Ngăn chặn, xoá bỏ dự án bỏ hoang, chậm tiến độ kéo dài: Cần nhiều hơn sự quyết liệt
Trong bài viết có tựa đề: "Chống lãng phí", Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định: "Chúng ta đang đứng trước cơ hội lịch sử để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Đây cũng là thời điểm để định hình tương lai của chúng ta. Để nắm bắt cơ hội, đẩy lùi thách thức, gia tăng mạnh mẽ nguồn lực chăm lo cho nhân dân, làm giàu cho đất nước trong giai đoạn cách mạng mới, xây dựng tương lai tốt đẹp, công tác phòng, chống lãng phí cần được triển khai quyết liệt, đồng bộ với những giải pháp hữu hiệu, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ...". Tổng Bí thư xác định, đấu tranh phòng, chống lãng phí là cuộc chiến chống "giặc nội xâm" đầy cam go, phức tạp...", "có vị trí tương đương với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực".
Trên thực thế, tình trạng dự án "treo", bỏ hoang, chậm triển khai... tồn tại dai dẳng trong thời gian qua không chỉ gây lãng phí nguồn tài nguyên đất đai, lãng phí về thời gian, cơ hội, kìm hãm sự phát triển kinh tế - xã hội mà còn ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của người dân sinh sống xung quanh khu vực. Nhiều chuyên gia nhìn nhận, đó là một sự lãng phí "khủng khiếp", nhưng xử lý như thế nào để dứt điểm tình trạng lãng phí đất đai là bài toán nan giải hiện nay.
Ngày 6/11/2024, Thủ tướng đã ban hành Công điện số 112/CĐ-TTg yêu cầu các bộ ngành, địa phương tập trung giải quyết dứt điểm các dự án tồn đọng, dừng thi công; khẩn trương triển khai, hoàn thành, đưa vào sử dụng chống lãng phí, thất thoát.
Trong bối cảnh quỹ đất cho phát triển ngày càng hạn hẹp, việc có những động thái quyết liệt trong rà soát, xem xét và đưa ra hướng xử lý phù hợp, đẩy nhanh tiến độ các dự án, xử lý dứt điểm các dự án tồn đọng được đánh giá là giải pháp cứu cánh cho tương lai. Bởi thêm một ngày đất đai bị bỏ hoang là thêm một ngày nguồn lực phát triển bị "giam lỏng", đằng sau đó còn rất nhiều hệ lụy khác mà càng để lâu, càng khó tháo gỡ.
Nếu không kiên quyết thu hồi và xử lý các dự án tồn đọng, sẽ tạo ra những đô thị "rỗng" khi mà dự án cấp phép dày lên nhưng không có sự phát triển. Đất đai thực sự cần phải trở thành một nguồn lực được phân bổ và sử dụng hiệu quả, chứ không chỉ là "tài sản trên giấy" hoặc "động lực tiềm năng" chưa được hiện thực hóa…
Trên tất cả, chống lãng phí nguồn lực đất đai, bất động sản trong bối cảnh hiện nay là không thể chậm trễ hơn!
Reatimes đã có cuộc trao đổi với GS.TS. Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội về câu chuyện này.
Khó xử lý, không muốn xử lý hay không thể xử lý?
PV: Thưa GS, sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai được xem là yếu tố quan trọng mang tính nền tảng để thúc đẩy sự phát triển bền vững, đặc biệt là trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Một cách tổng quát, GS đánh giá như thế nào về hiệu quả sử dụng nguồn lực đất đai trong thời gian qua?
GS.TS. Hoàng Văn Cường: Đất đai là nguồn lực hữu hạn, có giá trị lớn, là yếu tố đầu vào quan trọng cho nền kinh tế và gắn liền với an sinh - xã hội. Đất đai được sử dụng hiệu quả sẽ có tác động lớn trong việc tạo ra giá trị gia tăng, thúc đẩy tăng trưởng. Một quốc gia muốn phát triển cường thịnh cần khơi dậy được những tiềm năng từ đất, phát huy khả năng tạo vốn từ đất một cách tốt nhất. Hay nói cách khác, việc quản lý và sử dụng hợp lý nguồn lực đất đai là yếu tố quyết định cho sự phát triển bền vững.
Trên thực tế, nguồn lực đất đai trong thời gian qua ở nhiều khu vực vẫn chưa được sử dụng một cách hiệu quả, phổ biến nhất là tình trạng để đất trống, bỏ hoang, lãng phí trong khi giá đất ngày một tăng.
