Con người luôn cần một chỗ để quay về, để an trú. Đó là nhu yếu sâu thẳm, thường hằng trong bất cứ con người nào. Nhưng không phải ai cũng biết và tìm ra được phải quay về đâu, an trú nơi đâu. Ở nhiều người, đôi lúc họ tưởng như không cần đến một niềm tin mà vẫn sống bình yên. Còn tuổi trẻ, nhờ sinh lực và nhiệt huyết sống chạy về hướng đam mê kiếm tìm đầy năng động nên đã che lấp cái nhu yếu cần đến một niềm tin. Đó chỉ là ảo giác.
Là con người, bạn luôn phải bám víu vào một đối tượng nào đó. Đối tượng đó là thần linh, là thượng đế, là danh vọng và tiền tài, vật dục… Trong tự nhiên, bạn không có khả năng đối diện chính mình. Ta thường thấy ta xuyên qua một lớp vỏ nào đó. Và qua đó con người “thấy” mình tồn tại. Và cứ như vậy con người rong ruổi mãi. Chỉ đến khi xuôi tay mới thấy mình trắng tay.
Tôi thường nói với mọi người: Nên quy y, đến khi nằm trên giường bệnh mới thấy vấn đề “mình thuộc về đâu đó" nó quan trọng đến nhường nào. Khi sinh lực sống của sức bình sinh suy giảm, thân thể phải đối diện với sự già nua, ước muốn và thực tế không đi đôi, ta mới thấy sự trống rỗng của danh vọng, vật chất.
Trong dòng sống vô cùng luân lưu trôi chảy mãi của thế giới này, cái chết không phải là dấu chấm hết của sự vật. Nhưng nó là một biến cố trọng đại đánh dấu khả năng định dạng cho tiến trình đi lên hay đi xuống từ lực đẩy sự sống lúc sinh tiền. Bạn đã tạo ra lực đẩy hướng thượng gì lúc sống? Quy y rồi, bạn sẽ không hốt hoảng và hoang mang mất định hướng vào những giờ phút trọng đại đó.
Bụt dạy, thế giới biến động tuân theo quy luật “thành trụ hoại không”. Vạn vật sinh tồn chịu sự chi phối của “sinh trụ dị diệt”. Bởi vậy, không có gì chắc thật giữa thế gian đầy biến chuyển vô thường này có thể làm chỗ nương tựa an ổn cho ta.
“Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi, hãy nương tựa chính mình, lấy chánh pháp làm hải đảo, làm nơi nương tựa”. Quy y giúp bạn tìm thấy bạn không phải qua trung gian vọng cầu, mà nó là một nỗ lực khám phá khả năng vô biên tiềm ẩn trong bạn. Bụt có ở trong ta. Bụt là khả năng của hiểu lớn và thương lớn. Pháp là con đường nuôi lớn sự tỉnh thức. Tăng là đoàn thể những con người nguyện sống cuộc đời tỉnh thức.
Nếu bạn là một người Việt chưa mất gốc, ngay cả khi bạn chỉ ăn chay một tháng bốn ngày bạn cũng không được giết và ăn các loài vật một cách không đắn đo. Trước, quê tôi mọi người không biết ăn thịt chó. Thịt mèo lại càng không. Nhưng bây giờ thì những quán “tiểu hổ” lại mọc lên. Sống không có niềm tin, không có gì để kiêng và sợ phạm vào lầm lỗi, con người không có cơ hội thực tập lòng thương. Sẵn sàng ăn bất luận loài vật nào, là cái nhân ươm mầm cho bản tính sát hại vô kể.
Người phật tử có nhận thức thế này, hạnh phúc không phải là vấn đề của cá nhân và đối tượng mà họ nhắm đến luôn là vì số đông. Mà số đông ở những quốc gia lúa nước này là người nông dân. Chiếc áo nâu sòng mà quý vị thấy là một hình ảnh nông dân ấy. Đó là hình ảnh Việt trong chiếc áo ông thầy tu.
Đứng về tầng lớp ấy, nếp sống của người tu là nếp sống giản dị bằng “tam thường bất túc”. Người tu không được đầy đủ về ba phương diện: ăn, mặc và ngủ nghỉ. Phải thiếu một tí trong ba lĩnh vực đó là khôn ngoan của nếp sống đạo. Đạo lý về yêu thương, về lòng vị tha bao dung, về không chỉ trích lỗi người, về nghiệp báo trả vay, như hình với bóng để dạy cho con người biết làm điều lành, tạo phúc ấm cho gia đình đã ăn sâu vào nếp nghĩ của người Việt.
“Thương người như thể thương thân”, đó là một ảnh hưởng đậm chất Phật giáo. “Ở ống thì dài ở bầu thì tròn” là đạo lý tuỳ duyên... Cả một nền ca dao dân ca và tục ngữ chứa đầy nội dung Phật giáo, nhưng đã được dân gian hoá.
Nếu đã có con và là chủ một gia đình, thế nào trong ngôi nhà của bạn cũng phải có một ban thờ Phật và tổ tiên. Mọi thành viên trong gia đình phải biết thắp hương. Con trẻ phải biết tập lễ tổ tiên và cúi đầu khi đi ngang trước ban thờ. Ta thường dạy con ta đi ngang trước người lớn phải cúi đầu. Con trẻ trong nhà phải được biết trên ban thờ đó ta thờ những ai.
Tôi thường nói, quá khứ hùng thiêng của bốn nghìn năm dân tộc người Việt tôn thờ trên Bát hương ban thờ gia tiên. Thắp một cây hương lên ban thờ, là giây phút trong yên lặng ta thắp lên niềm thương kính nguồn cội.
