Cho đến bây giờ, chị đã trở thành một cụ già, nhưng câu chuyện những năm tháng chị còn trẻ vẫn thi thoảng được người làng tôi kể lại vào những buổi tối khi mùa màng đã vãn. Câu chuyện đó tôi đã được nghe và đặc biệt hơn, tôi đã biết chị là một con người cụ thể bằng xương, bằng thịt, sống giữa một câu chuyện vừa kỳ bí, vừa thương cảm.
Chị lấy chồng khi mới chớm vào tuổi 18. Khi chồng chị đến tỏ lời muốn cưới chị thì chị đã từ chối. Anh xin cưới chị để đi vào mặt trận. Vì thế, anh muốn cưới chị để mẹ anh có người sớm hôm bên cạnh. Khi nghe lời từ chối của chị, anh đã đứng lặng rất lâu rồi chào chị và ra về. Cả đêm đó chị hoàn toàn thức trắng. Sáng hôm sau, chị vội vã đến tìm anh và nói: “Anh hãy cưới em đi”. Thế là đám cưới của họ được tổ chức trong đình làng. Tôi đã tham dự đám cưới đó và còn nhớ mang máng một vài hình ảnh vì lúc đó tôi còn rất nhỏ.
Hồi ấy, mỗi khi có đám cưới một đôi trai gái trong làng, người ta đều tổ chức ở đình và lũ trẻ con đều mò đến. Đám cưới có kẹo vừng, kẹo dồi chó, nước chè xanh và thuốc lá Trường Sơn. Sau lễ cưới, chồng chị ở lại với chị được năm ngày rồi lên đường đi vào mặt trận. Năm năm sau, chị nhận được giấy báo tử anh. Chị như hóa điên. Sau nhiều tháng ốm nặng, chị gượng dậy và tiếp tục sống. Mẹ chồng chị đêm đêm khóc giục chị đi bước nữa vì chị còn quá trẻ. Nhưng chị đã ở lại chăm sóc mẹ chồng cho đến khi cụ ra đi trong đau đớn và thương nhớ đứa con trai của mình.
Chị ở lại trong ngôi nhà của mẹ chồng ở xóm bãi hương khói cho mẹ chồng và người chồng đã hy sinh. Ban ngày, chị đi làm đồng, ban đêm chị thường ngồi yên lặng trước hiên nhà trong bóng tối cho đến khuya. Có những đêm, chị lang thang dọc triền sông như một người mộng du. Khi gặp người làng, ai hỏi chị thì chị gần như không trả lời mà chỉ mở to đôi mắt như mất hết hồn nhìn họ. Người làng nghĩ chị bị tâm thần vì quá đau đớn.
Rồi đến một ngày, những người đi thả lưới đêm trên sông, những người đi đặt bẫy chuột trên những gò sông và trên những con đường mòn của lũ chuột đồng xuyên qua những lùm dứa dại đã phát hiện ra một bóng đen lừ lừ đi vào ngôi nhà không một ánh đèn của chị. Rồi lâu sau, bóng đen đó lại lừ lừ đi ra bờ sông nhảy xuống sông và biến mất. Cứ dăm ba ngày, bóng đen lại xuất hiện và đi từ bờ sông vào thẳng ngôi nhà của chị. Người trong làng bắt đầu xì xào về bóng đen bí ẩn ấy và mối quan hệ kỳ bí của chị với bóng đen kia. Có người cho đó là ma và có người cho đó là một gã đàn ông nào đó.
Cho đến một ngày, chị đã tâm sự với một người bạn gái trong làng. Chị vừa kể cho người bạn gái câu chuyện bóng ma vừa khóc. Chị nói rằng đó là hồn ma chồng chị đã chết tìm về. Người bạn gái không tin chị, khuyên nhủ chị nhiều điều và nói với chị, nếu có quan hệ với một người đàn ông nào đó thì sẽ chẳng ai trách vì chị góa chồng đã nhiều năm mà tuổi thì còn trẻ. Người bạn gái cũng khuyên chị, nếu người đàn ông đó là một người tốt thì chị cứ công khai quan hệ và có thể đi đến hôn nhân một lần nữa chứ đừng tự giam cầm mình một cách khổ sở như thế.
Nhưng người bạn gái càng khuyên như thế thì chị càng khóc và nói đó thực sự là hồn ma của chồng mình. Thi thoảng vào những đêm khuya, hồn ma ấy bước vào ngôi nhà đầy bóng tối và thì thầm gọi chị: “Tâm ơi, anh về với em đây, chồng em đây, Lực đây em ơi”. Lúc đầu chị hoảng hốt co rúm người lại. Nhưng tiếng gọi thì thầm của bóng người đó cứ đều đều vang lên. Cho đến một ngày, chị tin đó là hồn ma chồng mình tìm về. Chị vừa khóc vừa vái lạy hồn ma ấy. Sau khi nghe chị vừa khóc vừa kể những chuyện ấy, người bạn gái của chị bắt đầu thấy có một điều gì đó khác thường và tin là hồn ma chồng chị về thật.
Câu chuyện từ người bạn gái của chị dần dần lan ra hết cả làng. Vào những buổi tối, cứ hễ thấy những người lớn túm tụm với nhau bàn tán về hồn ma người lính trở về với người vợ trẻ đêm đêm là lũ trẻ chúng tôi lại lén đến nghe trộm. Rồi câu chuyện hồn ma người lính lại được bàn tán trong lũ trẻ làng tôi khi chúng tôi đến trường hay chơi ngoài bãi sông. Có lúc, những đứa trẻ liều lĩnh nhất rủ nhau ra bãi sông đứng từ xa nhìn vào ngôi nhà của chị đầy tò mò và sợ hãi. Nhưng chúng tôi chỉ dám mò ra bãi sông xem ngôi nhà của chị vào ban ngày, chứ ban đêm thì có cho kẹo cũng chẳng đứa nào dám ra. Mỗi lần thấy chị vào làng là lũ lẻ lại len lén đi theo nhìn chị. Người làng gặp chị đều nhìn chị khác thường và chào hỏi cũng khác thường. Chị cứ lặng lẽ đi như một hồn ma trên đường làng.
Rồi đến một ngày, người ta phát hiện chị mang thai. Thế là câu chuyện lại bùng lên khắp làng với nhiều ý kiến bàn cãi khác nhau. Người cho rằng chị có quan hệ với một gã đàn ông nào đó rồi sợ dân làng nên bịa ra chuyện hồn ma chồng chị về. Người thì nói đã từng nghe ngày trước có người đã chửa với ma thật. Một số người trong làng bàn với nhau sẽ rình quanh nhà chị để khi cái bóng đen kia xuất hiện thì bật đèn pin xem đó là người hay là ma.
Nghe vậy, cụ Hàn Thịnh, một người thợ may của làng tôi, đã nói với nhóm người đó, cho dù đó là hồn ma người lính hay là một người đàn ông nào đó có quan hệ với chị, thì cũng không được phép làm thế. Cụ Hàn Thịnh nói, chị phải được an ủi và yêu thương vì đã gián tiếp hy sinh cho cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc. Hơn nữa, chị chính là một người con gái phải chịu nhiều đau khổ. Nếu chồng chị không là một người lính có một người mẹ già thì chị đã không nhận lời lấy anh. Chỉ như thế thì chị cũng đã là người phụ nữ đáng được tôn trọng. Cụ Hàn Thịnh từng được Vua Bảo Đại phong Hàn lâm viện sỹ vì có công may lễ phục cho Vua và Hoàng tộc và đã được huy chương vàng Hội chợ Đông Dương vài lần vì sản phẩm may mặc của mình. Nghe cụ Hàn Thịnh khuyên vậy, mọi người đã bỏ ý định tìm hiểu xem cái bóng đen kia là ai và như chia sẻ, cảm thông với chị hơn.
Khi nghe tin chị có thai, người bạn gái đến tìm chị và hỏi chị câu chuyện ấy thực hư thế nào. Chị đã nói với người bạn gái là chị có thai và tha thiết nói với người bạn gái hãy tin chị. Chị đã ân ái với linh hồn người chồng và chị đã mang thai. Người bạn gái ôm chị khóc thương chia sẻ với chị. Từ ngày đó, người bạn gái đã trở thành người bảo vệ của chị trước những thái độ và lời nói ác độc của một vài người trong làng. Khi chị sinh con, những người nhìn thấy mặt đứa bé đều kinh ngạc thấy nó giống người lính đã hy sinh như hai giọt nước. Càng lớn lên, đứa bé càng giống người chồng đã hy sinh của chị. Ai cũng có thể nhận ra điều ấy.
