GELEX: Dấu ấn của tập đoàn đầu tư tăng trưởng - hiệu quả - bền vững

GELEX: Dấu ấn của tập đoàn đầu tư tăng trưởng - hiệu quả - bền vững

Hà Thương
Hà Thương ngthuongreatimes@gmail.com
Thứ Sáu, 04/04/2025 - 07:16

Thành lập năm 1990, Tập đoàn GELEX phát triển ấn tượng cùng quá trình chuyển đổi và tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam trong hơn 3 thập kỷ qua. Trong đó, điểm nhấn là hành trình 10 năm sau khi thoái vốn Nhà nước (từ 2015), GELEX không chỉ đóng góp vào sự phát triển của nền kinh tế thông qua những dấu ấn kinh doanh đột phá trong ngành điện mà còn gắn kết các doanh nghiệp tiềm năng thành một hệ sinh thái vững mạnh, định vị được giá trị thương hiệu, đóng góp không nhỏ vào sự phát triển năng động của nền kinh tế.

Với những bước đi chắc chắn, thông minh và hiệu quả, doanh nghiệp này sẽ ngày càng lớn mạnh và hiện thực hóa khát vọng trở thành một tập đoàn đầu tư hàng đầu Việt Nam. 

*****


Kế thừa ngành nghề kinh doanh truyền thống, 10 năm qua GELEX đã có những bước chuyển mình ngoạn mục. Từ một doanh nghiệp chuyên về sản xuất thiết bị điện, GELEX đã chuyển đổi toàn diện, trở thành tập đoàn đầu tư trong các lĩnh vực cốt lõi là sản xuất thiết bị điện và hạ tầng.

Năm 2015, khi Nhà nước thoái vốn tại GELEX, Tập đoàn đạt doanh thu thuần 8.383 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 574 tỷ đồng. Tổng tài sản tại thời điểm 31/12/2015 đạt 4.917 tỷ đồng. Với chiến lược phát triển năng động và sự dẫn dắt của đội ngũ lãnh đạo mới, GELEX có bước đột phá trong 5 năm đầu tiên. Đến năm 2020, doanh thu thuần của GELEX đã tăng lên 17.949 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 1.197 tỷ đồng, tăng lần lượt 114% và 108% so với năm 2015. 

Khả năng bứt phá về doanh thu và lợi nhuận tiếp tục gia tăng trong giai đoạn tiếp theo. Năm 2024, doanh thu của Tập đoàn đạt 33.752 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 3.613 tỷ đồng, tăng lần lượt 4 lần và 6 lần so với năm 2015. Đây cũng là mức doanh thu và lợi nhuận cao nhất mà GELEX đạt được kể từ ngày thành lập. Riêng tổng tài sản, GELEX đã chạm mốc 53.782 tỷ đồng, tăng 11 lần so với năm 2015.

Doanh thu, lợi nhuận và tổng tài sản tăng trưởng ngoạn mục trong 10 năm qua đã đưa GELEX vào top 50 doanh nghiệp có lợi nhuận lớn nhất Việt Nam, top 50 thương hiệu có giá trị nhất Việt Nam. GELEX được VIS Rating xếp hạng A về độ tín nhiệm và là "Nơi làm việc tốt nhất châu Á 2024".

Năm 2025, GELEX đặt mục tiêu doanh thu 37.600 tỷ đồng, nhằm đưa tăng trưởng doanh thu đạt mức bình quân 34,8%/năm trong 10 năm qua.

GELEX: Dấu ấn của tập đoàn đầu tư tăng trưởng - hiệu quả - bền vững- Ảnh 1.

Không tự nhiên "trái ngọt" lại đến dễ dàng với GELEX. Theo các chuyên gia kinh tế, việc thoái vốn Nhà nước chỉ mở ra "con đường" mới cho doanh nghiệp còn việc bước đi ra sao, doanh nghiệp cần có nỗ lực đủ lớn và chiến lược phù hợp. Theo đó, việc đầu tư khôn ngoan thông qua các thương vụ M&A có chủ đích và hiệu quả, chính là chiến lược đã đem lại những thành công cho Tập đoàn này.