Ta có nguồn cội. Ta phải biết thương kính nguồn cội của mình. Thắp một cây hương như thế chính là văn hoá có bản sắc. Ta không có biểu hiện thương kính nguồn cội của ta, thì ta có thể bảo ai đến đây để kính trọng nền văn hoá của cha ông ta. Thắp một cây hương là cách biểu lộ của người Việt với nguồn cội tổ tiên của mình.
Đó là dấu ấn. Khi ta có lòng thương với đối tượng nào đó, thì trong ta có niềm kính trọng với người đó. Ta không thể có tình thương với đối tượng mà ta xem thường. Khi thắp một cây hương, ta đứng yên, theo dõi ít nhất ba hơi thở vào ra cho tâm ta lắng dịu, ta gởi lòng thương kính của ta đến tổ tiên.
Thắp được một cây hương như thế, ta không thấy ta lạc lõng với gốc rễ huyết thống của ta. Cắm hương lên lư, ta bắt đầu lạy xuống sát đất trước ban thờ. Lạy thì phải có đủ năm vóc sát đất, gọi là “đầu địa ngủ thể”. Năm vóc gồm có đầu, hai tay, hai đầu gối. Trong tư thế phủ phục, ta không thấy ta là một cá thể riêng rẽ biệt lập ngoài dòng giống huyết thống này. Ta thuộc về nòi giống con cháu Lạc Hồng.
Đó đích thị là người đã quy y, là thực tập để nuôi dưỡng, để ta không đánh mất liên lạc với quá khứ. Tìm hiểu về nếp sống của cha ông, ta chạm phải một nền văn hoá tâm linh 2000 năm của Đạo Bụt Việt. Nghiên cứu gần đây cho thấy vào đầu Kỷ nguyên Tây lịch, Đạo Bụt đã có mặt ở Việt Nam, trước cả Trung Hoa. Chính vì vậy mà vào buổi đầu lập quốc, bao nhiêu năm Trung Hoa đô hộ ta vẫn không bị đồng hoá. Buổi đầu đó, nếu không có văn hoá đạo Bụt, ta không có tường thành văn hoá nào hữu hiệu để chống đỡ lại sức mạnh Hán hoá, đến từ tầng lớp Nho gia và Lão giáo vốn mang đầu óc khinh miệt, cho dân ta là thấp kém.
Dân tộc này đã đi qua bao binh lửa điêu linh, bao phen ly loạn tan tác bởi nhiễm độc văn hoá nô dịch muốn biến dân ta thành nô lệ, bởi những chủ nghĩa ý thức hệ thiếu nhân bản. Nhiễm độc văn hoá cộng với cuồng tín giáo điều mà biết bao thế hệ đã không nhìn thấy gốc rễ văn hoá quý báu nơi cha ông mình.
Bạn là người Việt, khi bạn đi ra ngoài làm sao để người ta biết bạn là người Việt, như khi bạn sống trong một khu dân cư nhiều người nước ngoài chẳng hạn? Mà bây giờ các khu cao ốc ở các thành phố lớn, người Việt và người nước ngoài sống lẫn lộn nhiều lắm. Làm sao bạn tự hào với họ về bề dày lịch sử văn hiến của nước ta, mà bạn là thế hệ tiếp nối truyền thống văn hoá đó? Người ta nhìn vào tập quán sống của bạn.
Nhớ ở thời điểm năm 1975, khi đất nước thống nhất, những người ra đi tập kết trở về quê đoàn tụ và sinh sống làm việc. Khi vào nhà họ, tôi không thấy ban thờ ở căn giữa. Với tôi lúc ấy, đó là điều lạ lùng nhất, ngạc nhiên và thấy mình không hiểu được lớp người này. Tuổi nhỏ, nhưng trong tôi dâng lên cái cảm giác khó chịu và bất bình khi bước vào những ngôi nhà như thế. Họ sống không có tổ tiên, làm sao ta có thể kính trọng họ. Khi hiểu ra, tôi thấy thương cho họ, nên mới tìm cách nói chuyện cho họ biết về quy y là thế nào. Tôi thường khuyên mọi người nên quy y, ngay cả những người hoàn toàn chưa biết gì về giáo lý.
Rất nhiều người đã sinh ra trong giai đoạn chiến tranh, lầm nghĩ mình không thuộc nền văn hoá đạo Bụt, và đã từ chối luôn chuyện thờ cúng tổ tiên. Đó là một sự mụ mẫm trong tiếp thu văn hoá đã làm cho cả một lớp người mất gốc.
Một thời người ta đã cho bất cứ cái gì liên quan đến thờ cúng đều quy cho là mê tín, phải dẹp bỏ. Đồng nghĩa là dẹp luôn Tổ tiên Thánh Phật. Đó là cái đau của một dân tộc đi qua nhiều binh lửa, kéo theo hoạ nô dịch văn hoá.
Quy y còn là vấn đề khơi nguồn huyết thống, là sự trở về nguồn cội tâm linh của dân tộc. Khởi sự đến với Đạo ta cần quy y, nhưng quy y không phải là buổi đầu cho người sơ cơ mới thực tập. Quy y mang một ý nghĩa lớn hơn, bao quát tất cả sự nghiệp thành tựu giác ngộ. Đó là nhận ra Bụt ở lòng, ta chính là Bụt sẽ thành, phát khởi tính năng giác ngộ tiềm ẩn trong ta. Bụt dạy: “Hãy nương tựa chính mình… Các con đều là Bụt sẽ thành”.
Tam bảo có mặt ngoài ta nhưng cũng có mặt trong ta. “Bản lai diện mục”, trở về để nhận ra “con người thật” của chính mình. Đó là sự nghiệp vĩ đại nhất của người học Đạo và cũng là bổn phận của người Việt yêu nước thương nòi.