Aa

Ngôi nhà và tiếng mèo kêu đêm

Thứ Ba, 25/09/2018 - 06:00

Ngôi nhà của bà Thái Lan không ai dám mua lại. Một thời, hợp tác xã nông nghiệp dùng làm kho chứa phân bón và thuốc trừ sâu. Nhưng sau đó ngôi nhà cũng bỏ hoang. Ngôi nhà trở thành nơi tập trung của lũ mèo hoang. Chính thế, nó lại trở nên bí ẩn hơn bởi những tiếng kêu gào như tiếng người đêm đêm. Chẳng có ai dám bước vào...

Tên cúng cơm của bà là Trầm. Nhưng cả làng gọi bà là bà Thái Lan. Sau này lớn lên tôi mới được biết, vì bà là Việt kiều ở Thái Lan về, cho nên làng gọi như vậy. Sau năm 1954, thấy đất nước hoà bình và theo lời kêu gọi của Chính phủ, khá đông Việt kiều từ nhiều nước đã trở về Tổ quốc. Gia đình bà cũng náo nức trở về. Trong những năm ở Thái Lan, vợ chồng bà chỉ là những người buôn bán nhỏ ở một thị trấn phía đông Bangkok. Cho nên về nước, vợ chồng bà loay hoay chẳng biết làm gì cụ thể. Nhưng sự trở về với niềm hãnh diện được làm công dân của một đất nước độc lập sau triền miên nô lệ là một hạnh phúc lớn. Sau một thời gian ngắn ở Hà Nội, vợ chồng bà quyết định đưa hai người con trai trở về làng.

Chỉ cần nhắm mắt lại là tôi thấy bà hiện ra. Lúc nào bà cũng quấn một dải khăn nhung màu mận chín trên đầu và đeo một đôi hoa tai vàng. Trở về quê, vợ chồng bà tậu mảnh đất và dựng một ngôi nhà ở phía sau hậu cung đình làng. Chính ngôi nhà ở vào vị trí đó mà sau này có biết bao câu chuyện kỳ bí được người làng Chùa kể cho nhau nghe hết đêm này đến đêm khác. Làng Chùa là làng tôi, nơi mà tôi đã sinh ra, lớn lên và ước được chết trên mảnh đất này.

Người đầu tiên trong gia đình bà bị chết một cách khó hiểu, là ông Thái Lan. Ông chết khi đang ngồi rửa mặt trước chiếc chậu thau đồng trước hiên nhà. Bất chợt ông gục xuống, úp mặt vào chậu nước mà chết. Người làng Chùa kể rằng: Trước kia có một ông phó cối đi qua làng, nhìn ông Thái Lan đang chơi cờ tướng ở hiên nhà, thở dài mà nói: "Không qua sông mà chết đuối”. Nói rồi bước đi, thoáng một lúc đã không thấy đâu. Có lẽ vì thế mà sau này, khi có những ông phó cối đi qua làng để đóng hay sửa chữa cối xay lúa là mọi người lại chú ý quan sát họ một cách dè dặt. Nhất là ông phó cối nào nói điều gì đó khác thường thì mọi người sau đó tìm cách suy luận như là giải mộng vậy.

Một lần, có một ông phó cối đang ngồi ngoài sân một gia đình hành xóm của tôi sửa cối, bỗng vứt dụng cụ xuống sân, ngửa mặt lên trời than: “Mây máu, mây máu... trời xa, làng gần”. Nghe vậy, mọi người thì thào truyền nhau câu nói ấy, chẳng ai hiểu gì, nhưng đầy lo lắng vì có mấy chữ “mây máu”, "làng gần”.

Trở lại câu chuyện gia đình bà Trầm. Sau đó một năm, đến lượt chị Thông, con dâu cả của bà Thái Lan bị chết. Năm ấy chị mới ngoài ba mươi tuổi. Chị không ốm đau gì mà cứ ít nói dần đi. Rồi đến một thời gian hầu như chị không nói gì cả. Chiều chiều chị ra bờ giếng đình ngồi im lặng, nhìn không chớp mắt về một chốn nào đó xa xôi. Người bảo chị nhớ cái thị trấn phía đông Bangkok, nơi chị sinh ra và lớn lên. Người bảo chị nhớ người chồng đi lính đã mấy năm không thấy trở về. Chị cứ lặng lẽ như thế, cho đến một chiều gội đầu xong, hong tóc khô rồi nằm xuống ngủ và không bao giờ thức dậy nữa.

Thi thoảng thấy mẹ tôi đi qua, bà Thái Lan lại đon đả: "Mời bà giáo vào nhà xơi nước”. Rồi bà kể với mẹ tôi rằng, hồn người con dâu vẫn thường xuyên trở về đứng bên đầu giường bà. Tóc người con dâu đã chết phủ lên mặt bà làm bà có lúc ngạt thở tưởng chết đến nơi. Bà vùng dậy. Người con dâu lại lướt đi như gió và đến bên bờ giếng đình bán nguyệt thì xoè váy áo mà nhảy xuống làm nước bắn lên tung toé ướt một nửa sân đình. Nhiều người lớn nghe chuyện này sợ đến không dám đi đái ban đêm. Nhưng thỉnh thoảng bọn trẻ con chúng tôi vẫn ra đình làng chơi trận giả vào những đêm sáng trăng. Và khi khát nước chúng tôi vẫn mò ra giếng đình chúi đầu xuống uống ừng ực nước giếng đêm mát lạnh mà chẳng thấy sợ hãi chút nào.

