Theo Điều 11.Hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực đất đai, Luật Đất đai 2024, các hành vi nghiêm cấm bao gồm:
1. Lấn đất, chiếm đất, hủy hoại đất
2. Vi phạm quy định của pháp luật về quản lý nhà nước về đất đai.
3. Vi phạm chính sách về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số.
4. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để làm trái quy định của pháp luật về quản lý đất đai.
5. Không cung cấp thông tin hoặc cung cấp thông tin đất đai không chính xác, không đáp ứng yêu cầu về thời hạn theo quy định của pháp luật.
6. Không ngăn chặn, không xử lý hành vi vi phạm pháp luật về đất đai.
7. Không thực hiện đúng quy định của pháp luật khi thực hiện quyền của người sử dụng đất.
8. Sử dụng đất, thực hiện giao dịch về quyền sử dụng đất mà không đăng ký với cơ quan có thẩm quyền.
9. Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước.
10. Cản trở, gây khó khăn đối với việc sử dụng đất, việc thực hiện quyền của người sử dụng đất theo quy định của pháp luật.
11. Phân biệt đối xử về giới trong quản lý, sử dụng đất đai.
Như vậy, so với Luật Đất đai 2013, Luật Đất đai 2024 đã bổ sung thêm một số hành vi bị nghiêm cấm như hành vi phân biệt đối xử về giới tính trong quản lý, sử dụng đất đai, hay nghiêm cấm chính sách về đất đai với người dân tộc thiểu số...Điều này góp phần bảo vệ người yếu thế trong quan hệ đất đai.
Khi vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, theo Điều 5 Nghị định 91/2019/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 19/11/2019, về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai đã quy định: Các cá nhân tổ chức sẽ bị áp dụng hình thức xử phạt chính là phạt cảnh cáo, phạt tiền hoặc có thể bị áp dụng thêm các hình thức xử phạt bổ sung bao gồm tịch thu giấy tờ, tước quyền hoặc đình chì sử dụng giấy phép hoạt động dịch vụ tư vấn trong lĩnh vực đất đai....
Ngoài ra, tùy từng trường hợp, các cá nhân tổ chức có thể phải áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy tại Nghị định 91/2019/NĐ-CP.
Phạt tiền nếu gây cản trở hoặc thiệt hại cho việc sử dụng đất của người khác
Đặc biệt, người dân lưu ý mức phạt khi gây cản trở hoặc thiệt hại cho việc sử dụng đất của người khác:
Điều 16 tại Nghị định 91/2019/NĐ-CP ngày 19/11/2019 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai đã quy định:
Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với trường hợp đưa vật liệu xây dựng hoặc các vật khác lên thửa đất của người khác hoặc thửa đất của mình mà gây cản trở hoặc thiệt hại cho việc sử dụng đất của người khác.
Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với trường hợp đưa chất thải, chất độc hại lên thửa đất của người khác hoặc thửa đất của mình gây cản trở hoặc thiệt hại cho việc sử dụng đất của người khác.
Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với trường hợp đào bới, xây tường, làm hàng rào gây cản trở hoặc thiệt hại cho việc sử dụng đất của người khác.
Lưu ý, mức phạt tiền nêu trên là mức phạt tiền đối với cá nhân (Theo khoản 1 Điều 6 Nghị định số 91/2019/NĐ-CP). Đối với cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Điều 16 Nghị định 91 cũng quy định biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm đối với trường hợp nêu trên.
Cơ quan nào có thẩm quyền xử lý?
Tại khoản 1 và khoản 2, Điều 38 của Nghị định 91/2019/NĐ-CP quy định:
Chủ tịch UBND cấp xã:
Phạt cảnh cáo: Đưa ra cảnh cáo chính thức với người vi phạm để cảnh báo về hành vi không phù hợp.
Phạt tiền đến 5.000.000 đồng đối với các hành vi như đưa vật liệu xây dựng, vật liệu khác hay đưa chất thải, chất độc hại lên thửa đất của người khác hay thửa đất của mình để thực hiện các hành vi cản trở. Mức phạt này áp dụng như một biện pháp cụ thể để xử lý vi phạm và nhấn mạnh trách nhiệm cá nhân về bảo vệ và sử dụng đất một cách có trách nhiệm.
Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả là khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất đó trước khi vi phạm.
Chủ tịch UBND cấp huyện:
Phạt cảnh cáo: Nhằm cảnh báo và lưu ý về hành vi không đúng quy định.
Phạt tiền lên đến 50.000.000 đồng đối với các hành vi đào bới, xây tường, làm hàng rào cản trở hoặc gây thiệt hại cho việc sử dụng đất của người khác. Cơ quan có thẩm quyền sẽ áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả theo đúng quy định của Nghị định này như khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất đó trước khi vi phạm. Đồng thời, buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được tư việc thực hiện hành vi vi phạm đó.