Việt Nam Xanh

Kỳ II: Chén Kiểu - ngôi chùa của những mảnh sành làm nên “kiệt tác“

Việt Nam Xanh - 06:46, 13/03/2021 G3T+7 - Phóng sự ảnh: Trọng Chính

Có tên Khmer là Wath Sro Loun, ngôi cổ tự này lại được biết đến với tên gọi "Chén Kiểu" bởi các chư tăng cùng nghệ nhân Khmer Nam Bộ đã ốp lên những bức tường của ngôi chùa khoảng gần 30 tấn sành, sứ các loại.

Lời tòa soạn:

4 tỉnh "láng giềng" Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau là những nơi có đông người Khmer sinh sống ở Đồng bằng sông Cửu Long. Không chỉ nổi tiếng bởi vẻ đẹp sông nước, lãng du dọc các tỉnh miền Tây này còn là dịp chiêm ngưỡng hàng trăm ngôi chùa Khmer đẹp lộng lẫy.

Loạt điểm đến Photo Travel từ kỳ này khám phá vẻ đẹp “Lộng lẫy những ngôi chùa Khmer Nam Bộ” với những tiên nữ Kâyno lấp lánh dưới mái chùa Khmer; Chén Kiểu, ngôi chùa của những mảnh sành làm nên "kiệt tác"; chùa Xiêm Cán, Monivongsa Bopharam đẹp rực rỡ theo phong cách Khmer với tông màu vàng chủ đạo, điểm tô nhẹ những màu sắc ấn tượng khác như cam, đỏ, xanh…

Có lẽ bởi phong cách kiến trúc “độc nhất vô nhị” này mà chùa Chén Kiểu được biết đến là một trong số những ngôi chùa để lại dấu ấn sâu đậm đối với du khách trong hệ thống chùa Khmer Nam Bộ tại Sóc Trăng.

Tọa lạc ở xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng, nơi chỉ cách trung tâm Thành phố khoảng 12km về hướng Bạc Liêu, ngôi cổ tự được xây dựng từ năm 1815 với vật liệu từ cây lá trong vùng. 

Chiến tranh khiến ngôi chánh điện của chùa hư hại nặng và phải xây dựng lại theo kiến trúc như hiện nay vào năm 1969. Khi đó, vật liệu thiếu đã khiến chư tăng trong chùa nảy ra sáng kiến quyên góp chén, đĩa và các chất liệu sành sứ bỏ đi từ bà con trong các phum, sóc, để ốp lên tường. Theo các nhà sư ở chùa, suốt 11 năm ròng rã dựng lại chùa, những nghệ nhân dân gian chưa từng học qua kỹ thuật ốp các loại men sứ lên tường, lý thuyết điêu khắc và mỹ thuật đã biến những mảnh vỡ bị lãng quên thành "kiệt tác" mảnh sành.

Bằng tài nghệ và đôi tay khéo léo, các nghệ nhân Khmer đã sáng tạo nên một kiến trúc nghệ thuật độc đáo với những mảnh chén, đĩa, sành, sứ, hấp dẫn du khách cả trong và ngoài nước khi đến Sóc Trăng.
Mặt tiền ngôi chính điện trang trí các mảnh bát, đĩa đủ loại màu sắc kết hợp với gạch men Nhật tạo nên điểm nhấn độc đáo của chùa.
Những chiếc bát được úp lại, chồng lên nhau thành cột dùng làm vách rào bao quanh ngôi chánh điện. Năm 2012, chùa Chén Kiểu xây dựng thêm khu sala, trường học trong khuôn viên và ước tính đã có khoảng 9.000 chiếc chén, đĩa tiếp tục được dùng để trang trí, ốp các bức tường những công trình này.
Các linh vật bên ngoài sân chùa cũng được chạm khắc và trang trí tỉ mỉ từ những mảnh vỡ của bát, đĩa, gạch, sành...
Không chỉ thu hút tín đồ Phật tử là người Khmer, chùa Chén Kiểu trở thành địa danh du lịch nổi tiếng bởi kiến trúc nghệ thuật vô cùng độc đáo từ bát đĩa bỏ đi.
Sự phối kết hài hòa của những hoa văn khảm sành sứ đẹp mắt trên cột, tường, cầu thang và mái chùa.
Có những chiếc đĩa quý, tương đối nguyên vẹn được giữ nguyên ốp lên tường, cạnh những mảnh chén, đĩa vỡ, hoặc đập nhỏ tạo thành những hoa văn phối kết nổi bật trên tường ngôi chánh điện của chùa.
Chạy dọc theo tay vịn cầu thang, những chiếc bát, đĩa úp miệng vào nhau và đáy bát, đĩa được ốp vào tường, gây ấn tượng khó quên đối với ai đã có dịp đến thăm.
Các mảng tường của ngôi chính điện đều được đắp nổi bởi những mảnh sành sứ. Các Tăng Ni và Phật tử của chùa đã tỉ mẩn chọn lựa, cắt dán khiến chúng trở nên hữu dụng, làm cho ngôi chùa bừng sáng, lung linh những mảng màu.
Chính điện, tăng sá, sala, tháp, các bức vách, hàng cột được xây dựng bằng gạch men cổ của Nhật Bản sản xuất với màu sắc nổi bật. Đặc biệt, chính điện chùa rộng, thông thoáng với 16 hàng cột to, quanh các cây cột đều được chạm khắc, đắp nổi các hình ảnh trong truyền thuyết văn hóa của người Khmer.

 

Bạn đang đọc bài viết Kỳ II: Chén Kiểu - ngôi chùa của những mảnh sành làm nên “kiệt tác“ tại chuyên mục Việt Nam Xanh của Đô thị mới. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư toasoan.reatimes@gmail.com
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận
Cùng chuyên mục