Aa

Tiếng phấn rít trên bảng đen

Thứ Ba, 16/10/2018 - 06:00

Mọi người như rơi vào tuyệt vọng. Con ma chưa làm hại bất cứ ai. Nhưng họ không thể sống yên khi đêm đêm tiếng nó gào khóc và những móng tay sắc của nó cào lên các cánh cửa gỗ nghe nghê rợn. Có người đã nghĩ đến việc cả làng phải rời bỏ mảnh đất đã sinh sống bao đời nay để tìm một vùng đất mới...

Năm 1995, Phillip Caputo, tiểu thuyết gia nổi tiếng người Mỹ, đến Việt Nam để thực hiện chuyến đi viết ký sự về vùng đồi Thượng Đức, Đà Nẵng. Đây là nơi đã diễn ra những trận chiến khốc liệt trong chiến tranh. Phillip Caputo là cựu binh từng đóng quân trên vùng đồi này. Sau khi từ chiến trường Việt Nam trở về, Phillip Caputo đã viết cuốn tiểu thuyết nổi tiếng "Tiếng Vọng Chiến Tranh" được trao Giải Quốc gia của Mỹ. Tiểu thuyết này đã được dịch và xuất bản ở Việt Nam nhiều năm trước. Hai mươi năm sau chiến tranh, Tạp chí Khám phá Địa cầu của Mỹ (National geographic Discovery Magazine) tổ chức cho ông trở lại vùng chiến sự này để viết về thiên nhiên, con người và văn hóa vùng đất đó. Đi theo ông là một phóng viên ảnh kỳ cựu của tạp chí.

Tôi gặp Phillip Caputo năm 1991 tại Hà Nội trong cuộc gặp mặt chính thức đầu tiên giữa các nhà văn cựu binh Việt Nam và Mỹ kể từ khi chiến tranh kết thúc để nói về văn học và chiến tranh, cũng như mối quan hệ hai nước sau 1975. Tôi đã làm phiên dịch cho đoàn nhà văn Mỹ trong chuyến đi từ Hà Nội vào thành phố Hổ Chí Minh. Vì thế, Phillip Caputo đã mời tôi tham gia chuyến đi Thượng Đức như một người bạn đồng hành và phiên dịch.

Trên đường đến Thượng Đức, Phillip Caputo nghỉ đêm tại một làng gần vùng đó, mà thực lòng tôi đã quên mất tên, bên bờ sông Túy Loan. Ông nói, trong thời gian chiến tranh, lính Mỹ chỉ dám đi qua chứ rất ít dám vào trong làng này vì luôn có du kích phục kích, rất nguy hiểm. Cũng đã từng có một vài nhóm liều mạng vào làng và họ đã nhận được sự kinh hoàng. Đêm đó, Phillip Caputo mắc võng ngủ ngoài hiên. Ông kể với tôi, hồi chiến tranh, lính Mỹ ngủ trong các boongke cát trên đồi. Suốt đêm, tiếng côn trùng trên đồi kêu i…i. Lúc nào thấy côn trùng đang kêu mà chợt tắt thì tất cả đều sợ hãi vì như vậy nghĩa là có người đang di chuyển. Những người đó là ai ? Họ là du kích hoặc những người lính giải phóng đang tìm cách tiếp cận boongke để tập kích tiêu diệt lính Mỹ.

Suốt đêm ở ngôi làng bên bờ sông Túy Loan, Phillip đã không ngủ được, cho dù tiếng côn trùng kêu quanh nhà suốt đêm báo hiệu sự bình yên. Ông đã nói với tôi, ông không ngủ được vì câu chuyện ma mà người chủ nhà đã kể cho ông nghe đêm đó. Tôi cũng ngồi nghe câu chuyện ấy, đã dịch cho Phillip Caputo.

Đêm kỳ ảo.br class=

Đêm kỳ ảo. Ảnh minh họa.

