DOJI Group - Kiến tạo vẻ đẹp Việt, tỏa sáng khắp toàn cầu
Lời Tòa soạn
Trải qua gần 40 năm Đổi mới, Việt Nam đã trỗi dậy, bứt phá và vươn lên với những bước chuyển mình lịch sử, trở thành một nền kinh tế năng động, hội nhập sâu rộng. Vị thế, tiềm lực, uy tín và năng lực cạnh tranh của quốc gia không ngừng được nâng cao. Diện mạo đất nước cũng chứng kiến sự thay đổi ngoạn mục, khang trang, hiện đại với sự xuất hiện của ngày càng nhiều công trình tầm cỡ, mang tính biểu tượng quốc gia…
Tầm nhìn Việt Nam đến năm 2025, 2030 và 2045 - kỷ niệm tròn 100 năm thành lập nước gắn chặt với quyết tâm khơi dậy và thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc được đặt ra trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Theo đó, Đại hội xác định, đến năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, phấn đấu trở thành nước phát triển, thu nhập cao, theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Tất cả những mục tiêu này đều nhằm hướng tới khát vọng một Việt Nam hùng cường, hiện thực hóa tâm nguyện xây dựng nước ta "đàng hoàng hơn, to đẹp hơn" của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Với thế và lực mới, với niềm tin vững chắc vào cơ đồ của đất nước, Việt Nam hoàn toàn có đủ tự tin để chinh phục mục tiêu phát triển cường thịnh đến năm 2045. Trong đó, tinh thần yêu nước, tinh thần năng động sáng tạo, dám nghĩ làm làm, sự trăn trở với vận mệnh đất nước trong mỗi cá nhân và từng thành phần kinh tế, nòng cốt là đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp chính là động lực và nguồn lực quan trọng, thôi thúc hành động mạnh mẽ và quyết liệt để đưa Việt Nam phát triển vững vàng.
Trên cơ sở đó, Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam (Reatimes) thực hiện Tuyến bài: "Dấu chân" thịnh vượng, bao gồm các bài viết về chân dung doanh nghiệp, doanh nhân tiêu biểu truyền cảm hứng, vững chí lớn, đại diện cho đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam thời kỳ mới với tinh thần tiên phong, phụng sự, cống hiến, sáng tạo và hội nhập. Đó cũng là những thương hiệu quốc gia bền vững mà mỗi dấu chân trên hành trình của họ đều mang theo khát vọng Việt Nam, khát vọng hùng cường.
Trân trọng giới thiệu tới độc giả!
Chặng đường 30 năm phát triển, DOJI Group đã tạo lập nên những cột mốc đầy kiêu hãnh và đáng tự hào. Tiền thân là Công ty Phát triển Công nghệ và Thương mại TTD được thành lập vào ngày 28/7/1994, công ty luôn tiên phong trong hoạt động chuyên sâu về khai thác đá quý, chế tác cắt mài và xuất khẩu đá quý ra thị trường quốc tế. TTD trở thành điểm sáng trên bản đồ đá quý thế giới khi trở thành công ty đầu tiên “trình làng” sản phẩm Việt Nam Star Ruby (VSR). Đến năm 2007, công ty TTD chính thức đổi tên thành Công ty Cổ phần Vàng bạc Đá quý & Đầu tư Thương mại DOJI.
Năm 2009, DOJI tiến hành tái cấu trúc và chính thức trở thành Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI. Theo giải thích của Chủ tịch Hội đồng sáng lập Đỗ Minh Phú, DOJI là viết tắt tiếng Anh của cụm từ: Development Of Jewelry and Investment (Tập đoàn DOJI tập trung phát triển về trang sức và đầu tư). Chữ “DO” trong DOJI còn mang nghĩa về dòng họ Đỗ danh giá của ông.
Với hàng nghìn sản phẩm, bộ sưu tập độc đáo, DOJI đang tiếp tục viết nên câu chuyện về sự kết tinh của vẻ đẹp tự nhiên và tâm hồn con người, mang trong đó lòng tự hào dân tộc và khát vọng chinh phục những đỉnh cao mới.