Với phương châm đầu tư đa ngành nhưng không dàn trải, tập trung vào các ngành nghề cốt lõi, GELEX chỉ M&A những lĩnh vực thực sự quan trọng của nền kinh tế và cũng là những lĩnh vực mà GELEX có kinh nghiệm vận hành, am hiểu thị trường và có thể tạo ra giá trị cộng hưởng rõ rệt sau khi gia tăng tỷ lệ sở hữu.

"GELEX không ưu tiên những thương vụ mua nhanh, mà chúng tôi ưu tiên sự phù hợp với Tập đoàn. Chúng tôi nhận thấy, muốn đi xa thì cần xây dựng nền móng vững chắc về quản trị. Cơ hội đầu tư cần đi cùng với phù hợp năng lực, tài chính và nhân sự", Tổng Giám đốc GELEX Nguyễn Văn Tuấn từng chia sẻ. 

Điểm đặc biệt, M&A đối với GELEX không phải là đầu tư tài chính thuần túy, hơn hết còn là sự cộng hưởng sức mạnh, tạo ra giá trị cao hơn, đóng góp vào sự phát triển của nền kinh tếHậu M&A, các công ty trong hệ sinh thái đều có sự phát triển vượt bậc nhờ vào các giải pháp tái cơ cấu, đổi mới quản trị doanh nghiệp, thúc đẩy chuyển đổi số...

Thành quả của quá trình M&A đã tạo dựng nên vị thế của GELEX Electric - doanh nghiệp hàng đầu ngành thiết bị điện tại Việt Nam. Năm 2020, doanh thu công ty là 16.200 tỷ đồng, lãi ròng đạt 556 tỷ đồng. Đến năm 2024, công ty đã ghi nhận những kỷ lục mới với doanh thu vượt trên 21.350 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt hơn 1.700 tỷ đồng.

GELEX: Dấu ấn của tập đoàn đầu tư tăng trưởng - hiệu quả - bền vững- Ảnh 2.
GELEX: Dấu ấn của tập đoàn đầu tư tăng trưởng - hiệu quả - bền vững- Ảnh 3.
GELEX: Dấu ấn của tập đoàn đầu tư tăng trưởng - hiệu quả - bền vững- Ảnh 4.

Gelex Electric - doanh nghiệp đầu ngành thiết bị điện tại Việt Nam.

Viglacera sau khi GELEX là cổ đông chi phối, doanh thu đã tăng lên mức 12.051 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất 1.630 tỷ đồng vào năm 2024, lần lượt tăng 27,5% và 94% so với năm 2020. Điều này chứng tỏ, Viglacera hoạt động hiệu quả, tiết giảm chi phí, thu lợi nhuận tốt hơn, từ đó các cổ đông bao gồm cổ đông Nhà nước là Bộ Xây dựng (sở hữu 38,58%) được hưởng lợi lớn hơn.

Với CADIVI, doanh thu năm 2024 đạt 13.101 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 1.201 tỷ đồng, tăng lần lượt 121% và 448% so với năm 2015.

Các thành viên khác cũng có sự bứt phá lên vị thế hàng đầu trong ngành như máy biến áp Thibidi, thiết bị đo điện EMIC...

Hiện, hệ thống GELEX có hơn 50 công ty thành viên và liên kết. Nhiều sản phẩm của các công ty đã được Bộ Công thương công nhận Thương hiệu Quốc gia Việt Nam, khi đáp ứng các tiêu chí chất lượng – đổi mới, sáng tạo – năng lực tiên phong, gồm: CADIVI (8 lần liên tiếp); Viglacera (6 lần liên tiếp); GELEX (5 lần liên tiếp), THIBIDI (4 lần liên tiếp).

Đó chính là sự công nhận, đề cao và góp phần khẳng định uy tín, sức mạnh của các thương hiệu trong hệ thống GELEX trên thị trường và là sự ghi nhận xứng đáng cho tâm huyết và quá trình lao động nghiêm túc của gần 10.000 cán bộ, công nhân viên của GELEX trên toàn hệ thống.

