Aa

Chữ ngoại

Thứ Tư, 17/10/2018 - 06:00

Tôi xuýt thì bật cười bởi ông nhà quê từ đầu đến chân lại chê một sản phẩm của công nghệ hiện đại là quê quê. Về sau hỏi ra mới biết là ông muốn bảo cái dòng “chữ nội” ấy quê mùa.

Biết tôi về quê, anh bạn thân từ hồi bé, nay làm cán bộ ở xã, vội đến thăm. Nghe tiếng anh chào từ ngõ nhưng không thấy người đâu. Hóa ra anh còn đang xem xét chiếc xe máy tôi mới đổi. Vừa đi vòng quanh, hết ngó nghiêng bên phải, lại sang bên trái, thậm chí dán mắt vào bảng hướng dẫn đánh vần từng chữ rồi anh… lắc đầu.

Lát sau gặp tôi, anh ra vẻ lọc lõi, bảo:

- Các ông có tiếng là đi nhiều, hiểu lắm, ăn chơi sành điệu, biết mọi hay dở mà sao vẫn còn bập vào cái anh “chữ nội” này.

Nghe ngạc nhiên, tôi hỏi:

- Chữ nội là cái gì vậy?

- Thế là các bố còn khờ khạo lắm. Ông cứ nhìn những dòng chữ hướng dẫn sử dụng trên xe máy ông mới đổi mà xem, cứ quê quê thế nào ấy.

Tôi xuýt thì bật cười bởi ông nhà quê từ đầu đến chân lại chê một sản phẩm của công nghệ hiện đại là quê quê. Về sau hỏi ra mới biết là ông muốn bảo cái dòng “chữ nội” ấy quê mùa.

Tôi tặc lưỡi:

- Nó chỉ là cái xe máy thôi mà ông, xe máy bây giờ còn nhiều hơn cả lợn con, quan tâm làm gì cho nó mệt óc, hàng nội bây giờ nhiều thứ còn tốt hơn chán vạn hàng ngoại.

- Ấy đấy, các bố kém chính là ở chỗ cái gì cũng qua loa. Đành rằng chả ai quan tâm đến cái xe máy, nhưng từ cái xe máy nó ảnh hưởng sang thứ khác, nó ăn sâu vào đầu, nó khiến anh cứ dễ dãi dần mà không biết dưới mắt người khác mình thành ra thế nào.

- Vậy dưới mắt ông thì tôi thành ra thế nào? - Tôi hỏi nửa đùa, nửa thật.

- Kém xa hồi xưa. Hồi xưa nghèo nhưng ông được chúng tôi coi là dân sành điệu, có đai có đẳng, việc gì cũng kỹ càng, còn bây giờ ông cũng chẳng khác cánh quê mùa chúng tôi là mấy. Ông có nhớ thằng D. không, đi Tây về nhé, thế mà nó vẫn giữ cái Dream Thái từ mấy chục năm trước chỉ vì nó là hàng ngoại xịn. Mà nói thật là dù cũ lắm rồi, máy nổ ông ổng nhưng nhìn vẫn rất sang.

Xe máy đối đầu cừu non trên đường làng (Ảnh minh họa)

Xe máy đối đầu cừu non trên đường làng (Ảnh minh họa)

Đang cơn cao hứng, bạn tôi được đà lên lớp cho tôi một hồi và bảo:

- Sang nhất là chữ Tây còn bét ra cũng là anh loằng ngoằng giun dế. Chữ nội, vứt!

Tôi lại mắt tròn mắt dẹt. Không hiểu “cái anh loằng ngoằng giun dế” là cái thứ gì, thì anh bạn tôi bảo luôn:

- Là chữ Thái Lan hay Hàn Quốc gì đó. Ông không để ý là nó rất khác cái anh chữ ta ở chỗ nào à? Tôi nói luôn nhé: Nó khác ở chỗ không phải anh nào cũng biết nội dung nó nói cái gì, y như chữ Nho ấy, mấy ai đọc được, nhưng đừng nói là nó không sang nhé.

Đến vậy thì mình im lặng là hơn. Vả lại, có nói gì thì cũng chả thể thấm vào đầu ông bạn được nữa. Thôi, cứ để họ như vậy đi - Tôi nhủ thầm bằng chút thương hại.

Nhưng tôi tưởng chỉ những người cả đời không đọc sách như anh bạn nhà quê gốc của tôi mới nghĩ như vậy. Nào ngờ một lần, tiện đường đi làm việc, tôi ghé thăm anh bạn là trí thức, chữ bồ chữ cạp hẳn hoi. Trước anh cũng ở làng, về sau có chút khá giả do bán đất, nên chuyển ra phố. Nhưng mọi thứ thì vẫn “quê một cục”. Tôi định bụng sẽ kể làm quà cho anh câu chuyện tức cười liên quan đến dòng chữ nội trên chiếc xe của tôi, thì thấy chính anh cũng đang “ngoại hóa” dòng chữ trên chiếc xe của anh. Anh hồn nhiên giải thích: “Bọn bạn bè nó kháy, tức anh ách. Cứt cá hơn lá rau, dù sao hàng ngoại nhập vẫn sang hơn ông ạ”.

Nhìn những chữ như giun móc, tôi thật bụng hỏi: “Anh có đọc được không?”. Bạn tôi cười to: “Nó hơn nhau ở chỗ không đọc được. Đọc được thì ai còn mất tiền mua nó. Không đọc được mới sang!”.

May mà tôi còn kịp nhớ ra phép lịch sự để không bảo anh đấy là dòng chữ Lào. Bèn nhớ đến một câu của Nam Cao: “Những người khổ mà không biết mình khổ”, thương thay!

 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top