Trong những năm ấu thơ của mình, những đứa trẻ như tôi lớn lên ở những làng quê không có ti vi, không có đài phát thanh, không có sách, thậm chí không có đèn vào các buổi tối. Ngày ấy, thôn quê với những mái nhà lợp rạ lúp xúp, cây cối rậm rạp, nhiều chim chóc, nhiều hoang thú và côn trùng.
Đêm xuống, cả làng chìm trong bóng tối. Lũ trẻ con ngày đó chẳng biết làm gì vào những buối tối như thế ngoài việc được bà hay mẹ kể chuyện cho nghe. Đó cũng là món quà lớn nhất đối với mọi đứa trẻ. Những câu chuyện của bà, của mẹ những năm tháng đó không phải là những câu chuyện từ những cuốn sách. Đó là những câu chuyện mà những người bà, người mẹ, trong đó có những không biết chữ, được nghe khi họ còn ấu thơ và kể lại cho con cháu. Lũ trẻ chúng tôi đã nghe những câu chuyện ấy và một thế giới của tưởng tượng mở ra vô tận.
Điểm nổi bật nhất của những chuyện kể hồi đó là hầu hết đều mang tính kỳ bí mà chúng ta gọi là chuyện ma. Sau này lớn lên, tôi nhận ra những câu chuyện ma ấy đều liên quan đến những người cụ thể ở mỗi làng quê và có cả những câu chuyện liên quan đến những người thân yêu đã khuất trong gia đình mình. Nhưng vì khi sống có những oan khuất, những trắc trở, những đau buồn, những tiếc nuối, những ân nghĩa, những khát khao... mà khi chết vẫn hiện về như muốn nói với những người đang sống một điều gì đó hoặc muốn làm một điều gì đó. Một điều quan trọng mà tôi nhận ra từ những câu chuyện kỳ bí ấy là nó vẫn chứa đựng những thông điệp cho cả cuộc sống bây giờ.
Chúng ta đang sống trong hiện đại. Mỗi đứa trẻ đều đã có điều kiện sống đầy đủ hơn trước kia rất nhiều. Nhưng quả thực, chúng không có được những buổi tối quây quần quanh bà, quanh mẹ và đợi chờ những câu chuyện từ họ với một cảm xúc lạ thường. Mỗi ngày hiện nay, bọn trẻ tiếp xúc với muôn vàn trò chơi điện tử trong iphone, ipad nhưng chúng đang mất đi trí tưởng tượng vô tận từ chính ngôi nhà của chúng, từ tiếng côn trùng trong đêm, từ một lùm cây, từ một triền sông hay từ một đêm trăng huyền ảo... T
rí tưởng tượng làm lên sự phong phú của tâm hồn và mở rộng chiều kích của tư duy. Những câu chuyện kể từ người bà, người mẹ đã gắn kết những đứa trẻ với con người và thiên nhiên ở nơi chúng được sinh ra và lớn lên. Đến lúc này, chúng ta phải tự hỏi rằng: Một thế giới vật chất bề bộn và một thế giới xum xuê cây lá tâm hồn thì cái nào sẽ giúp làm nên con người thực sự?
Chính vì những lý do đó mà tôi ngồi xuống và kể lại những câu chuyện mà tôi đã từng nghe từ bà, từ mẹ tôi trong những năm tháng ấu thơ và từ những người khác. Khi viết xong những câu chuyện này, tôi đã đọc lại và nhận ra một điều vô cùng thú vị mà khi viết tôi chưa nhận ra. Đó là những câu chuyện ma thuần Việt. Cho dù những điều tôi kể lại vụng về đến đâu thì nó cũng chẳng giống những câu chuyện ma của người Trung Quốc, Ấn Độ hay của một số nước phương Tây. Bởi đời sống nào, văn hóa nào sẽ làm nên những câu chuyện của đời sống đó và của nền văn hóa đó.
