Aa

Để tránh đổ vỡ thị trường, cần tiến tới loại bỏ hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự

Thứ Sáu, 17/11/2023 - 06:05

Tình trạng thanh kiểm tra kéo dài, dự án nhiều năm chưa xong thủ tục đang là một trong những vấn đề “nan giải” đối với DN. Thúc đẩy cải cách, tháo gỡ rào cản là vấn đề được nhấn mạnh từ lâu, nhưng vì đâu vẫn ì ạch?

“Đúng quy trình” nhưng dự án vẫn bế tắc

Tại buổi hội nghị trực tuyến gặp gỡ, đối thoại giữa lãnh đạo UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu với khoảng 200 doanh nghiệp, nhà đầu tư diễn ra vào tuần trước, một chủ đầu tư dự án đã phải bật khóc khi việc thanh tra, kiểm tra kéo dài 2 năm đối với dự án của doanh nghiệp ông vẫn chưa có kết luận và gây thiệt hại nặng nề khi không thể triển khai dự án.

Theo đại diện chủ đầu tư này, dự án đã có đủ cơ sở pháp lý, vì Sở Xây dựng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã xác nhận, tham vấn nhiều lần và khẳng định đúng quy trình. Song, việc thanh kiểm tra lại sau 2 năm vẫn chưa có hồi kết, khiến chủ đầu tư phải “ôm” tài liệu đi khắp các cơ quan, ban ngành để “trình bày”.

“Thậm chí cơ quan cảnh sát điều tra cũng đã kết luận quy trình đầu tư đúng pháp luật, nhưng tỉnh vẫn cứ đẩy “quả bóng” tham vấn cho đủ cơ quan cấp dưới, chúng tôi vẫn cứ khốn khổ. Nếu chúng tôi không phải là chủ đầu tư từ năm 2010 và tuân thủ mọi hướng dẫn của chính quyền địa phương cũng như các Bộ, ngành liên quan thì sao làm nổi các bước tiếp theo để khu đô thị được hình thành khang trang như hôm nay?”, vị đại diện doanh nghiệp nói.

Đại diện chủ đầu tư một dự án tại TP. Vũng Tàu bức xúc bởi việc thanh kiểm tra lại dự án sau 2 năm vẫn chưa có hồi kết. (Ảnh chụp màn hình)

Cũng trong buổi đối thoại với lãnh đạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, đại diện Công ty Nam Long chia sẻ, tình trạng thanh kiểm tra kéo dài, dự án nhiều năm chưa xong thủ tục đang là một trong những vấn đề “nan giải” đối với doanh nghiệp.

Theo đó, sự chồng chéo của một số quy định, cộng với việc cán bộ đùn đẩy trách nhiệm khiến thủ tục dự án đầu tư rườm rà, kéo dài; góp phần dẫn đến tình trạng thanh tra, kiểm toán kéo dài 2-3 năm, thậm chí “không hồi kết” khiến doanh nghiệp bất an, kiệt quệ. Hệ lụy tiếp theo là dòng tiền đứt gãy, chi phí vốn đội lên nhiều lần, lãi vay ngân hàng tăng cao, doanh nghiệp mất đi cơ hội kinh doanh.

Do vậy, tại nhiều tọa đàm, hội nghị, diễn đàn, các doanh nghiệp đều có chung một kiến nghị, đó là việc cải cách hành chính được thực thi mạnh mẽ hơn, hiệu quả hơn để tháo gỡ tốt hơn những rào cản đối với doanh nghiệp, đặc biệt là trong việc triển khai dự án.

TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM). (Ảnh: Tùng Dương/Reatimes)

Chia sẻ với Reatimes, TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, mặc dù đã có những cải cách từ chủ trương, văn bản đến thực tiễn, song doanh nghiệp vẫn đang gánh chịu tình cảnh giấy phép con “trùng trùng điệp điệp”, những thủ tục hành chính kéo dài, một dự án nhiều năm chưa xong thủ tục, dù trước đây đã từng tiến hành rất thuận lợi.

