Quy hoạch treo gây thiệt hại cho người dân, ai chịu trách nhiệm?
Nhiều đại biểu Quốc hội đã nêu rõ thực trạng quy hoạch, nhưng không có kế hoạch sử dụng đất hoặc có kế hoạch nhưng “treo” nhiều năm, gây thiệt hại cho người dân.
Tình trạng quy hoạch treo diễn ra khá phổ biến trong những năm qua đã gây ra nhiều hệ lụy, không chỉ ảnh hưởng tới tốc độ phát triển của từng địa phương mà còn gây bức xúc trong dư luận xã hội, do có ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống của rất nhiều người dân.
Trong phiên thảo luận về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) ngày 21/6 tại Quốc hội, đại biểu Huỳnh Thanh Phương (đoàn Tây Ninh) chỉ rõ, nguyên tắc quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quy định tại khoản 9 Điều 60 có nêu "các quy hoạch sử dụng đất được lập đồng thời, quy hoạch được lập, thẩm định xong trước được quyết định hoặc phê duyệt trước. Sau khi quy hoạch được quyết định hoặc phê duyệt, nếu có mâu thuẫn thì quy hoạch cấp thấp hơn phải điều chỉnh phù hợp với quy hoạch cao hơn".
Việc quy định các quy hoạch sử dụng đất được lập đồng thời để các cấp quy hoạch có sự chủ động hơn trong việc thực hiện quy hoạch của cấp mình, tuy nhiên để hoàn chỉnh quy hoạch thì cấp dưới cũng phải chờ quy hoạch của cấp trên đã được phê duyệt. Cho dù quy hoạch của cấp dưới có được chủ động thực hiện trước thì cũng khó có thể thẩm định được phê duyệt trước, nếu chưa có quy hoạch của cấp trên, do vậy nguyên tắc này có thể gây khó khăn khi áp dụng trong thực tiễn.
“Tôi thống nhất với báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế đề nghị sửa đổi khoản 9 theo hướng các quy hoạch sử dụng đất có thể được thành lập đồng thời, quy hoạch sử dụng đất cao hơn phải được phê duyệt quyết định trước quy hoạch cấp thấp hơn và cần quy định rõ, chặt chẽ hơn về trách nhiệm, thời gian hoàn thành quy hoạch, các cấp quy hoạch, tránh tình trạng vướng mắc cấp dưới phải chờ quy hoạch của cấp trên kéo dài trong công tác lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hàng năm, ảnh hưởng đến quyền lợi của tổ chức và cá nhân”, ông Phương nêu quan điểm.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Gần 5.000 tỷ đồng cho giãn dân phố cổ, nhưng xây xong... không ai ở
Tại TP. Hà Nội, gần 5.000 tỷ đồng cho đề án giãn dân phố cổ, nơi ở mới đã xây xong cả chục năm nhưng không ai ở, cỏ dại mọc cao, rác thải vứt bừa bãi...
Đã 25 năm đề án di dân phố cổ của TP. Hà Nội vẫn đang dở dang. Việc di dân là bởi lẽ, theo Tổng điều tra dân số lần thứ 5, mật độ dân số tại khu phố cổ là gần 40.000 người/km2, con số này gấp 138 lần mật độ dân số toàn quốc theo. Theo kế hoạch, khu vực phố cổ nằm tại quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) sẽ phải di chuyển trên 6.500 hộ dân, tương đương khoảng 27.000 người. Điều đáng nói, nơi ở đã xây xong nhưng lại không có người đến ở.
Ghi nhận 5 block nhà chung cư với quy mô cả nghìn căn hộ được xây dựng từ 2012, trên vị trí 30ha đất vàng, bám mặt đường Lý Sơn, phường Thượng Thanh, quận Long Biên. Cỏ dại mọc cao lút đầu người, rác thải vứt bừa bãi… Lối vào hầm để xe tại các tòa nhà đã được bịt kín bằng tôn. Cửa chính của các tòa nhà luôn trong tình trạng khóa chặt. Nhiều hạng mục đã xuống cấp, vỡ nát, nhếch nhác. Dự án phục vụ việc giãn dân phố cổ giai đoạn 2 này hoàn thành hạ tầng tới giờ đã 10 năm vẫn không có người về ở.
"Không biết vì cái lý do gì mà người ta không về ở chứ còn những cái tòa nhà như này cũng là điều mơ ước của rất nhiều người dân bình thường. Một sự lãng phí quá lớn cho xã hội", ông Hoàng Quốc Phương, Tổ 11, phường Thượng Thanh, quận Long Biên, Hà Nội cho biết.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Mặt bằng lãi suất hạ nhiệt: Tín hiệu tích cực cho thị trường căn hộ
Theo bà Đặng Phương Hằng, Tổng giám đốc CBRE Việt Nam, mặt bằng lãi suất liên tiếp hạ nhiệt trong thời gian gần đây là một tín hiệu tích cực cho thị trường căn hộ trong các quý sắp tới.
Có thể thấy, thanh khoản thị trường trong nửa đầu năm 2023 vẫn duy trì ở mức thấp trước những khó khăn còn tồn đọng chưa được tháo gỡ triệt để từ quý II/2022 đến hiện tại. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng đánh giá thị trường bất động sản sẽ từng bước có những thay đổi đáng kể nếu các chính sách được ban hành theo hướng tiếp tục thúc đẩy phát triển dự án phù hợp với nhu cầu thị trường như: Hạ tầng, nhà ở xã hội, nhà ở bình dân; hỗ trợ, khơi thông dòng vốn cho thị trường bất động sản, đặc biệt là những dự án đang xây dựng dở dang; cải thiện dòng tiền cho người vay mua nhà ở xã hội, nhà ở bình dân.