Là nhà đầu tư M&A hiệu quả và chuyên nghiệp, GELEX cũng sẵn sàng thoái vốn khi thấy các dự án, doanh nghiệp thành viên không còn tiềm năng phát triển. Động thái chuyển hướng "cốt tinh hơn cốt đông" này của GELEX thể hiện rõ từ năm 2024 khi doanh nghiệp quyết định tinh gọn, tái cấu trúc hệ sinh thái, giảm tốc độ đầu tư và chuyển sang ưu tiên phát triển chất lượng sản phẩm, thị trường có lợi thế. Thực tế cũng đã chứng minh, quyết định này của GELEX là hoàn toàn đúng đắn.

Rõ ràng, để thực hiện tham vọng trở thành tập đoàn đầu tư có hệ sinh thái đa ngành hàng đầu Việt Nam, gắn kết chặt chẽ với các đơn vị thành viên có thương hiệu, tên tuổi, GELEX đã tận dụng M&A như một công cụ hữu hiệu, biến nó trở thành chiến lược đầu tư trọng yếu không thể thay thế.

Không chỉ M&A một cách thông minh và hiệu quả, "lối đi riêng" đem lại "trái ngọt" cho GELEX trên hành trình 10 năm bứt phá còn đến từ việc xây dựng hệ sinh thái đối tác với các tập đoàn đa quốc gia hàng đầu trong nước và quốc tế.

Dựa trên lợi thế của các đối tác lớn, GELEX đã cụ thể hoá và hiện thực hóa khát vọng của mình, đây cũng là cách xây dựng tập đoàn đầu tư đa ngành "kiểu mới", "thế hệ mới".

Những cơ hội hợp tác với các tập đoàn đa quốc gia trong và ngoài nước đến nay đã phát huy giá trị tích cực, góp phần giúp GELEX tham gia vào nhiều chuỗi giá trị toàn cầu, mở rộng và nâng cấp phân khúc sản phẩm có giá trị gia tăng lớn hơn cho các lĩnh vực cốt lõi của doanh nghiệp, đẩy mạnh xuất khẩu.

Nổi bật là việc hợp tác triển khai các sản phẩm công nghiệp cao cấp giữa GELEX và Frasers Property Vietnam vào năm 2023. Sau 1 năm hợp tác, liên doanh giữa GELEX và Frasers Property Vietnam đã khởi công 3 dự án khu công nghiệp, được thiết kế theo mô hình bất động sản cao cấp, với tiêu chí đặt trọng tâm vào khách hàng, đạt tiêu chuẩn công trình xanh (LEED) và hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

GELEX: Dấu ấn của tập đoàn đầu tư tăng trưởng - hiệu quả - bền vững- Ảnh 5.
GELEX: Dấu ấn của tập đoàn đầu tư tăng trưởng - hiệu quả - bền vững- Ảnh 6.

 GELEX và Frasers Property Vietnam hợp tác triển khai các sản phẩm công nghiệp cao cấp. 

Sự hợp tác giữa hai bên đã kiến tạo nhiều khu công nghiệp tầm cỡ tại miền Bắc, nâng tầm những khu công nghiệp kiểu mới đầy sáng tạo và cao cấp, làm tăng sức hấp dẫn trên thị trường, thu hút đầu tư nước ngoài về các khu công nghiệp xanh đang ngày càng gia tăng tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, cái "bắt tay" với Tập đoàn FPT đã giúp GELEX thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện trên toàn hệ thống; thuận lợi xây dựng cơ sở vật chất phục vụ công tác nghiên cứu mảng bán dẫn và liên danh mời các nhà đầu tư tên tuổi trên trường quốc tế về Việt Nam để cùng nghiên cứu, phát triển lĩnh vực này.

Là một tập đoàn đầu tư đa ngành nhưng thiết bị điện và hạ tầng là 2 mảng mà GELEX dồn nhiều tâm huyết và cũng là 2 mảng đóng góp lớn nhất vào kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.

Năm 2024, doanh thu thuần mảng thiết bị điện đạt hơn 20.700 tỷ đồng, tăng hơn 30% so với cùng kỳ. Lợi nhuận gộp đạt hơn 2.900 tỷ đồng, tăng 69% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 43,2% - mức đóng góp lớn nhất vào kết quả chung của GELEX.