Sự thành công của một doanh nghiệp không bắt đầu từ những nỗ lực giản đơn. Gia nhập thị trường vàng bạc đá quý khi đã có vô số doanh nghiệp “đàn anh” xuất phát trước, DOJI càng phải nỗ lực để “đuổi kịp” và tạo nên những bước tiến đột phá. Suốt thời gian dài, doanh nhân Đỗ Minh Phú cùng gần 2.000 cộng sự trăn trở tìm lối đi riêng. Lúc bấy giờ, các doanh nghiệp vẫn đang quẩn quanh với việc trao đi bán lại những chỉ vàng mỗi ngày, người dân cũng hình thành thói quen mua vàng SJC mà không mấy quan tâm đến đá quý hay trang sức làm đẹp. Nếu vàng được chế tác thành trang sức, dù tinh xảo đến bao nhiêu, họ đều mặc định sẽ “mất giá”. Chính tâm lý e ngại đó khiến thị trường vàng bạc đá quý lúc bấy giờ dẫu có sự sôi động nhưng chưa tạo được những thay đổi mang tính bước ngoặt.
Nắm bắt được sự vận động của thị trường nội địa, cùng tầm nhìn xa rộng, doanh nhân Đỗ Minh Phú quyết tâm chọn nước đi táo bạo khi thực hiện kinh doanh đa dạng các dòng sản phẩm. Đồng thời, mở rộng và chiếm lĩnh nhiều phân khúc chưa được khai phá của thị trường.
Nói về triết lý kinh doanh, ông Đỗ Minh Phú khẳng định: “Đừng chờ tiền mới khởi nghiệp”. “Khi tôi bắt tay vào khởi nghiệp, vốn của chúng tôi có chưa đến 100 triệu đồng. Vậy nên đừng chờ có đủ tài chính mới bắt đầu kinh doanh, vì có thể lúc bạn có đủ tài chính thì cơ hội đã đi qua mất rồi. Hãy bắt tay thực hiện, bạn sẽ tìm ra được nhiều lối đi cho bản thân mình”. Chính bản lĩnh, sự quyết đoán và trí thông minh, ông Phú đã dựng xây và phát triển DOJI Group thành công như bây giờ.
Từ những ngày đầu thành lập, công ty TTD (tiền thân của DOJI Group) tiên phong khai thác đá quý quy mô lớn tại các mỏ thuộc tỉnh Yên Bái, Nghệ An với các loại đá chất lượng cao như Ruby, Ruby Sao, Saphia, Spinel… Để chuẩn hóa quy trình sản xuất và cho phép cắt mài, tạo dáng các loại đá quý đa dạng về kiểu dáng, kích cỡ và độ tinh xảo, công ty không ngần ngại đầu tư hệ thống máy móc khai thác và trang thiết bị nhập khẩu từ các nước có nền công nghệ chế tác đá quý nổi tiếng như Hàn Quốc, Thái Lan, Trung Quốc,... Hơn thế nữa, DOJI còn tập trung xây dựng đội ngũ chuyên viên, nghệ nhân chế tác lành nghề và xây dựng những xưởng chế tác cao cấp. Chính điều này cũng tạo nên lợi thế cạnh tranh riêng biệt của DOJI so với các doanh nghiệp khác trên thị trường.
Sau 8 năm hoạt động trong lĩnh vực khai thác và xử lý đá quý, doanh nhân Đỗ Minh Phú bắt đầu tìm hướng đi mới cho doanh nghiệp. Ông nhận ra đá quý sẽ có giá trị cao hơn khi gắn trên trang sức. Năm 2002, ông Phú đã quyết định chuyển sang chế tác trang sức vàng bạc với đá quý thay vì chỉ khai thác và buôn bán đá quý như trước.
