Aa

Doanh nghiệp ngành xây dựng quý I/2024: Thoát lỗ nhưng chưa thoát khó

Thứ Bảy, 11/05/2024 - 06:00

Quý I/2024 vẫn là một quý khá khó khăn đối với các doanh nghiệp xây dựng và nhà thầu. Bức tranh kinh doanh của nhiều doanh nghiệp vẫn còn không ít mảng màu tối khi doanh thu, lợi nhuận ở mức thấp; việc thu hồi công nợ chậm khiến áp lực về dòng tiền vẫn ở mức đáng báo động.

Thị trường bất động sản chưa "khoẻ", doanh nghiệp xây dựng cũng vực dậy đầy khó khăn

Báo cáo xu hướng sản xuất, kinh doanh ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và xây dựng quý I/2024 và dự báo quý II/2024 của Tổng cục Thống kê cho thấy, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp xây dựng trong quý I/2024 khó khăn hơn quý IV/2023. Cụ thể, có 16,3% doanh nghiệp nhận định hoạt động sản xuất kinh doanh thuận lợi hơn; 41,5% doanh nghiệp nhận định hoạt động giữ ổn định và 42,2% doanh nghiệp cho rằng hoạt động sản xuất kinh doanh khó khăn hơn. Trong đó, có những thách thức, khó khăn đã âm ỉ từ lâu làm kìm hãm sức bật của doanh nghiệp xây dựng, bao gồm: Nợ đọng - thiếu vốn, thiếu nguồn việc, cạnh tranh giữa các doanh nghiệp và chi phí.

Theo đó, những khó khăn này đã được thể hiện rõ qua kết quả kinh doanh quý I/2024 được các doanh nghiệp công bố qua các cuộc họp đại hội đồng cổ đông được tổ chức liên tiếp trong thời gian vừa qua. Từ đây, cũng cho thấy nhiều doanh nghiệp xây dựng thoát lỗ nhưng chưa thực sự khoát khỏi khó khăn.

Cụ thể, theo báo cáo tài chính quý I/2024 vừa công bố, doanh thu của Công ty Cổ phần FECON (mã: FCN) đạt 611 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, giá vốn hàng bán tăng nhanh hơn đã khiến cho lợi nhuận gộp của công ty giảm đến 21,2% và chỉ đạt 96,8 tỷ đồng.

Doanh nghiệp ngành xây dựng quý I/2024: Thoát lỗ nhưng chưa thoát khó- Ảnh 1.

Kết thúc 3 tháng đầu năm, FECON ghi nhận lãi sau thuế giảm mạnh 77,4% so với quý I/2023. (Ảnh: FECON)

Cũng trong quý I, doanh thu tài chính của FECON đạt 9 tỷ đồng, tăng 58%, trong khi chi phí tài chính giảm 30% về 48 tỷ đồng. Chi phí quản lý 50 tỷ đồng, tăng 8%. Khấu trừ đi các chi phí, kết thúc 3 tháng đầu năm, FECON ghi nhận khoản lãi sau thuế hơn 635 triệu đồng, giảm 77,4% so với quý I/2023.

Theo đại diện FECON, nguyên nhân khiến lợi nhuận suy giảm là do tình hình cạnh tranh của thị trường. Trên cơ sở đó, công ty đã ưu tiên lựa chọn các dự án có dòng tiền đảm bảo, mặc dù giá thấp hơn, tỷ suất lợi nhuận giảm. Bên cạnh đó, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp trong kỳ tăng lần lượt 588,26 triệu đồng và 3,56 tỷ đồng tương ứng mức tăng lần lượt là 12,72% và 7,7% cũng là nguyên nhân khiến lợi nhuận FECON "đi lùi" trong quý đầu năm.

Tương tự, Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Ricons vừa công bố BCTC quý I/2024, ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.619 tỷ đồng, giảm 6% so với cùng kỳ. Hầu hết các mảng kinh doanh của công ty đều giảm, trong đó mảng xây lắp giảm 5%, bất động sản đầu tư giảm 66%, cho thuê và thanh lý thiết bị xây dựng giảm 34%.