Đối với mảng hạ tầng, năm qua, doanh thu thuần từ khu công nghiệp và bất động sản đạt 4.153 tỷ đồng, lợi nhuận gộp đạt 2.276 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 33,7% trong cơ cấu lợi nhuận gộp của GELEX, đứng thứ 2 sau thiết bị điện.

Bên cạnh đóng góp hơn 76% trong cơ cấu lợi nhuận gộp của GELEX, thiết bị điện và hạ tầng còn là hai lĩnh vực có vai trò quan trọng đối với nền kinh tế quốc gia. Vì vậy, nhằm thực hiện sứ mệnh đồng hành cùng sự phát triển đất nước, GELEX xác định thiết bị điện và hạ tầng tiếp tục là hai lĩnh vực mũi nhọn của doanh nghiệp trong giai đoạn tới.

"Chúng tôi sẽ cùng đồng hành phát triển trong một nền kinh tế năng động và sôi động của Việt Nam", Chủ tịch HĐQT GELEX chia sẻ. 

GELEX: Dấu ấn của tập đoàn đầu tư tăng trưởng - hiệu quả - bền vững- Ảnh 7.

Theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, điện là ngành quan trọng, muốn phát triển kinh tế đất nước thì điện phải đi trước một bước. Vì vậy, tổng vốn đầu tư cho nguồn, lưới điện truyền tải giai đoạn 2021 - 2030 phải đạt khoảng 134,7 tỷ USD, riêng lĩnh vực truyền tải điện là 14,9 tỷ USD. Giai đoạn 2026 - 2030, vốn đầu tư ngành điện cần khoảng 77,6 tỷ USD, trong đó lưới truyền tải cần 5,9 tỷ USD.

Về lưới điện, Quy hoạch điện VIII nhấn mạnh chú trọng đầu tư các đường dây 500kV, trạm biến áp 500kV, đường dây và trạm biến áp 220kV.

Những yêu cầu phát triển đất nước trong thời kỳ tới đặt ra cho ngành điện Việt Nam nhiệm vụ hết sức nặng nề. Nhưng với ý thức đồng hành cùng sự phát triển của đất nước và thành tựu trong lĩnh vực thiết bị điện trong gần 35 năm qua, GELEX thể hiện quyết tâm phấn đấu, tiếp tục đưa Tập đoàn phát triển vững mạnh, giữ vững vai trò là một nhà sản xuất và cung cấp trọn bộ sản phẩm trong chuỗi giá trị ngành điện từ truyền tải đến phân phối và dân dụng, nhằm đảm bảo ổn định cho phát triển kinh tế - xã hội, vì sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và sự phồn vinh của đất nước.

Trong dự án trọng điểm quốc gia - dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam với tổng mức đầu tư 67 tỷ USD, để đóng góp một phần công sức, GELEX Electric của Tập đoàn GELEX đã bày tỏ mong muốn được cung cấp mảng dây cáp ngầm cho đường tàu cao tốc.

Dù đây là sản phẩm Việt Nam chưa sản xuất được, song GELEX Electric vẫn quyết tâm thực hiện khi chủ động làm việc với các đối tác, cơ quan chức năng để xác định được những tiêu chuẩn, đặc tính kỹ thuật cần thiết. Công ty cũng đang tìm kiếm đối tác nước ngoài để chuyển giao công nghệ nhằm sản xuất sản phẩm dây cáp ngầm tại Việt Nam.

Không chỉ cung cấp cho các dự án thị trường nội địa, khát khao của GELEX là "xuất ngoại" thiết bị điện ra quốc tế, đặc biệt là các thị trường có hệ thống lưới điện lớn như châu Âu, Mỹ. Nếu kế hoạch thực hiện thành công, GELEX không chỉ trở thành tập đoàn đầu tư vươn tầm quốc tế mà còn định vị thương hiệu thiết bị điện Việt Nam trên bản đồ thế giới.

GELEX: Dấu ấn của tập đoàn đầu tư tăng trưởng - hiệu quả - bền vững- Ảnh 8.
GELEX: Dấu ấn của tập đoàn đầu tư tăng trưởng - hiệu quả - bền vững- Ảnh 9.
GELEX: Dấu ấn của tập đoàn đầu tư tăng trưởng - hiệu quả - bền vững- Ảnh 10.

