Aa

Kỳ vọng hạ tầng "kích hoạt" bước phát triển mới của thị trường bất động sản

Dương Minh Anh
Dương Minh Anh duongminhanh070902@gmail.com
Chủ Nhật, 04/05/2025 - 06:15

Sự phục hồi của thị trường bất động sản đã, đang và sẽ tiếp tục được tiếp sức mạnh mẽ từ làn sóng đầu tư hạ tầng trên cả nước. Nhiều dự án giao thông trọng điểm, chiến lược được triển khai đồng bộ không chỉ cải thiện kết nối vùng mà còn tạo ra dư địa phát triển mới cho thị trường bất động sản.

Động lực từ hạ tầng

Khi những yếu tố bất lợi tác động đến giá trị tài sản và hoạt động đầu tư bất động sản đang dần suy giảm, thị trường địa ốc được kỳ vọng sẽ có thêm dư địa để phục hồi và tăng trưởng. Trong bối cảnh đó, các bất động sản gắn với hạ tầng được nhận định sẽ hưởng lợi lớn nhờ loạt dự án giao thông được triển khai mạnh mẽ trong năm 2025 và giai đoạn tới.

PGS.TS. Trần Kim Chung, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhận định, việc phát triển đồng bộ đường cao tốc Bắc - Nam, đường cao tốc ven biển phía Đông, đường Hồ Chí Minh, đường sắt tốc độ cao… cùng với chủ trương phát triển các đô thị TOD (mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng) khiến thị trường bất động sản liên quan đến hạ tầng có một bước phát triển mới.

"Tốc độ giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt vào lĩnh vực hạ tầng có tác động nhất định đến khả năng phục hồi của thị trường bất động sản. Trên thực tế, khi đầu tư công được đẩy mạnh, hàng loạt dự án hạ tầng giao thông trọng điểm được triển khai đều tạo sức hút dòng tiền của nhà đầu tư vào những khu vực kết nối này. Bởi thị trường bất động sản khu vực đó sẽ được hưởng lợi lớn, giá tăng giá trị, thanh khoản sản phẩm dễ dàng hơn", PGS.TS. Trần Kim Chung cho biết.

Kỳ vọng hạ tầng "kích hoạt" bước phát triển mới của thị trường bất động sản- Ảnh 1.

Bất động sản chuyển động tích cực theo hạ tầng. (Ảnh minh họa)

Đồng quan điểm, bà Huỳnh Thị Kim Thanh, Quản lý Bộ phận Tư vấn Đầu tư Savills Việt Nam cũng cho rằng, những dự án hạ tầng lớn không chỉ cải thiện khả năng kết nối vùng miền mà còn mang lại giá trị gia tăng to lớn cho các khu vực lân cận, mở ra cơ hội đầu tư bất động sản tại những điểm đến mới.

Bà Huỳnh Thị Kim Thanh dẫn chứng về Thủ Thiêm (TP.HCM) đang vươn mình trở thành trung tâm phát triển đô thị mới nhờ các công trình kết nối trọng điểm như cầu Thủ Thiêm 1, 2, hầm Thủ Thiêm và các dự án sắp triển khai như cầu đi bộ Thủ Thiêm, cầu Thủ Thiêm 3 kết nối Quận 4 và cầu Thủ Thiêm 4 kết nối với Quận 7, cùng tuyến metro số 2 giai đoạn 2. Sự đồng bộ về hạ tầng đã đẩy mạnh giá trị bất động sản tại khu vực này, biến nơi đây thành điểm đến lý tưởng cho các dự án văn phòng hạng A, khu phức hợp thương mại và căn hộ cao cấp.

Bên cạnh đó, những khu vực vốn được xem là "vùng trũng" về phát triển như Cần Giờ (TP.HCM) sẽ dần "thay da đổi thịt" nhờ vào kế hoạch đầu tư hàng loạt công trình hạ tầng mới trong giai đoạn tới như cầu Cần Giờ, tuyến đường ven sông Sài Gòn từ ranh giới Tây Ninh đến nút giao cao tốc Bến Lức - Long Thành với đường Rừng Sác, hay trục giao thông ven biển phía Nam kết nối từ Tiền Giang, qua Cần Giờ, đến Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu... Vừa qua, dự án Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ - Vinhomes Green Paradise cũng đã được khởi công với quy mô lên tới 2.870ha, được xem là một trong những dự án bất động sản ven biển lớn nhất Việt Nam. 

Sự chuyển mình mạnh mẽ này sẽ mang lại luồng sinh khí mới cho khu vực và tạo ra những tác động đa chiều, vừa thúc đẩy sự phát triển của Cần Giờ theo định hướng trở thành đô thị sinh thái biển, vừa giúp các dự án bất động sản được hưởng lợi từ hạ tầng. Qua đó, thu hút sự quan tâm của giới đầu tư nhờ tiềm năng tăng giá và khả năng kết nối thuận lợi trong tương lai với trung tâm TP.HCM.

