Aa

Sở Xây dựng Hà Nội cần cẩn trọng khi ban hành văn bản!

Thứ Tư, 28/08/2019 - 16:41

Việc quản lý đô thị nói chung và trong lĩnh vực xây dựng nói riêng của Hà Nội lâu nay chưa bao giờ là niềm tự hào với người dân Thủ đô, mà trong đó, nhiều điều đáng buồn lại xuất phát từ Sở Xây dựng Hà Nội.

Với chức năng quản lý hành chính chuyên ngành, sở xây dựng ở mỗi địa phương luôn luôn có một vai trò cực kỳ quan trọng không chỉ liên quan đến những vật vô tri vô giác, như gạch ngói, cát sỏi, sắt thép, bê tông…, mà còn liên quan trực tiếp đến cuộc sống của hàng triệu con người. Vì thế, mỗi văn bản được phát hành từ đây cần hết sức cẩn trọng, đặc biệt về những căn cứ pháp lý.

Với Thủ đô Hà Nội, vai trò này lại càng quan trọng hơn, vì đây là trung tâm chính trị - kinh tế - xã hội lớn nhất đất nước, là nơi địa linh nhân kiệt, là một đô thị có số dân cả chục triệu người, là tấm gương trong quản lý đô thị để các địa phương noi theo…

Vậy mà, việc quản lý đô thị nói chung và trong lĩnh vực xây dựng nói riêng của Hà Nội lâu nay chưa bao giờ là niềm tự hào với người dân Thủ đô, mà trong đó, nhiều điều đáng buồn lại xuất phát từ Sở Xây dựng Hà Nội.

Câu chuyện mấy ngày gần đây, nhiều cơ quan báo chí đã đăng tải tình trạng tranh chấp, va chạm, xung đột dẫn đến hỗn loạn nhiều lần xảy ra tại tầng hầm để xe của tòa nhà Hancom, số 39 ngõ 603 Lạc Long Quân thuộc quận Tây Hồ. Nguyên nhân lại bắt đầu từ một văn bản thiếu căn cứ pháp lý số 5780/SXD-QLN ngày 04/07/2019 của Sở Xây dựng Hà Nội về việc xác định chủ sở hữu tầng hầm để xe của tòa nhà này.

Băng rôn kêu cứu treo đỏ toà nhà chung cư Hancom.

Lược lại theo thời gian, tòa nhà Hancom do Công ty Cổ phần Đầu tư và Khai thác kinh doanh Hà Nội (gọi tắt là Công ty Hancom), nay đã đổi tên thành Công ty Nhật Dương Group làm chủ đầu tư. Dự án được khởi công xây dựng từ năm 2008 đến cuối năm 2009 thì hoàn thành, bắt đầu bàn giao cho cư dân vào ở từ tháng 2/2010.

Từ đó đến năm 2018, với nhiều lý do khác nhau, chủ đầu tư tự quản lý vận hành toà nhà, không bàn giao quỹ bảo trì và gây khó khăn để các hộ cư dân thành lập ban quản trị. Đến tháng 9/2018, với sức ép từ nhiều phía, cư dân đã thành lập Ban quản trị tòa nhà và đến tháng 4/2019, chủ đầu tư đã phải bàn giao việc quản lý, vận hành tòa nhà cho Ban quản trị, có biên bản bàn giao tầng hầm và các phần diện tích chung.

Vậy mà không hiểu tại sao, đùng một cái, ngày 04/07/2019, Sở Xây dựng Hà Nội đã ra văn bản số 5780/SXD-QLN đã xác định chủ sở hữu tầng hầm để xe của tòa nhà này là của… chủ đầu tư(!?).

Thế là tranh chấp nổ ra liên miên từ đó đến nay.

Văn bản của Sở Xây dựng TP. Hà Nội ban hành xác định chủ sở hữu tầng hầm để xe của tòa nhà Hancom là chủ đầu tư

Theo phân tích của các chuyên gia thì văn bản này có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Chẳng hạn, căn cứ theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 70 Luật Nhà ở năm 2005, đồng thời quy định tại điểm b khoản 6 Điều 4 Quy chế quản lý sử dụng nhà chung cư ban hành kèm theo Quyết định 08/2008/QĐ-BXD của Bộ Xây dựng thì phần sở hữu chung nhà chung cư bao gồm: “Không gian và hệ thống kết cấu chịu lực, trang thiết bị kỹ thuật dùng chung trong nhà chung cư, gồm khung, cột, tường chịu lực, tường bao ngôi nhà, tường phân chia các căn hộ, sàn, mái, sân thượng, hành lang, cầu thang bộ, thang máy, đường thoát hiểm, lồng xả rác, hộp kỹ thuật, nơi để xe, hệ thống cấp điện, nước, ga, thông tin liên lạc, phát thanh, truyền hình, thoát nước, bể phốt, thu lôi, cứu hỏa và các phần khác không thuộc sở hữu riêng của căn hộ nào”.

Tiếp nữa, văn bản số 5780/SXD-QLN của Sở Xây dựng Hà Nội đã căn cứ vào một văn bản ra sau để áp dụng vào sự việc xảy ra trước đó. Thí dụ, Sở đã căn cứ vào Nghị định số 71/2010/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 08/08/2010 để áp dụng vào một tòa nhà chung cư được bàn giao từ tháng 2/2010. Điều này pháp luật vốn không cho phép!

