi: Có chỗ nào nhận thì chỉ giúp. Tôi hỏi tiền đâu, có chưa, bảo có đâu, nhưng cần thì sẽ chạy, bán bò, vay ngân hàng, huy động anh em, cần thì bán... nhà. Chả lẽ lại khóc, mà giải thích thì chả ai nghe, lại bảo không nhiệt tình. Ví dụ cụ thể là một cô bé tốt nghiệp đại học chuyên ngành... giáo dục công dân, hỏi tôi chạy việc ở đâu. Kể, tôi mà biết tiếng Mán thì cũng khóc thật. Và thú thật là tôi cũng không biết cái trường nào đào tạo chuyên ngành này. Lại có đứa tốt nghiệp văn hóa học, giờ cũng hỏi: Như cháu xin việc ở đâu?
Tôi điên lên chửi: Đi mà hỏi cái đứa nó dụ mày học ấy, mày có biết bố mẹ mày lõ đít ra kiếm ngày chục bạc để nuôi mày ăn rồi học cái ngành trời ơi đất hỡi ấy không? Sao với số tiền ấy mày không đi học sửa điện chẳng hạn. Giờ trong nhà mày, cái bóng điện hư cũng phải nháo nhào tìm khắp làng không ra một đứa sửa, thế mà bằng đại học thì cả đống...
Điên lên thì chửi thế, chứ thương chúng nó vô cùng. Thấy chúng mờ mịt tương lai quá...
Nhà tôi, ba mẹ cũng là cán bộ, tất nhiên không to như các bác vừa dí con vào mấy chỗ thơm tho rồi lại phải kiểm điểm, nhưng cũng cán bộ. Dạy con thế nào mà cả hai thằng học xong ra trường đều tự kiếm việc theo ý thích, kể cả đi rất xa như tôi. Hồi anh em tôi tốt nghiệp đại học, còn phân công công tác chứ chưa phải xin việc như giờ, và Tây Nguyên thì như xứ mù tăm tích, nhưng thích là đi, ba mẹ không cản, dẫu có buồn, nhất là thời kỳ đầu.
Sau đến tôi có con, em tôi cũng có con, lại cũng thế. May nhất là tôi chả phải bố trí chạy chọt xin việc cho đứa nào. Tôi từng muốn nói với các con tôi rằng, ba cám ơn các con vì đã không để ba phải chạy vạy xin việc. Nó vừa ê chề vừa bất nhẫn, dù trong đời, tôi cũng từng trực tiếp hoặc gián tiếp giúp khá đông người, nhưng con cháu mình thì không, không làm được, và chúng cũng chả cần...
Nhưng té ra một số đồng chí lãnh đạo thì không cho như vậy là đúng. Các đồng chí ấy bố trí cho con mình làm việc đâu vào đấy, chính quyền không được thì làm đoàn thể, đi vòng một tí nhưng chắc. Cứ là phải chỗ ngon hoặc sắp ngon, có thể ngon, chắc chắn ngon... bất kể hậu quả. Thời trước, các vị lãnh đạo có thể còn điều này điều kia, nhưng phục nhất là các bác ấy không đút con vào chỗ ngon, mà phần lớn là cũng bình thường như mọi người, hoặc ngon vừa vừa tùy năng lực. Mươi năm lại đây, chả biết virus gì nó xâm nhập mà nhiều đồng chí, bằng mọi cách đẩy, đun, lùa, đút... các loại các kiểu vào các cơ quan từ ít quan trọng đến quan trọng, từ phó phòng cấp huyện đến bí thư thành ủy...
Quê đổi thay rất nhiều, nhưng phía sau đổi thay ấy, ta vẫn nghe kín đáo những tiếng thở dài...