Đến lúc này, nhiều người trong làng còn nghi ngờ chị, thì nay đã tin linh hồn người lính vẫn trở về và làm cho chị mang thai. Những người trong gia đình và họ hàng người lính yêu thương đứa trẻ vô cùng. Trong một lần vào nhà cụ Hàn Thịnh để may áo, mẹ tôi nói chuyện với cụ Hàn Thịnh về chuyện đứa con của chị. Mẹ tôi thương cảm chị. Cuối cùng mẹ tôi nói: “Cho dù thế nào thì cô ấy cũng đáng được ban cho một đứa con cụ ạ”. Nghe vậy, Cụ Hàn Thịnh nhìn mẹ tôi rồi bảo: “Thế là cô giáo đã hiểu hết rồi. Người chết rồi không sống lại được cô giáo ạ. Người chết rồi vẫn còn linh hồn nhưng không thể có con với người sống được. Cô ấy không nói dối ai cả. Nhưng rồi cô ấy cũng sẽ nhận ra sự thật của câu chuyện mà chính cô ấy vẫn tin”.
Khi đứa con càng ngày càng lớn thì chị như dần dần từ một thế giới “mộng du” trước kia trở về với cuộc sống của mình. Đôi mắt chị không còn đám mây vô hồn bay lang thang nữa, nhưng thay vào đó là một nỗi dày vò, khắc khoải. Chị không còn im lặng như xưa nhưng trầm ngâm hơn. Đến một ngày, chị gọi người bạn gái đến và nói với người bạn gái ấy một sự thật. Đứa con của chị không phải với người chồng đã hy sinh mà với một người khác. Nhưng chị không lừa dối bất cứ ai. Trong những ngày sống trong đau đớn khôn cùng, chị đã trầm cảm, đã sống thực sự trong một thế giới khác mà chính chị không nhận ra.
Người đàn ông thi thoảng vẫn tìm đến chị trong đêm khuya là một người sống ở xóm trại bên kia sông. Người đó đã biết hoàn cảnh của chị. Sau này, chị đã nguyền rủa người đàn ông ấy đã lừa chị thì người đàn ông ấy đã nói hết với chị sự thật. Lúc đầu người đàn ông đó có ý muốn quan hệ với chị. Anh ta tìm đến chị trong một đêm khuya. Khi thấy anh, chị đã mở to đôi mắt trong bóng tối rất lâu và run rẩy hỏi: “Có phải anh về đấy không, anh Lực ơi, em khổ quá”. Lúc đầu, người đàn ông choáng váng khi nghe chị hỏi thế. Nhưng rồi anh hiểu ra.
Quả thực chị đã tin đó là linh hồn người chồng trở về với chị. Người đàn ông kia vừa là người an ủi nỗi đau đớn của chị vừa là người đã lợi dụng con người chị lúc đó. Sau này, người làng tôi và các làng bên cạnh biết chuyện đó vẫn bàn tán không dứt. Người thì nói anh ta là kẻ đểu cáng, đã lợi dụng lúc chị đau đớn mà chiếm đoạt thân xác chị, người thì nói anh ta đã an ủi chị, người thì cho rằng cho dù chị tưởng đó là linh hồn chồng mình hay chỉ là lý do thì chị cũng vẫn là người đáng được chia sẻ và cảm thông.
Nhưng cụ Hàn Thịnh khẳng định với người làng tôi là chị không hề nói dối bất cứ ai vì đứa con chị là bằng chứng có lý nhất và cũng xúc động nhất vì nó giống người lính đến lạ lùng. Chỉ khi chị thương nhớ người chồng đến như thế nào chị mới có thể ảnh hưởng đến sự hình thành những đường nét trên gương mặt của đứa bé đến như thế. Khi trưởng thành, mọi người biết người lính đã hy sinh đều phải thốt lên khi nhìn thấy chàng trai đó, họ đều tưởng đó là bố của chàng trai trước khi nhập ngũ.
Câu chuyện về chị xảy ra đã lâu, nhưng cho tới tận bây giờ và mãi về sau, nếu được kể lại, vẫn là câu chuyện làm cho người ta phải suy nghĩ rất nhiều về cuộc sống. Câu chuyện đặt ra nhiều câu hỏi về tình yêu, sự mất mát, niềm vui, sự kỳ lạ, chia sẻ, cảm thông và những bí ẩn của đời sống vô tận này.