GELEX xác định thiết bị điện và hạ tầng tiếp tục là hai lĩnh vực mũi nhọn của doanh nghiệp trong giai đoạn tới.

Xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại và đồng bộ được xác định là một trong ba đột phá chiến lược để phát triển bền vững. Mục tiêu đến năm 2030, tầm nhìn 2045 về phát triển kết cấu hạ tầng là hình thành cơ bản bộ khung kết cấu hạ tầng quốc gia, phát triển hạ tầng năng lượng, công nghệ thông tin, đô thị lớn, hạ tầng bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Hiểu rõ hạ tầng là "bệ đỡ" để kinh tế "cất cánh", trong chiến lược sắp tới của mình, GELEX tiếp tục đẩy mạnh phát triển hạ tầng khu công nghiệp thông qua các công ty thành viên.

Doanh nghiệp từng bước đầu tư chuyển đổi khu công nghiệp từ một mô hình cơ bản truyền thống thành mô hình thành phố công nghiệp tích hợp đô thị sinh thái, hướng đến phát triển xanh và bền vững. Thành phố công nghiệp được quy hoạch bài bản sẽ là sự dung hợp giữa không gian sản xuất, sinh sống và thương mại, hướng đến thu hút các doanh nghiệp hàng đầu thế giới.

Bên cạnh đó, GELEX còn mở rộng hợp tác quốc tế với các tập đoàn đa quốc gia hàng đầu để phát triển các trung tâm công nghiệp theo mô hình cao cấp, đạt chuẩn quốc tế. Nỗ lực nâng tầm những sản phẩm khu công nghiệp của GELEX sẽ góp phần làm tăng sức hấp dẫn đến nhu cầu quốc tế và thu hút đầu tư nước ngoài về các khu công nghiệp xanh đang ngày càng gia tăng tại Việt Nam.

Ông Nguyễn Mạnh Hà, nguyên Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) đánh giá, việc đầu tư đẩy mạnh hạ tầng các khu công nghiệp xanh, bền vững là yếu tố quan trọng thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước, đặc biệt là FDI chất lượng cao. Theo tính toán, các khu công nghiệp xanh thu hút khoảng 50% trong tổng vốn FDI tăng thêm mỗi năm.

Các khu công nghiệp với hạ tầng hiện đại cũng tạo ra một môi trường cạnh tranh giữa các doanh nghiệp, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ. Khi các khu công nghiệp được phát triển, không chỉ tạo ra hàng nghìn việc làm cho người lao động mà còn góp phần vào sự phát triển của địa phương.

"Đầu tư hạ tầng khu công nghiệp không chỉ là hướng đi giúp các doanh nghiệp hưởng lợi trong bối cảnh cả nước đang đẩy mạnh đầu tư công, chú trọng phát triển các khu công nghiệp mà còn thể hiện trách nhiệm dựng xây đất nước, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội", nguyên Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) nhìn nhận.

GELEX: Dấu ấn của tập đoàn đầu tư tăng trưởng - hiệu quả - bền vững- Ảnh 11.

Bên cạnh hạ tầng khu công nghiệp, giai đoạn tới GELEX còn phấn đấu phát triển hạ tầng số, hạ tầng viễn thông để đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số của đất nước.

Với tinh thần tự cường, tự hào dân tộc, khát vọng vươn mình cùng dân tộc, GELEX đã và đang không ngừng nỗ lực và hoàn thiện để gây dựng vị thế và đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển của đất nước.

Hành trình hơn 3 thập kỷ vươn mình phát triển, GELEX luôn kiên định với con đường mình đã chọn, cháy bỏng khát vọng vươn xa và bản lĩnh vững vàng để tạo ra những bước đi đột phá nhằm nâng cao hơn nữa quy mô, vị thế trong tương lai.

Trên hành trình ấy, GELEX luôn dành sự quan tâm đến phát triển bền vững thông qua việc xây dựng chiến lược kinh doanh phù hợp với năng lực cốt lõi và từng bước áp dụng có hiệu quả Khung quản trị tích hợp ESG (Môi trường - Xã hội - Quản trị doanh nghiệp). 

