LTS: Đà Nẵng bắt đầu tách khỏi đơn vị hành chính cũ: tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng từ năm 1997. Chỉ hai năm sau đó, địa phương này vượt lên thành đô thị loại 1 trực thuộc Trung ương, với tốc độ tăng trưởng đô thị diễn tiến hàng tuần.
Ấn tượng nhất của Đà Nẵng, là đến năm 2000, địa phương cơ bản hoàn tất việc đăng ký quyền sở hữu đất đai của người dân trên địa bàn, vấn đề mà nhiều tỉnh, thành khác khó làm được. Vậy Đà Nẵng đã làm thế nào, thật sự là câu chuyện đáng quan tâm, nhất là trong bối cảnh hiện nay, Luật Đất đai sửa đổi được áp dụng, yêu cầu kiểm soát dữ liệu quản lý đất đai của các tỉnh, thành được đặt ra.
Trên tinh thần nghiên cứu nhằm khơi dậy những cách làm hay, sáng tạo, dám nghĩ dám làm vì mục tiêu phát triển thành phố… của cán bộ, công chức ở Đà Nẵng thời bấy giờ, Reatimes khởi đăng loạt bài "Quản lý đất đai và câu chuyện "sổ trắng" ở Đà Nẵng" của nhà báo Nguyên Đức viết riêng cho độc giả Reatimes.
Một vị từng lãnh đạo Sở Địa chính Đà Nẵng nhớ lại thời điểm ấy công tác quản lý hồ sơ đất đai còn khá thô sơ, tin học hóa mới đẩy mạnh, các dữ liệu đo đạc, thiết kế quy hoạch đều thiếu thốn. Đội ngũ cán bộ địa chính có chuyên môn giỏi "gần như chỉ đếm được trên đầu ngón tay", còn máy móc thiết bị hỗ trợ thì gần như không có gì. Vậy nên, để triển khai được chỉ đạo của lãnh đạo Đà Nẵng, ngành địa chính đã phải tập trung nhân lực, vật lực từ năm 1998, tập hợp càng nhiều hồ sơ, số liệu đo đạc chính xác càng tốt.
Điểm thuận lợi, là giai đoạn này, cả thành phố tái quy hoạch chỉnh trang trên tinh thần đô thị mới chia tách, nhiều dự án mới lập ra, nhiều khu vực được thiết kế sắp xếp lại, nên việc hình thành, thống nhất dữ liệu không có ách tắc.
Có thể nói, giai đoạn sau chia tách, Đà Nẵng hội tụ một tinh thần hành động rất lớn, rất thống nhất của đội ngũ cán bộ, công chức chính quyền, mọi ban, ngành đều "xắn tay nhập cuộc" hào hứng, khí thế vì một thành phố mới đang từng ngày "thay da đổi thịt".
Song ý chí là ý chí, thực tiễn lại là vấn đề khác! Làm sao trong một thời gian ngắn, Đà Nẵng có đủ đội ngũ nhân lực thực hiện đo đạc, thẩm định, hoàn thiện các hồ sơ đất đai trong dân, để hoàn thành công tác cấp "sổ trắng" sử dụng đất toàn dân như mong muốn?
Đã có những cuộc họp, trao đổi căng thẳng xảy ra quanh vấn đề này. Cuối cùng, "tư lệnh" Nguyễn Bá Thanh đưa ra quyết định của mình, các sở, ngành đồng lòng, toàn chính quyền, bộ máy hành chính dồn tổng lực cho quản lý đất đai, để làm cho được việc. Lấy các cán bộ chuyên môn địa chính làm hạt nhân, các lực lượng, cơ quan hỗ trợ sẽ chung tay vào, phối hợp lại. Lấy tinh thần cán bộ trẻ làm tiên phong, sử dụng đội ngũ Đoàn viên thanh niên làm quân lực chính, thực hiện đo đạc, kiểm tra cấp giấy sử dụng đất cho dân ngay tại cơ sở xã, phường. Thực hiện việc cấp giấy không theo kiểu phong trào đại trà, mà đi từng bước, chọn thí điểm từ xã, phường mạnh làm trước, khu vực mới làm trước, dân ở ổn định làm trước, rồi lan tỏa ra khắp quận, huyện…
Những chỉ đạo kiên quyết đó, đã cộng hưởng tinh thần nhiệt huyết sẵn có của đội ngũ cán bộ trẻ Đà Nẵng, chỉ trong vài tháng, lập tức tập hợp được đội ngũ đông đảo và chuyên nghiệp dần. Sở Địa chính Đà Nẵng phát động thi đua từ tổ chức Đoàn viên, chọn cán bộ giỏi làm tổ trưởng, chia nhau về các quận, huyện, đến tận các phường, xã đảm nhận vị trí tổ chức chính cho việc lập hồ sơ, thẩm định nhà đất của người dân. Cán bộ Đoàn viên, thanh niên các xã, phường là đội ngũ hỗ trợ chính yếu, tiếp nhận yêu cầu từ các hộ dân, cắt cử cùng nhau đến tận các gia đình, đo đạc, thống kê, làm số liệu… Sau khi làm xong hồ sơ, sở chức năng rà soát lại, kiểm tra đối chiếu chính xác, thì cấp "sổ trắng". Hộ dân nào đủ điều kiện tài chính, sẽ được cấp "sổ đỏ". Hộ dân nào chưa có điều kiện, sẽ nhận ngay "sổ trắng". Chi phí hồ sơ cấp "sổ trắng" vào thời điểm đó, chỉ có 21.000 đồng. Quan trọng hơn, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh tiên phong giám sát các khu vực nóng về cấp giấy tờ, và chỉ đạo "không đợi dân lên, cán bộ phải tự đem sổ đất xuống giao cho người dân tại nhà".