Không ít tổ chức được giao đất nhưng không đủ năng lực tài chính, "tay không bắt giặc" thực hiện dự án, dẫn đến tình trạng triển khai dở dang, rồi bị bỏ hoang do thiếu vốn để tiếp tục triển khai. Một số trường hợp khác, lại cố tình để đất không sử dụng, đầu cơ, chờ đợi cơ hội tăng giá để chuyển nhượng kiếm lời.
Cũng không loại trừ một số nhà đầu tư kỳ vọng quá cao về sự sôi động của thị trường khi lập quy hoạch dự án. Dẫn tới khi thị trường rơi vào tình trạng trầm lắng, hoặc khu vực đó không phát triển như mong đợi, họ không thể bán trước được sản phẩm và gặp khó khăn trong việc huy động vốn từ khách hàng. Trong nhiều trường hợp, vốn đã huy động còn bị sử dụng sai mục đích, làm thất thoát nguồn lực đầu tư ban đầu, khiến dự án bị đình trệ hoặc ngưng trệ hoàn toàn.
Các dự án treo, chậm tiến độ hoặc "án binh bất động", triển khai hàng thập kỷ chưa xong, nhưng cũng không bị thu hồi hay xử lý triệt để là một trong những rào cản lớn có thể ảnh hưởng đến khả năng hiện thực hoá các mục tiêu, khát vọng 2045 về một quốc gia phát triển, thu nhập cao của Việt Nam.
PV: Dự án treo, chậm tiến độ gây lãng phí nguồn lực đất đai dường như đã trở thành câu chuyện "biết rồi, khổ lắm, nói mãi". Chính GS có lẽ cũng đã không ít lần trả lời phỏng vấn về những giải pháp cho vấn đề này. Nhưng đến hiện tại, đây vẫn là nút thắt lớn, vì sao vậy, thưa ông?
GS.TS. Hoàng Văn Cường: Tôi cho rằng, trách nhiệm và sự quyết liệt của cơ quan chức năng trong việc rà soát, phân loại dự án, xác định nguyên nhân, trên cơ sở đó xử lý triệt để là vấn đề mấu chốt.
Trước hết, do chính quyền địa phương không bám sát tình hình triển khai, sử dụng đất đai, dẫn đến tình trạng nhiều khu đất bỏ hoang mà không được phát hiện kịp thời. Nhưng ngay cả khi đã nắm được tình hình, việc áp dụng các biện pháp xử lý không được thực hiện đến nơi đến chốn, khiến nhiều dự án bị "đắp chiếu" kéo dài.
Việc đánh giá tiến độ triển khai dự án đôi khi còn mang tính hình thức, thiếu chính xác. Có những dự án được ghi nhận "đang triển khai" nhưng thực chất chỉ là các hoạt động đối phó, không có tiến độ cụ thể. Mặc dù pháp luật hiện hành đã quy định rõ ràng rằng đất đai được giao nhưng không sử dụng hoặc bị bỏ hoang, lãng phí thì phải thu hồi, nhưng thực tế cho thấy việc thực thi quy định này vẫn chưa đạt được hiệu quả.
Ngoài ra, không loại trừ tâm lý "né tránh" của cơ quan chức năng khi phải xử lý những dự án gặp vướng mắc, cùng tư duy nhiệm kỳ khiến các dự án bỏ hoang vẫn tồn tại dai dẳng. Và càng để lâu, càng qua nhiều nhiệm kỳ lại càng khó xử lý. Không ít dự án có thời gian thực hiện "xuyên thập kỷ" vẫn chưa xong, tình trạng lãng phí đất đai trở nên trầm trọng.
PV: Việc xử lý các dự án gây lãng phí dường như đang trở thành vấn đề làm khó các nhà quản lý. Theo ông, điều gì khiến một vấn đề tưởng chừng như đã được quy định rõ ràng trong luật, lại trở nên phức tạp trong quá trình thực thi?
GS.TS. Hoàng Văn Cường: Một yếu tố không kém phần quan trọng khiến việc xử lý các dự án tồn đọng gặp nhiều khó khăn là sự tồn tại của những ràng buộc khách quan liên quan đến hạ tầng, công tác giải phóng mặt bằng và các cam kết giữa Nhà nước và nhà đầu tư. Những yếu tố này không chỉ gây khó khăn cho cơ quan quản lý trong việc đưa ra quyết định mạnh tay mà còn vô tình tạo cơ hội để nhà đầu tư "vin" vào, biện minh rằng dự án bị đình trệ là do lỗi từ phía Nhà nước.