Thế hệ lãnh đạo GELEX hôm nay đang quyết tâm xây dựng và lan tỏa một nền tảng tri thức vững chắc, hướng đến việc đưa GELEX trở thành tổ chức học tập - nơi mỗi cá nhân không ngừng phát triển, đổi mới và kiến tạo giá trị bền vững.

"Với niềm lạc quan vào bước ngoặt và triển vọng tích cực của đất nước trong kỷ nguyên mới và sự đồng hành của các đối tác và đơn vị tư vấn hàng đầu thế giới, GELEX và các đơn vị thành viên, sẽ hoạch định về tầm nhìn chiến lược đến 2030, sứ mệnh, các giá trị cốt lõi để làm kim chỉ nam cho hành động. Chúng tôi đặt mục tiêu trở thành Tập đoàn đầu tư hàng đầu Việt Nam, biểu tượng của Tăng trưởng - Hiệu quả - Bền vững", Chủ tịch HĐQT GELEX Nguyễn Trọng Hiền bày tỏ.

GELEX: Dấu ấn của tập đoàn đầu tư tăng trưởng - hiệu quả - bền vững- Ảnh 12.

Để hiện thực hoá được mong muốn này, lãnh đạo GELEX cho rằng, việc cải tiến, ứng dụng công nghệ mới nhằm tối đa hóa giá trị gia tăng, có trách nhiệm bảo vệ môi trường, xây khung quản trị doanh nghiệp vững chắc là những công việc cần làm.

Chính vì vậy, GELEX không chỉ tìm cách tối ưu hóa các quy trình sản xuất mà còn đặc biệt chú trọng đầu tư cho khoa học công nghệ, nghiên cứu phát triển, đổi mới sáng tạo. Trong đó, lấy GELEX Electric làm điểm đột phá về nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, R&D và khuyến khích các đơn vị thành viên dành tối đa 2% doanh thu của doanh nghiệp dành cho vấn đề này.

Với trách nhiệm bảo vệ môi trường, GELEX luôn tuân thủ các quy định, đồng thời chủ động triển khai các sáng kiến tiên phong nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến hệ sinh thái. GELEX cũng khuyến khích các đối tác, nhà cung cấp áp dụng các tiêu chuẩn môi trường nghiêm ngặt, từ đó tạo nên một chuỗi cung ứng xanh, bền vững.

Đối với khung quản trị doanh nghiệp vững chắc, GELEX đã chủ động triển khai các giải pháp tuân thủ các quy định pháp luật về quản trị công ty và các chuẩn mực đạo đức trong quản trị. Doanh nghiệp không ngừng cải thiện hoạt động quản trị với các trọng tâm chính như quản trị dữ liệu, an toàn bảo mật thông tin, quản trị rủi ro và minh bạch trong công bố thông tin.

GELEX: Dấu ấn của tập đoàn đầu tư tăng trưởng - hiệu quả - bền vững- Ảnh 13.

CADIVI - một thương hiệu của GELEX chuẩn bị cho ra mắt các sản phẩm mới hướng đến “Sống xanh – Sống an toàn”.

GELEX cũng duy trì một cơ cấu tài chính lành mạnh, trong đó các tài sản dài hạn luôn được tài trợ bởi các nguồn vốn dài hạn, đồng thời duy trì mức đệm thanh khoản để đối phó với các rủi ro từ bên ngoài. Không chỉ tập trung vào lợi nhuận ngắn hạn mà còn chú trọng đến sự phát triển dài hạn thông qua việc xây dựng quỹ dự phòng, quản lý rủi ro tài chính và đầu tư vào các dự án có giá trị lâu dài.

Với GELEX, phát triển bền vững không phải là một tuyên bố, đó là một hành trình GELEX đi mỗi ngày. Hành trình đó không chỉ giúp doanh nghiệp thực thi trách nhiệm với các bên liên quan mà còn là nền tảng vững chắc để GELEX phát triển hưng thịnh và trường tồn. 

