Aa

TS. Đinh Thế Hiển: Nên đặt ra trần lãi suất cho vay để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong dài hạn

Thứ Năm, 27/03/2025 - 06:00

Nhiều ngân hàng đang tích cực giảm lãi suất, đưa ra các gói vay ưu đãi để hỗ trợ khách hàng cá nhân, doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo chuyên gia, cần xem xét áp trần lãi suất cho vay, bảo đảm người dân, doanh nghiệp được tiếp cận vốn với lãi suất tốt trong dài hạn, hạn chế việc các ngân hàng dựa vào thế "độc quyền" cung ứng vốn để tăng lãi suất.

Ngân hàng tích cực hỗ trợ khách hàng cá nhân, doanh nghiệp

Mới đây, tại Hội nghị "Đẩy mạnh tín dụng ngân hàng nhằm góp phần tăng trưởng kinh tế Khu vực 6", Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà thông tin, tính đến 12/3, tín dụng toàn hệ thống tăng 1,24% so với cuối năm 2024 (cùng kỳ tháng 2/2024 giảm 0,74%), khác với quy luật tín dụng đầu năm thường giảm.

Cùng với đó, sau chỉ đạo thanh kiểm tra, việc tăng lãi suất huy động ở các ngân hàng, có biện pháp tiếp tục giảm lãi suất huy động của Thủ tướng, nhiều ngân hàng đã thực hiện giảm lãi suất.

Thống kê từ ngày 25/2 đến 18/3, đã có 23 ngân hàng thương mại trong nước điều chỉnh giảm lãi suất huy động, với mức giảm từ 0,1 - 1%/năm tùy theo từng kỳ hạn. Bao gồm BVBank, MSB, VietBank, Saigonbank, VIB, BAOVIET Bank, KienLongBank, BAC A Bank, VietABank, PGbank, EXimBank, LPBank, NamABank, SHB, NCB, VCBNeo, BIDV, Techcombank, Công nghệ số Vikki, MBV, Phương Đông (OCB), VietinBank, ABBank. Riêng từ đầu tháng 3 tới nay, có 18 ngân hàng trong nước giảm lãi suất huy động.

TS. Đinh Thế Hiển: Nên đặt ra trần lãi suất cho vay để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong dài hạn- Ảnh 1.

Các ngân hàng đang tích cực tìm đầu ra cho cho vốn tín dụng. (Ảnh minh họa)

Các ngân hàng cũng đang tích cực tìm đầu ra cho cho vốn tín dụng, đặc biệt từ khách hàng cá nhân, thông qua nhiều gói lãi suất ưu đãi. Ngân hàng ACB tiên phong với gói "Ngôi nhà đầu tiên," áp dụng lãi suất từ 5,5%/năm, cố định lên đến 60 tháng và thời hạn vay tối đa 30 năm.

SHB cũng công bố gói vay 16.000 tỷ đồng với lãi suất thấp nhất 3,99%/năm, áp dụng đến hết năm 2025. Khách hàng sẽ được vay tối đa 90% giá trị tài sản dự định mua, miễn trả gốc đến 60 tháng đầu tiên.

Sacombank triển khai gói vay 20.000 tỷ đồng phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh, mua, xây/sửa nhà, tiêu dùng phục vụ đời sống với mức lãi suất cạnh tranh chỉ từ 4%/năm (ngắn hạn) và 6,5 % (trung hạn), triển khai đến hết ngày 30/6/2025. Ngoài cho vay khách hàng cá nhân, gói ưu đãi này cũng dành cho doanh nghiệp.

Vietcombank triển khai chương trình hỗ trợ khách hàng cá nhân vay mua nhà với lãi suất chỉ từ 4,5%/năm trong 12 tháng đầu tiên. BIDV có gói vay hỗ trợ doanh nghiệp với mức lãi suất 5%/năm, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa mở rộng sản xuất, kinh doanh…

Nhiều động thái cho thấy nỗ lực thúc đẩy tín dụng của ngành ngân hàng. Song, theo chuyên gia, kinh tế Việt Nam vẫn còn một chặng đường dài để đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2025, do đó, cần phải thực hiện các biện pháp quyết liệt hơn trong chính sách tài khóa và tiền tệ.