Câu chuyện trên đây vốn chỉ là một phần nhỏ về những câu chuyện đáng buồn trong quản lý trật tự đô thị của Sở Xây dựng Hà Nội. Có những vụ việc lớn hơn gấp nhiều lần, gây ảnh hưởng cả một thời gian dài và trở thành nỗi ám ảnh của nhiều cấp, nhiều ngành và nhiều người dân, mà điển hình là vụ việc liên quan đến Tòa nhà 8B Lê Trực, Hà Nội.

Cho đến nay, đã hơn 4 năm trôi qua mà vụ việc Tòa nhà 8B Lê Trực không được giải quyết triệt để là do một văn bản thiếu căn cứ pháp lý của Sở Xây dựng Hà Nội. Về vụ việc này, tôi đã có bài phân tích nhiều góc độ trên Tạp chí Reatimes nên không nhắc lại, mà chỉ xin nêu ý kiến của mình về sự cẩn trọng mỗi khi phát hành văn bản quản lý hành chính của một cơ quan công quyền.

Tòa nhà 8B Lê Trực từ ban đầu được xây dựng hợp pháp, bao gồm các văn bản sau:

Thứ nhất, Quy hoạch xây dựng chi tiết tỷ lệ 1/500 được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt cho Công trình 8B Lê Trực tại Quyết định số 2452/QĐ-UBND ngày 05/12/2008 với quy mô công trình cao 20 tầng và chiều cao công trình tối đa là 70m.

Thứ hai, Quy hoạch tổng mặt bằng 1/500 và Phương án Thiết kế kiến trúc được Sở Quy hoạch Kiến trúc thành phố Hà Nội chấp thuận với quy mô 20 tầng và chiều cao công trình là 69,1m, kèm theo Văn bản số 499/QHKT-P3 ngày 16/03/2009.

Thứ ba, Hồ sơ Thiết kế cơ sở Công trình 8B Lê Trực được Sở Xây dựng Hà Nội thẩm định kèm theo Văn bản số 2154/SXD-TĐ ngày 07/04/2009 với quy mô công trình có 4 tầng hầm, 20 tầng và chiều cao công trình là 69,1m (bao gồm 17 tầng chính có chức năng thương mại, văn phòng và nhà ở, 2 tầng kỹ thuật, 1 tầng mái – tổng cộng: 20 tầng),…

Có trong tay những văn bản như vậy, dấu đỏ mực đen, chữ ký tươi roi rói, bất cứ một người nào có chút hiểu biết về pháp lý đều dễ dàng nhận thấy rằng, một công trình được thực thi trong khuôn khổ pháp lý nêu trên sẽ là hợp pháp.

Tuy nhiên, với Sở Xây dựng Hà Nội lại không như vậy. Đùng một cái, gần 5 năm sau, Sở phát hành ra Giấy phép xây dựng số 11/GPXD-SXD ngày 24/03/2014 chỉ cho phép tòa nhà 8B Lê Trực xây với quy mô 18 tầng và chiều cao công trình chỉ còn 53m mà không nêu ra bất cứ một căn cứ pháp lý nào, trong khi Quyết định số 2452/QĐ-UBND ngày 05/12/2008 của UBND thành phố Hà Nội vẫn còn hiệu lực.

Thú thật, khi biết thông tin này là chính xác, là một nhà báo lâu năm, tôi không thể tưởng tượng nổi, vì sao UBND TP. Hà Nội lại có thể chấp nhận tồn tại một văn bản cấp dưới dám “vượt mặt” mình một cách bất hợp pháp như thế.

Tiếp nữa, văn bản Giấy phép xây dựng này của Sở Xây dựng Hà Nội còn “vô hiệu hóa” quy định của Bộ Xây dựng về việc ban hành TCXDVN 323:2004 "Nhà ở cao tầng - Tiêu chuẩn thiết kế". Tại tiêu chuẩn 6.2.4.12 quy định: Chiều cao thông thủy các phòng ở không được nhỏ hơn 3m và không được lớn hơn 3,6m. Chú thích: Chiều cao thông thủy là chiều cao từ mặt sàn đến mặt dưới của trần.

Ta chỉ cần làm một phép tính nhỏ: công trình được cấp phép là chiều cao là 53m và 18 tầng nổi, có 4 tầng hầm. Chiều cao bình quân của các tầng là 2,94m (53m : 18 tầng = 2,94m). Trừ đi chiều dày bê tông dầm sàn, trần 0,6m, chiều cao thông thủy của một tầng chỉ còn khoảng 2,36m.

Nếu chủ đầu tư mà theo “lệnh” này của Sở Xây dựng Hà Nội thì sau khi xây xong, tòa nhà hoặc là bị phá bỏ bởi vi phạm tiêu chuẩn thiết kế quốc gia, hoặc là dự án sẽ phá sản bởi không tìm được khách hàng. Đường nào thì cũng dẫn doanh nghiệp đi vào ngõ cụt.

Đấy là chưa kể đến việc Sở Xây dựng Hà Nội tự “vác đá ghè chân mình” bởi trước đó 5 năm, chính Sở đã ban hành Văn bản số 2154/SXD-TĐ ngày 07/04/2009 công nhận tòa nhà 8B Lê Trực có quy mô 4 tầng hầm, 20 tầng và chiều cao công trình là 69,1m.

Nêu hai ví dụ trên đây với một mong muốn đem đến bài học hữu ích cho những ai đang gánh trên vai trách nhiệm công quyền của người dân giao phó.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top