Một lần lên cơn hứng bất ngờ, bạn tôi, một người mê văn hóa làng và đang ấp ủ nhiều dự định khôi phục những nề nếp cổ, rủ tôi đi điền dã. Tại một làng khá thơ mộng và sạch sẽ, chúng tôi đi lang thang và quyết định chọn nhà ai đó để vào thăm một cách ngẫu hứng. Có vài nhà bạn tôi định gọi cổng thì đều bị tôi ngăn lại. Vì tôi biết gia chủ đi vắng. Nhiều lần anh không tin, sau kiểm tra thì thấy đúng như tôi bảo. Anh ngạc nhiên hỏi:
- Sao ông biết không có người ở nhà?
Tôi bảo anh:
- Những gia đình chỉ rào dậu qua loa, cổng giả sơ sài, điều đó cho thấy mọi thứ mang nghĩa tượng trưng là chính. Chiếc cửa kia đóng lại không phải để chống người ngoài đột nhập, mà chỉ để thông báo chủ nhà đi vắng. Bởi vì có bất cứ ai ở nhà nó cũng sẽ được mở.
Bạn tôi gật gù nhưng vẫn bán tín bán nghi. Chỉ đến khi đứng trước một ngôi nhà, nhìn vườn tược, lối vào cùng sắc thái các vật, nghe tôi nói như “thánh phán” về điều kiện kinh tế, tính nết của ông gia trưởng, sự học hành của con cháu... và phải khi bạn tôi kiểm tra, công nhận tôi đúng, anh mới bày tỏ sự kính nể, có phần thái quá.
Bởi vì dù đứng bên ngoài nhưng tôi lại nói đúng đến từng chi tiết. Chẳng hạn tôi cam đoan rằng chính giữa ngôi nhà kia là một cái bệ thờ có bày đỉnh đồng, lư hương, có ảnh ghi tên những người quá cố và luôn được lau chùi sạch sẽ. Tôi khẳng định gia đình này thuộc dạng trung lưu nhờ lao động... Cứ như tôi nhìn xuyên được qua tường.
Thực ra tôi chỉ là người quen sống với những nếp quê từ bé để “kể lại vanh vách” những điều mình thuộc. Hiểu nôm na thì nó là các khuôn phép, quy định cụ thể, mang tính ràng buộc với các thành viên. Nhưng nếp quê đích thực còn bao gồm sự hồn hậu, thuần khiết của không gian tinh thần. Nó là thứ được tạo ra bởi nhiều đời sống trong một thế giới tách biệt. Nó không chỉ ảnh hưởng đến lớp con cháu kế tục, mà còn tạo cho những vật dụng quen thuộc một thần sắc riêng. Vì thế có thể xem người mà biết vật là vậy.
Chẳng hạn những gia đình cổng giả trang nghiêm, ngõ vào sạch sẽ, sáng sủa, cây hai bên tươi tốt, chuồng trại, bếp núc đâu ra đấy, sân gạch kẻ chỉ, vuông vức, có bể nước mưa lưu niên hứng từ mái ngói, không thấy cỏ dại, không thấy lợn chạy rông ỉa bậy ra vườn, không thấy vại sứt, chum mẻ vứt lăn lóc, không thấy chuột rúc mối đùn... Tức là tất cả đều toát ra một trật tự, cái trật tự có được nhờ sự gắn bó, thương yêu nhau, thương yêu chăm chút cái tổ ấm của mình... thì chủ nhân của nó không thể là những người tùy tiện, bừa bãi hay lười nhác. Chắc chắn phải có một người bao dung, đức độ, công bằng... làm khuôn vàng thước ngọc. Và một gia đình như thế hầu như không bao giờ chịu nghèo đói khiến người khác phải thương hại. Cứ thế, lần theo mối quan hệ mang tính nhân quả, có thể biết họ có ảnh hưởng với xóm làng ra sao, với phong hóa chung như thế nào...
Những cộng đồng dân cư thiếu nề nếp, trước hết do họ thiếu những tấm gương cho mọi người có thể lấy để soi chung, là những cộng đồng chưa trưởng thành. Nhiều tệ nạn sinh ra tại đó trở thành tai hoạ cho cả xã hội. Sự giầu có đang gia tăng trong một bộ phận dân cư, xoá đi ấn tượng về nghèo đói. Nhưng cảm giác về sự nhọc nhằn thì không dễ xoá như vậy nếu người ta quay lại với lối sống đèn nhà ai nhà nấy rạng.
Giống như mùa màng - để có những cánh đồng đầy ắp hạt, đầy ắp hoa trái thì phải gieo, phải nhọc nhằn cày xới thì nếp quê cũng phải cần nhiều sự tích cóp từ những hy sinh cá nhân. Bù lại nó tạo ra môi trường cho văn hóa làng nảy nở, gìn giữ mỹ tục khiến cuộc mưu sinh vất vả để tồn tại tìm thấy lối thoát ở phía vĩnh cửu.