Câu chuyện ma xẩy ra từ thời người Pháp còn đô hộ Việt Nam. Có một thời gian, cứ đêm xuống là những gia đình trong ngôi làng đóng cửa rất kỹ. Hồi đó, ngôi làng bên sông Túy Loan còn rậm rì cây cối và có nhiều hoang thú. Đêm xuống lại càng kỳ bí. Có một con ma cứ nửa đêm là trở về ngôi làng than khóc. Con ma đến nhà nào là lấy những móng tay dài cào ngang dọc lên tất cả những cánh cửa gỗ của nhà đó. Nó vừa cào vừa gào khóc ai oán, nghe rợn người. Chỉ một thời gian sau, mọi cánh cửa gỗ của các gia đình trong làng đều bị cào như thế. Những vết cào sâu như xé rách các cánh cửa. Chưa bao giờ người làng lại rơi vào một chuyện như thế và chưa bao giờ họ lại sợ hãi như vậy. Mọi người tìm nhiều cách để xua đuổi con ma. Hàng ngày, cứ vào cuối chiều, nhà nào cũng trộn tro bếp với nước tiểu rải quanh nhà, rồi treo những bó tỏi ở tất cả các cánh cửa gỗ và dùng tất cả những mẹo dân gian trừ tà ma mà họ biết được, để đuổi con ma. Nhưng mọi nỗ lực của họ đều thất bại. Họ phải cử một số người đi khắp nơi trong vùng tìm thầy về trừ ma.

Ông thầy đầu tiên khăn gói với những dụng cụ kỳ lạ được đưa về làng. Ông ngủ ở làng ba đêm, làm lễ rồi dán các đạo bùa lên tất cả các cánh cửa của mọi nhà trong làng. Nhưng đến mười hai giờ đêm, con ma lại trở về kêu khóc và cào những móng tay sắc như thép lên các cánh cửa, rồi bóc hết các lá bùa của ông thầy. Ba đêm như vậy, ông thầy sợ hãi và lẳng lặng bỏ đi. Người làng lại đi tìm thêm hai ông thầy khác. Các ông thầy sau đó cũng làm đủ cách. Có ông thầy còn làm hình nộm, bắt người làng, từ trẻ đến già, mỗi người chích lấy một giọt máu từ ngón tay nhỏ vào hình nộm để cúng tế, nhưng vẫn không đuổi được con ma đi. Có người ở làng bên khuyên họ nên xây một cái miếu thờ mà hương khói cho hồn ma. Người làng đã xây nhanh một ngôi miếu nhỏ ở cuối làng, thay nhau ngày ngày mang đồ cúng lễ và hương khói.

Sau nhiều tháng, con ma vẫn hiện về đêm đêm. Đã có người sợ quá đưa cả nhà bỏ làng đi nơi khác. Sau khi xây miếu và thờ cúng suốt nhiều tháng mà không có kết quả, người làng đi mời một thầy phong thủy về xem. Ông thầy phong thủy đã ở làng gần một tháng, đi lại mọi nơi trong làng xem xét rồi bắt người làng sửa sang, xây lại biết bao thứ, như đổi hướng cổng nghĩa trang của làng, xây tượng Quan âm Bồ tát ở đầu làng, đổi hướng cổng nhà của một số gia đình, chỉnh trang một số ngôi mộ cổ... Nhưng vẫn không có tác dụng gì. Mọi người như rơi vào tuyệt vọng. Con ma chưa làm hại bất cứ ai. Nhưng họ không thể sống yên khi đêm đêm tiếng nó gào khóc và những móng tay sắc của nó cào lên các cánh cửa gỗ nghe nghê rợn. Có người đã nghĩ đến việc cả làng phải rời bỏ mảnh đất đã sinh sống bao đời nay để tìm một vùng đất mới.

Một thời gian sau, có ý kiến phải tìm xem con ma từ đâu đến, lai lịch của nó thế nào, mới hy vọng tìm được cách trừ trị. Trong lúc đó, họ phát hiện ra những tấm bảng đen ở trường tiểu học làng họ cũng bị cào xước như những cánh cửa gỗ. Người làng quyết định chọn ra một số người cứng vía để rình phục xem con ma từ đâu tới. Sau nhiều đêm rình phục ở nhiều nơi, họ phát hiện tiếng kêu khóc rợn người vọng ra từ một lớp học. Sau tiếng kêu khóc thì hồn ma từ đó đi ra như lướt trên mặt đất để về làng. Cho đến lúc đó, những người già trong làng mới nhớ ra một câu chuyện bi thương đã xẩy ra nhiều năm về trước.

