Aa

Nước “lá mùng 5”

Thứ Bảy, 08/06/2019 - 06:00

Nâng niu bát nước lá mùng 5 bạn được mời uống khi đến quê tôi, bạn biết có vốn sống kia qua nhiều thế hệ giữ gìn...

Chúng tôi lên rú hái lá mùng 5 và thắp hương phần mộ người thân. 

Sáng hôm qua, mùng 5 tháng 5, chúng tôi chặt lá và phơi lá mùng 5.

Lá mùng 5. Trong tôi, cụm từ này chuyên chở cả tuổi thơ và trời quê hương nơi có mẹ cha và thầy tổ người thân.

Vào nhà một người dân ở quê tôi, bạn được mời nước, người chủ nhà vừa pha nước vừa nói với bạn: Mời anh (chị) uống bát nước lá mùng 5. Bạn nhớ hãy uống chậm để tận hưởng hương và vị của nó.

Bạn sẽ chựng lại, và ngạc nhiên với cụm từ, nước lá mùng 5. Nhưng uống xong bát đầu, tôi tin nhất định là bạn tự động xin chủ nhà pha cho bát nữa để tận hưởng và ngẫm nghĩ xem mình đang uống thứ nước gì đặc biệt thế.

Tôi đi xa, bận việc, nhưng sao vẫn muốn về quê ngày này. Nhớ rú, nhớ hương nồi nước lá mùng 5 thơm mùi cây cỏ. Thứ mùi thơm dễ chịu như một hương vị thuốc giúp cơ thể khỏe ra, vơi bớt những nhọc nhằn.

Lá mùng 5 sau khi phơi khô chỉ cần rửa sạch bỏ vào nấu sôi một lúc, chừng độ dăm phút là được. Nước có màu vàng nhạt. Mùa đông, uống một bát nước lá mùng 5 là ấm bụng, cảm thấy chắc dạ, khỏe người. Mùa hè, cũng là bát nước lá mùng 5 ấy, ta lại cảm thấy được thanh nhiệt, dễ chịu vô cùng.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Sáng nay, tôi ngồi chặt lá mùng 5. Bỗng thấy chính mình, hình ảnh hôm nay, đang làm cái công việc mà mấy mươi năm trước thấy thầy tôi làm. Những ngày này, thầy tôi đi nhổ khắp vườn đủ các loại cây lá và ngồi chặt lá phơi khô để uống. Chính tình yêu, sự nâng niu, quý trọng trong tôi với cây cỏ và thiên nhiên là từ nơi cách sống này của thầy, của quê hương.

Hôm qua, đứng trước rú bạt ngàn đủ các loại cây, tôi hỏi mẹ tôi tên loài cây tôi đang chỉ. Bà bảo, bà có thể đọc tên bất cứ loại cây lá nào ở rú. Cuộc sống được trao truyền trực tiếp qua nhiều thế hệ. Mẹ tôi đã sống với vốn sống đó, rất quê, rất thực và hữu ích. Tôi cũng yêu rú, thích nhiều điều về mộ và rú nhưng chỉ biết được một vài loài cây.

Mỗi lần lên rú, tôi ái ngại và xót xa nhất là khi thấy cây cối nơi rú bị chặt đốn. Người ta sống nhờ cây, nhờ thiên nhiên, nhưng sao rất vô tâm khi chặt ngắt một nhánh cây. Tôi hay băn khoăn điều đó.

Dân quê tôi tin, là các loài cây ở rú ra hoa vào dịp này, nó chỉ có mùi thơm đúng vào trưa ngày mùng 5. Bạn tin những điều này không?

Niềm tin này vô cùng quan trọng. Tôi thấy mình tự hào về điều này. Nhờ niềm tin này mà người quê tôi biết quý và duy trì bát nước lá mùng 5 đậm đà đến hôm nay.

Làng quê Thi Ông của tôi tổ tiên dựng lập đã hơn 500 năm. Có nghĩa là hiểu biết của mẹ tôi và người dân quê tôi về tên và tính chất các loài lá đã được trao truyền qua nhiều thế hệ nơi mảnh đất này đã hơn 500 năm qua rồi.

Để biết được dược tính của một cây thuốc Nam, đó là cả một quá trình dài trao truyền, tiếp nối. Qua nhiều ngàn năm, hiểu biết của nhiều lớp người được tích lũy, ta có kết quả hôm nay trên sách thuốc Nam.

Khi chúng tôi sinh ra lớn lên lỡ ốm đau do trái gió trở trời, từng chiếc lá quanh vườn được mẹ tôi dùng chăm con. Hiểu biết đó được trao truyền đã qua vài ngàn năm.

Tục hái lá thuốc mùng 5 như một nhắc nhở từ mẹ thiên nhiên, từ những người mẹ Việt, một lời nhắc linh thiêng được lưu truyền trong dân gian: “Mọi người lưu ý hái một ít lá cây quanh mình, mỗi một cây lá bên mình là một vị thuốc có sẵn để dùng khi cần thiết”. Nước Việt là vậy. Nhọ nồi, mần trầu, ngũ sắc, râu ngô, lá ổi, lá chanh, lá bưởi… có loài cây lá nào mà không phải một vị thuốc để chữa bệnh.

Nhân gian là một thực thể bằng đời sống của muôn triệu người góp lại, tích lũy tô bồi làm vốn sống qua thời gian dài... Nâng niu chiếc lá sáng nay trên sân trời mùng 5, nâng niu bát nước lá mùng 5 bạn được mời uống khi đến quê tôi, bạn biết có vốn sống kia qua nhiều thế hệ giữ gìn.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top