Aa

Mẳm hén chị Hay Mường Bú (Phần I)

Thứ Năm, 24/12/2020 - 07:00

Rồi chị cho tôi đi chơi trên sông Đà bằng thuyền độc mộc. Có lúc giữa sông, chị cứ nguyên váy áo nhảy ùm xuống sông bơi đi một quãng xa, để mặc tôi loay hoay chèo nhồng nhồng con thuyền mỏng mảnh trên mặt nước.

Năm tôi bước vào tuổi mười sáu, bỗng nổi cái thú đi lang thang cho biết trời đất. Lúc ấy đã hòa bình, nhà tôi chuyển từ trong góc rừng nơi bản Phiêng Ngùa, Nà Mường, Phiêng Hay... ra thị xã Sơn La được hơn năm rồi. Tôi vẫn nhớ đám bạn người Thái ở bản và những chuyến đi rừng với chúng nó...

Ôi những cuộc chơi ở rừng... Ngô non, sắn núi vùi dưới đám củi bừng bừng lửa. Có con gà rừng bẫy được, nhào đất nhão bọc tròn lại, đốt than nướng. Rồi măng nó bó vùi tro nóng sơ sơ và rau rừng lam trong ống nứa tươi nữa... Có chuyện thằng Phanh ăn ve sầu non còn sống quấn trong lá chua chát chấm muối ớt, bỏ vào mồm nhai còn nghe ve kêu khẹc khẹc. Nó bảo là ngon lắm, nhưng tôi sợ. Mãi sau này, có lần vào Tây Ninh, được ăn món ve sầu vừa lột chiên giòn lên, rất bùi béo, thì lại nhớ cái mặt sung sướng của nó. Nhưng lúc ấy, tôi dứt khoát để bụng mà đợi ăn các món nướng thơm, ngọt, ngon và lành quen hơn…

Tôi chỉ con đường ngược hướng về thị xã, hỏi mọi người là nó dẫn đi đâu? Đấy là đường đi đến đèo Cao Pha, qua đèo ấy là đi xuống Tạ Bú, rồi ra Mường Bú bên bờ sông Đà. Sao lại có những địa danh gắn với chữ “Bú” nhỉ? Sông Đà là nơi người ta bắt được con cá chiên vàng ruộm, khênh lên đuôi vẫn quét xuống đất, bố tôi chung tiền mua, cả xóm sơ tán cùng làm các món, ăn náo nức với nhau.

Thế là nhân dịp nghỉ hè sau khi học xong lớp chín, tôi xin bố tôi cho tôi đi chơi sông Đà. Ở đấy bố có vài người quen trong bản. Bố không những đồng ý mà còn còn khuyến khích tôi. Chắc ông thấy thằng con trai muộn có cái máu đi giang hồ như mình ngày còn trẻ. Ông hỏi cho tôi đi nhờ xe tải đến Tạ Bú, rồi từ đấy đi bộ vào Mường Bú, tìm đến nhà những người quen của bố mà hòa nhập. Để hòa nhập, tôi đã có cách. Nhà làm bánh kẹo bán, nên tôi xin lấy đầy một ba lô đeo vai và lên đường...

Rời Tạ Bú, tôi tha thẩn đi bộ hơn nửa ngày đường thì tới Mường Bú. Mấy bản Thái cổ, nhà sàn cột gỗ to đùng kê trên tảng đá mài nhẵn, mái nhà lợp bằng gỗ xẻ thành ván, hai đầu hồi nhà có gắn khau cút, cửa voóng nhìn ra cánh đồng rộng rồi tụt xuống thấp chút nữa là con sông Đà.