Trong lĩnh vực bất động sản, mặc dù dư nợ tín dụng bất động sản đạt hơn 3,15 triệu tỷ đồng vào cuối tháng 9/2024, chiếm khoảng 21% tổng dư nợ nền kinh tế, trong đó, tín dụng kinh doanh bất động sản tăng mạnh 16%, nhưng tín dụng cá nhân chỉ tăng 4,6%. Tín dụng bất động sản năm 2024 và những tháng đầu năm 2025 vẫn tăng mạnh, nhưng chủ yếu chảy vào doanh nghiệp và nhà đầu tư.

Chia sẻ với Reatimes, chuyên gia kinh tế, TS. Đinh Thế Hiển cho biết, tín dụng cho vay cá nhân trong lĩnh vực bất động sản chưa cao là phù hợp với các quan sát trước đây. Thời điểm trước năm 2022, các chuyên gia từng cảnh báo, tín dụng bất động sản có đến 60-70% là phục vụ đầu cơ. Khi chỉ còn nhu cầu vay thật, tín dụng bất động sản cho vay cá nhân sẽ thấp.

Trong khi đó, có quan điểm cho rằng nếu ngân hàng tập trung cho vay đầu vào là chủ đầu tư thay vì cho vay đầu ra là khách hàng cá nhân, thì rủi ro cho thị trường bất động sản và hệ thống tín dụng sẽ cao hơn. Song theo ông Hiển, trước rủi ro này, các ngân hàng không có sự chọn lựa.

"Thực tế, các ngân hàng vẫn đang tích cực tìm đầu ra cho cho vốn tín dụng từ khách hàng cuối cùng, là khách hàng cá nhân. Bằng chứng là rất nhiều ngân hàng đưa ra các chương trình ưu đãi cho vay mua nhà dành cho người trẻ, thậm chí một số ngân hàng còn áp dụng những chương trình rất mạnh, ví dụ LPBank sẵn sàng cho vay tới 100% giá trị bất động sản với lãi suất dưới 4%. Chứng tỏ các ngân hàng rất muốn khuyến khích khách hàng cá nhân vay vốn", ông Hiển nói.

TS. Đinh Thế Hiển: Nên đặt ra trần lãi suất cho vay để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong dài hạn- Ảnh 2.

Chuyên gia kinh tế, TS. Đinh Thế Hiển.

Nên đặt ra trần lãi suất cho vay để người dân, doanh nghiệp được vay vốn với lãi suất tốt hơn trong dài hạn

Mặc dù các ngân hàng vẫn nỗ lực cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp vay vốn, song thực tế, vẫn có những khách hàng, doanh nghiệp phản ánh việc khó tiếp cận vốn. 

Thực tế, các doanh nghiệp lớn có nhiều phương án để huy động vốn, còn doanh nghiệp vừa và nhỏ, khách hàng cá nhân, đặc biệt là người thu nhập thấp, người vay mua nhà ở xã hội còn gặp nhiều khó khăn, do hạn chế về tài sản đảm bảo, lo ngại lãi suất thả nổi... trong khi, phía ngân hàng vẫn là bên nắm quyền chủ động phân phối vốn. Lợi nhuận theo đó cũng nghiêng về phía ngân hàng.

Trước thềm đại hội cổ đông năm nay, nhiều ngân hàng thông báo kế hoạch chia cổ tức cao cho các cổ đông, trong bối cảnh kết quả kinh doanh năm 2024 báo lãi "khủng" và dự báo tình hình kinh doanh sẽ còn khả quan hơn trong năm 2025.

VietinBank lên kế hoạch trình Đại hội đồng cổ đông thường niên, dự kiến diễn ra ngày 1/4 tới, phương án tăng vốn điều lệ từ 53.700 tỷ đồng lên 77.671 tỷ đồng thông qua phát hành tối đa gần 2,4 tỷ cổ phiếu, tỷ lệ phát hành là 44,64% và chia cho cổ đông hiện hữu. Đồng thời, dự kiến sử dụng toàn bộ lợi nhuận sau khi trích lập các quỹ của năm 2024 để chia cổ tức bằng cổ phiếu. (Năm 2024, lợi nhuận sau thuế riêng lẻ của VietinBank đạt 24.259 tỷ đồng, sau khi trích lập các quỹ, lợi nhuận còn lại là gần 15.597 tỷ đồng).

Năm 2024, HDBank đạt 16.731 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 28,5% so với năm 2023 và hoàn thành 106% kế hoạch cổ đông giao. Ngân hàng dự kiến trả cổ tức năm 2024 ở mức tối đa  30% (cổ tức tiền mặt tối đa là 15%). Kế hoạch cụ thể sẽ được trình tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông sắp tới.