Đến thời kỳ 2009 - 2019, tiềm lực của DOJI ngày càng được nâng cao. Đây là giai đoạn bứt phá của tập đoàn khi mở rộng quy mô trong lĩnh vực bản lẻ về vàng bạc đá quý. Không dừng lại ở hoạt động khai thác mỏ, chế tác cắt mài đá quý, DOJI mở rộng “sân chơi” sang lĩnh vực sản xuất hàng trang sức, kinh doanh vàng miếng, xuất nhập khẩu vàng, xây dựng với hệ thống các trung tâm vàng bạc trang sức cao cấp trên khắp cả nước. Doanh nhân Đỗ Minh Phú nhận xét: “Vàng là một hàm có hàng chục tham số. Khó có ngành nào lại gắn chặt với mọi mặt từ kinh tế, chính trị, tôn giáo, thậm chí cả thời tiết như vàng. Ngoài ra, vàng trong nước còn bị ảnh hưởng bởi tỷ giá, tâm lý người dân, điều tiết vĩ mô".
Sự lớn mạnh của DOJI suốt 30 năm qua được tạo dựng nên từ sự hội tụ tư duy nhạy bén, linh hoạt của những người đứng đầu tập đoàn. Thế nhưng, điều giữ cho “con diều” ấy vừa vút bay vừa luôn giữ được sự vững chãi chính nằm ở sự kiên định, bám chặt mục tiêu chiến lược đã đề ra, đó là: “Không ngừng mở rộng sản xuất kinh doanh và phát triển bền vững để trở thành một Tập đoàn hàng đầu Việt Nam và khu vực trong các lĩnh vực Vàng bạc, Đá quý, Trang sức cũng như các lĩnh vực Bất động sản, Đầu tư, Thương mại và Dịch vụ”.
Điều này được minh chứng rõ trong những thương vụ mua bán triệu đô, tạo lập nên thế “kiềng 3 chân” vững chãi: Vàng bạc đá quý - Bất động sản - Tài chính ngân hàng. Những thương vụ này không chỉ mang lại lợi ích về tài chính mà còn là “nước cờ” giúp DOJI nâng cao vị thế, mở rộng phạm vi hoạt động, cũng như gia tăng sự hiện diện của thương hiệu trên thị trường.
Trong lĩnh vực vàng bạc đá quý, giai đoạn năm 2007 - 2008, khi cuộc khủng hoảng tài chính khởi nguồn từ Thái Lan ảnh hưởng đến Việt Nam, DOJI dưới sự điều hành trực tiếp của doanh nhân Đỗ Minh Phú đã thực hiện M&A một số công ty trong ngành, bao gồm SJC Hà Nội, SJC Đà Nẵng cùng Công ty cổ phần Đá quý và vàng Yên Bái. Có hai công ty vàng SJC lớn trong tay, cái duyên với vàng của ông bắt đầu nở rộ mãnh liệt. Dẫu có thời điểm phải đối mặt với những biến động dữ dội của thị trường vàng, ông vẫn giữ vững tay lái và kinh doanh thành công nhờ khả năng nhận biết thời điểm thích hợp để tiến lên hay tạm dừng.
Đánh giá về thương vụ này, các nhà kinh tế học cho rằng: “Đây là giai đoạn kinh tế tư nhân mới bắt đầu manh nha, nên các doanh nhân thường thận trọng, phát triển dần từng bước. Những doanh nghiệp có tầm nhìn, bản lĩnh, sẵn sàng vượt qua định kiến và sự chưa hoàn chỉnh của pháp luật không nhiều. Quyết định của ông Phú thể hiện tư duy của một cái đầu lạnh và sự tỉnh táo của một nhà khoa học, từ đó có thể chớp thời cơ nhanh chóng mở rộng DOJI một cách tốc độ và táo bạo”.
Chưa dừng lại ở đó, vào ngày 30/4/2020, tập đoàn DOJI chính thức tiếp quản công ty Thế giới Kim cương - Top 3 doanh nghiệp Bán lẻ Trang sức lớn nhất Việt Nam với hệ thống 34 chi nhánh tại 34 tỉnh, thành phố ngay tại thời điểm nền kinh tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch Covid-19. Thương vụ này thể hiện một bước đi táo bạo nhưng cũng đầy gan dạ và bản lĩnh của lãnh đạo tập đoàn, càng khẳng định DOJI luôn tìm thấy thời cơ trong khủng hoảng, cơ hội trong khó khăn. Việc thực hiện M&A này đã giúp tập đoàn nâng số trung tâm, cửa hàng lên gần 200. Đồng thời, năm 2020 cũng đánh dấu sự tăng tốc của DOJI với mốc doanh thu vượt 100.000 tỷ đồng.
