Aa

Tản mạn về thương yêu

Thứ Bảy, 13/10/2018 - 06:01

Cuộc đời vốn không có sự bình an hay bất an. Cuộc đời không có chứa cái mà chúng ta gọi là bất trắc, không có hỗn loạn, không có chứa rắc rối. Cuộc đời không có cái gì định nghĩa cụ thể là tốt, cái gì là xấu, không có đúng cũng không có sai; không có buồn hay vui. Mọi sự là ở từ lòng người mà ra.

Chính bởi chúng ta được sinh ra và lớn lên ở môi trường không giống nhau nên quan điểm về cái tốt, cái đẹp của người này thường không đồng nhất với người khác. Chúng ta thường lo sợ trước nghịch cảnh và lựa chọn những gì ta cho là an toàn. Chúng ta luôn giữ tâm thế của một cái tôi rất riêng mà quên đi một hướng đi về nẻo hiền thiện, để tâm trí được thảnh thơi. Chừng nào sự ích kỷ trong ta còn có mặt thì chừng đó, mỗi việc ta làm đều không đưa tới hạnh phúc đích thực.

May mắn là chúng ta được sinh ra trên mảnh đất Việt, cùng gọi nhau hai tiếng “Đồng bào” với nền tảng văn hóa vô cùng quý giá.

Trong suốt hành trình của mình, tôi luôn tâm nguyện tiếp nối những giá trị văn hóa của dân tộc mà cha ông đã dày công tạo dựng. Một nền văn hóa Việt đẹp và lành với Đạo hiếu – với lòng biết ơn được trao truyền, tiếp nối qua hàng ngàn thế hệ. Tất nhiên, ta nhìn thấy điều này thể hiện cụ thể nhất nơi cách người Việt thờ kính tiền nhân và tiên tổ. Nhưng đó chỉ là một trong những biểu hiện của Đạo Hiếu Việt.

Biết ơn và tha thứ chính là con đường để đi đến thương yêu. Một con người có hiếu đạo, đó là nền tảng để người đó có cuộc sống hạnh phúc và đủ đầy. Nhưng không chỉ hiểu về Đạo hiếu theo nghĩa hẹp là hiếu với bậc sinh thành. Ông cha ta xưa khi khẳng định tầm quan trọng của chữ hiếu cũng đã nói cụ thể: “Giúp nghèo cứu thiếu, thương nuôi quần sinh là đứng đầu của hạnh”.

Hiếu còn là biết “giúp” biết “cứu” và biết “thương”, biết “nuôi”.

Biết ơn và tha thứ chính là con đường để đi đến thương yêu.

Biết ơn và tha thứ chính là con đường để đi đến thương yêu.

Hiểu rộng ra, bài học về hiếu đạo mà cha ông để lại chính là bài học để trở thành người hiền thiện, hạnh phúc trong đời.

Khi trái tim mình biết mở ra để thấu cảm và bao dung trước mọi khó nghèo, trước những điều ngang trái mà không biết do vô tình hay hữu ý, người ta dường như đã gieo vào đời mình, đó là lúc mình không còn khổ vì giận hờn hay thù hằn, ghen tức.

Khi trái tim mình biết mở ra để hiểu rằng mọi sự đều là vận hành thuận với lẽ tự nhiên và đó là điều cần thiết để mình học bài học về tha thứ, về sự kiên nhẫn và rộng lượng, về vô thường và về khổ, ấy là lúc mình học được cách sống với tâm thế Biết Ơn, Biết Thương. Trước hết là biết ơn mình, thương mình. Chúng ta cần nhớ biết thương mình và tôn trọng bản thân mình chân thành. Mình phải trân trọng những cảm xúc của mình dù đó là nhỏ nhen, là phẫn nộ hay hỷ lạc. Trải nghiệm chân thực như chính mình là thế nào thì ứng xử thế ấy, đó chính là điều cần thiết nhất để tự mình thấy được cái đủ đầy về ý nghĩa cuộc sống. Có như thương mình chân thật thì ta mới biết thương đến người kế bên một cách vững chãi. Thương điều dễ thương và cả điều ta cho rằng chưa dễ thương.

“Bài học quan trọng nhất trong cuộc đời của mỗi con người, là bài học thương yêu”. Thiền sư Thích Nhất Hạnh từng nói như vậy.

Cứ mở lòng ra để ngắm nhìn cuộc sống như một người chỉ quan sát, để học hiểu mình, hiểu người và hiểu lẽ tự nhiên; để học thương mình, thương người và thương cả muôn loài cỏ cây thôi. Vậy là cũng đủ cho một cuộc đời thảnh thơi và tràn đầy phúc lạc rồi.

Cuộc đời vốn không có sự bình an hay bất an. Cuộc đời không có chứa cái mà chúng ta gọi là bất trắc, không có hỗn loạn, không có chứa rắc rối. Cuộc đời không có cái gì định nghĩa cụ thể là tốt, cái gì là xấu, không có đúng cũng không có sai; không có buồn hay vui. Cuộc đời là một thực tại nhiệm màu như nó đang là. Vậy thôi!

Mọi sự là ở từ lòng người mà ra.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top