Trong khi đó ở khu vực phía Bắc, nhiều vùng ven Hà Nội cũng đang bước vào chu kỳ tăng trưởng mới nhờ sự đầu tư mạnh vào hệ thống giao thông - từ các tuyến vành đai, đường sắt đô thị đến các trục cao tốc liên vùng.

Đơn cử, Hà Nội đang đẩy nhanh tiến độ các dự án quan trọng như: Đường Vành đai 4 vùng Thủ đô, tuyến giao thông trọng điểm kết nối Hà Nội với các tỉnh lân cận như Hưng Yên, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc nhằm thúc đẩy liên kết vùng và giảm tải áp lực giao thông nội đô; 3 cây cầu vượt sông Hồng; chuẩn bị đầu tư tuyến đường sắt đô thị số 5, Văn Cao - Hòa Lạc kết nối khu vực trung tâm thành phố với các khu đô thị đang phát triển, trong đó có đô thị vệ tinh Hòa Lạc...

Sự phát triển ngày càng đồng bộ này tạo lực hút mạnh mẽ cho thị trường bất động sản, không chỉ giúp gia tăng giá trị đất đai mà còn kích hoạt làn sóng dịch chuyển dòng vốn đầu tư ra các đô thị vệ tinh và khu vực lân cận.

"Hạ tầng đồng bộ không chỉ mang lại giá trị thực tế cho các dự án bất động sản mà còn giúp Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn hơn trong mắt các nhà đầu tư quốc tế", bà Thanh khẳng định.

Kỳ vọng hạ tầng "kích hoạt" bước phát triển mới của thị trường bất động sản- Ảnh 2.

Ảnh minh hoạ

Bất động sản hưởng lợi

Sự bùng nổ của các dự án hạ tầng không chỉ tạo ra những thay đổi tích cực trước mắt mà còn đặt nền tảng cho sự phát triển dài hạn của thị trường bất động sản Việt Nam.

"Trong tương lai, sự kết hợp giữa hạ tầng hiện đại và các dự án bất động sản chất lượng cao sẽ giúp Việt Nam nâng cao vị thế trên thị trường khu vực và quốc tế. Các dự án như sân bay quốc tế Long Thành, cao tốc Bắc - Nam hay các tuyến metro tại TP.HCM và Hà Nội không chỉ là biểu tượng của sự phát triển mà còn là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và bất động sản bền vững.

Với sự hỗ trợ từ Chính phủ và sự quan tâm từ các nhà phát triển quốc tế, thị trường bất động sản Việt Nam hứa hẹn sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, tạo nên những bước đột phá mới trong tương lai", bà Huỳnh Thị Kim Thanh khẳng định.

Theo Tổng giám đốc Công ty Bất động sản SG Holdings Nguyễn Thanh Sang, trong mắt giới đầu tư, bất động sản luôn là kênh tích lũy tài sản được ưa chuộng, vấn đề còn lại chỉ là chọn thời điểm phù hợp. Thời gian gần đây, do giá bất động sản tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM đã tăng quá cao, không còn nhiều cơ hội nên dòng tiền đầu tư đang có xu hướng dịch chuyển đến các khu vực giá còn mềm nhưng có tiềm năng phát triển, trong đó yếu tố được quan tâm nhất là quy hoạch và hệ thống hạ tầng kết nối. 

Ông Sang cho rằng, mặc dù thời gian qua kinh tế gặp không ít khó khăn, nhưng nguồn lực đầu tư cho hạ tầng vẫn được ưu tiên quyết liệt, đặc biệt tại khu vực phía Nam, dự báo sẽ trở thành động lực phát triển cho thị trường bất động sản.

Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế, PGS.TS. Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), để các dự án hạ tầng giao thông thực sự phát huy vai trò dẫn dắt và thúc đẩy sự phát triển của địa phương một cách bền vững, việc thu hút đầu tư, phát triển dự án bất động sản tại những khu vực có sự đầu tư hạ tầng cần lưu ý thực hiện một số vấn đề trọng tâm.

Thứ nhất, địa phương cần tạo quỹ đất sạch làm cơ sở để kêu gọi các dự án phát triển hạ tầng giao thông.

Thứ hai, tập trung cải thiện môi trường đầu tư, chú trọng công tác cải cách thủ tục hành chính, hoạt động đầu tư kinh doanh của nhà đầu tư và doanh nghiệp, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng lập, phê duyệt quy hoạch, tổ chức tốt việc quản lý quy hoạch và thực hiện đầu tư theo quy hoạch.

Thứ ba, xác định rõ tiềm năng lợi thế sẵn có về điều kiện tự nhiên, văn hóa, truyền thống và nguồn lực để xây dựng, sắp xếp thứ tự ưu tiên trong thu hút đầu tư các dự án bất động sản. 

Thứ tư, cần xây dựng chính sách quản lý hoạt động, đầu tư kinh doanh trên thị trường bất động sản; minh bạch thông tin về kế hoạch, chính sách phát triển, đầu tư hạ tầng của địa phương./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top