Bên cạnh vị thế vững chắc trong ngành vàng bạc đá quý, Tập đoàn DOJI đã có những bước đi chiến lược để mở rộng sang lĩnh vực bất động sản. Trên thực tế, việc DOJI tham gia vào lĩnh vực bất động sản không phải là điều mới mẻ. Tập đoàn này đã tích lũy kinh nghiệm gần một thập kỷ trong ngành và sở hữu nhiều dự án, khu đất vàng trải dài từ Bắc vào Nam. Động thái mở rộng sang mảng bất động sản thể hiện rõ nét nhất là vào tháng 11/2014, khi DOJI chính thức thành lập DOJI Land, nhằm biến bất động sản trở thành một trong những lĩnh vực chủ chốt trong chiến lược phát triển dài hạn của tập đoàn.
Đi theo một chiến lược khác biệt hoàn toàn với các sản phẩm trên thị trường, DOJI Land là đơn vị tiên phong trong lĩnh vực bất động sản kim hoàn. Các dự án của DOJI Land sử dụng kỹ nghệ chế tác kim hoàn làm kim chỉ nam trong thiết kế, tạo nên những tuyệt phẩm kiến trúc với giá trị nghệ thuật đỉnh cao, giải phóng công năng của bất động sản khỏi những chuẩn mực thông thường. Trong đó phải kể đến Trung tâm vàng bạc trang sức lớn bậc nhất Việt Nam tọa lạc tại tòa nhà DOJI Tower, số 5 Lê Duẩn, Ba Đình, Hà Nội. Công trình được ví như “viên kim cương” giữa lòng thủ đô, gây ấn tượng với nhiều du khách trong và ngoài nước.
Với tiềm lực tài chính vững mạnh, DOJI tiếp tục sở hữu nhiều tòa nhà có vị trí đắc địa như tòa nhà Ruby Plaza tại số 44 Lê Ngọc Hân, Hai Bà Trưng, Hà Nội. Khu vực phía Nam có tòa nhà vàng bạc đá quý, trang sức và văn phòng tại 214 Phan Đăng Lưu, quận Phú Nhuận, TP.HCM và tòa nhà văn phòng Ruby Tower tại số 81-83-85 Hàm Nghi, quận 1, TP.HCM.
Một trong những dự án bất động sản tiêu biểu của nhóm DOJI có thể kể đến Tổ hợp căn hộ cao cấp và condotel The Sapphire Residence và Best Western Premium Sapphire Hạ Long, dự án dinh thự The Sapphire Mansions tại Quảng Ninh do DOJI Land làm chủ đầu tư. Ngoài ra, DOJI còn sở hữu dự án Tòa tháp đôi Diamond Crown Hai Phong, dự án bất động sản nhà ở khác như Khu đô thị String of Gems tại TP Huế; Khu đô thị mới Nam Vĩnh Yên tại Vĩnh Phúc; Tòa nhà chung cư căn hộ tại 137 Hoàng Hoa Thám, quận Tân Bình, TP.HCM.
Dự án tổ hợp căn hộ cao cấp và condotel The Sapphire Residence Hạ Long (bên trái) và dự án Tòa tháp đôi Diamond Crown Hải Phòng (bên phải).
Về mảng bất động sản nghỉ dưỡng, nhóm DOJI có các dự án Khách sạn 5 sao Diamond Halong Hotel tại TP. Hạ Long; Khu nghỉ dưỡng Champarama Resort & Spa tại TP. Nha Trang; hay Khu du lịch sinh thái Hồ Xạ Hương, Tam Đảo, Vĩnh Phúc.