Dưới đây là một trong những câu chuyện ấy:
LÁ BÙA TRỪ MA
Hồi nhỏ, vào những trưa mùa hạ ra sông tắm hay đi cào hến, nhiều lúc đang bơi trong dòng nước trong xanh và mát lạnh trên sông, tôi chợt thấy rợn người. Đó là khi chân tôi chạm vào những đám rong tóc tiên hay rong đuôi chó mọc dày đặc dưới đáy sông. Những đám rong quấn lấy tôi như có một bàn tay nào đó từ dưới đáy sông túm lấy hai cổ chân tôi kéo xuống. Lúc đó, tôi hoảng sợ vô cùng và vùng hết sức để bơi vào bờ. Lên bờ rồi, tôi ngồi thở dốc và nhìn không chớp mắt vào dòng sông. Tôi nghĩ đến con ma tóc dài ở khúc sông này mà bà và mẹ tôi đã kể cho mấy em tôi nghe những năm trước đó. Câu chuyện về con ma này không chỉ anh chị em tôi được nghe mà hầu hết những đứa trẻ nhiều thế hệ lớn lên ở làng tôi đều đã được nghe.
Từ những năm 60 của thế kỷ XX trở về trước, mùa hạ năm nào, khúc sông Đáy chảy qua làng tôi cũng có người chết đuối. Hoặc là người làng tôi, hoặc là người các làng quanh đó. Tất cả những người chết đuối đều là đàn ông. Tất cả những người chết đuối khi xác nổi lên đều không một mảnh vải che thân. Trên mặt những người đàn ông chết đuối đều có một vệt đen. Gia đình những người chết đuối đều tìm thấy quần áo của nạn nhân để trên bờ. Họ chết đuối không phải vì đắm đò hay trượt chân rơi xuống sông mà là vì đi tắm sông ban đêm. Vào mùa hạ, cứ đêm xuống là những người ở các làng ven sông, kể cả đàn ông, đàn bà và trẻ con thường đi tắm sông. Họ để quần áo trên bờ và xuống sông tắm. Đàn ông tắm ở một khúc và đàn bà tắm ở một khúc sông khác.
Mỗi lần tôi xin mẹ ra sông tắm đêm, mẹ chỉ cho khi có người lớn đi cùng. Thường tôi đi tắm đêm ngoài sông với người anh họ đã lớn. Chỉ khi ấy mẹ tôi mới yên tâm. Bởi trong ý nghĩ của mẹ tôi và những người làng tôi thì trên khúc sông đó có ma đã dìm chết nhiều người. Bà tôi kể, khi bà tôi còn nhỏ đã nghe cụ nội tôi nói về con ma sông ấy. Một con ma luôn hiện hình dưới lốt một cô gái còn rất trẻ. Vào những đêm trăng mùa hạ, người làng tôi thi thoảng lại thấy một cô gái trẻ khỏa thân, tóc dài thả trôi theo dòng nước lấp lánh. Cô gái bơi lội trên sông và cất tiếng hát rờn rợn trong đêm trăng. Có lúc cô gái lên bờ sông ngồi hong tóc.
Lúc đầu, người làng tưởng đó là một cô gái đi tắm sông đêm. Hồi xưa, một đám thanh niên làng tôi đã mò vào bãi ngô để nhìn trộm cô gái tắm sông ấy. Nghe tiếng động trong bãi ngô, cô gái quay lại nhìn. Đám thanh niên lạnh toát hết người khi thấy hai hốc mắt cô gái đen ngòm và lưỡi thè ra đỏ như máu. Rồi cô gái quay người lao xuống sông và biến mất. Sau đó, từ mặt sông mờ ảo ánh trăng, họ nghe thấy tiếng cô gái trẻ khóc ri rỉ. Đám thanh niên sợ quá bỏ chạy một mạch về làng. Câu chuyện về con ma sông tóc dài có lẽ bắt đầu từ ngày đó.
Nhưng có người không tin đó là ma và ra tán tỉnh cô gái. Cô gái rủ họ xuống sông tắm cùng. Người đàn ông bị sắc đẹp của cô gái mê hoặc cứ thế trút bỏ quần áo xuống sông tắm cùng cô gái. Cô gái vừa bơi ra giữa sông vừa cười khanh khách. Người đàn sông cứ thế bơi theo và tìm cách ôm lấy cô gái. Cô gái ôm lấy người đàn ông và thè cái lưỡi đỏ như máu liếm vào mặt người đàn ông. Người đàn ông sợ quá vội bơi quay vào bờ. Nhưng cô gái đã túm lấy hai chân người đàn ông và cứ thế kéo xuống đáy sông. Sáng hôm sau, người làng thấy xác người đàn ông nổi lên ở khúc sông làng dưới. Trên mặt người đàn ông chết trôi ấy có một vết đen dài. Đó là vết liếm của con ma tóc dài đêm hôm trước.
