Aa

Cõi vĩnh hằng

Thứ Bảy, 21/03/2020 - 13:30

Vĩnh hằng là mãi mãi như vậy không thay đổi. Chúng ta đang ở trong thời đại khoa học, thành tựu từ vật lý lượng tử đã đưa nhận thức nhân loại đi rất xa trong nhận thức về thế giới. Không có gì đứng yên trong một tích tắc

Chúng ta có giống nòi từ ngày khai sinh đất nước, gia đình chúng ta có từ đó. Truyền thống gia đình chúng ta không phải mới được sinh ra từ ngày có Phật giáo, có Chúa Ki Tô. Chúng ta càng không phải được sinh ra mới hôm qua từ khi có Đảng.

Dân tộc hay dân chúng chính là đồng bào, đều là giống nòi từ một cha và một mẹ gởi gắm ý niệm yêu thương đùm bọc lẫn nhau. Đó chính là tổ tiên chúng ta và cha mẹ là tổ tiên gần nhất. Ta hay cha và mẹ là thành phần không tách biệt khỏi cộng đồng dân tộc. Nghĩ về dân tộc chính là nghĩ đến đồng bào trong đó có cha mẹ, ông bà và tổ tiên.

Chúng ta có tổ tiên. Chúng ta có nguồn cội. Hai người trẻ đang đến với nhau không phải như những người không có gốc rễ truyền thống văn hóa.

Đối diện trước ban thờ tổ tiên, người Việt ý thức rất rõ là mình đang đối diện trước biểu tượng cao cả của nguồn cội. Người Việt tự hào về điều đó, vì họ biết tổ tiên nguồn cội đang có mặt ở đó để chứng kiến việc làm long trọng hôm nay của cháu con. Tiếp xúc sâu sắc trong những phút giây thiêng liêng như thế với tổ tiên, người Việt thấy tổ tiên đang có mặt trong từng tế bào cơ thể mình.

Cao cả hơn hết là ý thức về giống nòi. Người con trai Việt và người con gái Việt thấy mình có bổn phận tiếp nối giống nòi nên đã cam kết đến với nhau để chung sống hòa thuận tạo thành yếu tố căn bản xây dựng cộng đồng: Gia Đình. 

Lạc Long Quân và Âu Cơ - Nguồn cội đầu tiên của yếu tố "gia đình" Việt (Ảnh minh họa)

Người Tây phương họ cũng có nhu yếu tâm linh trong ngày cưới. Nhưng thay vì là hướng đến tổ tiên nguồn cội, họ đến nhà thờ để mong Chúa chứng giám. Người Việt cũng có những cơ sở tâm linh lớn trong cộng đồng thôn xóm như đình, chùa, nhà thờ họ - phái... Nhưng tại sao họ không đến những nơi đó để biểu lộ ý hướng tâm linh trong ngày cưới?

Ông cha chúng ta có ý thức, muốn lấy yếu tố gia đình làm căn bản, lấy nguồn cội làm biểu tượng cao cả. Ban thờ tổ tiên trong gia đình mới là nơi trụ cột và sinh động thiết thực vì con người, vì hiếu đạo. Đó là đạo của người Việt: Đạo thờ tổ tiên. Hiếu là hiếu ở trong gia đình, hiếu với cha mẹ. Không ai ra đình ra chùa để trả hiếu với Bụt, với thần lình trong khi để quên cha mẹ trong nhà.

Trở về. Đó là cụm từ xác định nhân sinh quan của người Việt với nguồn cội. Đó là lúc một người vừa qua đời. Khi trong nhà có một người vừa tắt thở, sẽ có một người lớn tuổi, có vai vế ngang hàng hoặc trên người vừa mất thắp hương cáo với tổ tiên. Đây là việc cần làm sớm nhất. Người đó mặc áo ngay ngắn đến trước ban thờ khấn vái và trình báo người đã mất về với tổ tiên, xin tổ tiên tiếp nhận. 

Ở quê tôi còn nghi Triệu Tổ. Đây là một phần lễ vô cùng quan trọng trong một đám hiếu. Triệu là quay trở về, quay đầu về bái lễ tổ tiên tiên để được tổ tiên đón chứng giám.

Cuộc sống có thể rong ruổi theo nghề nghiệp mà đi làm ăn xa quê hương. Vì bận kế sinh nhai hơn thua với đời mà có lúc chểnh mảng đường hiếu. Sống làm sao tránh những lúc vụng về nếp ở với gia đình phụng thờ tiên tổ nhưng đau đáu nằm lòng câu: "Ly hương bất ly tổ". Và, nhắm mắt chính là lúc "gặp" tổ tiên, là "đoàn tụ" với tiền nhân. Là TRỞ VỀ - Là HÒA VÀO NGUỒN CỘI.

Đại lễ Giỗ tổ Hùng Vương (Ảnh minh họa)

Đó là việc cần làm đầu tiên khi có một người thân vừa ra đi của người Việt. Điều một người Việt thực sự lo không được tổ tiên đón nhận. "Trở về" mà không được tiếp nhận, không được đón vào trong vòng tay của "đại gia đình dân tộc", không được hòa cùng nguồn cội tiên tổ, là điều tủi hổ vô cùng.

Mỗi ngày đươc thắp lên cây hương trước ban thờ tổ tiên, điều người Việt thấy tủi hổ thẹn lòng là thấy mình không xứng đáng với tổ tiên và giống nòi ký thác trách nhiệm mang cái đẹp và lành đi về tương lai dựng xây đất nước. Vì người Việt biết, có một ngày họ nhất định trở về thực, đó là ngày từ giã cõi dương.

Chính vì trọng sự trở về, trọng nguồn cội mà người Việt Nam xem cái chết nhẹ như chuyến đi xa và gần gũi thân thiện như về lại nơi xưa. Người Việt có tục sắm quan tài trước lúc mất khi tuổi cao. Thầy tôi mất năm 78 tuổi. Trước đó mười mấy năm thầy tự đi sắm cho mình một cổ quan tài . Thầy để quan tài cạnh cái giường của thầy trong phòng. Tôi lúc đó đang nhỏ nên được thầy bảo, đây là chỗ nằm của thầy sau này. Tôi hay cùng với thầy nhấc nắp quan tài lên để lau phía trong.

Tôi không biết có dân tộc nào nữa trên thế giới này ứng xử với cái chết đẹp như vây hay chỉ dân tộc mình.

Không có gì đứng yên trong một tích tắc của thời gian. Khái niệm về cõi vĩnh hằng là một từ trống rỗng và không còn thích hợp. (Ảnh minh họa)

Không có cõi vĩnh hằng. Vĩnh hằng là mãi mãi như vậy không thay đổi. Chúng ta đang ở trong thời đại khoa học, thành tựu từ vật lý lượng tử đã đưa nhận thức nhân loại đi rất xa trong nhận thức về thế giới. Không có gì đứng yên trong một tích tắc của thời gian. Khái niệm về cõi vĩnh hằng là một từ trống rỗng và không còn thích hợp.

Từ đâu bây giờ chúng ta loạng choạng trước ngôn ngữ để không nhận ra giá trị cha ông ngàn đời lưu truyền?

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top