Aa

Ẩn họa

Thứ Tư, 04/09/2019 - 06:30

Một đời sống văn hóa chỉ bao gồm những âm thanh điếc tai và những cặp mắt dán chặt vào màn hình, thể nào cũng ẩn sẵn trong đó những tai họa.

Dường như suốt nhiều năm qua, cụm từ mỹ miều: “Đời sống văn hóa nông thôn” hay bị lợi dụng nhất vào các mục tiêu chẳng liên quan gì đến văn hóa. Chẳng hạn nó khá tiện để nhiều địa phương làm đẹp báo cáo thành tích và xin trợ cấp ngân sách? 

Tôi không muốn vơ đũa cả nắm, nhưng phải nói thẳng ra rằng, thói hám danh đi kèm vụ lợi đang tàn phá không chỉ văn hóa, mà hủy hoại mọi mặt đời sống.

Trở lại vấn đề đang bàn, rõ ràng rất ít ai trong số những người có trách nhiệm truy tận cùng xem cái đời sống văn hóa nông thôn hiện nay nó đang diễn ra như thế nào. Một thời, vì nghèo, chúng ta chỉ lo lắng quan tâm áp đặt người nông dân được thưởng thức món gì, mà không hỏi họ thưởng thức như thế nào, có khiến họ hài lòng không. 

Có vẻ vẫn không nhiều người hiểu rằng, sự buồn tẻ, đơn điệu là nguyên nhân chính của nạn rượu chè, cờ bạc, bạo hành gia đình ở nông thôn, chứ không phải do đói kém.

Sang thời kỳ đổi mới, bộ mặt nông thôn bừng sáng cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Phủ nhận thực tế này là thiếu công bằng. Tinh thần người nông dân phấn chấn trước hết bởi no đủ, sau đó là do sự tràn ngập của văn hóa điện tử. Giống như người đói khát lâu ngày, nay được chén thỏa thích, họ có thể ních vào bụng bất cứ cái gì vớ được. 

Nhưng với các món ăn tinh thần, thì sự thật về bội thực còn thê thảm hơn. Nếu trước kia một cái radio là của hiếm thì nay nó được bày bán như khoai. Vài chục năm trước, trong trí tưởng tượng của người nông dân chưa có đĩa CD, đầu kỹ thuật số, wifi... Những thứ đó họa may chỉ có trời mới biết nó là cái gì. Thì nay chúng có mặt ở bất cứ ngóc ngách nào, kể cả nơi hang cùng ngõ hẻm. 

Trong cuộc đua ưu thế của các loại hình thưởng thức, cuối cùng, sách báo bị đè bẹp trước tiên. Radio cũng mất dần chỗ đứng. Phim ảnh nghệ thuật, sân khấu thì mặc nhiên vẫn là những thứ xa xỉ theo nghĩa tiêu cực, tức là không vừa khẩu vị. 

Cái trụ lại vững chắc nhất, không có địch thủ, là truyền hình, rồi truyền hình kỹ thuật số (bao gồm cả các băng đĩa có hình). Điều này không có gì lạ bởi truyền hình đáp ứng được cả nghe và nhìn cùng một lúc. Nó tạo cảm giác (và thật thế) ngồi ở một góc, một xó, vẫn thấy cả thế giới, cả vũ trụ. 

Tuy nhiên nếu truyền hình phá vỡ mọi ranh giới, khoảng cách về truyền thông, nhân gấp bội vốn thông tin nghèo nàn của đa số nông dân, tạo ra tính cập nhật cao... thì ngược lại nó cũng là nguyên nhân của sự đơn điệu, dễ dãi trong thưởng thức văn hóa. 

Truyền hình - phương tiện nghe nhìn không chỉ "thống trị" văn hóa nông thôn, mà là khắp nơi...

Đọc, đi kèm là suy ngẫm, bị quên lãng từ trước, nay có nguy cơ bị quên hẳn. Con người có điều kiện để lười nhác. Người nông dân chỉ chọn những gì dễ hiểu, không khiến họ bận tâm, vì thế truyền hình nhanh chóng là mảnh đất màu mỡ cho những chương trình rẻ tiền, thậm chí là dung tục. 

Nguy hại hơn, cứ dần dần, với người nông dân, cái gì được chiếu trên ti vi mới là cái đáng kể, hoặc mặc nhiên được chọn lọc kỹ. Trong trường hợp này, truyền hình trở thành “khuôn vàng thước ngọc” và cũng đóng luôn vai trò chiếc “cùm” thẩm mỹ. Không ít chương trình truyền hình bị báo chí chỉ trích là nhàm, là hạ thấp văn hóa nhưng luôn có số người xem đông kỷ lục, là vì thế.

Sự khuếch trương một chiều nào, cuối cùng cũng trở nên (hoặc dẫn đến) nguy hiểm. Cảnh báo này vẫn còn nguyên giá trị thời sự của nó. 

Vấn đề là liệu có ai nghe thấy, có ai lo lắng cho cái mảnh đất vốn là cái nôi của văn hóa nhưng đang bị tha hóa ngày ngày? Một đời sống văn hóa chỉ bao gồm những âm thanh điếc tai và những cặp mắt dán chặt vào màn hình, thể nào cũng ẩn sẵn trong đó những tai họa. 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top