Đối với lĩnh vực tài chính ngân hàng, năm 2011, DOJI thực hiện đợt M&A bằng việc mua lại cổ phần ngân hàng Tiên Phong từ Công ty Cổ phần FPT. Thời điểm đó, Ngân hàng Tiên Phong nằm trong danh sách 9 ngân hàng yếu kém buộc phải tái cơ cấu của Ngân hàng Nhà nước. Với tư cách là cổ đông chiến lược, Tập đoàn DOJI đã hỗ trợ TPBank về tài chính, năng lực quản trị, đặc biệt là lĩnh vực kinh doanh vàng. Sau quá trình tái cơ cấu thành công, TPBank bước vào giai đoạn phát triển với các chỉ số tăng trưởng liên tục đi lên.
Có thể thấy, những quyết định của doanh nhân Đỗ Minh Phú luôn tiềm ẩn một mức độ mạo hiểm nhất định, nhưng chính sự nhạy bén trong kinh doanh đã giúp ông biến những rủi ro thành cơ hội. Suốt 3 thập kỷ qua, ông Đỗ Minh Phú đã dẫn dắt Tập đoàn DOJI không chỉ vững bước qua những thời kỳ khó khăn mà còn vươn lên tầm cao mới, trở thành một thương hiệu uy tín và có sức ảnh hưởng lớn trên thị trường.
Bắt đầu tham gia thị trường trang sức từ năm 2007, mỗi bộ sưu tập, sản phẩm của DOJI đều mang theo những câu chuyện, khát vọng đối với nghệ thuật chế tác trang sức. Khởi đầu từ những viên đá quý thô sơ, DOJI dần biến chúng thành những tuyệt tác lấp lánh, kết tinh cả một quá trình lao động và sáng tạo. Khát vọng tạo ra những sản phẩm trang sức chất lượng của DOJI không chỉ là một mục tiêu kinh doanh, mà còn là sứ mệnh cao cả của cả tập đoàn. Đó là ước mơ mang đến cho khách hàng những giá trị đích thực, nơi mà mỗi món trang sức không chỉ mang giá trị vật chất mà còn là một món quà tinh thần, gắn với những kỷ niệm khó quên.
Các sản phẩm trang sức trong từng phân khúc đều thể hiện rõ đẳng cấp của một thương hiệu hàng đầu về vàng bạc đá quý - Thương hiệu Quốc gia Việt Nam như Trang sức Kim cương Diamond House, Trang sức đá màu, Trang sức cưới Wedding Land, Quà tặng Mỹ nghệ vàng Kim Bảo Phúc, Trang sức Vàng ta Lộc Phát Tài, Trang sức Vàng 24K công nghệ 3D có trọng lượng nhẹ, các sản phẩm vàng như Âu vàng Phúc Long, sản phẩm ép vỉ hình linh giáp…
DOJI luôn tạo ra dấu ấn trong nghệ thuật chế tác, liên tiếp cho ra mắt những bộ sưu tập mới đầy sáng tạo.
Hẳn nhiên, đằng sau những sản phẩm chất lượng ấy là sự kỳ công nghiên cứu, làm việc của cả đội ngũ cán bộ, công nhân viên tập đoàn và cả những khoản đầu tư lớn, đúng và trúng. Năm 2019, DOJI chính thức khánh thành nhà máy Trang sức DOJI tại Đông Anh - Hà Nội với tổng số vốn đầu tư lên tới 300 tỷ đồng, diện tích nhà xưởng hơn 5.000m2 trên tổng diện tích 10.000m2. Nhà xưởng là nơi gửi gắm nhiều khát vọng của doanh nhân Đỗ Minh Phú nói riêng và khát vọng vươn lên của toàn tập đoàn nói chung. DOJI hướng đến mục tiêu hiện đại hóa các quy trình sản xuất và áp dụng những công nghệ hiện đại nhất để tạo ra các sản phẩm tinh xảo, giá trị, nhằm đưa DOJI tiến sâu vào thị trường xuất nhập khẩu vàng một cách mạnh mẽ và hiệu quả hơn.
Ông Đỗ Minh Phú chia sẻ: “Đã qua thời chúng ta dùng bàn tay khéo léo của người thợ, phó mặc chất lượng sản phẩm cho giá trị nguyên của vàng. Cần có dây chuyền công nghệ tiên tiến, quy trình sản xuất hiện đại để cho ra sản phẩm trang sức phù hợp với thị hiếu của khách hàng. Nhà máy của chúng tôi ra đời sẽ tạo nên sản phẩm trang sức Việt có chất lượng không thua kém các nước tiên tiến”.
Thế nhưng, chuẩn hóa quy trình, áp dụng công nghệ không đồng nghĩa với việc bỏ đi hoàn toàn yếu tố con người. Tại DOJI, điều khiến một món trang sức tỏa sáng không nằm riêng ở máy móc hiện đại hay kỹ thuật tiên tiến mà còn nằm ở trí tuệ và tay nghề của người thợ kim hoàn. Các sản phẩm vàng của DOJI từ quá trình lên ý tưởng, phác thảo, thiết kế, chọn nguồn nguyên liệu, gia công và chế tạo đều được thực hiện bởi những thợ kim hoàn có thâm niên. Do đó, mỗi dòng sản phẩm lại mang những dáng vẻ khác nhau, khi thì hiện đại, trẻ trung; lúc lại sang trọng, quý phái,... Những người thợ luôn phải đảm bảo thao tác theo quy trình chuẩn, đảm bảo tỉ mỉ nhất trong dây chuyền sản xuất hiện đại nhập khẩu từ Hàn, Thái Lan. Máy móc được dùng để tăng độ chính xác và tinh xảo cho sản phẩm.
Đặc biệt, công nghệ đỉnh cao cũng đã được áp dụng nhằm mang đến trải nghiệm độc đáo cho sản phẩm trang sức vàng 3D. Từ trước tới nay, những sản phẩm trang sức vàng 24K có đặc tính mềm, dễ bóp méo, kiểu dáng “nhàm chán”, thường chỉ được sử dụng trong những dịp như ăn hỏi, đám cưới, lễ tết… Trong khi nhiều doanh nghiệp đang bỏ ngỏ thị trường vàng trang sức, ông Đỗ Minh Phú cùng DOJI tiếp tục mang đến một khái niệm mới với những sản phẩm đảm bảo độ cứng, nhẹ, thiết kế hiện đại, có tính ứng dụng cao và đặc biệt bảo toàn giá trị cho người sử dụng.
Hơn thế nữa, DOJI đặt mục tiêu mở rộng thị trường với việc mang các dòng sản phẩm trung cấp và trang sức trẻ đến với nhiều khách hàng tiềm năng. Các sản phẩm của DOJI không chỉ là những món trang sức mang nặng giá trị vật chất mà còn là đại diện cho một giá trị hoàn mỹ thuộc về phong cách sống.
Sự ra đời của Viện Ngọc học và Trang sức DOJILAB góp phần khẳng định chất lượng đá quý, trang sức của DOJI và tạo dựng nên một Thương hiệu Quốc gia có chất lượng ngang tầm quốc tế.
Là một trong những doanh nghiệp tư nhân tiên phong trong lĩnh vực vàng bạc đá quý, DOJI không ngần ngại đặt ra các tham vọng và từng bước tiến lên. Để khẳng định uy tín và tiềm lực của thương hiệu với khách hàng trong nước và quốc tế, DOJI đã xây dựng Viện ngọc học và Trang sức DOJI Lab. Sự xuất hiện của 2 đơn vị trên hướng đến giúp người tiêu dùng có cơ hội tìm hiểu kỹ hơn về vàng bạc đá quý và sâu xa hơn là góp phần bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Chủ tịch Hội đồng sáng lập Đỗ Minh Phú từng trăn trở: “Khó khăn lớn nhất là vượt qua chính mình. DOJI sẽ mang đến thị trường những sản phẩm chất lượng tốt, được mọi người, mọi nhà đều yêu mến và “nhất định phải sở hữu bằng được”.
