Hải Dương: Ban hành quy định mới cho phép thực hiện tách thửa đất với diện tích tối thiểu 30m2
Vừa qua, UBND tỉnh Hải Dương đã chính thức ban hành quy định về hạn mức giao đất, công nhận đất ở, cùng các quy định liên quan đến hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp. Ngoài ra, quy định này còn đề cập đến các điều kiện tách thửa, hợp thửa đất và diện tích tối thiểu được phép tách thửa, hợp thửa trên địa bàn tỉnh. Quy định có hiệu lực từ ngày 12/9/2024.
Theo quy định mới, hạn mức giao đất ở cho cá nhân tại các khu vực đô thị ở Hải Dương có sự phân chia cụ thể tùy vào vị trí đất.
Ở khu vực đô thị, đối với các khu vực tiếp giáp với quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện, đường phố, và đường trong khu đô thị, khu dân cư, hạn mức tối thiểu là 40m2 và tối đa là 80m2. Trong khi đó, với các vị trí đất khác, hạn mức giao đất tối thiểu vẫn là 40m2, nhưng diện tích tối đa được mở rộng lên 120m2.
Ở khu vực nông thôn, đối với các khu vực tiếp giáp quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện, đường phố, và đường trong khu đô thị, khu dân cư, hạn mức giao đất ở tối thiểu là 40m2 và tối đa là 120m2. Đối với các vị trí đất còn lại, hạn mức tối thiểu được giao là 60m2, trong khi diện tích tối đa có thể lên tới 200m2.
Ở khu vực nông thôn miền núi, tại các vị trí tiếp giáp quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện và tại các khu, điểm dân cư quy hoạch mới, diện tích đất ở được giao có hạn mức tối thiểu là 100m2 và tối đa là 180m2. Đối với các vị trí đất còn lại, hạn mức giao đất ở tối thiểu là 150m2 và tối đa có thể lên tới 300m2.
Ngoài ra, quyết định cũng quy định cụ thể về diện tích tối thiểu được phép tách thửa đất, nhằm tạo cơ sở pháp lý rõ ràng và đồng bộ trong việc quản lý và phát triển đô thị cũng như nông thôn.
Cụ thể, đối với các thửa đất ở nằm trong khu vực đô thị, diện tích tối thiểu được phép tách thửa là 30m2. Thửa đất cần đảm bảo có kích thước cạnh tiếp giáp với mặt đường hoặc lối đi chung tối thiểu là 3m. Bên cạnh đó, chiều sâu vào phía trong của thửa đất, vuông góc với mặt đường hoặc lối đi chung, không được nhỏ hơn 5m.
Ngược lại, đối với đất ở thuộc khu vực nông thôn, diện tích tối thiểu được phép tách thửa là 60m2. Đối với các thửa đất này, kích thước cạnh tiếp giáp với mặt đường chính phải đạt ít nhất 4m, trong khi chiều sâu vào phía trong của thửa đất, vuông góc với đường chính, cần đạt tối thiểu 5m.
Gần 100 căn nhà ở xã hội được mở bán tại Đà Nẵng
Sở Xây dựng TP. Đà Nẵng đã có thông báo về việc mở bán nhà ở xã hội tại dự án Chung cư nhà ở xã hội lô đất B4-2 thuộc Khu đô thị xanh Bàu Tràm Lakeside, phường Hoà Hiệp Nam, quận Liên Chiểu. Đây là dự án do Công ty CP Đầu tư Sài Gòn - Đà Nẵng làm chủ đầu tư.
Theo đó, số lượng căn hộ được mở bán lần này là 97 căn thuộc block CT5, CT6, CT8, CT9 và CT10; diện tích khoảng từ 45-70m2. Giá bán mỗi căn hộ (đã bao gồm thuế GTGT 5%, chưa bao gồm chi phí bảo trì 2%) dao động từ trên 730 triệu đồng đến gần 1,150 tỷ đồng.
