Chung cư Hà Nội tiếp tục tăng giá nhưng "chưa ăn thua" so với TP.HCM
Tại Hà Nội, một số dự án ghi nhận mức tăng 8 - 9%/năm. Song theo chuyên gia, mức tăng giá mặc dù cao hơn so với các năm trước nhưng vẫn thấp hơn so với ngưỡng tăng của thị trường TP.HCM.
Trong báo cáo thị trường về phân khúc chung cư, CBRE Việt Nam cho biết, nửa đầu năm nay có khoảng 7.900 căn hộ mở bán mới tại thị trường Hà Nội, cao hơn 10% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo đơn vị này, mặc dù thị trường nhà ở Hà Nội vẫn chịu một số ảnh hưởng tiêu cực từ các đợt dịch Covid-19 trong nửa đầu năm nay, nhưng sự tăng trưởng của nguồn cung mở bán mới cho thấy sự hồi phục của hoạt động bán hàng.
Sản phẩm chủ đạo trên thị trường vẫn là các căn hộ phân khúc trung cấp, chiếm 79% nguồn cung mở bán mới trong nửa đầu năm. Về vị trí, phía Tây và phía Đông Hà Nội dẫn dắt thị trường với tỷ trọng tương đương nhau, cùng chiếm 39% số căn mở bán mới trong nửa đầu năm.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Thái Nguyên: Dành hơn 6.000ha đất cho phát triển nhà ở năm 2021
Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên vừa ký quyết định phê duyệt Kế hoạch phát triển nhà ở kỳ 5 năm 2021 - 2025 và năm đầu kỳ (năm 2021) của tỉnh Thái Nguyên.
Tổng diện tích sàn nhà ở tăng thêm là 1.012.840m2 tương ứng với tổng số căn hộ hoàn thành là 7.966 căn; trong đó: Nhà ở thương mại, khu đô thị là 1.803 căn (từ các dự án đang thực hiện); nhà ở do hộ gia đình, cá nhân tự xây dựng 5.283 căn.
Tổng nhu cầu vốn cho phát triển nhà ở năm 2021 của tỉnh Thái Nguyên dự kiến là 6.919 tỷ đồng. Tổng nhu cầu đất thực hiện các dự án nhà ở là 6.130,54ha; trong đó quỹ đất dành cho phát triển nhà ở thương mại là 5.572,83ha với 1.593,4ha của các dự án đang xây dựng và 3.979,43ha của các dự án phát triển mới. Quỹ đất dành cho phát triển nhà ở xã hội là 32,6ha (đang xây dựng là 28,4ha, phát triển mới 4,2ha). Quỹ đất dành cho nhà ở tái định cư là 525,11ha (trong đó đang xây dựng là 213,4ha và dự án phát triển mới là 311,7ha).
Xem thông tin chi tiết tại đây
Khu công nghiệp sạch: Cần làm rõ khái niệm trước khi ồ ạt đầu tư
Nhiều doanh nghiệp ngoài ngành đang dấn thân vào lĩnh vực bất động sản công nghiệp, trong đó, đang có một làn sóng đầu tư khu công nghiệp sạch, dù đây vẫn là một khái niệm mới ở Việt Nam.
Theo số liệu thống kê của Bộ Kế hoạch và đầu tư, hiện cả nước có 370 khu công nghiệp (KCN) được thành lập (bao gồm 328 KCN nằm ngoài các khu kinh tế (KKT), 34 KCN nằm trong các KKT ven biển, 8 KCN nằm trong các KKT cửa khẩu) với tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 115,2 nghìn hecta.
Trong số các KCN đã được thành lập, có 284 KCN đang hoạt động với tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 84,2 ngàn hecta và diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 55,9 ngàn hecta; 86 KCN đang trong quá trình xây dựng cơ bản với tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 31 ngàn hecta cùng diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 17,5 ngàn hecta.
Tổng diện tích đất công nghiệp đã cho thuê của các KCN đạt khoảng 43,4 ngàn hecta, tương ứng tỷ lệ lấp đầy đạt 57,8%, riêng các KCN đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng và đi vào hoạt động có tỷ lệ lấp đầy đạt khoảng 71,7%.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Giá biệt thự, nhà liền kề Hà Nội “dựng đứng”, lợi bất cập hại
Theo đánh giá của giới quan sát thị trường, việc giá chào bán biệt thự, nhà liền kề đang tăng cao là rào cản dẫn đến tỷ lệ hấp thụ các sản phẩm này thấp hơn.
Trong quý II/2021, mặc dù dịch Covid-19 bùng phát mạnh mẽ trở lại, song thị trường biệt thự và nhà liền kề tại Hà Nội dường như vẫn “miễn nhiễm” với dịch bệnh.
Giá sơ cấp trung bình của biệt thự đạt 4.907USD/m2, tăng 10% theo quý và 3% theo năm. Giá trung bình của nhà liền kề 5.173USD/m2, tăng 11% theo quý và 16% theo năm. Với nhà phố thương mại, giá trung bình khoảng 8.135USD/m2, tăng 4% theo quý và 11% theo năm.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Nhà cổ giá hàng chục tỷ đồng ở Hội An được rao bán vì dịch Covid-19
Ảnh hưởng 4 đợt dịch Covid-19 liên tiếp trong gần 2 năm qua, nhiều chủ nhà ở Hội An (Quảng Nam) treo bảng cho thuê, rao bán vì không cầm cự được.
Trải qua 4 đợt dịch Covid-19, hầu hết hàng quán, cửa hàng tại phố cổ Hội An, Quảng Nam phải đóng cửa vì không có khách đến tham quan, mua sắm. Các tuyến đường trước đây luôn đông đúc du khách như Trần Phú, Nguyễn Thái Học, Bạch Đằng, Nguyễn Phúc Chu... nay vắng tanh. Các cửa hàng kinh doanh vải, quần áo, ăn uống đóng cửa gần hết.
Nút giao Trần Phú - Bạch Đằng là khu vực trung tâm thuộc phường Minh An, TP. Hội An trước khi có dịch Covid-19 lượng du khách tham quan, mua sắm, ăn uống ken đặc. Tuy nhiên, theo người kinh doanh tại đây, họ phải đóng cửa gần một năm do không có khách.