“Có thể nói pháp luật trong các lĩnh vực đầu tư, đất đai, xây dựng còn chồng chéo, trùng lặp, mâu thuẫn, thiếu cụ thể và nhất quán. Việc tuân thủ một “mạng nhện” các quy định không những tạo ra chi phí tuân thủ lớn mà còn gây nhiều rủi ro pháp lý cho doanh nghiệp. Do vậy, không khí đầu tư kinh doanh rất ảm đạm. Nhiều doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động hoặc chờ giải thể, khiến thanh khoản toàn thị trường suy giảm”, TS. Nguyễn Đình Cung khẳng định.

Trước những ách tắc trên thị trường bất động sản, việc cải cách thủ tục hành chính luôn được chú  trọng đề cập, nhấn mạnh trong thời gian qua. Nhưng vì đâu, chúng ta vẫn chưa thoát khỏi sự ì ạch?

Hạn chế tối đa, tiến tới loại bỏ hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự

Theo nhận định của chuyên gia, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng “chùn tay” của không ít công chức thực thi là vấn đề “hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự”, gián tiếp khiến thủ tục dự án chậm phê duyệt, kéo dài, là tiền đề cho hàng loạt những cuộc thanh tra, kiểm tra về sau.

Đề cập đến một số hệ lụy của việc “hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự”, GS. TS. Phan Trung Lý, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, một vụ án hay một doanh nhân nếu chỉ vì quan hệ kinh tế mà bị hình sự hóa sẽ gây phản ứng rất tiêu cực. Doanh nghiệp có thể bị “sụp đổ”, người lao động mất việc làm, Nhà nước thất thu ngân sách. Có những doanh nghiệp trong một hệ sinh thái bị hình sự hóa thì cả hệ sinh thái đó chịu ảnh hưởng, thậm chí cả một ngành bị ảnh hưởng. Còn một khía cạnh khác ít được nhắc đến khi bị hình sự hóa, đó là tinh thần kinh doanh cũng bị suy sụp.

Vì vậy, cần nhận thức rành mạch khi nào, những hành vi nào áp dụng cho quan hệ dân sự, kinh tế, được coi là hình sự. Thay vì kiến nghị, yêu cầu, những nội dung này cần phải có quyết định bằng luật, bởi nếu quy định không rõ ràng, minh bạch thì rất khó giải quyết vấn đề.

Đồng thời, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội lưu ý sự linh hoạt trong cách hiểu và áp dụng. Đó là trong thời điểm cụ thể, giai đoạn cụ thể, các quan hệ này phải được đối xử như quan hệ dân sự, quan hệ kinh tế. Vì nó được điều chỉnh bằng pháp luật dân sự và pháp luật kinh tế chứ chưa phải pháp luật hình sự, có nghĩa là không được hình sự hóa các vấn đề dân sự, kinh tế.

 Ảnh minh họa: Bùi Văn Doanh/Reatimes

Về vấn đề này, TS. Nguyễn Đình Cung nhiều lần đề nghị hạn chế tối đa, tiến tới loại bỏ hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự. Theo ông, các hoạt động kinh tế phát sinh hay dựa trên hợp đồng dưới mọi hình thức giữa các bên đều là việc kinh tế dân sự; không thuộc đối tượng áp dụng của Luật Hình sự. Bất cứ tranh chấp, hay vi phạm pháp luật nào trong các quan hệ nói trên đều giải quyết qua tòa kinh tế dân sự.

“Trong trường hợp luật pháp chưa rõ ràng, còn có nhiều cách hiểu và có thể áp dụng khác nhau, thì nên sử dụng cách hiểu và cách áp dụng có lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp”, TS. Nguyễn Đình Cung nói.

Cụ thể trong lĩnh vực bất động sản, chuyên gia pháp lý dự án, Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn và Đầu tư FII Việt Nam (FIIVN) - ông Trần Đại Nghĩa cho rằng, thời gian qua, nhiều vụ án liên quan đến lĩnh vực đất đai đã tạo ra tâm lý đè nén, né tránh cho nhiều bên liên quan. Hệ quả của việc này chính là đất đai ở nhiều nơi trên cả nước bị hoang hóa, bỏ trống rất lãng phí, xót xa.