Giá vốn của Ricons giảm mạnh, theo đó lợi nhuận gộp thu về 58 tỷ đồng, tăng 38%, tương ứng biên lợi nhuận gộp đạt 3,6%. Hoạt động tài chính suy giảm, trong khi các chi phí hoạt động tăng. Khấu trừ các chi phí, Ricons lãi sau thuế 14,3 tỷ đồng, giảm 7% so với cùng kỳ năm trước.

Hay theo báo cáo tài chính được Công ty Cổ phần Xây dựng Phục Hưng Holdings công bố, trong 3 tháng đầu năm, công ty đạt doanh thu 203,2 tỷ đồng, giảm 41,41%; lợi nhuận sau thuế đạt 915 triệu đồng, giảm 57,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Trước đó, Phục Hưng Holdings cũng đã trải qua năm 2023 nhiều khó khăn với lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 8,5 tỷ đồng, giảm 57% so với năm 2022 và là mức lãi thấp nhất trong 10 năm trở lại đây.

Trong khi đó, trái ngược với 3 doanh nghiệp trên ghi nhận mức lợi nhuận sụt giảm so với cùng kỳ năm 2023 thì vẫn có số ít doanh nghiệp báo lãi. 

Như Công ty Cổ phần Xây dựng Coteccons (mã: CTD) ghi nhận kết quả khá khả quan khi tại báo cáo kết quả kinh doanh hợp nhất quý 3 của niên độ tài chính 2023 - 2024 (từ ngày 1/1 - 31/3/2024), công ty ghi nhận mức doanh thu thuần đạt 4.666 tỷ đồng, tăng 49% so với cùng kỳ năm trước.

Doanh nghiệp ngành xây dựng quý I/2024: Thoát lỗ nhưng chưa thoát khó- Ảnh 2.

Trong quý I/2024, vẫn có doanh nghiệp xây dựng báo lãi. (Ảnh: Dân trí)

Được biết, trong quý này, lợi nhuận gộp của Xây dựng Coteccons cao gấp gần 4 lần so với cùng kỳ năm trước, đạt 221 tỷ đồng. Qua đó, giúp biên lợi nhuận gộp tăng 3 điểm phần trăm, đạt 4,7%.

Sau khi trừ các chi phí phát sinh trong hoạt động kinh doanh, Coteccons thu về 105 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, gấp 4,8 lần so với mức đạt được cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là mức lợi nhuận cao nhất của Xây dựng Coteccons trong 15 quý gần nhất.

Một trường hợp khác, được biết đến là doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực xây dựng song trong bối cảnh thị trường bất động sản gần như "đóng băng" trong 2 năm vừa qua, Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (mã: HBC) cũng đang chật vật để tồn tại.

Theo ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT Xây dựng Hòa Bình, công ty đã trải qua năm 2023 đầy sóng gió, trong đó có những khó khăn đã manh nha từ năm 2017, trước khi có nhiều biến cố bất lợi cho ngành xây dựng, đặc biệt là trong xây dựng nhà ở đô thị và du lịch nghỉ dưỡng - hai lĩnh vực xây dựng chủ yếu của HBC. Tính đến thời điểm cuối năm 2023, HBC lỗ lũy kế 3.240,3 tỷ đồng, khiến vốn chủ sở hữu của Tập đoàn giảm xuống chỉ còn 93,4 tỷ đồng, giảm 92,3% so với năm 2022. Tổng tài sản 15.249,8 tỷ đồng, trong khi nợ phải trả đến 31/12/2023 là 15.156,5 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình, đối diện với những sóng gió tưởng chừng không thể vượt qua, nhưng Hòa Bình đã nỗ lực và vượt qua được tình thế "bĩ cực, ngàn cân treo sợi tóc". 