Dự án Chung cư nhà ở xã hội tại lô đất B4-2 thuộc Khu đô thị xanh Bàu Tràm Lakeside có quy mô gồm 10 tháp chung cư, 21 tầng nổi kèm tum thang và 1 tầng hầm.
Thời gian tiếp nhận hồ sơ đăng ký mua nhà ở xã hội tại dự án đợt này từ 16/9 đến hết 10/11/2024.
Sở Xây dựng Đà Nẵng cũng đã có thông báo về việc tiếp nhận hồ sơ đăng ký mua nhà ở xã hội tại khối nhà B2 thuộc dự án Khu chung cư nhà ở xã hội Khu công nghiệp Hòa Khánh, phường Hòa Khánh, quận Liên Chiểu do Công ty CP Địa ốc xanh Sài Gòn - Thuận Phước làm chủ đầu tư.
Cụ thể, dự án có quy mô gồm 8 khối nhà chung cư (E1, E2, E3, E4, B1, B1A, B2, B3) với tổng cộng 1.760 căn hộ, trường mầm non, khu thể thao - dịch vụ…
Số lượng mở bán đợt này chỉ có 1 căn hộ với diện tích 69,96m2. Giá bán bình quân căn hộ (đã bao gồm thuế GTGT 5%, chưa bao gồm chi phí bảo trì 2%) là 9,417 triệu đồng/m2. Thời gian tiếp nhận hồ sơ từ ngày 11/9 đến hết ngày 30/9.
Thanh Oai, Hà Nội: Hơn 80% số lô đất trúng đấu giá bị bỏ cọc, bao gồm cả lô 100 triệu đồng/m2
Theo thông tin từ Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Thanh Oai, đến hết sáng 16/9, chỉ có 13 lô đất trong phiên đấu giá 68 thửa đất tại khu Ngõ Ba, xã Thanh Cao, huyện Thanh Oai hôm 10/8 hoàn thành nghĩa vụ tài chính. Đáng chú ý, các lô đất đã nộp tiền đều là những lô có giá trúng đấu giá thấp, trong đó lô cao nhất chỉ đạt hơn 55 triệu đồng/m2.
55 lô còn lại, bao gồm cả lô có giá trúng cao nhất lên đến 100,5 triệu đồng/m2, hiện vẫn chưa được người trúng đấu giá nộp tiền. Việc chậm trễ hoặc không hoàn tất nghĩa vụ tài chính này đồng nghĩa với việc 55 lô đất này đã chính thức bị bỏ cọc.
Theo quy định, người trúng đấu giá đất phải thực hiện nghĩa vụ tài chính theo hai đợt trong 30 ngày. Đợt thanh toán cuối cùng của phiên đấu giá này là vào ngày 14/9. Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Thanh Oai cho biết, số tiền dự kiến thu về từ phiên đấu giá là hơn 400 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, tổng số tiền thu được từ trúng đấu giá chỉ đạt hơn 80 tỷ đồng, tương đương 1/5 mức dự kiến tại thời điểm kết thúc phiên đấu.
Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Thanh Oai cũng thông tin thêm, mặc dù đã hết thời hạn nộp tiền đấu giá nhưng theo quy định hết 120 ngày mới hủy kết quả phiên đấu giá nên huyện vẫn chưa có phương án và thời hạn đấu giá lại.
"Đảo ngọc" Sơn Chà được giao cho Đà Nẵng quản lý
Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 144/NQ-CP về việc xác định địa giới đơn vị hành chính giữa tỉnh Thừa Thiên Huế và thành phố Đà Nẵng tại khu vực núi Hải Vân và hòn Sơn Chà.
Cụ thể, văn bản xác định địa giới đơn vị hành chính giữa tỉnh Thừa Thiên Huế và thành phố Đà Nẵng do lịch sử để lại như sau:
Đường địa giới giữa tỉnh Thừa Thiên Huế và thành phố Đà Nẵng tại khu vực núi Hải Vân và hòn Sơn Chà giáp ranh giữa thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế và phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng.