Trong đó, có không ít các vụ án bị khởi tố liên quan đến việc xác định tiền sử dụng đất của dự án. “Điều này là không cần thiết và chỉ làm môi trường đầu tư của Việt Nam mất đi sức hút”, ông Trần Đại Nghĩa nhận định và nêu dẫn chứng, có những trường hợp đất ven quốc lộ, bỏ trống cũng không ai sử dụng, nhưng khi doanh nghiệp vào đề nghị được thuê lại và dựng biển quảng cáo, lại có những kết luận hậu kiểm hoặc điều tra cho rằng đây là sai phạm cho thuê đất phải xử lý hình sự, điều này hết sức phi lý.

Ông Trần Đại Nghĩa, chuyên gia pháp lý dự án, Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn và Đầu tư FII Việt Nam. (Ảnh: Diễn đàn Doanh nghiệp)

Theo đó, việc thu tiền sử dụng đất có thể dựa trên chính hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp. Trong trường hợp này, nếu doanh nghiệp mua được đất giá rẻ và làm dự án thu được lợi nhuận lớn thì có thể đánh vào chính doanh thu, ví dụ như việc Nhà nước thu hồi lại 50% doanh thu, nếu doanh nghiệp chủ động khắc phục được thì sẽ không bị chuyển sang hình sự.

“Có doanh nghiệp tham gia sẽ tăng ngân sách và tạo thu nhập cho toàn xã hội. Giả sử có sai phạm thì hồ sơ sổ sách có đầy đủ, doanh nghiệp lời lỗ ra sao đều có thông tin, với các quan hệ kinh tế như thế này thì nhất định không nên hình sự hóa. Việc sửa đổi chính sách đất đai cần tránh được việc này”, ông Trần Đại Nghĩa khẳng định.

Còn nhớ tháng 8/2022, Chỉ thị 13 của Thủ tướng được ban hành, đề cập đến một số biện pháp thúc đẩy thị trường bất động sản, trong đó, tiếp tục nhấn mạnh quan điểm “không hình sự hóa các quan hệ kinh tế - dân sự với kinh doanh bất động sản”.

Nghị quyết 41-NQ/TW ngày 10/10/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới cũng đưa ra quan điểm “không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, mà phải bổ sung các chế tài phù hợp để xử lý vi phạm”. 

Cộng đồng doanh nghiệp rất hy vọng, việc “chống hình sự hóa” quan hệ kinh tế, dân sự này sớm có quy định rõ ràng và được thúc đẩy thực thi thực sự.

ĐBQH, Luật sư Trương Trọng Nghĩa, Ủy viên Ban Thường vụ, nguyên Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam nhiệm kỳ I

Sau những vụ việc sai phạm trên thị trường chứng khoán và trái phiếu, xử lý kịp thời và nghiêm minh các doanh nghiệp cùng các bên liên quan là quan trọng, nhưng không nên để đổ vỡ thị trường, không nên có sự thay đổi đột ngột, đảo chiều chính sách tác động tiêu cực lớn hơn đối với sự phát triển của thị trường. Việc thắt chặt huy động vốn, tín dụng thông qua thị trường chứng khoán và trái phiếu về mặt chính sách là chưa cần thiết.

Về nguyên tắc trong xử lý với các hành vi đan xen giữa dân sự, hành chính và hình sự, không nên hình sự hóa nhưng cũng không dân sự hóa mà tất cả phải theo luật. Bản chất là dân sự xử theo dân sự, hành chính thì xử hành chính, hình sự thì xử hình sự nhưng khi xử hình sự thì phải đảm bảo đúng quy định hình sự. Có nghĩa là bảo đảm nguyên tắc suy đoán vô tội.

Cũng cần lưu ý, vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh khác với các tội phạm cướp của, giết người, ma túy, có nghĩa không cần bắt giam thì không bắt giam, nếu người ta có khả năng khắc phục hậu quả thì tạo điều kiện để khắc phục hậu quả. Nếu vận dụng biện pháp đặc biệt thì cũng phải đúng quy trình luật định và kinh tế thị trường.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top