Nông thôn Việt Nam trong các thời kỳ đều có nét chung là Sản xuất nhỏ lẻ, nghi thức quan hệ nhằng nhịt, tinh thần tù túng. Hậu quả của sự nghèo khổ dài dài đã đẻ ra một loạt thói quen, có cái về sau trở thành đặc tính, cả tốt lẫn xấu: Quý miếng ăn nhưng lại đề cao quá mức; tiết kiệm lẫn lộn với keo kiệt; thắt lưng buộc bụng đi kèm tủn mủn; trọng tuổi tác, nhân nghĩa dẫn đến thái quá trong nghi lễ ứng xử; biết lo xa, thương khổ nhưng cũng ghen ăn, tức ở.
Đáng sợ và đáng buồn nhất là thói ghen ăn, tức ở!
Thói xấu này, truy đến tận cùng bản chất của nó, chính là không muốn ai giầu sang, phú quý hơn mình vì bất kể lý do gì. Và thế là người ta chỉ bộc lộ lòng tốt, thương người như thể thương thân trong trường hợp người khác lâm nạn, tức là sẽ xuống cùng cấp như mình.
Đây chính là phần tăm tối của lòng người, của văn hóa, là sự hủ bại mang tính kế thừa và nó gặp một miếng đất mầu mỡ để phát triển, nảy nở, cắm rễ bền chắc, ấy là chế độ hợp tác xã với cách nhìn nhận ấu trĩ, thô thiển về sự công bằng. Hình như chính C.Mác đã báo trước rằng, sự công bằng hiểu theo nghĩa "như nhau" về hưởng thụ chính là sự bất công tệ hại nhất. Nhưng lời cảnh báo ấy sâu xa quá.
Thế là suốt nhiều chục năm chúng ta đã vô tình dung túng một thói xấu vào hàng đầu bảng. Nó đẻ thêm ra vô số sự tồi tệ: Lười biếng, ỷ lại, trông chờ vào vận may (đôi khi chính là trông chờ được thấy ai đó hoạn nạn), triệt tiêu sáng tạo, vu cáo bôi nhọ người khác, thầy dùi, v.v..., khiến nông thôn vật chất thì nghèo nàn còn nông thôn tinh thần thì bị vẩn đục, nát vụn ra từng mảnh.
Chính thói xấu tệ hại mang tên ghen ăn, tức ở đã kìm hãm biết bao năng lực xã hội. Không những thế nó là nguyên nhân chính của hàng loạt vụ việc khiến báo chí và luật pháp phải mất nhiều công sức can thiệp. Biến tướng của thói ghen ăn, tức ở thể hiện ở hàng loạt những ứng xử quái gở: Không ăn được thì đạp đổ, ngăn trở người khác làm giầu, ăn vạ, kéo bè kết cánh chia rẽ đoàn kết, kích động thói vô văn hóa, tìm đủ cách bức hại nhau trong đó có cả những tội ác tày trời...
Không thể nào kể hết ra được.
Cuộc sống chỉ có thể phát triển lành mạnh khi tất cả mọi người cùng mong cho nhau may mắn. Đành rằng đòi hỏi một phẩm chất lớn như vậy với cả cộng đồng là khó. Để thay đổi một thói quen đã ăn quá sâu vào tâm tính con người quả là không đơn giản chút nào. Nhưng vẫn phải nỗ lực xây đắp, nếu muốn cuộc đời này không thành gánh nặng. Mong cho người khác giàu có cần phải trở thành một thói quen ứng xử mới.
Thay vì kéo người khác xuống bằng mình, hãy để người khác trở thành hướng phấn đấu của mình để lúc nào đó, hy vọng thế, mình cũng bằng được họ. Cái sang trọng phải vất vả tìm kiếm, phải lao động, phải trả giá mới mong có được. Trong khi đó cái nhếch nhác, thấp kém thì lúc nào cũng sẵn, chỉ chờ để tự dẫn xác đến. Nhưng nhếch nhác thế đủ lắm rồi. Thói ghen ăn, tức ở cần phải bị tuyên chiến, như tuyên chiến với một tệ nạn, ở mọi nơi, mọi lúc.
Và theo tôi, đã tới cái thời đoạn mà đồng tiền kiếm được bằng lao động lương thiện cần phải được xem là một trong những chỉ số đo phẩm giá và nhân cách văn hóa của con người.