Địa giới này nằm trên 02 mảnh bản đồ địa hình hệ tọa độ quốc gia VN-2000, tỷ lệ 1:10.000 do Bộ Tài nguyên và Môi trường thành lập năm 2009, có phiên hiệu là E-49-85-C-b-1 và E-49-85-C-b-2 (bản đồ kèm theo).
Theo đó, đường địa giới được xác định đỉnh cao 691,5m (là điểm địa giới đã được hai tỉnh, thành phố thống nhất), theo hướng chung Đông Bắc, đường địa giới đi theo sống núi, qua các đỉnh cao 241,4m; 341,8m; 360,5m đến đỉnh cao 295,3m; huyển hướng Đông - Đông Nam, sau chuyển hướng Đông - Đông Bắc, đường địa giới đi theo sống núi, qua các đỉnh cao 253,9m; 207,2m; 196,0m; 246,7m; 256,3m; 257,8m; 256,3m và tiếp tục đi theo sống núi đến mũi Cửa Khẻm, ra Biển Đông.
Theo Nghị quyết, hòn Sơn Chà được giao thành phố Đà Nẵng quản lý.
Chính phủ giao Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan hướng dẫn triển khai thực hiện Nghị quyết này; theo dõi, kiểm tra và tổng hợp, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện.
Bên cạnh đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan và Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế, Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng căn cứ Điều 1 Nghị quyết này xác định cụ thể đường địa giới trên thực địa và chuyển vẽ lên bản đồ địa giới hành chính hệ tọa độ quốc gia VN-2000 để quản lý.
Trên cơ sở đường địa giới đơn vị hành chính đã được xác định tại thực địa và trên bản đồ, Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế, Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng thực hiện bàn giao quản lý hành chính về mọi mặt có liên quan đến khu vực được phân định tại Điều 1 Nghị quyết này.
Bắc Ninh đề xuất đầu tư 3.600 tỷ đồng xây dựng cao tốc từ Vành đai 4 đến Quốc lộ 18
Ngày 19/9, UBND tỉnh Bắc Ninh đã gửi công văn tới Thủ tướng Chính phủ đề nghị cho phép đầu tư xây dựng phân đoạn cao tốc Bắc Ninh - Hải Dương thuộc tuyến cao tốc Nội Bài - Bắc Ninh - Hải Dương, đoạn từ Vành đai 4 Hà Nội đến Quốc lộ 18.
Dự án được UBND tỉnh Bắc Ninh đề xuất triển khai theo hình thức đầu tư công. Tổng kinh phí dự kiến lên tới 3.600 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách tỉnh và các nguồn vốn hợp pháp khác. Theo quy hoạch, tuyến cao tốc dài khoảng 10,3km, có quy mô mặt cắt ngang lên tới 100m.
Điểm đầu của dự án tại Km0+00 giao với Vành đai 4, điểm cuối tại Km10+300 giao với Quốc lộ 18, với tổng chiều dài khoảng 10,3km. Hướng tuyến của dự án sẽ bám sát theo quy hoạch giao thông được phê duyệt tại Quyết định số 1589/QĐ-TTg ngày 8/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ, nằm trong khuôn khổ quy hoạch tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
UBND tỉnh Bắc Ninh cam kết sẽ bố trí đủ kinh phí để thực hiện Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc Quốc lộ 18, đoạn từ nút giao Yên Giả đến Quốc lộ 18 cũ, theo đúng quy định của pháp luật.
Trước đó, vào tháng 1/2020, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận cho phép đầu tư phân đoạn cao tốc Bắc Ninh - Hải Dương theo hình thức PPP, loại hợp đồng BT, và giao UBND tỉnh Bắc Ninh là cơ quan nhà nước có thẩm quyền triển khai dự án. Tuy nhiên, sau khi Luật Đầu tư theo phương thức PPP được Quốc hội ban hành vào ngày 18/6/2020, dự án này trong diện bãi bỏ thực hiện theo hình thức BT.