Ngoài ra, Luật Đất đai sửa đổi 2023 được kỳ vọng sẽ tháo gỡ các nút thắt pháp lý trong việc phê duyệt dự án nhà ở mới, giúp nguồn cung nhà ở dần phục hồi.
Trao đổi với Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam (Reatimes), bà Đặng Phương Hằng, Tổng giám đốc CBRE Việt Nam cho biết, ở quý II/2023, thị trường bất động sản đã có những điểm sáng tích cực, nhiều dự án ghi nhận tiếp tục mở bán mới hoặc tái mở bán sau thời gian dài im ắng. Bên cạnh đó, mặt bằng lãi suất liên tiếp hạ nhiệt trong thời gian gần đây là một tín hiệu tích cực cho thị trường căn hộ trong các quý sắp tới, tuy nhiên vẫn sẽ cần thời gian để hoạt động thị trường thực sự được cải thiện.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Quy hoạch đất dành cho giáo dục còn nhiều bất cập
Đại biểu Quốc hội đề nghị cần thể hiện trong Luật Đất đai (sửa đổi) vấn đề quy hoạch đất cho giáo dục, đồng thời đảm bảo công bằng khi miễn giảm tiền sử dụng đất giữa trường công lập và tư thục không vì lợi nhuận.
Phát biểu thảo luận về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) ngày 21/6, đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga (đoàn Quảng Bình) thẳng thắn nêu những vấn đề bất cập cần được tháo gỡ cho lĩnh vực giáo dục và đề nghị cần phải có quy định riêng chính sách đặc thù: "Hiến pháp, Nghị quyết 29 của Trung ương và Luật Giáo dục quy định giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu và đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển được ưu tiên đi trước trong các chương trình kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Trong bối cảnh cả nước đang thực hiện khâu đột phá chiến lược về nguồn nhân lực, giáo dục đang rất cần đầu tư đồng bộ, trong đó việc đầu tư chính sách đất đai cho giáo dục đóng vai trò đặc biệt quan trọng".
Đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga nêu kinh nghiệm từ nhiều nước phát triển, đặc biệt là vấn đề được các nhà khoa học nhắc đến nhiều nhất là luật cấp đất cho trường đại học đã tạo bệ phóng cho giáo dục phát triển, góp phần rất quan trọng vào đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế Mỹ.
"Ở nước ta hiện nay, quy hoạch đất cho giáo dục còn nhiều bất cập, nhiều địa phương thiếu quỹ đất cho xây dựng trường học, đặc biệt là các thành phố lớn, chính sách xã hội hóa giáo dục còn rất nhiều khó khăn, vướng nhất là do chính sách đất đai, đất giáo dục cao, nhà đầu tư thuần giáo dục cũng khó đạt được, nếu không có chính sách phù hợp, đủ mạnh thì sẽ dẫn tới bất bình đẳng trong giáo dục, làm méo mó chủ trương xã hội hóa giáo dục của nước ta.
Dự thảo Luật Đất đai có tới 263 điều, có nhiều quy định khá cụ thể cho các lĩnh vực kinh tế, an ninh, quốc phòng, có nhiều điều quy định về đất cho các lĩnh vực, tuy nhiên chưa có điều quy định riêng về đất giáo dục. Đất giáo dục được quy định chung với đất của đơn vị sự nghiệp công lập hòa vào quy định đất với các lĩnh vực khác, chưa quy định được các vấn đề đặc thù, chính sách riêng, cụ thể, rõ ràng, đủ mạnh cho xã hội hóa giáo dục.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Sàn môi giới địa ốc "ăn đong từng bữa"
Khó khăn bủa vây khiến danh sách các sàn môi giới bất động sản giải thể hoặc “chết lâm sàng” tiếp tục được nối dài. Các đơn vị còn cầm cự được cũng buộc phải sa thải nhân viên, bán tài sản, tìm đủ cách để duy trì hoạt động nhưng vẫn thiếu trước, hụt sau.
Trong suốt quý I và hai tháng đầu quý II/2023, toàn văn phòng môi giới của anh Nguyễn Hồng Quý, ở quận 1 (TP.HCM), cả thảy gần 50 nhân viên, chỉ bán được 3 căn hộ, 1 căn liền kề và 2 lô đất nền. Đặc biệt, trong tháng 5 vừa qua, anh quyết định cắt giảm 60% nhân viên.
“Nói là sa thải nhưng đa phần trong số đó tự nguyện nghỉ vì đã 6 - 7 tháng chưa chốt được hợp đồng nào”, anh Quý chia sẻ và tiết lộ trong gần 1 năm qua, công ty anh cắt lương cứng, chỉ áp dụng chính sách hỗ trợ nhân viên 70% chi phí chạy quảng cáo và 2 triệu/tháng cho xăng xe và điện thoại.
Tình hình có thể sẽ còn tồi tệ hơn, bởi theo anh Quý, trong thời gian tới nếu thị trường tiếp tục ảm đạm, ngay cả tiền xăng xe và điện thoại của môi giới cũng bị cắt giảm nếu không có đơn hàng.
“Thở bình ô xy” cũng là tình trạng chung của hầu hết sàn môi giới bất động sản trong bối cảnh thị trường địa ốc chìm trong khủng hoảng. Minh chứng, theo VARS, có 95% doanh nghiệp (được khảo sát) môi giới địa ốc phải thu hẹp quy mô hoạt động, cắt giảm quá nửa số nhân viên.