Mang theo sứ mệnh “hướng tới con người và vì con người”, DOJI luôn đặt khách hàng lên vị trí ưu tiên. Do đó, DOJI cũng chú trọng vào việc mang đến sự trải nghiệm tuyệt vời cho khách hàng nhằm thỏa mãn, kích thích nhu cầu. Cuối năm 2021, DOJI Smart chính thức ra mắt. Đây là mô hình mới mẻ, độc đáo chưa từng có trên thị trường bán lẻ nói chung và thị trường trang sức Việt Nam nói riêng. Tại đây, khách hàng được trải nghiệm 4 công nghệ đỉnh cao: Robot thông minh đón tiếp khách hàng; E- Catalogue với trải nghiệm sản phẩm trang sức 360 độ; Ứng dụng Thử sản phẩm Trang sức ảo (Wonder Touch) với công nghệ AR; Tour khám phá độc đáo bằng công nghệ VR. Không những vậy, DOJI còn đẩy mạnh xây dựng đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp, giúp khách hàng chọn lựa được những món trang sức phù hợp với nhu cầu và phong cách để nâng tầm giá trị bản thân. Đó là những hoạt động quan trọng giúp cho DOJI có được sự yêu mến của triệu triệu khách hàng trong thời gian qua. Đến nay, DOJI đã chiếm lĩnh thị trường nội địa với hệ thống kinh doanh vàng miếng, phân phối kim cương và trang sức cao cấp khắp ba miền Bắc – Trung – Nam.
Mục tiêu của DOJI là đến năm 2025 trở thành Tập đoàn vàng bạc đá quý lớn bậc nhất Việt Nam, mở rộng hệ thống phân phối trong nước và vươn ra khu vực. Để đạt được mục tiêu đó, ban lãnh đạo DOJI đã không ngừng đổi mới tư duy thị trường, học hỏi về công nghệ sản xuất tiên tiến nhất trên thế giới, đầu tư vào nhà máy sản xuất quy mô lớn.
Trước khi bước ra thế giới, DOJI nỗ lực xây dựng vị thế vững chắc tại thị trường nội địa. Trong suốt hành trình với lĩnh vực kinh doanh chủ chốt của mình, DOJI tiên phong tổ chức các Tuần lễ Trang sức, mang đến cho người tiêu dùng cơ hội trải nghiệm những xu hướng và sản phẩm trang sức mới nhất. Điều này không chỉ giúp người tiêu dùng Việt Nam tiếp cận với những sáng tạo đột phá, mà còn đưa họ vào nhịp sống sôi động của các “thủ phủ” trang sức và đá quý hàng đầu thế giới.
Trong 30 năm qua, sản phẩm của DOJI đã nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường, được phân phối đến hàng triệu khách hàng thông qua hệ thống cửa hàng rộng khắp trên cả nước, qua các kênh thương mại điện tử và gián tiếp thông qua hàng ngàn khách hàng sỉ trên toàn quốc, đồng thời xuất khẩu sang nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ. Tính đến năm 2021, tập đoàn DOJI có 61 chi nhánh, gần 200 trung tâm, cửa hàng trải dài trên toàn quốc cùng với hơn 400 đại lý, điểm bán, tạo nên hệ thống phân phối sản phẩm phủ khắp hầu hết các vùng miền của Việt Nam.
Dưới sự điều hành, dẫn dắt của Chủ tịch Đỗ Minh Phú, DOJI đã tạo nên tiếng vang với sự đột phá về doanh thu, lợi nhuận, gia tăng tài sản, mang lại quyền lợi cho người lao động và kiến tạo giá trị cho cộng đồng. Đặc biệt, năm 2019, doanh thu của Tập đoàn DOJI là 90.000 tỷ đồng, gấp 10 lần so với thời điểm năm 2011, đóng góp hàng nghìn tỷ đồng cho ngân sách Nhà nước.
Doanh nhân Đỗ Minh Phú chia sẻ về hành trình kiến tạo nên những giá trị bền vững cho cộng đồng: “Chỉ cần nhìn vào tương lai, cuộc sống của gần 3.000 con người đang chung tay xây dựng DOJI, tôi càng có thêm động lực, quyết tâm để tìm ra cách thức đưa doanh nghiệp của mình ngày một phát triển, không chỉ là giải quyết công ăn việc làm mà còn tạo nên một mái nhà chung cho cán bộ, nhân viên được thỏa sức sáng tạo, chứng minh năng lực bản thân, dâng cho đời những sản phẩm tốt nhất”.