Làng tôi có ông lang Chất là người vừa giỏi bắt mạch bốc thuốc, vừa giỏi chữ Hán lại biết bói toán. Ông giống như một cuốn bách khoa toàn thư của làng. Ông đã đọc thiên kinh vạn sử, vì thế người làng tôi muốn biết gì đều đến hỏi ông và ông nói gì người làng cũng tin. Mỗi khi có một người đàn ông chết đuối trên khúc sông Đáy chảy qua khu vực giữa làng tôi và làng Sóc, ông lang Chất vừa ngậm ngùi thương xót lại vừa nổi giận. Mỗi khi người làng tôi kêu có người đàn ông chết đuối, ông lại nói: “Tội lỗi quá, tội lỗi quá”.
Ông lang Chất nói với người làng tôi về con ma trẻ tóc dài hay dìm chết những người đàn ông chính là oan hồn một cô gái. Nhà cô gái ở xóm trại. Buổi tối cô thường xuống sông tắm. Rồi một đêm, một gã đàn ông đã cưỡng dâm cô gái rồi dìm cô chết trên sông. Năm ấy cô mới bước sang tuổi 12. Đến khuya không thấy cô gái về nhà, gia đình cô gái vào làng tìm. Khi còn sống, thường buổi tối rảnh rỗi, cô lại vào làng chơi với mấy người bạn. Không thấy cô ở trong làng, gia đình đi dọc bờ sông tìm và họ thấy quần áo cô để trên bờ. Mãi đến trưa hôm sau, thi thể cô gái mới nổi trên sông cách nơi cô xuống tắm một đoạn dài. Mọi người nghĩ cô bị chết đuối. Gia đình đã mang xác cô về mai táng.
Một thời gian sau ngày cô mất, người làng bỗng phát hiện ra có một cô gái khỏa thân thường tắm trên sông vào những đêm mùa hạ có trăng. Cô gái vừa bơi, vừa hát và đôi khi họ lại nghe tiếng khóc ri rỉ từ giữa sông vọng vào. Người làng tôi nghĩ đó là một cô gái ở làng dưới hay xóm trại bên kia sông xuống tắm sông mà thôi. Chính thế mà bắt đầu có những đàn ông muốn chiếm đoạt thân xác cô. Cô gái ma vừa bơi vừa dụ những người đàn ông ấy ra giữa sông rồi dìm chết. Cô gái ma trả thù gã đàn ông đã cưỡng dâm cô và dìm cô xuống sông bằng cách dụ tất cả những gã đàn ông muốn cưỡng dâm cô. Nhưng mỗi năm cô chỉ dìm chết một gã đàn ông rồi sau đó người ta không thấy cô hiện ra trên sông nữa cho tới mùa hạ năm sau. Một ông làm nghề thuyền chài ở khúc sông làng tôi kể rằng, ông đã gặp cô gái ma ấy mấy lần khi đang thả lưới đêm trên sông. Cô gái ma bơi đến sát thuyền ông và rủ ông xuống tắm. Ông nhìn cô gái ma, lòng đầy thương cảm và nói: “Tôi không biết vì sao cô chết rồi mà hồn vẫn ở lại đây, nhưng tôi biết cô có gì đó oan ức, nhưng cô đừng hiện lên và dìm chết người nữa. Tôi sẽ thắp hương cho cô”. Ông đã làm lễ và thả lễ xuống sông. Nhưng cô gái ma vẫn hiện lên và dìm chết những gã đàn ông những năm sau đó. Và cô gái ma vẫn thi thoảng hiện lên bơi sát thuyền khi ông thả lưới đêm và rủ rê ông xuống tắm cùng cô.