Ngay trong quý I/2024, Tập đoàn này đã đón tín hiệu lạc quan khi sau một thời gian dài thua lỗ thì nay đã có lãi trở lại. Được biết, Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình ghi nhận doanh thu quý I đạt 1.650,9 tỷ đồng, tăng 38,2% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế ghi nhận lãi 57,75 tỷ đồng so với cùng kỳ lỗ 443,8 tỷ đồng. Trong đó, công ty không còn kinh doanh dưới giá vốn, biên lợi nhuận gộp chuyển từ âm 17%, lên dương 1,3%. Như vậy, công ty này đã ngắt mạch 5 quý lỗ liên tiếp.

Trong kỳ, lợi nhuận gộp của Xây dựng Hòa Bình ghi nhận dương 21,3 tỷ so với cùng kỳ âm 202,6 tỷ đồng, tức tăng thêm 223,9 tỷ đồng. Ngoài ra, doanh thu tài chính tăng 44,48 lần so với cùng kỳ, tương ứng tăng thêm 111,2 tỷ đồng, lên 113,7 tỷ đồng. Theo đại diện Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình, doanh thu tài chính quý I tăng nhờ lãi bán các khoản đầu tư ghi nhận 109 tỷ đồng so với cùng kỳ không ghi nhận.

Doanh nghiệp ngành xây dựng quý I/2024: Thoát lỗ nhưng chưa thoát khó- Ảnh 3.

Xây dựng Hòa Bình thoát lỗ quý I/2024 nhờ lãi bán các khoản đầu tư.

Doanh nghiệp xây dựng vẫn đau đầu với thách thức mang tên "nợ đọng"

Bên cạnh những "tia sáng" về mức lợi nhuận đã có sự phục hồi thì thực chất, doanh nghiệp xây dựng, nhà thầu vẫn đối mặt với một khó khăn muôn thuở là nợ đọng. Đây là câu chuyện không còn mới đối với các doanh nghiệp xây dựng và đã trở nên nghiêm trọng hơn khi thị trường bất động sản phải trải qua 2 năm "nguội lạnh" khiến cho dòng tiền của chủ đầu tư gặp khó.

Với đặc thù ngành xây dựng là làm trước, thanh toán sau và chỉ được tạm ứng ban đầu một phần, các doanh nghiệp phần lớn phải đi vay ngân hàng để triển khai dự án, dẫn đến rủi ro nợ xấu cho doanh nghiệp xây dựng hiện hữu khi chủ đầu tư không đảm bảo tiến độ thanh toán hay thậm chí là không thanh toán. Trong khi đó, có đến 90% các công ty xây dựng là doanh nghiệp vừa và nhỏ, chỉ một hợp đồng bị nợ đọng sẽ ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe tài chính của doanh nghiệp.

Theo các chuyên gia, trong 3 tháng đầu năm, thị trường bất động sản đã có tín hiệu khởi sắc nhưng còn nhiều khó khăn, các dự án vẫn gặp vướng mắc lớn về pháp lý. Đây là nguyên nhân chính khiến chủ đầu tư bất động sản vẫn khó khăn về dòng tiền và chưa thể thanh toán các khoản nợ cho doanh nghiệp xây dựng, nhà thầu.

Đơn cử như Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình dù đã báo lãi trở lại nhưng đến cuối quý I/2024, công ty này vẫn đang lỗ lũy kế tới 3.182 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu chỉ còn 149,1 tỷ đồng. Tổng nợ phải trả vẫn ở mức rất cao với 14.743 tỷ đồng, trong đó nợ vay là 4.485 tỷ đồng, gấp 30 lần vốn chủ sở hữu. Tổng tài sản của Xây dựng Hòa Bình đạt mức 14.892 tỷ đồng, giảm gần 350 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, gần 70% tài sản của công ty là các khoản phải thu ngắn hạn, đạt 10.239 tỷ đồng.

Doanh nghiệp ngành xây dựng quý I/2024: Thoát lỗ nhưng chưa thoát khó- Ảnh 4.

Ảnh minh họa: IT

Tương tư, tính tới ngày 31/03/2024, tổng tài sản của Ricons là hơn 7.466 tỷ đồng, giảm 5% so với đầu năm. Chiếm tỷ trọng lớn nhất là các khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng không biến động nhiều so với đầu kỳ, ở mức gần 3.687 tỷ đồng. Dự phòng phải thu ngắn hạn ở mức trên 250 tỷ đồng.

