Aa

Quà sạch, quà quê

Thứ Hai, 07/09/2020 - 07:00

Hai chục quả thanh trà được đóng thùng, gửi bưu điện, từ Huế tới nhà tôi mất đâu tầm 3 ngày. Có nhãn hiệu, có dấu chất lượng, có người bảo lãnh. Tức là quê từ 100 tới... 1000 lần.

Một thời quà quê đích thị là... quà quê, tức là sản vật từ quê.

Nhưng mà nghĩ lại, buồn cười ở chỗ, thế cái gì là sản vật liên quan đến nông nghiệp, tức lương thực thực phẩm ấy, lại chả từ... quê. Phố chỉ có bê tông với đường nhựa, trồng và nuôi được cái gì? Mà có quây cót lại nuôi gà, nhường nhà tắm thành chuồng lợn... thì nó cũng vẫn là sản phẩm nuôi nhốt, không phải thứ gà đi bộ tối ngủ cây, lợn dũi đất lưng võng xuống và gầy nữa...

Ngày xưa, cái thời bao cấp tem phiếu ấy, nói gạo quê là để so sánh với gạo mậu (dịch), là loại gạo cũng từ quê, nhưng "đã được" trữ dăm bảy năm, thậm chí chục năm trong kho, đặc mùi bao, mùi mốc, lổn nhổn mọt, hạt gạo tơi ra, nhưng nấu rất... lợi cơm. Còn gạo quê, tức gạo mới, thơm lừng, dẻo quẹo, trắng tinh... thì không nở, và ngon. Mà ngon thì ăn nhiều, dẫu không cần thức ăn, nên tốn. 

Chính bà con ở quê, đến mùa cũng tìm cách... đối lưu gạo mới cho dân ở phố, mà phải là phố có điều kiện, chứ phố thường thì cũng dài cổ ăn gạo mậu, để lấy gạo mậu về nấu ăn cho đỡ hao. Thế nên gạo quê, bát cơm quê, bữa cơm quê... trở thành ám ảnh của con người thời ấy. Văn thơ nhạc họa tả những bữa cơm quê, gạo mới với gà đồi, cá ruộng, là những cuộc ăn sơn hào hải vị, nồng nàn cảm xúc và phơi phới nỗi thèm.

Giờ thì khác...

Gạo nào cũng là gạo quê rồi, chả quê thì tỉnh với ai. Vấn đề là nó có ngon không? Tất nhiên cái sự ngon nó phụ thuộc vào gu từng nhà. Thậm chí trong nhà thì từng người, mỗi người mỗi gu. Nên gạo giờ đóng bao sẵn trong siêu thị, từng cân một, cho khách hàng tha hồ lựa chọn. Và gạo vào siêu thị, đồng nghĩa là gạo sạch.

Quê, buồn nhất, là giờ không đồng nghĩa với sạch như xưa nữa.

Ví dụ như người ta từng kể chuyện rau hai luống, luống để ăn và luống để bán. Các loại khác cũng thế. Đến con bò, con lợn, mà nhãng ra một cái là thuốc tăng trọng, là cám tổng hợp, mặc dù cám tổng hợp là bước tiến của chăn nuôi, nhưng nhiều nhà vẫn dùng cám tổng hợp nuôi lợn gà để bán, còn thứ để làm thịt ăn thì nuôi khác, càng ăn uống kham khổ thịt càng ngon. 

Thì người ta cứ quan niệm thế, nên để con lợn con gà mà mình dành cho nhà ăn ấy, tự dũi đất kiếm ăn, lầm lũi lớn, dù chả trơn lông đỏ da gì. Chưa hết, tới lúc làm thịt người ta còn một màn đày đọa cuối cùng, ấy là, bơm nước đầy bụng trước khi thịt, chỉ để... tăng trọng lượng, mỗi cân thịt như thế đã có chừng nửa lạng nước. Và ăn lãi ở đấy, làm giàu ở đấy. Hình như những cái trò ma mãnh, thất lương tâm, bá đạo ấy, mới xuất hiện gần đây, chứ ngày xưa làm gì có?

Cũng như thế, tôi nghe một chủ vườn sầu riêng kể rằng, người ta vào mua cả vườn của chị, rồi cưa cành có quả lúc lỉu ấy, rồi dùng bạt tủ, rồi nó... chín đều, trong khi bản chất của sầu riêng là khi chín nó tự rụng, mỗi buổi sáng nhà vườn ra nhặt, gom lại và bán. Nhưng như thế thì lâu, nó không đều, và hình như, nó không đẹp. Ủ cho chín một lúc, chở đi, giá thành giảm rất nhiều. Nhưng ủ như thế nào? Chị chủ vườn bảo, em giữ lại mấy cây để nhà ăn và không bao giờ mua từ khi em thấy họ... ủ.