Đơn cử, trong quá trình triển khai dự án, thường xuất hiện những vướng mắc như một phần diện tích nhỏ chưa được giải tỏa dứt điểm hoặc các cam kết về hạ tầng bên ngoài hàng rào dự án (như đường giao thông, điện, nước, viễn thông...) chưa được hoàn thiện hoặc bàn giao đúng tiến độ. Những vấn đề này trở thành lý do để nhà đầu tư kéo dài thời gian thực hiện dự án, hoặc làm căn cứ để phản bác trước các yêu cầu thu hồi đất từ phía cơ quan chức năng.
Ngoài ra, mối quan hệ lợi ích phát sinh với bên thứ ba, đặc biệt trong các dự án có dấu hiệu đầu tư dở dang hoặc kéo dài cũng là một trong những nguyên nhân khiến việc xử lý các dự án chậm tiến độ gặp khó khăn.
PV: Lợi ích phát sinh với bên thứ ba, cụ thể như thế nào, thưa ông?
GS.TS. Hoàng Văn Cường: Đây là tình huống khá phổ biến trong thực tiễn quản lý và sử dụng đất, đặc biệt liên quan đến các dự án bất động sản. Tại không ít dự án, chủ đầu tư dù chưa hoàn thiện hoặc chưa đáp ứng đầy đủ các điều kiện pháp lý của dự án, nhưng đã tiến hành chuyển nhượng hoặc bán các tài sản gắn liền với quyền sử dụng đất cho khách hàng tương lai - gọi là bên thứ ba.
Trong trường hợp này, khi Nhà nước ra quyết định thu hồi đất vì dự án chậm tiến độ hoặc không thực hiện đúng cam kết, vấn đề xử lý quyền lợi của những người mua tài sản từ chủ đầu tư trở thành một bài toán vô cùng phức tạp do những khách hàng này thường đã thanh toán một phần hoặc toàn bộ giá trị tài sản giao dịch, thậm chí đã chuyển nhượng lại nhiều lần cho các nhà đầu tư thứ cấp khác. Quyền lợi của nhóm khách hàng đã mua sản phẩm tại dự án tạo ra áp lực xã hội không nhỏ cho việc xử lý dự án tồn đọng.
Thực tế cho thấy, các quy định pháp lý hiện hành còn thiếu tính chi tiết và chưa dự liệu đầy đủ để xử lý các mâu thuẫn phát sinh trong mối quan hệ đa bên này. Điều đó khiến việc giải quyết quyền lợi của khách hàng bên thứ ba, bao gồm xử lý tài sản, đền bù hoặc hoàn trả vốn, trở nên rất phức tạp về mặt pháp lý. Đây cũng nà nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng nhiều dự án bỏ hoang nhưng vẫn không thể thu hồi để tái sử dụng đất.
PV: Trong nhiều trường hợp, có lẽ chính chủ đầu tư dự án là người muốn thúc đẩy tiến độ để đưa dự án về đích sớm nhất. Ở góc độ này, GS có bình luận gì không?
GS.TS. Hoàng Văn Cường: Đúng vậy, không ít chủ đầu tư họ có kế hoạch triển khai dự án tốt, họ đặt nhiều kỳ vọng, mục tiêu cho dự án, nhưng chính những rào cản về pháp lý, thủ tục đã khiến việc triển khai dự án trên thực tế không được như mong đợi.
Giải phóng mặt bằng, tranh chấp đất đai, xác định giá đất để tính tiền sử đụng đất, chấp thuận đầu tư, điều chỉnh quy hoạch... là những vướng mắc phổ biến gây rủi ro cho chủ đầu tư trong quá trình phát triển dự án.
Các quy định pháp luật chưa đầy đủ hoặc thiếu rõ ràng, gây ra nhiều vướng mắc trong quá trình triển khai các dự án sử dụng đất và việc chưa xử lý hiệu quả các vướng mắc liên quan đến đất đai đã vô tình tạo ra các rào cản, khiến người được giao đất không thể thực hiện các dự án theo kế hoạch. Sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng để giải quyết các vấn đề liên quan đến quyền sử dụng đất cũng còn nhiều bất cập, dẫn đến tình trạng đất đai bị "đóng băng" trong thời gian dài.
