Những ngày dừng chân ở Moskva, chúng tôi được đưa đi thăm bảo tàng Lev Nikolayevich Tolstoy. Bảo tàng nằm trong một khuôn viên không mênh mông như tôi hình dung nhưng vô cùng thơ mộng và đặc biệt yên tĩnh. Chỉ có tiếng dương cầm thánh thót vang lên ở khắp khu vườn, qua những chiếc loa chòi lên từ thảm cỏ, hoặc cắm lẫn trong những lùm cây. Giống như bất cứ bảo tàng danh nhân nào ở Nga, bảo tàng Lev Tolstoy chủ yếu bày những hiện vật gắn với cuộc đời của nhà đại văn hào. Nó tất nhiên là gây tò mò. Đó là bộ bát đĩa, thìa nĩa mà sinh thời đại văn hào dùng trong những bữa cơm gia đình, vẫn bày biện nguyên xi trên chiếc bàn ăn như đang chờ chủ nhân bước ra từ phòng đọc.
Đó là chiếc áo dạ sờn cổ mà qua đó có thể hình dung vóc dáng của Bá tước Tolstoy.
Đó là đôi giầy cổ cao bằng da bò, có vài chỗ sứt chỉ do chính tay đại văn hào khâu lại - ấy là nghe nói thế. Cũng nghe nói thì tác giả của kiệt tác Chiến tranh và hòa bình còn tự tay sửa chiếc xe đạp mà cụ vẫn dùng để đi lại mỗi khi nó hỏng hóc. Chiếc xe đó giờ là hiện vật vô giá.
Trong số những kỉ vật còn có chiếc đàn dương cầm và một bộ đồ nghề bao gồm kìm, búa, kim khâu, đinh thúc ngựa… Nhưng tôi không định liệt kê chúng để chứng tỏ mình quan sát tỉ mỉ. Điều gây tò mò cho tôi hơn chính là thái độ những người được giao nhiệm vụ trông coi bảo tàng. Phần lớn (nếu như không muốn nói tất cả) số họ đều là những bà già to béo, đôn hậu, hình ảnh đặc trưng của những bà già Nga. Họ làm hoàn toàn tự nguyện, nghĩa là không hề đòi công xá, thù lao. Họ đứng để hướng dẫn du khách, để canh chừng đảm bảo không một ai bước qua ranh giới được căng dây, không cho phép một ai chạm tay vào bất cứ hiện vật nào. Không có ngoại lệ. Không có nhân nhượng. Dù bạn bảo vừa đến từ nửa bên kia của trái đất, dù bạn chứng minh mình ngưỡng mộ Lev Tolstoy đến thế nào chăng nữa. Tuyệt đối không. Đừng nằn nì mà mất công, vô ích. Bởi vì họ đang bảo vệ những tài sản vô giá của nước Nga cho đến muôn sau...
Mặc dù biết chút ít tiếng Nga để hiểu rằng, muốn chụp ảnh hiện vật phải trả tiền, nhưng tôi vờ giả ngố coi như không biết. Nhưng khi tôi mới chỉ vừa giơ máy lên thì ngay lập tức phải hạ xuống bởi ánh mắt cảnh cáo của bà già bảo vệ. Có cảm giác nếu tôi cứ bấm máy, sẽ bị khóa tay tống ra ngoài! Bà nói với phiên dịch, yêu cầu tôi mua vé. Giờ là lúc tôi tò mò. Chụp cái áo của văn hào: 300 rúp; chụp cái đàn: 500 rúp; chụp cái ấm 300 rúp; chụp cái bậc cửa cũng vài trăm rúp… Mà phải tắt đèn flash kẻo làm hỏng hiện vật. Tại thời điểm tôi ở thủ đô nước Nga, một rúp quy ra tiền Việt khoảng 700 đồng. Điều đó có nghĩa, mỗi lần giơ máy chụp một hiện vật nào đó gắn với Lev Tolstoy, tôi phải bỏ ra từ 210.000 - 350.000 đồng. Để có bộ ảnh đầy đủ những hiện vật trưng bày tại bảo tàng do chính mình chụp, tôi sẽ phải mất số tiền đủ để đi thêm một chuyến du lịch thứ hai sang nước Nga.
Nhưng điều khiến tôi sẽ còn suy nghĩ lại không liên quan nhiều đến tiền. Vấn đề ở đây là giá trị thật của một nền văn hóa và sự trọng vọng mà hậu thế dành cho nền văn hóa ấy.
Trở về, trong vô số những điều mới lạ thấy ở nước Nga, lạ lùng thay, những gì tôi chứng kiến ở bảo tàng Lev Tolstoy cứ khiến tôi bận tâm nhiều hơn cả. Trông người lại ngẫn đến ta. Và không khỏi thấy chạnh lòng. Bao giờ cho những điều tương tự có được ở những khu lưu niệm danh nhân nước Việt? Bao giờ cho mỗi kỷ vật gắn với Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Nguyễn Khuyến, Nam Cao, Vũ Trọng Phụng… được người Việt trọng vọng, gìn giữ, định giá cao chất ngất và hãnh diện khoe với người nước ngoài, như những gì tôi thấy ở bảo tàng Lev Tolstoy?
Bao giờ…?
Tự dưng chỉ muốn thở dài!