Lại ông hàng xóm hôm kia hân hoan bê sang nhà tôi mấy củ khoai, nói mời bác, khoai sạch đấy, bạn em nó đào trong rẫy nó cho. Đấy, giờ ai cũng nói Organic, nhưng thế nào là Organic lại là vấn đề. Ví dụ, vườn anh Organic nhưng vườn bên cạnh họ phun thuốc hóa học thì sao? Anh này bảo, rẫy bạn em rất rộng, xung quanh trồng cà phê, nhõn cái lõi ở giữa trồng khoai lang, chả sợ, thỏa mãn yêu cầu 2 ki lô mét sạch rồi...

Lan man là bởi, hôm qua, một anh bạn ở Huế gửi cho một thùng thanh trà, nói có chút quà quê gửi anh thắp hương rằm tháng 7.

Thanh trà 3
Thanh trà Huế, quà quê đặc sản sạch.

Hai chục quả thanh trà được đóng thùng, gửi bưu điện, từ Huế tới nhà tôi mất đâu tầm 3 ngày. Có nhãn hiệu, có dấu chất lượng, có người bảo lãnh. Tức là quê từ 100 tới... 1000 lần.

Thì lại vời vợi lên một ký ức quê, ký ức bưởi cam bòng quýt.

Tôi từng đi qua, được ăn hầu hết các sản vật có múi ở khắp nước ta. Từng phát hiện cam Vinh nhưng lại... không phải Vinh, mà ở Nghĩa Đàn. Và đau đớn hơn, có thời cái thứ cam Vinh vàng ươm, ngọt xều kia lại là cam... Trung Quốc đội lốt. Từng ngồi ngay giữa vườn bưởi Tân Triều, Đồng Nai vừa ăn vừa ngắm... cá dưới sông. Từng cứ đinh ninh bưởi Phúc Trạch là của... Quảng Bình vì nó có chữ Trạch nhưng té ra nó ở Hà Tĩnh. Từng dừng xe ngồi cả buổi sáng ăn tại vệ đường cam Cao Phong ở chính xứ sở của nó, để rồi khi đi thì cốp xe chật cứng toàn cam. Rồi Năm roi, rồi da xanh các loại, tôi đều từng lội tới từng vườn để tận hưởng và để thỏa chí tò mò, v.v...

Nhưng thanh trà của chính quê tôi thì tôi lại... giờ mới tường.

Thực ra thì tôi biết quê mình có quả thanh trà từ lâu rồi, nhưng cứ nghĩ nó là em của bưởi, cháu chắt của cam quýt chi đó, vì thấy nó cứ lẩn quẩn ở một vài địa chỉ loanh quanh Huế chứ ra ngoài chả ai biết nó là cái thứ gì. Và trong những thứ mà khách du lịch mua mang ra khỏi Huế làm quà cũng thấy rất ít thanh trà, chỉ thấy tôm chua, mè xửng, nón, hạt sen...

Và té ra, thanh trà chính là một thứ quả từng là đồ tiến vua rất quý. Người ta bảo, những người nông dân xung quanh kinh thành Huế xưa đã lai tạo từ những trái có múi cộng với chất đất, gió, nắng, không khí... và cả sự thành kính của con người, để cho ra quả thanh trà, thứ quả thời trân bây giờ mới đang trở lại đúng nghĩa thời trân của nó.

Nhiều người cho là nó nhất hạng trong những loại quả có múi (tép), rằng đấy là một thành tựu của những người nông dân thời phong kiến khi họ đã chọn lọc những đặc điểm tối ưu của loại quả có múi nhưng hợp với thổ nhưỡng Huế, để biến nó trở thành một sản phẩm nông nghiệp quý hiếm. Có người khẳng định, thời sinh viên ở Huế, đây là món quà xa xỉ. Có lẽ do nó khó trồng hơn bưởi, và tất nhiên vì thế, đắt hơn bưởi. Giáo sư nhạc sĩ Thế Bảo từ Sài Gòn nhắn tôi: Hồi nhỏ ở Quảng Ngãi quê ông, phải là nhà quan thì lâu lâu mới có được quả thanh trà để... ngắm.

Thì một trong những việc đầu tiên khi tôi mở thùng quà, là trân trọng đặt mấy quả vào đĩa, thắp hương trên bàn thờ ba mẹ tôi, những người Huế nhưng cho tới khi mất, vẫn chưa được thưởng thức thanh trà đúng nghĩa. Thời ấy đói, người ta dành ruộng vườn cho việc trồng lương thực.

Và giờ, khi mỗi nhà từng tháng xơi chừng vài chục cân gạo là đã lăn lóc lắm rồi, thì những thứ quà quê, sạch, lên ngôi. Nó đúng nghĩa quà quê để có thể cao đầu có mặt ở khắp nơi trên thế giới...

Quà quê, giờ kèm nghĩa sạch là thế. Chỉ ước, bao giờ bỏ được chữ sạch khỏi các món quà quê, bởi quê, đương nhiên phải đồng nghĩa với sạch như hàng ngàn năm nay đã từng...

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top