LTS: Dự án xây dựng Khu dân cư dịch vụ - du lịch làng chài Điện Dương được UBND tỉnh Quảng Nam chấp thuận chủ trương đầu tư tại Công văn số 1770/UBND-KTN ngày 25/4/2016. Dự án do Công ty Cổ phần Beton 6 Miền Trung làm chủ đầu tư với quy mô 24,17ha, tổng mức đầu tư khoảng 199 tỷ đồng. Thời gian thực hiện từ năm 2016 - 2018. Trái với những lời có cánh về một dự án hoàng tráng, đẳng cấp ven bờ biển Điện Dương, những gì mà công ty này đã và đang làm tại dự án này đã khiến chính quyền và người dân trong vùng dự án thất vọng. Đến bây giờ, khi không thể triển khai dự án, Công ty Cổ phần Beton 6 Miền Trung đưa ra quan điểm đầy áp lực với chính quyền địa phương: muốn thu hồi phải trả lại tiền cho họ!
Trong quá trình triển khai, UBND tỉnh Quảng Nam thống nhất đổi tên chủ đầu tư dự án thành Công ty Cổ phần Xây dựng Bestcon, và điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án đến cuối năm 2020.
Đi không được, ở thì bất an
Đến nay, chủ đầu tư đã triển khai hoàn thành công tác lập hồ sơ thiết kế cơ sở; hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công và đã được Sở Xây dựng thẩm định. Dự án đã được UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt quy hoạch và ban hành quy định quản lý xây dựng theo đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng (1/500), phê duyệt hồ sơ báo cáo đánh giá tác động môi trường năm 2016.
Dự án đã được UBND TX. Điện Bàn ban hành 2 quyết định phê duyệt phương án bồi thường bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB). Phía chủ đầu tư đã chuyển 29,79 tỷ đồng đồng để phục vụ công tác bồi thường, GPMB, tái định cư của dự án theo Giấy xác nhận chuyển tiền ngày 5/1/2023 của Trung tâm Phát triển quỹ đất Điện Bàn. Tuy nhiên, dự án chưa được UBND tỉnh giao đất, cho thuê đất và chưa thực hiện nghĩa vụ ký quỹ bảo đảm thực hiện dự án đầu tư.
Cứ thế, dự án dường như chỉ "nằm trên giấy", người dân nằm trong vùng dự án phải sống trong điều kiện hết sức khó khăn, đất ở không được tách thửa, nhà hư hỏng, xập xệ không được xây mới. Các tuyến đường giao thông trong làng vẫn là đường đất, mưa thì lầy lội, ẩm thấp.
Bà Trần Thị Minh (trú khối phố Hà My Đông B), cho biết diện tích nhà bà nằm trong quy hoạch làm dự án nên thuộc diện được bồi thường, GPMB và đã được chính quyền địa phương kiểm kê hiện trạng.
"Đã 8 nằm rồi chứ ít đâu, phương án này, phương án nọ, kiểm kê đủ các kiểu nhưng dự án vẫn cứ "treo", cuối cùng người dân chúng tôi phải chịu khổ. Đất đai muốn tách thửa, bán chuyển nhượng cũng không được, xây dựng nhà mới cũng không cho. Mưa xuống thì nước ngập nặng, cảnh quan khu vực này nhếch nhác lắm. Đã vậy, bao nhiêu năm chờ được đền bù, di dời thì giờ nghe chủ đầu tư xin trả lại dự án… rồi chúng tôi sẽ ra sao. Dân như mắc kẹt giữa vùng quy hoạch dự án, đi không được mà ở cũng bất an", bà Minh, nói trong nỗi bức xúc, bất bình.
Tương tự, một người dân (xin dấu tên) cho biết, vợ chồng ông có 4 người con, người lớn nhất năm nay đã 32 tuổi, nhỏ nhất 19 tuổi, các thành viên đều phải ở chung trong một căn nhà tạm bợ, dột nát. Gia đình ông muốn tách thửa, làm nhà riêng cho mỗi đứa con nhưng vướng quy hoạch không thể thực hiện được.
Theo người này, ngôi nhà ông đã cũ kỹ nhưng phải ngăn làm nhiều ngách để có nơi cho các con sinh hoạt. Nhiều năm qua, ông luôn mong ngóng được đền bù, chuyển đến tái định cư ở nơi mới nhưng e "bất thành".
"Giờ người dân muốn biết dự án có tiếp tục triển khai không. Nếu làm thì giải tỏa người dân tái định cư đến nơi khác, ổn định cuộc sống. Không làm thì mong chính quyền tháo gỡ, nhanh chóng xóa quy hoạch "treo" để người dân còn tính toán sửa chữa nhà cửa, đất đai. Người dân chúng tôi đã quá mệt mỏi rồi!", người này đặt ra những câu hỏi mà khó có ai trả lời dứt khoát cho họ vào lúc này.