Có những đêm chúng tôi chơi trò đuổi bắt và chui vào tận góc trong cùng của hậu cung đình làng trong ánh nến chập chờn và mùi hương trầm bí ẩn. Chúng tôi nấp sau lưng những tượng Phật. Có đứa còn ngủ quên trong hậu cung cho đến tận sáng hôm sau. Người làng cứ đợi chờ trong lo sợ nơm nớp những đứa trẻ “ngủ hỗn” trong hậu cung sẽ bị bệnh tâm thần. Nhưng những đứa trẻ ấy cứ lớn lên với trâu bò, cua cá, cóc nhái mà chẳng đứa nào mắc bệnh cả. Mẹ tôi nói, Thần Phật cũng bảo vệ những đứa trẻ, vì chúng là những con người với tâm hồn trong sáng, không tham lam, độc ác như những con người khác được gọi là người lớn.

Sau cái chết lạ lùng của cô con dâu nhà bà Thái Lan thì đến lượt anh Lan, người con trai thứ hai của bà, cũng lại ra đi. Khi đang giảng bài cho học sinh, anh bỗng ôm ngực, thổ huyết lên đầy bàn và mất. Hồi ấy, anh dạy học ở Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ, tỉnh Hà Tây cũ. Anh còn rất trẻ, chưa vợ con gì. Bà Thái Lan có hai người con trai. Người con trai cả tên là Thông lúc đó đang tại ngũ trong quân đội. Chỉ trong vòng mấy năm, những người trong gia đình bà Thái Lan cứ liên tiếp ra đi. Nhưng bà Thái Lan vẫn như không có gì thay đổi. Bà vẫn đội chiếc khăn màu tím Huế và đeo đôi hoa tai vàng. Bà vẫn sống trong ngôi nhà sau hậu cung đình làng với đứa cháu gái nhỏ, con của người con trai cả. Rồi người con trai cả trở về để xin đưa bà và đứa con gái của anh rời làng, một lần nữa ra đi. Nhưng bà vẫn ở lại. Bà nói, bà đã già và muốn được chết ở quê hương. Người con trai cả ngậm ngùi ra đi. Bà Thái Lan ở lại với đứa cháu nhỏ. Mọi sinh hoạt, phong thái của bà không thay đổi.

Đến một ngày, người ta nghe tiếng mèo gào thảm thiết ở nhà bà Thái Lan. Không biết từ đâu mà lũ mèo tụ tập kéo về rất đông trên mái nhà bà và gào suốt đêm làm cả làng không sao ngủ yên. Sáng hôm sau, những người đàn ông vội đến để xem có chuyện gì mà mèo hoang về gào như thế. Ngôi nhà bà Thái Lan đóng cửa im ỉm. Lúc này, họ chợt nhận ra hình như hai ngày trước đó không thấy bà đi dạo quanh khu đình làng. Họ phá cửa vào và kinh hãi nhận ra bà đã chết. Đứa cháu gái vẫn đang thiêm thiếp bên bà. Đứa bé còn sống nhưng người ta không hề nghe tiếng khóc của nó. Có thể nó đói quá lả đi, hay cũng có thể nó sợ hãi quá mà không khóc thành tiếng được. Đứa bé đã nằm bên người bà đã chết hai ngày một đêm.

Sau khi bà Thái Lan được chôn cất, mấy đêm liền người ta nghe có tiếng động trong ngôi nhà của bà Thái Lan. Nhưng không ai dám mở cửa bước vào. Nhưng rồi đến ít ngày sau, người ta nhận thấy có kẻ nào đó đã lẻn vào nhà bà Thái Lan trong đêm đào tung nền nhà và đục hết các mạch vữa của bốn bức tường. Lúc này người làng mới nhận ra có kẻ đã lẻn vào đào nhà tìm của. Trước đó, người làng vẫn đinh ninh là bà đã mang rất nhiều vàng từ Thái Lan về cho nên mới sống mà không làm gì.

Suốt những năm sau này, người ta bàn tán với nhau về những cái chết lạ của gia đình bà Thái Lan. Rất nhiều người quả quyết vì gia đình bà đã dám ở trên đất của Thánh. Nghĩa là gia đình bà đã xúc phạm Thần Phật. Sau khi bà Thái Lan chết, anh Thông trở về đưa đứa con gái nhỏ rời làng ra đi và cho đến bây giờ cũng không thấy trở về. Có lẽ anh không bao giờ trở về nữa...

Ngôi nhà của bà Thái Lan không ai dám mua lại. Một thời, hợp tác xã nông nghiệp dùng làm kho chứa phân bón và thuốc trừ sâu. Nhưng sau đó ngôi nhà cũng bỏ hoang. Ngôi nhà trở thành nơi tập trung của lũ mèo hoang. Chính thế, nó lại trở nên bí ẩn hơn bởi những tiếng kêu gào như tiếng người đêm đêm. Chẳng có ai dám bước vào. Chỉ bọn trẻ con thi thoảng chơi trận giả lại chui vào mà chẳng hề sợ hãi. Mấy năm nay, ngôi nhà được sửa chữa khang trang để làm nhà trẻ. Ngày ngày những đứa trẻ học hát bi bô và đùa nghịch cười nắc nẻ. Bọn trẻ con bây giờ không còn nghe những bàn tán vừa sợ hãi vừa bí ẩn của người làng về ngôi nhà ấy nữa...

Và có lẽ tôi là người làng Chùa cuối cùng kể câu chuyện này mà thôi.



Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top