Một tinh thần "phục vụ quên ăn quên ngủ" như vậy, đã làm bùng nổ khí thế làm việc cho cả bộ máy hành chính TP. Đà Nẵng lúc bấy giờ. Khởi động cấp giấy từ khu vực quận trung tâm Hải Châu với nhiều hộ dân mong muốn "có sổ" từ lâu, đến quận Thanh Khê với nhiều dự án chỉnh trang mới đầy bức xúc…, Đà Nẵng đã nhận được ngay sự ủng hộ, đồng tình của người dân. Chỉ trong vài tháng ngắn ngủi, toàn bộ người dân Đà Nẵng đều nô nức đi đăng ký làm hồ sơ đất đai, không ai nghi ngờ vào chủ trương chung. Mọi tính toán trở ngại nếu phát sinh, lập tức bị tinh thần hành động chung ấy "đè bẹp". Cả Đà Nẵng hân hoan với khí thế mới, tuần lễ nào cũng thông báo số lượng hồ sơ đất đai cấp tạm cho dân, quận huyện thi đua, sở ngành thi đua, xã phường thi đua.
Có thể nói, một tinh thần hành động, thống nhất hòa hợp đã được toàn dân Đà Nẵng nêu cao và hưởng ứng. Tại mọi khu vực dân cư, vào tận từng tổ dân phố, từng thôn xóm, chưa bao giờ khí thế ủng hộ chính quyền hoàn thành các yêu cầu quản lý đất đai được dâng cao như vậy. Hàng trăm hộ dân bao năm sống trên đất đai thừa kế từ cha ông nhưng không đủ điều kiện tài chính, chỉ trong một sớm được nhận giấy sử dụng đất. Hàng ngàn người dân ở trong các khu vực dự án sẽ đền bù giải tỏa, từ chỗ lo lắng không có giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất, được tạo điều kiện xác thực quyền lợi của họ. Tất cả là một thực cảnh đầy cảm động và phấn khởi, vững tin và đoàn kết để chung sức chung lòng cùng các cơ quan quản lý chức năng hoàn thiện các yêu cầu đo đạc, số liệu, thẩm định, ký kết xác nhận…
Cho đến hôm nay, không ít cán bộ quản lý địa phương, trưởng thành trong giai đoạn chuyển mình ấy của TP. Đà Nẵng, vẫn tự hào nhớ lại một giai đoạn làm việc tập thể vì mục tiêu phát triển và xây dựng thành phố to đẹp hơn, đàng hoàng hơn. Những kinh nghiệm và bài học đồng thuận từ người dân, đồng lòng từ tổ chức, khích lệ từ phong trào, đã được Đà Nẵng hun đúc và tập hợp từ giai đoạn này, để tiếp tục là những cẩm nang về sau, đảm bảo giúp Đà Nẵng luôn có tư thế tiên phong, đột phá ở những giai đoạn tiếp theo.
Có thể nói, chủ trương đưa ra "sổ trắng" tạm thời của Đà Nẵng, không chỉ đáp ứng đúng mong mỏi của người dân địa phương, mà còn là một "đòn bẩy" hành động, điểm nhấn quan trọng giúp chính quyền Đà Nẵng tập trung được nội lực cao nhất, phát huy tinh thần hành động mạnh mẽ nhất, từ đó làm nên câu chuyện huyền thoại về một thành phố trở mình vươn lên giữa miền Trung.