Doanh nghiệp muốn trả lại dự án
Theo ghi nhận của PV Reatimes, dự án xây dựng Khu dân cư dịch vụ - du lịch làng chài Điện Dương nằm sát biển, bao trọn một ngôi làng tại khối phố Hà My Đông B (P. Điện Dương). Tại khu vực dự án, một số khu đất đã được GPMB, san lấp, phân lô. Tuy nhiên, cạnh đó, hàng trăm ngôi nhà vẫn chưa được giải tỏa, di dời. Nhiều ngôi nhà đã xuống cấp, hư hỏng nặng, người dân đành "bỏ hoang" đến nơi khác ở nhờ vì "dính" quy hoạch, không thể sửa chữa, xây mới. Ngoài ra, nhiều người dân cũng cho biết, nhà cửa đã được kiểm kê nhưng đến nay họ vẫn chưa được bồi thường, tái định cư.
Được biết, sau khi được cấp chủ trương đầu tư dự án, Công ty Cổ phần Xây dựng Bestcon đã bỏ số tiền hơn 54,6 tỷ đồng để chi trả bao gồm các khoản tiền liên quan đến dự án như chi phí GPMB (29,7 tỷ đồng), công tác chuẩn bị đầu tư (657 triệu đồng), san nền và xây dựng hạ tầng (hơn 3,9 tỷ đồng), chi phí quản lý doanh nghiệp (hơn 2,9 tỷ đồng), lãi vay ngân hàng hơn 15 tỷ đồng.
Đáng chú ý, doanh nghiệp này muốn trả lại dự án cho địa phương và yêu cầu được nhận lại toàn bộ số tiền đã chi trước đó.
Tuy nhiên, do dự án gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong công tác bồi thường, GPMB nên tháng 6/2023, chủ đầu tư đã có văn bản gửi UBND tỉnh Quảng Nam thông báo chấm dứt hoạt động dự án đầu tư Khu dân cư dịch vụ - du lịch Làng chài Điện Dương.
"Nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để thực hiện thủ tục pháp lý dự án đúng quy định pháp luật, cũng như đảm bảo được quyền lợi mà công ty đã bỏ ra, công ty sẽ trả lại dự án để đấu thầu hoặc đấu giá theo quy định pháp luật, với điều kiện UBND tỉnh Quảng Nam ghi nhận và giải quyết trả lại toàn bộ các chi phí mà công ty đã chi trả trong thời gian qua", nội dung trong văn bản Công ty Cổ phần Xây dựng Bestcon gửi UBND tỉnh Quảng Nam, ghi rõ.
Theo UBND TX. Điện Bàn, những khó khăn, vướng mắc về công tác GPMB, tiến độ dự án bị chậm trễ mà doanh nghiệp nêu trên có nhiều nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan khác nhau.
Đơn cử như sự cố thanh tra sai phạm trước đây để lại và thị trường chuyển nhượng đất đai tại khu vực diễn biến phức tạp tạo tâm lý cho người dân đòi hỏi phải giải quyết bố trí đất ở khi bị thu hồi đất nông nghiệp thì mới hợp tác kiểm kê.
Ngoài ra, cây cối bị mất hiện trạng, người dân đã nhận tiền BT, bàn giao mặt bằng nhưng cản trở thi công... Bên cạnh đó, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, kéo dài vào những năm 2021-2022, giá vật liệu xây dựng biến động,... cũng đã ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện dự án.
Liên quan đến dự án Khu dân cư dịch vụ - du lịch làng chài Điện Dương, trước đó Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Nam đã khởi tố, bắt giam nhiều cán bộ của P. Điện Dương và TX. Điện Bàn về tội "vi phạm quy định về bồi thường, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất", "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".
Năm 2021, TAND tỉnh Quảng Nam đã tuyên phạt bị cáo L.T., (nguyên Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất TX. Điện Bàn) 1 năm tù, cho hưởng án treo về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng". Các ông N.N.Đ.,; L.T.T., (cùng là nguyên cán bộ Trung tâm Phát triển quỹ đất TX. Điện Bàn) và T.V.H., (nguyên cán bộ Phòng Tài nguyên và Môi trường TX. Điện Bàn) mỗi người bị tuyên mức án 30 tháng tù. Riêng ông Đ.H.L., (nguyên Chủ tịch UBND P. Điện Dương) bị tuyên phạt 2 năm tù. Cả 4 người này đều bị truy tố về tội "Vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất".