Aa

Tín dụng chưa thoát “đáy”, các ngân hàng vẫn mục tiêu lợi nhuận cao

Thứ Năm, 11/04/2024 - 06:17

Đến nay, việc tăng trưởng tín dụng vẫn khá chậm chạp, song nhiều ngân hàng vẫn đặt mục tiêu lợi nhuận rất cao trong năm 2024.

Tăng trưởng tín dụng chậm

Mới đây, Tổng cục Thống kê đã đưa ra số liệu tính đến ngày 25/3/2024, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 0,26%, chính thức dương trở lại sau 2 tháng tăng trưởng âm.

Theo NHNN, tín dụng đầu năm tăng thấp chủ yếu do yếu tố mùa vụ của dịp Tết Nguyên đán và khả năng hấp thụ vốn chưa cao, tuy nhiên đã phục hồi trong tháng 3.

Tín dụng chưa thoát “đáy”, các ngân hàng vẫn mục tiêu lợi nhuận cao
- Ảnh 1.

Thời gian qua, tín dụng ngân hàng khá "ì ạch", nguyên nhân là cầu tín dụng thấp, sức hấp thụ vốn kém.

Để gỡ khó cho các doanh nghiệp, NHNN tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 02 và đang rà soát để sửa đổi, bổ sung, gia hạn Thông tư; tiếp tục triển khai các chương trình, chính sách tín dụng đối với các lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng như chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng, chương trình cho vay lâm sản, thủy sản...

Dù tín dụng tăng trưởng chưa đáng kể, nhưng trong bối cảnh nền kinh tế đang hồi phục, mặt bằng lãi suất thấp, nhiều lãnh đạo ngân hàng kỳ vọng mức tăng trưởng tín dụng sẽ tăng trưởng cao từ quý II/2024. Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, lãi suất bình quân huy động và cho vay đối với các giao dịch phát sinh mới lần lượt ở mức 3,1%/năm và 6,5%/năm, giảm tương ứng 0,4%/năm và 0,6%/năm so với cuối năm 2023.

Ngân hàng kỳ vọng tăng trưởng tốt

Đến nay, nguồn thu chính của ngân hàng vẫn đến từ các hoạt động tín dụng (chiếm 70-80% doanh thu). Đáng ngạc nhiên, mặc dù tín dụng "mới lên khỏi mặt đất", song các ngân hàng lại tỏ ra lạc quan về triển vọng lợi nhuận năm nay, đặc biệt là các ngân hàng TMCP tư nhân. Tài liệu đại hội cổ đông thường niên năm 2024 vừa công bố cho thấy, kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận của các ngân hàng khá cao.

Cụ thể, Vietcombank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế tăng 10% so với năm 2023 lên 44.4000 tỷ đồng, tăng trưởng tín dụng trên 12%. Techcombank đặt mục tiêu lợi nhuận tăng 18,4% lên 27.100 tỷ đồng, tăng trưởng tín dụng 16,2%. LPBank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 9.500 tỷ đồng, tăng 35% so với năm 2023, tín dụng thị trường 1 dự kiến tăng 15,8%. Eximbank đặt mục tiêu lợi nhuận tăng 90,5%. OCB đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2024 đạt 6.885 tỷ đồng, tăng 66% so với kết quả năm 2023, dư nợ tín dụng thị trường 1 tăng khoảng 20%.

Các ngân hàng cho biết, có cơ sở để đạt được mục tiêu lợi nhuận năm nay khi các dấu hiệu kinh tế hồi phục dần rõ nét, tín dụng tăng trở lại khi lãi suất giảm dần, kể cả với tài chính tiêu dùng. Biên lãi ròng (NIM) cũng được cải thiện khi chi phí đầu vào giảm mạnh.

Chủ tịch HĐQT Ngân hàng MB, ông Lưu Trung Thái cho rằng, cầu vốn năm nay chưa thể kỳ vọng đột biến, nhưng sẽ dần tăng trở lại khi nhu cầu về tín dụng mua nhà, ô tô đang đi ngang và nếu giữ vững được phương án đi ngang trong năm nay cũng là rất tốt để MB đạt được mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận 10% (tương đương khoảng 28.800 tỷ đồng trước thuế). Trong đó, động lực lớn nhất là bán lẻ, khi số lượng khách hàng tăng nhanh. Hiện tại, MB có hơn 26 triệu khách hàng, dự kiến năm 2024 sẽ có 30 triệu khách hàng.

Ông Phùng Quang Hưng, Phó tổng giám đốc Techcombank cho biết, động lực tăng trưởng năm 2024 của Techcombank đến từ khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp. Lãi suất thấp sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế và cầu tín dụng. Doanh nghiệp có khả năng phục hồi tốt hơn, nhờ đó, tình hình kinh doanh ngân hàng năm nay cũng sáng sủa hơn.

PGS-TS Nguyễn Hữu Huân (Trường đại học Kinh tế TP.HCM) cho hay, kết quả kinh doanh của ngân hàng phụ thuộc vào nền kinh tế. Khi kinh tế hồi phục, nợ xấu ngân hàng mới giảm và lợi nhuận khả quan. Ngược lại, nợ xấu tăng đòi hỏi trích dự phòng lớn, dẫn đến giảm lợi nhuận.

Nhận định chung về triển vọng ngành ngân hàng năm 2024, ông Đào Hồng Dương - Giám đốc Phân tích Ngành và Cổ phiếu - VPBankS dự báo khó khăn tiếp diễn ở nửa đầu năm, hy vọng tia sáng ở nửa cuối năm. Kỳ vọng các ngân hàng cải thiện về NIM do mặt bằng lãi suất thấp làm giảm chi phí vốn và có động lực cho vay từ FDI (do việc nâng cấp quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với Hoa Kỳ và Nhật Bản), xuất nhập khẩu (kỳ vọng nhu cầu nhập khẩu của thế giới phục hồi), và nhu cầu vay trong nước phục hồi (chính sách giảm thuế giá trị gia tăng và các chính sách hỗ trợ thị trường khác). Các rủi ro bao gồm việc thị trường bất động sản vẫn đóng băng, các sản phẩm đầu tư không hấp dẫn nhà đầu tư do còn e ngại về các sản phẩm trái phiếu doanh nghiệp, bảo hiểm nhân thọ, và cuối cùng là áp lực xử lý nợ xấu vẫn còn lớn.

"Triển vọng tăng trưởng 15% năm 2024, tương đương đạt 293.650 tỷ đồng đến từ sự phục hồi của NIM ở hầu hết ngân hàng lớn, nhờ chi phí vốn thấp khi nền lãi suất huy động thấp và sự phục hồi Casa, kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu giảm lãi suất từ nửa cuối năm 2024 và tăng trưởng tín dụng có xu hướng gia tăng mạnh từ nửa cuối năm theo yếu tố chu kỳ", ông Đào Hồng Dương chia sẻ.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top