TS. Đinh Thế Hiển cho biết, nền kinh tế đang phụ thuộc lớn vào hệ thống ngân hàng. Các ngân hàng đang cung cấp tới 80-90% nguồn vốn cho hoạt động đầu tư. Trong khi ở các nước khác, vốn cho đầu tư chỉ chiếm khoảng 30-40%, còn lại các ngân hàng cung ứng vốn vào vốn lưu động, vốn ngắn hạn là chính. Trong đó, các ngân hàng vẫn có những ưu đãi nhất định cho doanh nghiệp hơn khách hàng cá nhân, bởi đây là những người cần nhiều vốn.

"Từ doanh nghiệp đến cá nhân đều cần đến ngân hàng, họ ở thế chủ động, nên dĩ nhiên, các ngân hàng vẫn duy trì được lợi nhuận cao hơn khách hàng. Dù điều này xảy ra trong bối cảnh doanh nghiệp, người dân còn khó khăn, nhưng đã là cơ chế thị trường thì nhà nước rất khó áp đặt", ông Hiển nói.

Bên cạnh đó, việc giữ mặt bằng lãi suất thấp, dù rất quan trọng nhưng vẫn chưa đủ để kích cầu vay vốn, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng vào các lĩnh vực thiết yếu trong giai đoạn hiện nay.

Để hỗ trợ tín dụng tích cực hơn đối với khách hàng cá nhân, doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, ông Hiển cho hay, tại Mỹ, Tổng thống Donald Trump đã yêu cầu các công ty tài chính không được đưa ra lãi suất cao vượt mức dựa trên lợi thế độc quyền trong cung ứng vốn. Vì vậy, ở Mỹ đang có quan điểm phải áp lãi suất trần cho vay. Tương tự, ở Việt Nam, vừa qua, tại Chỉ thị số 05/CT-TTg chỉ đạo các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đột phá thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bảo đảm mục tiêu đạt 8% trở lên, Thủ tướng cũng nghiêm cấm các ngân hàng thương mại tự do tăng lãi suất không theo định hướng, cạnh tranh không lành mạnh, không bình đẳng. 

"Điều này là đúng, vì tăng lãi suất huy động sẽ dẫn đến việc tăng lãi suất cho vay, ảnh hưởng đến doanh nghiệp, người dân. Nhưng bên cạnh đó, cũng nên đưa ra lãi suất trần cho vay, không để các ngân hàng dựa vào thế "độc quyền" cung ứng vốn để tăng lãi suất. Như vậy sẽ bảo đảm người dân, doanh nghiệp được vay vốn với lãi suất tốt hơn, thay vì chỉ giảm lãi trong một vài chương trình ưu đãi, khuyến khích đầu tư", ông Hiển nêu quan điểm.

Bên cạnh đó, theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, đến nay, tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt gần 16 triệu tỷ đồng, trong khi GDP đạt 12 triệu tỷ đồng. Như vậy, tín dụng bằng 130% GDP và với mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong năm nay từ 8% trở lên thì tỉ lệ này sẽ cao hơn, đặt ra bài toán khó đối với việc ổn định hệ thống ngân hàng.

Vì vậy, khi xem xét sử dụng vốn để thúc đẩy nền kinh tế, không chỉ có vốn tín dụng ngân hàng mà còn bao gồm vốn ngân sách, vốn từ khu vực tư nhân và vốn doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài. Ngoài vốn bằng tiền, còn có các nguồn vốn khác như tài sản, đất đai và khoa học công nghệ...Đặc biệt, cần phát triển thị trường vốn, thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Bàn luận về vấn đề này, TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhấn mạnh, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở khu vực tư nhân, ngoài trụ cột cải cách thể chế, thì cần tháo gỡ trụ cột về nguồn vốn. Trước hết, phải tạo cho doanh nghiệp một môi trường tiếp cận vốn, đất đai, khoa học công nghệ, dữ liệu… kịp thời, đủ lớn về quy mô và đồng bộ để họ bứt phá lên một cấp độ mới, từ siêu nhỏ đến vừa, vừa đến lớn.

Đặc biệt, vốn để doanh nghiệp phát triển không chỉ là tín dụng, mà còn là vốn đầu tư dài hạn. Như vậy, Nhà nước cần mở ra thị trường vốn đầu tư đa dạng hơn, giảm gánh nặng cho phía ngân hàng.

"Phải phát triển thị trường vốn với các loại quỹ, điều mà hiện nay chúng ta đang thiếu rất nhiều. Vì thiếu nên nhiều doanh nghiệp chưa phát triển được…", ông Cung nói.


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top