Tôi có một người bạn đặc biệt trong thời gian ở đấy, dưới mái sàn nhà bác Xôm. Đó là chị Hay, con gái cả của bác. Chị Hay hơn tôi chừng gần hai tuổi, nhưng hay xưng tên trống không với tôi. Có lúc còn nói đùa, nếu Phong lớn hơn chút nữa, thì Hay muốn Phong đến đây ở rể, ở cùng với Hay. Tôi cười bảo, chị đừng đùa, em nghe bác trai nói chị đã có người sắp về ở rể rồi mà. Chị bảo, nhưng thấy Phong hay hay thì cứ nghĩ thế… Chị Hay đưa tôi đi chơi dọc bờ sông Đà, đi mãi xuống phía dưới hạ lưu, rồi đi ngược lên thượng nguồn. Rồi chị cho tôi đi chơi trên sông Đà bằng thuyền độc mộc. Có lúc giữa sông, chị cứ nguyên váy áo nhảy ùm xuống sông bơi đi một quãng xa, để mặc tôi loay hoay chèo nhồng nhồng con thuyền mỏng mảnh trên mặt nước.

Non nước sông Đà.

Chị Hay chỉ đưa tôi đi chơi sông, chơi nước. Còn lên rừng thì tôi đi với đám trẻ trai ở bản. Cũng chặt củi, đào măng, hái rau rừng mang về. Các thứ tôi mang về, chị Hay hay khen trước mặt hai bác, bảo thằng này con người Kinh, trông xinh xinh thế mà thạo như trai bản ta đấy. Chị làm món ăn từ măng và rau rừng tôi mang về. Chị mổ cá đằng lưng, ướp với mắc khén, muối rang và các loại rau thơm giã nhỏ rồi cuộn ngược lại, kẹp vào kẹp tre tươi nướng trên than hồng. Các loại cá nhỏ thì mổ moi ruột, cũng ướp như thế nhưng gói lá chuối tươi vùi trong than. Có món rêu sông Đà cũng nướng bằng cách gói lá chuối tươi… Các món ăn chị Hay làm đều ngon tuyệt...

Sau này tôi viết văn, có một cuốn truyện thiếu nhi mang tên “Rừng thiêng”, là lấy bao nhiêu vốn hiểu biết từ chuyến đi này. Nhân vật Lanh trong cuốn sách có nhiều bóng dáng của chị Hay.

Có một món ăn chị Hay làm, tôi ăn từ hồi ấy, nhớ mãi, mà đến nửa thế kỷ sau mới được ăn lại. Đó là mẳm hén. Người Thái có hai món mắm đặc biệt, là mẳm cá và mẳm hén. Mẳm cá làm từ các con cá bé tí, xương rất mềm, ủ cùng muối rang, bột gạo nếp rang và ớt chỉ thiên trong những ống bương, bọc kín lá chuối khô, treo gần gác bếp. Món này có nhiều, hay ăn, thơm ngon… Mẳm hén thì hiếm lắm, làm từ con tô hén ủ trong ống đẽo từ loại gỗ rừng đặc biệt với ớt rừng loại nhỏ xíu, thơm nồng nã và cay xé lưỡi.

Món mẳm hén ở Sơn La.

Tô hén là con vật như từ trời đất sinh ra. Nó tròn nhỏ hơn hạt kê một chút, màu nâu nhạt, có hai cái càng nhỏ xíu để bơi trong nước. Khi bị vợt lấy, chỉ một lát, hai cái càng nhỏ rụng đi đâu mất, thành ra vốc một vốc hén trên tay, trông giống như một đám hạt kê già mềm mềm. Loài này chả hiểu vòng đời thế nào. Chỉ thấy khi mưa thật lớn, nước đọng lại lâu lâu ở những đám đất trũng lớn không có lối thoát đi. Khi cỏ cây lụi hết, nắng lên to, thì trong làn nước trong trong đọng lại ấy xuất hiện những bầy tô hén tung tăng. Khi nước hết đi rồi thì hén cũng hết. Đất khô đi, cỏ mọc lên. Tới mùa mưa năm sau, có nước mưa nhiều, chỗ đất trũng bỗng thành hồ nước, nắng lên, thì hén lại xuất hiện. Người ta cho rằng con hén có là do tận từ trời mưa mang trứng giống xuống, đợi nắng lên chiếu vào ấm áp như ấp cho trứng nở thành con. Trời đất sinh ra là vì thế…

(Còn nữa)

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top