Đây là câu chuyện về hành trình tiến thân và cái kết thúc của một vị quan chức. Tự thấy nó cũng là chuyện chung của một loại quan chức được dân gian mệnh danh là “Phá không biết mệt”, vì thế tôi xin ghi lại, để may ra có ai đó nhìn vào mà tránh trước tai họa cho mình và họa lớn cho xã hội.
Gần nửa đời người ông bằng lòng với tấm bằng đại học tại chức. Mà cỡ như ông học mười biết một, chỉ lo chạy chọt, nịnh hót, thì đánh vật được tấm bằng tại chức cũng là khốn nạn rồi. Học nghiêm chỉnh thì đời ông ra bã. Tưởng đã lên đến đỉnh cao học thuật, ông lên mặt dạy dỗ người khác không có chí tiến thủ. Ông chỉ không ngờ được rằng, lại có lúc tấm “bùa” tại chức kia hết thiêng. Bọn trẻ sẵn sàng bỏ ông tụt lại phía sau. Muốn leo cao ông cần có những tấm bằng sang trọng hơn.
Thế là, thay vì rút lui nhường chỗ cho người có năng lực thật sự, ông quyết chứng tỏ cho thiên hạ biết cái chí tiến thủ của ông vẫn mạnh mẽ như hồi còn trẻ. Ông lao vào “chạy” tấm bằng thạc sĩ, rồi tiến sĩ, như lao vào canh bạc cuối cùng. Phải được cả, hoặc mất tất! Sự học thực đã khốn nạn, nhưng sự không học mà muốn sang, còn khốn nạn hơn. Chỗ nào cũng nhan nhản bọn “học hộ”, bọn “viết luận án thuê”, bọn “cò” bằng cấp, bọn “dẫn đường” đến đúng cửa để xuống tiền mua bán. Ngày xưa là cửa Khổng sân Trình. Còn ngày nay đến đâu cũng là cửa sắt đóng chặt. Các loại cửa ấy, phi tiền ra không chìa nào mở được. Tướt bơ chạy vạy cuối cùng ông cũng thành nghiên cứu sinh, có một đề tài để nhờ người khác viết luận án. Rồi cũng thi, cũng bảo vệ, cũng nêu vấn đề, phản biện y như thật. Chỉ có kiến thức của ông là giả. Giả từ chân đến đầu. Ông nằm trong số vài ngàn tiến sỹ giấy ngày đêm làm loạn sự học và tham thì không bút nào tả nổi.
Trở về vị trí cũ, với vị thế bằng cấp cao chót vót, ông ngồi chờ đề bạt. Sau đó không thấy ông cao giọng ra giảng về chí tiến thủ, cũng chẳng thấy ông sử dụng được tí ti kiến thức nào ở tầm tiến sĩ kia vào công việc. Vì nó có đâu mà lấy ra dùng. Thay vào đó ông tận dụng thời gian, cơ hội để vơ vét. Thượng vàng hạ cám, ông đều vơ tuốt. Thời gian với ông không còn nhiều. Trước sau cái đuôi “học giả” của ông cũng lòi ra. Ấy là chưa kể giời chẳng cho ai trẻ khỏe mãi. Tất cả cứ dần hiện ra trước mắt ông cái giới hạn nghiệt ngã không ai tránh được và không ai vượt qua được.
Cuộc vơ vét của ông luôn đi kèm với những lời đạo đức giả và chỉ dừng lại đúng cái ngày ông bị xích tay, tống vào nhà giam. Tại đó, ông mới “thật thà” khai rằng việc ông khua khoắng công quỹ, gian dối trong hành xử, tìm cách vơ vét chỉ là để thu lại số vốn lớn đã bỏ ra mua mấy cái bằng cấp và chạy chức chạy quyền. Ông dại dột, ông hồ đồ, ông thiếu hiểu biết, ông chủ quan, ông sơ suất… và vì thế chỉ đáng trách mà không đáng bị phạt tội. Rồi ông khóc lóc, thề bồi, van xin cho ông một cơ hội để làm lại, để sửa chữa, để được chết thanh thản, để con cháu không mang tiếng xấu. Rằng cả đời ông trung thành với cách mạng, với đất nước,chỉ vì một phút nông nổi. Vv và vv...
Nhưng chỗ của ông ở đâu bây giờ. Học không hay, cày không biết trong khi cái bằng chứng nhận người tử tế còn khó gấp ngàn lần những cái bằng ông đang có. Bởi cái bằng nhân cách, tài năng thật, đạo đức thật là những thứ không bao giờ có thể mua được bằng tiền.