Aa

Lợi nhuận ngân hàng phân hóa rõ rệt

Thứ Sáu, 02/02/2024 - 16:39

Bức tranh lợi nhuận ngân hàng năm 2023 đã có sự phân hóa rõ rệt. Nhiều ngân hàng ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực với mức tăng trưởng 2 con số. Song, cũng không ít ngân hàng hụt hơi", không hoàn thành kế hoạch đã đặt ra.

Theo đó, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) vừa công bố kết quả kinh doanh với lợi nhuận trước thuế 9.595 tỷ đồng, tăng 51% so với năm 2022, vượt kế hoạch Đại hội đồng cổ đông giao. Đây cũng là ngân hàng có mức tăng trưởng lợi nhuận cao nhất trong hệ thống.

Đáng chú ý, Sacombank đã hoàn tất trích lập 100% dự phòng nợ bán cho Công ty Quản lý tài sản (VAMC) chưa thu hồi, một trong những mục tiêu quan trọng của Đề án tái cơ cấu Sacombank. Như vậy, Sacombank đã giải quyết được một trong những yếu tố chính khiến lợi nhuận của ngân hàng bị sụt giảm trong những năm qua.

Cũng tăng gấp rưỡi lợi nhuận, Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank) thu về hơn 3.300 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong năm 2023, tăng 50% so với năm trước đó. Nhiều mảng kinh doanh của Nam A Bank tăng trưởng tích cực, kéo theo đó thu nhập lãi thuần đạt hơn 6.600 tỷ đồng, tăng hơn 30% so với đầu năm 2023; lãi thuần từ hoạt động dịch vụ đạt gần 600 tỷ đồng, tăng 116%; lãi thuần từ hoạt động khác đạt hơn 330 tỷ đồng, tăng 10,1%…

Lợi nhuận ngân hàng phân hóa rõ rệt- Ảnh 1.

Khách hàng giao dịch tại Vietcombank chi nhánh Vĩnh Phúc. Ảnh: Trần Việt/TTXVN

Còn tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (Saigonbank), lợi nhuận trước thuế cả năm 2023 tăng đến 40% so với năm kề trước, đạt 332 tỷ đồng. Nhưng điều đáng nói là riêng trong quý IV/2023, lợi nhuận hợp nhất trước thuế của Saigonbank tăng gấp hơn 92 lần so với cùng kỳ, đạt trên 84 tỷ đồng. Mức lợi nhuận tăng đột biến này chủ yếu do lãi thuần từ hoạt động kinh doanh khác tăng "khủng", từ 13 tỷ đồng lên 168 tỷ đồng; đồng thời chi phí hoạt động giảm gần 22% so với cùng kỳ năm 2022.

Tuy vậy, nếu xét về giá trị tuyệt đối, dẫn đầu về lợi nhuận toàn ngành vẫn là Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) với 41.244 tỷ đồng trước thuế, tăng 10% so với năm 2022, bỏ xa các ngân hàng khác trong nhóm 4 ngân hàng lớn - "big 4".

Theo đó, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đạt 27.650 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 20,6% so với năm 2022; Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) ước lợi nhuận trước thuế cả năm 2023 đạt khoảng 25.300-25.400 tỷ đồng, tăng từ 14,5-15% so với năm trước; Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) lũy kế cả năm đạt 25.100 tỷ đồng, tăng 19%, vượt qua kế hoạch được Đại hội đồng cổ đông giao.

Trong nhóm lợi nhuận dẫn đầu toàn ngành, ngoài "big 4" còn có thêm Ngân hàng TMCP Quân đội (MB). Với lợi nhuận trước thuế 26.306 tỷ đồng, tăng 16% so với năm 2022, lần đầu tiên MB lọt vào top 3 lợi nhuận toàn ngành, vượt qua cả VietinBank và Agribank.

Danh sách ngân hàng lợi nhuận trên 10.000 tỷ đồng còn có, Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), Ngân hàng TMCP Phát triển Tp. Hồ Chí Minh (HDBank), Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) và Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB).

Trong đó, ACB lần đầu tiên cán mốc 20.000 tỷ đồng lợi nhuận, tăng 17% so với năm 2022; HDBank cũng ghi nhận lợi nhuận 13.000 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay, tăng 27% so với năm 2022; VIB đạt 10.703 tỷ đồng lợi nhuận, tăng nhẹ 1% so với năm trước đó.

Techcombank và VPBank tuy vẫn nằm trong nhóm dẫn đầu nhưng do lợi nhuận tăng trưởng âm nên vị trí trên bảng xếp hạng cũng lùi sâu so với năm trước. Với 22.888 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, giảm 10% so với năm 2022, Techcombank rơi từ vị trí á quân xuống đứng thứ 6. Tương tự, với mức lợi nhuận 10.987 tỷ đồng, giảm gần một nửa so với năm 2022, VPBank cũng rơi từ vị trí số 6 xuống vị trí số 9.

Không riêng Techcombank hay VPBank, nhiều ngân hàng đã ghi nhận lợi nhuận "đi lùi", không hoàn thành kế hoạch đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua trong năm 2023.