Hiện tại, phân đoạn cao tốc Bắc Ninh - Hải Dương qua địa phận tỉnh Bắc Ninh, đoạn từ Vành đai 4 đến cao tốc Hà Nội - Bắc Giang (khoảng 9,7km), đã được tích hợp vào dự án xây dựng Vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội. Dự án này đang được triển khai xây dựng, dự kiến hoàn thành cơ bản vào năm 2026 và đưa vào khai thác từ năm 2027.
Do đó, UBND tỉnh Bắc Ninh cho biết, việc đầu tư Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc Quốc lộ 18, đoạn từ nút giao Yên Giả đến Quốc lộ 18 cũ sẽ góp phần hoàn thành tuyến cao tốc Bắc Ninh - Hải Dương, kết nối Vành đai 4 - Vùng Thủ đô với các khu công nghiệp tập trung tại các tỉnh phía Bắc Thủ đô Hà Nội, đồng thời tạo không gian phát triển đô thị, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
TP.HCM: Tạm thời áp dụng bảng giá đất hiện hành để tính thuế về đất đai
Để giải quyết nghĩa vụ tài chính, thuế về đất đai trên địa bàn thành phố, UBND TP.HCM đã có văn bản cho phép tạm sử dụng bảng giá đất được ban hành theo Luật Đất đai 2013.
Theo đó, trong thời gian thành phố chưa ban hành Quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định số 02/2020/QĐ-UBND ngày 16/1/2020 của UBND thành phố quy định bảng giá đất theo khoản 1 Điều 257 Luật Đất đai năm 2024, UBND TP.HCM đã chấp thuận việc sử dụng bảng giá đất được ban hành theo Luật Đất đai năm 2013 như đã thực hiện trước ngày 1/8/2024. Cụ thể, bảng giá đất theo Quyết định số 02/2020/QĐ-UBND ngày 16/1/2020 của UBND thành phố nhân (x) với hệ số điều chỉnh giá đất theo Quyết định số 56/2023/QĐ-UBND ngày 21/12/2023 của UBND thành phố.
Bảng giá đất này được UBND TP.HCM cho phép tạm thời áp dụng để giải quyết nghĩa vụ tài chính, thuế về đất đai trong giai đoạn từ ngày 1/8/2024 cho đến khi ban hành Quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định số 02/2020/QĐ-UBND ngày 16/1/2020.
Tại văn bản, UBND TP.HCM cho biết, Cục Thuế thành phố theo chức năng, nhiệm vụ phải khẩn trương, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính và các đơn vị liên quan triển khai thực hiện giải quyết các hồ sơ đất đai tồn đọng phát sinh từ ngày 1/8/2024 theo quy định pháp luật.
Cùng với đó, UBND TP.HCM cũng giao Sở Tài nguyên và Môi trường, Cục Thuế thành phố cung cấp đầy đủ thông tin để Sở Thông tin và Truyền thông tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan đẩy mạnh công tác truyền thông.
Đồng thời, các Sở, ban, ngành cũng cần làm rõ các nhóm, đối tượng bị tác động ảnh hưởng, để người dân và doanh nghiệp hiểu đúng về chủ trương chính sách, quy định pháp luật, tạo sự đồng thuận khi triển khai thực hiện trên địa bàn thành phố theo ý kiến chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành ủy.
Ở thời điểm hiện tại, UBND TP.HCM vẫn đang tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chức năng của thành phố xây dựng, hoàn thiện dự thảo Quyết định điều chỉnh Quyết định số 02/2020/QĐ-UBND ngày 16/1/2020 của UBND TP.HCM về bảng giá đất trên địa bàn theo khoản 1 Điều 257 Luật Đất đai năm 2024. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng dự thảo, bảng giá đất mới đã có nhiều ý kiến trái chiều và đang tiếp thu các ý kiến góp ý để hoàn thiện dự thảo, trước khi ban hành chính thức./.