Có lần, lưới bị mắc, ông thuyền chài nhảy xuống sông để gỡ. Cô gái ma bơi đến sát bên ông rủ rê. Người đàn ông làm nghề chài lưới lại bày tỏ nỗi thương cảm với cô và lại hứa sẽ thắp hương cho cô. Nghe vậy, cô gái ma bỏ đi và ông nghe tiếng khóc ri rỉ vọng lại từ mặt sông mờ ảo ánh trăng. Tuy một mình với cô gái ma trên sông vắng lúc khuya nhưng ông thuyền chài không sợ cô. Ông nghĩ cô cũng là người nhưng vì chết oan ức nên không siêu thoát được. Ngày rằm, ông vẫn thắp hương khấn cho linh hồn cô gái được siêu thoát. Nhưng ông không thay đổi được cô. Và thế là vào tuần trăng đầu tiên của mùa hạ hàng năm, lại có một người đàn ông bị dìm chết.
Ông thuyền chài vào làng kể lại chuyện đó với ông lang Chất. Ông lang Chất nói con ma đó không thể dìm ông thuyền chài chết được vì ông không có ý nghĩ sẽ chiếm đoạt thân xác cô ấy cho dù cô ấy đã rủ rê ông. Cô gái ma ấy chỉ dìm chết những kẻ ham sắc dục và có ý định cưỡng dâm cô mà thôi. Ông thuyền chài hỏi ông lang Chất vì sao ông thường thắp hương cầu khấn cho cô ấy mà cô ấy không siêu thoát. Ông lang Chất nói vì đó chỉ là cá nhân ông thuyền chài mà thôi. Nếu muốn cho linh hồn cô gái bị cưỡng dâm và dìm chết kia được siêu thoát, hay nói cách khác được cô ấy tha thứ cho những người còn sống, thì các xóm ở khúc sông đó phải thực sự nhận ra tội lỗi của mình và chân thành tạ lỗi.
Rồi sau đó, những người dân ở các xóm trại ven đê đã đến gặp ông lang Chất xin ông làm một cái lễ cho họ để xin lỗi cô gái. Ông lang Chất cho lập đàn bên bờ khúc sông mà cô gái đã bị cưỡng dâm và dìm chết trước kia. Đại diện của những xóm trại ven sông đều có mặt trong buổi lễ. Sau khi lễ xong, ông lang Chất lấy một tờ giấy nhỏ viết một dòng chữ vào đó rồi bỏ vào chiếc bình gốm, làm phép rồi bịt kín miệng bình và thả xuống sông.
Từ năm đó, người ta không còn thấy cô gái ma ấy hiện lên nữa. Cũng từ đó, khúc sông ấy không còn những người đàn ông chết đuối như xưa. Người quanh vùng cho rằng ông lang Chất đã dùng chiếc bình gốm đựng lá bùa trừ tà ma thả xuống dòng sông. Vì thế mà sau này có những người ở nhiều nơi tìm đến gặp ông lang Chất nhờ ông viết bùa trừ tà ma cho gia đình họ hay làng xóm họ. Nhưng ông lang Chất đều từ chối. Ông nói với họ rằng ông chỉ là người dạy chữ và bốc thuốc mà thôi. Đặc biệt, khi ông không biết hồn ma ấy vì đâu mà có thì ông không thể giúp gì cho họ được. Ông cũng nói với họ những gì ông viết bỏ vào chiếc bình gốm thả xuống khúc sông ấy không phải bùa bả gì cả. Nhưng chẳng ai tin lời ông.
Cũng từ đó, người làng tôi và người quanh vùng thường bàn tán về lá bùa trừ tà ma mà ông lang Chất đã làm để đuổi cô gái ma tóc dài trên khúc sông chảy qua khu vực xã tôi. Chỉ đến khi ông giã từ thế gian người ta mới biết được sự thật “lá bùa trừ tà ma” ấy.
Ông lang Chất sống đến 99 tuổi thì mất, trước khi mất, ông gọi những người thân trong gia đình và một người đại diện trong làng đến và nói cho họ biết ông đã viết gì trong tờ giấy bỏ vào chiếc bình gốm ấy. Đó không phải những lời chú khó hiểu hay bí ẩn gì cả. Dòng chữ ấy là lời xin lỗi chân thành với một cô gái trẻ đã bị cưỡng dâm và dìm chết. Và khi linh hồn cô gái ấy nhận được lời xin lỗi chân thành của cộng đồng những người còn sống, cô gái mới tha thứ cho tội lỗi của họ và đã siêu thoát.