Còn với Fecon, tới thời điểm cuối tháng 3, các khoản phải thu của doanh nghiệp này chiếm 47,2% tài sản, đạt 4.005 tỷ đồng, tăng 6,7% so với cùng kỳ.

Từ góc nhìn của doanh nghiệp nhà thầu xây dựng, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) đánh giá, hiện nay các doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều vướng mắc về mặt pháp lý, khi luật pháp của ngành xây dựng vẫn chưa bám sát được tính chất đặc thù "làm trước trả sau" của ngành, tức là vay tiền - mua vật liệu - làm xong rồi mới được tính tiền.

Doanh nghiệp ngành xây dựng quý I/2024: Thoát lỗ nhưng chưa thoát khó- Ảnh 5.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam. (Ảnh: Tin nhanh chứng khoán)

"Hiện nay trong số các nhà thầu xây dựng Việt Nam, có khoảng 85% các nhà thầu đều có công nợ. Bởi các nhà thầu phải vay tiền ngân hàng để mua nguyên vật liệu, thậm chí trả công công nhân. Thế nhưng tiền của chủ đầu tư thì không thanh toán được", ông Hiệp thông tin và cho rằng, các doanh nghiệp xây dựng hiện nay cần có được cơ chế phù hợp hơn.

Kỳ vọng lớn vào làn sóng FDI đang đổ vào Việt Nam

Thời gian vừa qua, Chính phủ và các bộ ban ngành cũng đã có sự vào cuộc quyết liệt nhằm gỡ khó cho cộng đồng doanh nghiệp nói chung và thị trường bất động sản nói riêng. Khi bất động sản và xây dựng có mối quan hệ cộng sinh mật thiết, thì thị trường bất động sản càng nhanh chóng phục hồi, doanh nghiệp nhà thầu xây dựng càng sớm thoát khỏi khó khăn.

Theo Vietnam Report, qua khảo sát từ góc nhìn của các doanh nghiệp trong ngành xây dựng, đơn vị này đã ghi nhận được những động lực được kỳ vọng kích thích thị trường, đặt nền móng cho sự phục hồi của ngành này trong năm 2024.

Về ngoại lực, các chính sách tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ, cùng với đà tăng của nguồn vốn đầu tư (cả vốn đầu tư nhà nước và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài) đang được kỳ vọng là "rìu phá băng" đẩy nhanh quá trình phục hồi cho doanh nghiệp xây dựng.

Trong đó, các doanh nghiệp xây dựng đặc biệt kỳ vọng, giai đoạn tới thị trường sẽ đón nhận các yếu tố hỗ trợ tích cực với tình hình kinh tế vĩ mô ổn định, phục hồi, các cân đối lớn được đảm bảo, thị trường bất động sản bước qua thời điểm khó khăn nhất và ghi nhận sự chuyển biến với các điểm nghẽn pháp lý đang dần được tháo gỡ, niềm tin thị trường được vực dậy, tạo điều kiện cho sự phục hồi của các doanh nghiệp xây dựng.

Cùng với đó là những kỳ vọng được hưởng lợi từ làn sóng FDI đang đổ vào Việt Nam. Bất chấp những bất định của kinh tế toàn cầu, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam năm 2023 vẫn giữ vững, đạt hơn 36,6 tỷ USD, tăng 32,1% so với năm trước. Dòng vốn FDI vào Việt Nam tăng mạnh năm 2023 đã tạo tiền đề thuận lợi cho triển vọng tích cực hơn nữa trong năm nay khi vị thế về địa chính trị, trung tâm sản xuất được củng cố, vị trí, vai trò của Việt Nam trong dòng chảy FDI toàn cầu tiếp tục được nâng lên.

Ngoài ra, các doanh nghiệp xây dựng cũng kỳ vọng sức mạnh nội tại của bản thân đã được tích lũy, xây dựng và củng cố trong thời gian qua sẽ là điểm tựa để doanh nghiệp tạo ra những chuyển biến tích cực trong thời gian tới./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top