Aa

Rẻ như khoai, đắt như khoai

Thứ Tư, 27/06/2018 - 06:00

Thế mà cái thứ hạng bét ấy lại có lúc chễm chệ trong thực đơn nhà giầu ở thành phố, trở thành của độc. Mà nào có rẻ. Một lượng khoai sấy bằng độ một cân khoai củ, đắt ngang một cân thịt lợn. Ngay cả phép tiên cũng khó làm cho người nông dân tin vào điều đó. Và tôi dám chắc rằng đa số những người dân quê không dám xa xỉ mua cái thứ mứt chế biến từ khoai lang rẻ như bèo ấy về ăn.

Đến thăm nhà một anh bạn, bước vào cửa là tôi nói ngay:

- Khỏi phải bày vẽ! Chỉ cần cho tôi một tách trà nóng.

Bạn tôi tủm tỉm:

- Có trà nóng, trà Thái Nguyên xịn luôn.

Cầm tách trà trên tay, tôi cứ đưa lên mũi hà hít, như không nỡ uống, không nỡ làm mất cái hương vị ngầy ngậy, nức mũi. Cũng là trà Thái Nguyên, nhưng thứ bạn tôi đãi khác lắm, khác xa những thứ trà mà tôi vẫn mua. Tôi nhấp một ngụm nhỏ vào thốt lên:

- Tuyệt quá, ông sành trà thật đấy.

- Ăn nhau là ở khâu canh tác, chế biến ông ạ. Để tôi mời ông món này, nhất định là ông sẽ mê ngay.

Chuối, một nông sản quý của nông dân nhưng chưa có giá trị thương mại cao.

Chuối, một nông sản quý của nông dân nhưng chưa có giá trị thương mại cao.

Thứ bạn tôi đem ra là những miếng mứt thái bằng ngón tay trẻ con, màu vàng ươm, bao bì đẹp ghi đầy đủ các thông tin bằng tiếng Anh và tiếng Nhật. Tôi tò mò nhặt lên một miếng ngắm nghía rồi đưa vào đầu lưỡi nhấm nhấm. Rồi sau đó quên cả xã giao, tôi cứ ngồi chén tì tì hết miếng này sang miếng khác. Nó thơm, giòn, bùi, béo... mà lại không quá ngọt, quả là rất lạ miệng. Bạn tôi cứ tủm tỉm nhìn tôi, thích thú hỏi:

- Ông thử đoán xem nó là cái gì?

- Quen lắm nhưng mà lạ lắm. Là cái gì vậy?

Anh cười to:

- Ông này sớm mất gốc quá. Nó là cái thứ ông và tôi ăn dài cổ hồi bé đấy.

Ăn dài cổ thì chỉ có khoai lang. Thôi chết, khoai lang sấy. Đích thị là khoai lang sấy. Chả thể nào tin được mặc dù nó là sự thật trăm phần trăm. Nhà quê rẻ nhất là khoai lang. Xin nhau cũng được khoai lang. Kinh hãi nhất là phải ăn khoai lang trừ bữa. Phải dài cổ ra mà nuốt. Sau đó bụng nóng cồn cào. Khoai lang cũng là thứ dễ trồng, dễ thu hoạch, nhà nào chả có đầy một gầm giường sau khi cho lợn, ngỗng ăn xả láng.

Thế mà cái thứ hạng bét ấy lại có lúc chễm chệ trong thực đơn nhà giầu ở thành phố, trở thành của độc. Mà nào có rẻ. Một lượng khoai sấy bằng độ một cân khoai củ, đắt ngang một cân thịt lợn. Ngay cả phép tiên cũng khó làm cho người nông dân tin vào điều đó. Và tôi dám chắc rằng đa số những người dân quê không dám xa xỉ mua cái thứ mứt chế biến từ khoai lang rẻ như bèo ấy về ăn.

Nhân chuyện trà và khoai do bạn đãi, tôi nhớ thêm vài chuyện đầy nghịch lý khác cũng liên quan đến nông sản.

Bạn tôi ở Pháp về khoe được ăn dưa cải muối của Thái Lan đóng vào túi bóng, giá mỗi túi bằng một bữa ăn của một gia đình bốn người ở nông thôn Việt Nam. Trong khi đó tôi từng tận mắt thấy cảnh những nông dân Việt Nam băm hàng tấn dưa gang, chém bỏ hàng ngàn cây bắp cải, nhổ hàng vạn củ su hào vứt luôn ở ruộng, biếu không hàng gánh củ cải mà không ai nhận...

Các loại nông sản Việt vẫn chỉ là hàng bán trực tiếp, chưa nhiều sản phẩm chế biến công nghệ cao.

Các loại nông sản Việt vẫn chỉ là hàng bán trực tiếp, chưa nhiều sản phẩm chế biến công nghệ cao.

Ví dụ về giá trị món khoai lang sấy và túi dưa muối mà tôi dẫn ra, đáng để cho tất cả chúng ta cùng phải suy nghĩ. Không ai có thể vô can trong câu chuyện này. Bởi chính vì giá ngày công lao động của người nông dân ở nhà quê quá rẻ mạt, giá trị khai thác từ đồng ruộng, nương bãi quá rẻ mạt đã đẩy họ đến chỗ phải tha hương, chủ yếu ùn ùn bỏ ra phố kiếm sống khiến kéo theo ra biết bao vấn đề xã hội nhức nhối. Trong khi nghèo đói thì vẫn bao vây họ, chưa biết đến bao giờ?

Nhưng cũng từ những ví dụ đơn giản trên, cho thấy không phải là không có lối thoát. Vấn đề chỉ còn lại là bao giờ chúng ta mới nghiêm túc nghĩ đến điều vô cùng cấp thiết, thậm chí là sống còn này? Bởi vì nếu chỉ sản xuất mà không nghĩ đến chế biến, tăng giá trị cho sản phẩm nông nghiệp, biến chúng thành hàng hóa có thương hiệu, chúng ta đã để mất không ba phần tư công sức của hàng triệu nông dân.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top