Có một thầy giáo ở nơi khác về dạy học trường làng họ. Một hôm, lính Pháp bao vây trường. Chúng nói rằng, đó là nơi in truyền đơn chống lại Nhà nước bảo hộ Pháp, kích động dân chúng làm loạn. Một thầy giáo bị chỉ điểm là người đã tổ chức in và rải truyền đơn. Lính Pháp bao vây lớp học của người thầy giáo. Người thầy ấy phản đối hành động của lính Pháp, không cho phép chúng gây rối khi các học sinh đang nghe giảng, không được làm cho các học trò sợ hãi... Thầy giáo nói bằng tiếng Pháp, tố cáo chế độ thực dân Pháp trên đất nước mình. Sau đó, ông cầm lấy viên phấn viết một dòng chữ bằng tiếng Việt và tiếng Pháp lên bảng đen: “Đả đảo quân xâm lược Pháp! Nước Việt Nam chỉ thuộc về người Việt Nam!”. Tên chỉ huy gầm lên, xả súng vào thầy. Thầy giáo gục xuống dưới chân tấm bảng đen, trên tay vẫn cầm viên phấn trắng.

Khi biết câu chuyện đó, người làng đã làm một lễ cầu siêu cho người thầy giáo trẻ ngay ở lớp học nơi thầy bị giết. Nhưng hồn ma vẫn trở về làng vào lúc nửa đêm. Cả làng hoàn toàn tuyệt vọng. Họ không biết làm gì hơn nữa, thì bỗng có một người buôn mật mía đi qua. Làng này là một làng làm mật mía. Nghe được câu chuyện ma và người thầy giáo bị giết khi đang giảng bài, ông khách khẽ nhắm mắt lại hồi lâu rồi nói: “Tôi sẽ giúp dân làng”. Nghe vậy, nhiều người không tin. Nhưng vì quá mong muốn con ma không quấy phá nên họ đã làm theo lời ông khách. Ông khách sai lập một ban thờ trong chính lớp học đó. Khi mọi người hỏi cần sắm lễ như thế nào thì ông khách chỉ nói đúng một câu : “Mua cho tôi bảy hộp phấn trắng”. Nghe vậy, nhiều người tỏ vẻ ngạc nhiên và nghi ngờ. Đoán được ý nghĩ ấy, ông khách mỉm cười, bảo tiếp: “Cứ làm theo tôi!”.

Khi bàn thờ được lập bằng một chiếc bàn của thầy cô giáo trên bục giảng, ông khách mở hết bảy hộp phấn ra. Ông rút một viên phấn, viết tên người thầy giáo lên bảng, thắp hương và lầm rầm khấn vái. Sau đó, ông bảo mọi người rải những viên phấn ra quanh lớp học. Ông dặn, cứ đầu tháng và ngày rằm thì mua bảy hộp phấn trắng, thắp hương cùng với một chén nước cúng cho người thầy giáo.

Đêm đó, cả làng hồi hộp chờ đến nửa đêm xem hồn ma có về nữa không. Họ đã chờ cho đến sáng mà không thấy gì. Rồi sang đêm thứ hai cũng vậy. Mọi người vô cùng kinh ngạc và mừng không kể xiết. Họ làm cỗ thết ông khách và tặng ông một xe bò mật mía ngon nhất trong một lò nấu mật của làng để tạ ơn ông. Trước khi ông khách rời đi, một người già nhất trong làng hỏi ông khách, có thể cho biết vì sao ông chỉ cúng bằng phấn trắng mà siêu thoát hồn ma. Ông khách nói, người thầy giáo đó bị giết khi đang giảng bài. Khao khát lớn nhất của người thầy là được tiếp tục dạy học cho những đứa trẻ. Vì thế mà hồn của người thầy vẫn hiện về đêm đêm trong lớp học rồi vào làng kêu khóc. Cái mà người thầy cần là những viên phấn chứ không phải xôi thịt hay vàng mã. Đấy không phải là một con ma, đấy là một linh hồn yêu thương con người, đầy trách nhiệm và khao khát làm những điều tốt đẹp. Vì thế mà trước đó người làng dựng tượng Quan âm Bồ tát để trừ diệt ma quỷ không có hiệu nghiệm vì linh hồn đó không phải là ma quỉ mà là một con người nhân ái.

Sau khi viết và gửi bài cho Tạp chí Khám phá địa cầu, Phillip Caputo nói với tôi rằng, Tổng biên tập của Tạp chí này sẽ gọi cho tôi. Rồi đúng là bà Tổng biên tập đã gọi cho tôi. Bà nói với tôi, đây là một câu chuyện lớn mang thông điệp cho mọi con người. Bà xin phép tôi cho được sử dụng bản quyền câu chuyện đó. Tôi trả lời, đây không phải là bản quyền của tôi mà là của những người làng bên bờ sông Tuý Loan, nhưng tôi xin thay mặt họ đồng ý cho câu chuyện ấy được kể lại trên tạp chí Khám phá địa cầu.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top