Tại DOJI, bên cạnh khát vọng tạo ra giá trị kinh tế bền vững cho doanh nghiệp, tập đoàn còn luôn đặt mục tiêu cao cả là cống hiến và phục vụ cộng đồng. DOJI thường xuyên phát động, thực hiện các hoạt động từ thiện thể hiện trách nhiệm với cộng đồng, qua đó gắn liền nhiệm vụ kinh doanh với an sinh xã hội, chung tay vì người nghèo, vì trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em khuyết tật…
Cùng những nỗ lực không ngừng trong suốt quá trình hình thành và phát triển, Tập đoàn DOJI xứng đáng là doanh nghiệp lớn của Thủ đô, là “cánh chim đầu đàn” trong lĩnh vực vàng bạc đá quý tại Việt Nam. DOJI nhiều lần vinh dự nhận các giải thưởng cao quý về chất lượng cũng như thế mạnh tài chính. Theo bảng xếp hạng VNR500 – Top 500 doanh nghiệp lớn Việt Nam năm 2019, Tập đoàn DOJI đã có một thập kỷ đạt Top 5 (từ năm 2010 - 2020), đặc biệt có 3 năm liền giữ ngôi Vương (năm 2012, 2013, 2014). Đồng thời, 8 năm liên tiếp được công nhận Thương hiệu Quốc gia (từ năm 2010 - 2018). Năm 2019, Tập đoàn đã vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất. Năm 2021, DOJI được vinh danh Top 10 Công ty bán lẻ uy tín 2021 theo bảng xếp hạng của Vietnam Report và được HR Asia Awards vinh danh “Nơi làm việc tốt nhất Châu Á 2021”.
Với những định hướng đổi mới sáng tạo về sản phẩm, dịch vụ và hệ thống quản trị, Tập đoàn DOJI vừa vinh dự đạt chứng nhận Top 10 Doanh nghiệp sáng tạo và kinh doanh hiệu quả nhất năm 2023 – Ngành bán lẻ và Top 50 Doanh nghiệp sáng tạo và kinh doanh hiệu quả nhất năm 2023 – Bảng xếp hạng chung. Những danh hiệu cao quý trên và sự công nhận, yêu mến từ khách hàng chính là “quả ngọt” mà DOJI đã dày công vun trồng, chăm bón.
Trong từng bước đi của tập đoàn DOJI luôn ẩn chứa sâu sắc khát vọng mãnh liệt của doanh nhân Đỗ Minh Phú - khát vọng xây dựng một Việt Nam hùng cường và thịnh vượng. Ông Phú, với tầm nhìn xa và lòng yêu nước nồng nàn, luôn tự đặt ra cho mình một câu hỏi đầy trăn trở khi nhìn ra thế giới: “Tôi đi nhiều quốc gia, gặp gỡ nhiều người và luôn nghĩ về một câu hỏi: Họ khác gì chúng ta? Nếu đánh giá về IQ, EQ thì chúng ta không hề thua kém. Không có lý do gì mà người Việt Nam, đất nước Việt Nam không phải là con rồng, con hổ?”.
Khát vọng này không chỉ là một giấc mơ cá nhân mà đã trở thành kim chỉ nam cho toàn bộ chiến lược phát triển của DOJI. Trong bối cảnh thị trường đang rộng mở và cạnh tranh ngày càng gay gắt, những bước đi của DOJI luôn được thực hiện với sự cẩn trọng và tầm nhìn dài hạn. DOJI hiểu rằng, một thương hiệu uy tín không chỉ là tài sản quý giá của riêng doanh nghiệp, mà còn góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của quốc gia.
Nhìn về phía trước, DOJI không chỉ dừng lại ở việc khẳng định vị thế hàng đầu trong nước mà còn nuôi dưỡng khát vọng vươn ra thị trường quốc tế. Với chiến lược bài bản và những bước đi vững chắc, DOJI đang dần chinh phục những đỉnh cao mới, trở thành niềm tự hào của một quốc gia đang không ngừng vươn lên, khẳng định mình trong kỷ nguyên hội nhập toàn cầu./.