Dự án chậm tiến độ, khiến nhà đầu tư bị đội vốn, phá vỡ cam kết với khách hàng, mọi kỳ vọng tốt đẹp về dự án chỉ nằm trên bản vẽ.
PV: Thực tế, nhiều địa phương đang rất lúng túng trong việc thực hiện chủ trương "không hợp thức hóa các vi phạm" trong việc xử lý dứt điểm những vướng mắc, tồn đọng đối với các dự án bất động sản. Dường như đây cũng là nguyên nhân khiến các dự án gặp ách tắc trong việc xử lý, tháo gỡ. Theo ông, để tránh lãng phí, nội hàm "không hợp thức hoá các sai phạm" cần được minh định như thế nào?
GS.TS. Hoàng Văn Cường: Trong quá trình sử dụng đất đai và xây dựng công trình, việc phát sinh các sai phạm không đúng quy định, quy hoạch, tiêu chuẩn, mốc giới hoặc chức năng quy hoạch không gian là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên, cách xử lý các sai phạm này cần được cân nhắc cẩn trọng để vừa đảm bảo tính pháp lý, vừa không gây lãng phí nguồn lực.
Cụ thể, với những công trình sai phạm nhưng không làm thay đổi tính chất, điều kiện phát triển của khu vực, có thể xem xét điều chỉnh quy hoạch để phù hợp hơn. Điều này giúp tận dụng hiệu quả tài sản đã đầu tư mà không nhất thiết phải phá dỡ công trình.
Tuy nhiên, chúng ta vẫn phải đứng trên quan điểm “không hợp thức hóa sai phạm”. Nếu bản thân những công trình, dự án đó đã được xác định là sai phạm thì phải xử lý, quy trách nhiệm.
Một giải pháp khả thi là thu hồi công trình để xung vào công quỹ, đảm bảo không gây lãng phí tài sản và tạo lợi ích chung cho cộng đồng. Trong trường hợp này, những cá nhân hoặc tổ chức vi phạm sẽ không được hưởng bất kỳ quyền lợi nào từ công trình bị thu hồi, qua đó tăng cường tính răn đe và trách nhiệm trong việc tuân thủ pháp luật.
Nhìn chung, việc xử lý sai phạm trong sử dụng đất đai và xây dựng cần được thực hiện quyết liệt nhưng linh hoạt, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật song song với việc tối ưu hóa nguồn lực cho xã hội.
Với những công trình vi phạm mà không thể điều chỉnh quy hoạch để tồn tại vì ảnh hưởng nghiêm trọng đến không gian phát triển, công năng sử dụng, hoặc môi trường chung, cần phải có biện pháp xử lý quyết liệt và triệt để để bảo vệ lợi ích công cộng. Trong trường hợp này, việc phá dỡ là cần thiết và bắt buộc.
Trước khi thực hiện, cơ quan chức năng cần tạo điều kiện cho chủ đầu tư hoặc người vi phạm tự giác tháo dỡ trong một thời hạn nhất định, đây là cơ hội để họ khắc phục sai phạm và giảm thiểu tổn thất. Nếu hết thời hạn mà không thực hiện, nhà nước sẽ trực tiếp phá dỡ và thu hồi toàn bộ tài sản vi phạm.
Các tài sản có giá trị có thể được tận dụng, xung vào công quỹ hoặc sử dụng cho mục đích công ích. Điều này không chỉ đảm bảo xử lý vi phạm mà còn giảm thiểu lãng phí tài sản cho xã hội. Ngoài ra, cũng cần xử lý nghiêm những cá nhân và tổ chức liên quan đến việc để xảy ra vi phạm.
Đối với chủ đầu tư hoặc cá nhân vi phạm, việc phá dỡ và thu hồi tài sản đã là một hình thức xử lý kinh tế nặng nề. Tuy nhiên, với cán bộ quản lý và những người liên đới, cần áp dụng các biện pháp mạnh tay hơn. Điều này bao gồm cả xử lý hành chính, kỷ luật và truy cứu trách nhiệm hình sự nếu hậu quả vi phạm gây ra thiệt hại lớn cho ngân sách nhà nước hoặc xã hội.
Việc để xảy ra những vi phạm nghiêm trọng không chỉ gây lãng phí mà còn tạo tiền lệ xấu, ảnh hưởng đến niềm tin của người dân vào cơ quan quản lý nhà nước. Do đó, trong mọi trường hợp, việc xử lý vi phạm cần công khai, minh bạch, và mang tính răn đe cao để ngăn chặn tái diễn trong tương lai.
Quyết liệt chống lãng phí, "thức tỉnh" nguồn lực đất đai
PV: Nếu tình trạng lãng phí đất đai tiếp tục kéo dài, ông hình dung như thế nào về những hệ lụy?
GS.TS. Hoàng Văn Cường: Trên thực tế, những khu vực đất đai bị bỏ hoang, không được khai thác hay sử dụng đúng mục đích lại thường là những khu "đất vàng" - khu vực có vị trí đắc địa với giá trị cao. Nếu những khu đất này được đầu tư và phát triển bài bản không chỉ mang lại lợi ích từ dự án mà còn tạo nên chuỗi giá trị lan tỏa như thúc đẩy tạo việc làm, cải thiện hạ tầng và kích thích các hoạt động kinh tế - xã hội trong khu vực phát triển.
Ví dụ, khi đầu tư vào một khu công nghiệp, sự phát triển của khu vực này sẽ kéo theo hàng loạt dự án liên quan như nhà ở cho công nhân, kho bãi lưu trữ sản phẩm và các ngành công nghiệp phụ trợ khác.
Nhưng khi những khu vực đất đai này bị bỏ hoang, không được khai thác đúng tiềm năng, không chỉ làm gián đoạn dòng chảy đầu tư mà còn gây ra hiệu ứng kìm hãm sự phát triển của toàn khu vực. Các hoạt động kinh tế liên quan sẽ bị đình trệ, tiềm năng phát triển của khu vực cũng bị "đóng băng", gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc phát triển bền vững và tạo dựng động lực tăng trưởng.
Ngoài ra, tình trạng lãng phí đất còn gây ra những tổn thất nghiêm trọng về vốn đầu tư. Các khu đất hoang hóa, các dự án dang dở sẽ khiến lượng tiền lớn của nhà đầu tư, ngân sách Nhà nước và thậm chí cả vốn đóng góp từ người dân bị "chôn vùi". Điều này tạo ra áp lực nặng nề lên nền kinh tế, cản trở việc luân chuyển dòng vốn hiệu quả.
PV: Có thể thấy, lãng phí đất đai đã và đang để lại những hệ luỵ rõ nét nhất đến nền kinh tế. Vậy còn đối với xã hội thì sao, thưa GS?
GS.TS. Hoàng Văn Cường: Trước hết, việc đất đai bị bỏ hoang hoặc không được khai thác hiệu quả tạo ra sự mất cân đối trong phát triển đô thị và nông thôn, dẫn đến tình trạng phân bổ nguồn lực không hợp lý. Khi các khu đất quan trọng không được sử dụng đúng mục đích, có thể dẫn đến sự thiếu hụt hạ tầng cơ sở cần thiết cho sự phát triển cộng đồng, làm giảm chất lượng sống của người dân.
Bên cạnh đó, hệ lụy xã hội rõ rệt nhất là sự suy giảm niềm tin vào công tác quản lý và khai thác sử dụng đất của Nhà nước. Khi công tác quản lý đất đai không được thực thi nghiêm túc hoặc việc xử lý các dự án chậm tiến độ, bỏ hoang còn lúng túng sẽ gây ra hình ảnh tiêu cực về năng lực quản lý của các cơ quan chức năng, từ đó làm giảm tính răn đe của pháp luật, tạo tiền lệ xấu về sự lơ là và thiếu trách nhiệm trong khai thác tài nguyên.
Hơn nữa, tình trạng lãng phí đất đai còn có thể gây ra sự phân hóa xã hội, khi một số ít cá nhân hoặc tổ chức được lợi từ việc sở hữu đất mà không khai thác, trong khi đó phần lớn dân cư lại phải đối mặt với tình trạng thiếu đất ở, thiếu nhà ở giá rẻ.
PV: Chống lãng phí, xử lý các dự án tồn đọng, khơi thông nguồn lực đất đai đang trở nên bức thiết hơn bao giờ hết khi càng chậm trễ sẽ càng lãng phí và càng khó xử lý. Phòng bệnh hơn chữa bệnh, theo GS, đâu là những giải pháp để hạn chế một cách tối đa, trị tận gốc tình trạng này trước khi nó diễn biến theo chiều hướng nghiêm trọng hơn?