Đơn cử như Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank), lợi nhuận trước thuế năm 2023 ghi nhận 513 tỷ đồng, không đạt mục tiêu, giảm hơn 66% so với năm 2022. Theo ABBank, kết quả kinh doanh năm 2023 không đạt được như kỳ vọng đã phản ánh hai thực tế: một là sự khó khăn của thị trường đã ảnh hưởng sâu rộng tới hệ thống tài chính ngân hàng; hai là bộ máy tổ chức và cơ chế hoạt động của ABBank chưa hiệu quả khiến kết quả kinh doanh chưa tương xứng với tiềm năng.

Hay tại Ngân hàng TMCP Bản Việt (BVBank), kết thúc năm 2023, lợi nhuận trước thuế đạt gần 72 tỷ đồng, giảm 84% so với năm 2022. BVBank cho biết năm 2023 đã liên tục giảm lãi suất cho vay để đồng hành hỗ trợ khách hàng đang gặp khó khăn. Dù thu nhập lãi quý IV và năm 2023 tăng tương ứng 14% và 25% so với cùng kỳ nhưng chi phí vốn đầu vào tăng cao từ tháng 10/2022 khiến chi phí lãi quý IV tăng 15% và năm 2023 tăng gần 43% so với cùng kỳ năm trước.

Ngoài ra, biến động của tỷ giá làm lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối giảm 48% so với năm 2022. Chi phí hoạt động tăng so với cùng kỳ năm trước đó chủ yếu do đầu tư vào phát triển mạng lưới, gia tăng nhận diện thương hiệu và tiếp tục đẩy mạnh công tác chuyển đổi số. Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng cao cũng làm lợi nhuận của BVBank bị co hẹp so với cùng kỳ.

Ngân hàng TMCP Thịnh vượng và Phát triển (PGBank) cũng giảm gần 30% lợi nhuận so với năm 2022 và hoàn thành 67% mục tiêu cả năm ở mức 355 tỷ đồng. Riêng trong quý IV/2023, PGBank lỗ ròng 4,6 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước đó lãi gần 95 tỷ đồng.

Lý giải về khoản lỗ trên, PGBank cho biết nguyên nhân chủ yếu là do ngân hàng đã chủ động giảm lãi suất cho vay khách hàng theo chủ trương của Chính phủ, trong khi chi phí huy động chưa giảm do độ trễ và tăng trưởng tín dụng của ngân hàng lại tập trung vào tháng cuối năm 2023. Ngoài ra, PGBank cũng chi trả thù lao cho cộng tác viên giới thiệu khách hàng vay để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng làm chi phí hoạt động tăng.

Trong số các ngân hàng tăng trưởng âm về lợi nhuận còn có Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank), Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank), Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB), Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB).

Dự báo cho năm 2024, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng chất lượng tài sản và khả năng sinh lời của các ngân hàng sẽ dần được cải thiện, tốc độ hình thành nợ xấu mới chậm lại và chi phí tín dụng được kiểm soát hiệu quả hơn.

Cụ thể, báo cáo Triển vọng ngành ngân hàng của Trung tâm nghiên cứu Công ty CP Chứng khoán SSI (SSI Research) nhận định 2024 vẫn tiếp tục là một năm đầy thách thức đối với ngành ngân hàng về chất lượng tài sản. Mặc dù vậy, tình hình chung sẽ có sự cải thiện so với năm 2023, phần lớn là nhờ vào chi phí vốn đã giảm về mức thấp hơn nhiều so với 2023 và lợi nhuận trước dự phòng có sự cải thiện giúp các ngân hàng có dư địa để tạo một bộ đệm dự phòng tốt hơn.

Trong kịch bản cơ sở của SSI, tăng trưởng GDP có thể phục hồi trong khoảng từ 6% - 6,5%, lãi suất trung bình cả năm duy trì quanh mức thấp nhất trong thập kỷ trở lại đây và Ngân hàng Nhà nước sẽ có ứng phó linh hoạt trong cơ chế ghi nhận và trích lập dự phòng nợ xấu.

"Theo ước tính của chúng tôi, tăng trưởng lợi nhuận trước thuế năm 2024 của các ngân hàng thuộc phạm vi nghiên cứu dự kiến đạt 15,4% so với cùng kỳ. Đây là mức tăng trưởng tốt hơn so với mức 4,6% trong năm 2023", báo cáo của SSI nêu rõ.

Các chuyên gia phân tích của Chứng khoán Shinhan Việt Nam (SSV) kỳ vọng mức tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế Việt Nam vào khoảng 13-14%, chi phí vốn của ngân hàng tiếp tục xu hướng giảm, biên lãi ròng (NIM) cải thiện nhẹ... SSV dự báo lợi nhuận trước thuế của nhóm ngân hàng sẽ tăng khoảng 17% cho cả năm 2024.

Trong khi đó, Công ty TNHH Chứng khoán Vietcombank (VCBS) đưa ra dự báo tăng trưởng lợi nhuận trước thuế toàn ngành năm 2024 có thể không bằng năm ngoái, nhưng sẽ tăng trưởng khoảng 10%. Dù vậy, sự phân hóa về triển vọng lợi nhuận giữa các nhóm ngân hàng sẽ tiếp tục diễn ra và càng mạnh mẽ hơn trong năm 2024./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top