GS. TS. Hoàng Văn Cường: Theo tôi, trước hết cần tập trung nâng cao năng lực quản lý và tăng cường giám sát việc sử dụng đất đai. Việc quản lý và giám sát chặt chẽ việc sử dụng đất sẽ hạn chế tối đa nguy cơ phát sinh các mối quan hệ lợi ích chồng chéo, ngăn chặn tình trạng vi phạm kéo dài, gây khó khăn trong quá trình xử lý sau này.
Cụ thể, cơ quan chức năng cần phát huy vai trò giám sát của mình thông qua việc áp dụng các công cụ quản lý hiện đại, minh bạch hóa quy trình quản lý và thường xuyên kiểm tra, đánh giá hiệu quả sử dụng đất bằng việc xây dựng các cơ chế kiểm tra chéo giữa các cấp, đảm bảo mọi hành vi vi phạm hoặc sử dụng đất sai mục đích được phát hiện và xử lý kịp thời.
Bên cạnh đó, sự tham gia giám sát của người dân cũng là yếu tố không thể thiếu trong công tác phòng, chống lãng phí đất đai. Do đó, cần đẩy mạnh tính công khai, minh bạch trong việc cung cấp thông tin liên quan đến đất đai, tạo điều kiện thuận lợi để người dân dễ dàng tiếp cận, theo dõi và phản ánh các vấn đề bất cập. Tiếng nói từ cộng đồng không chỉ là nguồn dữ liệu đáng tin cậy mà còn là căn cứ quan trọng giúp cơ quan chức năng phát hiện, xử lý các sai phạm một cách nhanh chóng, hiệu quả.
Thứ hai, cần thực hiện đánh giá kỹ lưỡng năng lực tài chính, khả năng triển khai dự án và hiệu quả sử dụng đất của các nhà đầu tư. Từ đó sẽ đảm bảo đất đai được sử dụng bởi những nhà đầu tư có đủ năng lực thực hiện dự án, tránh tình trạng đất bị giao cho các chủ đầu tư yếu kém, dẫn đến dự án bị bỏ hoang hoặc chậm tiến độ.
Quá trình thẩm định cần minh bạch, dựa trên các tiêu chí rõ ràng như khả năng huy động vốn, kinh nghiệm triển khai các dự án tương tự và cam kết thời gian thực hiện.
Thứ ba, cần chú trọng phát triển các công cụ thị trường nhằm ngăn chặn tình trạng lạm dụng quyền giữ đất để hoang hóa hoặc trục lợi. Một trong những biện pháp cốt lõi là thiết lập các ràng buộc pháp lý chặt chẽ trong hợp đồng giao đất hoặc các quyết định giao đất.
Điều này không chỉ tạo ra cơ sở pháp lý vững chắc cho cơ quan quản lý trong việc xử lý các hành vi vi phạm, mà còn giúp quá trình thực thi các biện pháp cưỡng chế trở nên thuận lợi hơn. Việc thiết lập các quy định rõ ràng, cụ thể sẽ khuyến khích các chủ thể sử dụng đất đúng mục đích, từ đó nâng cao hiệu quả và giá trị sử dụng đất đai, đảm bảo tài nguyên đất được khai thác tối ưu cho sự phát triển kinh tế - xã hội.
Thứ tư, cần đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong sử dụng đất đai. Cụ thể, đối với những cá nhân và tổ chức vi phạm, cần xử lý thật "mạnh tay". Bao gồm xử lý hành chính, kỷ luật và truy cứu trách nhiệm hình sự nếu hậu quả vi phạm gây ra thiệt hại lớn cho ngân sách nhà nước hoặc xã hội. Trong mọi trường hợp, việc xử lý vi phạm cần công khai, minh bạch và mang tính răn đe cao để ngăn chặn tái diễn trong tương lai.
Thứ năm, cần sử dụng các công cụ như "đòn bẩy" để hạn chế tình trạng lãng phí đất đai. Cụ thể, việc áp dụng mức thuế đất và phí sử dụng đất cao đối với các thửa đất bị bỏ hoang là một giải pháp cần thiết, nhằm tạo áp lực kinh tế buộc các chủ sở hữu nhanh chóng đưa đất vào khai thác hoặc tự nguyện trả lại đất cho Nhà nước.
Chính sách này cần đảm bảo nguyên tắc "càng giữ đất lâu, càng để đất hoang hóa, thì thiệt hại kinh tế càng lớn", từ đó góp phần khuyến khích sử dụng đất hợp lý, hạn chế tình trạng đất đai bị bỏ phí trong thời gian dài.
- Trân trọng cảm ơn GS!