Với sự nỗ lực không ngừng, chiến lược đầu tư thông minh và bản lĩnh của một doanh nghiệp tiềm lực, GELEX được kỳ vọng sẽ ngày càng vươn xa, không chỉ khẳng định vị thế ở trong nước mà còn ghi dấu trên thị trường quốc tế./.

Tổng kết 40 năm Đổi mới, Việt Nam đã chuyển mình từ một nước nghèo vươn lên thành quốc gia đang phát triển, thu nhập trung bình, hội nhập sâu rộng và giữ vị thế quan trọng trên trường quốc tế. Những thành tựu vĩ đại đạt được dưới sự lãnh đạo của Đảng đã giúp Việt Nam tích lũy đủ nội lực cho sự phát triển bứt phá tiếp theo. Gắn liền với hành trình ấy là sự phát triển không ngừng, dấu ấn và đóng góp khó đong đếm của khu vực kinh tế tư nhân, nòng cốt là các doanh nghiệp tư nhân.

Mùa xuân năm 2025 được xác định là thời điểm bản lề, chuẩn bị bắt đầu kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình, là thời điểm hội tụ, tổng hòa các lợi thế, ý chí, quyết tâm cùng khát vọng, niềm tin, khí thế mới để có thể tạo sự chuyển động mạnh mẽ, dứt khoát và tự tin nâng cao nội lực của đất nước, vượt qua thách thức, nắm bắt cơ hội vươn tới những mục tiêu lớn lao hơn.

Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định: Ưu tiên hàng đầu trong kỷ nguyên mới là thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước xã hội chủ nghĩa phát triển, có thu nhập cao; khơi dậy mạnh mẽ hào khí dân tộc, tinh thần tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc, khát vọng phát triển đất nước; kết hợp chặt chẽ sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại.

Nhấn mạnh "để vuột mất cơ hội là có lỗi với lịch sử", Tổng Bí thư yêu cầu cần thống nhất nhận thức và hành động về sự cấp bách phải tiếp tục tiến hành công cuộc đổi mới kinh tế một cách mạnh mẽ, quyết liệt và toàn diện hơn để đất nước vững vàng bước vào kỷ nguyên thịnh vượng, giàu mạnh và phát triển.

Trong bối cảnh đó, kinh tế tư nhân đang được xem xét, định hình trở thành trụ cột quan trọng nhất của tăng trưởng kinh tế. Không có kinh tế tư nhân, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân lớn mạnh thì sẽ không có nền kinh tế quốc gia vững mạnh, tự chủ và có sức chống chịu tốt. Cơ chế thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển đột phá được đánh giá là then chốt để đạt được các mục tiêu đặt ra, trước mắt là tăng trưởng kinh tế 2 con số. Một nghị quyết mới về kinh tế tư nhân đang được mong chờ sẽ tạo ra những cải cách mạnh mẽ, thúc đẩy các doanh nghiệp tư nhân đẩy nhanh quá trình đổi mới, thay đổi cơ cấu và vươn tới những giới hạn cao nhất của nền kinh tế; tạo nền tảng cho khả năng vươn mình thành những doanh nghiệp đa quốc gia và góp phần định hình kỷ nguyên mới của đất nước.

Tương lai của nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc lớn vào khu vực kinh tế tư nhân. Được khuyến khích và hun đúc thêm hào khí dân tộc, khẳng định vị thế và tạo ra những cảm hứng phát triển mới, tin rằng các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam sẽ còn ghi dấu ấn bằng những bước tiến đột phá trong kỷ nguyên vươn mình, quyện hòa giữa khát vọng làm giàu và tinh thần dân tộc, xây dựng nền kinh tế tự chủ, tự lực, tự cường. Lựa chọn phát triển kinh tế tư nhân là con đường ngắn nhất để vượt qua những khó khăn hiện tại và vươn tới tương lai thịnh vượng.

Đầu tháng 3, chủ trì buổi làm việc với Ban Chính sách và Chiến lược Trung ương về một số giải pháp chiến lược nhằm tạo đột phá phát triển kinh tế tư nhân Việt Nam trong thời gian tới, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh yêu cầu tiếp tục đổi mới tư duy và tạo sự thống nhất cao trong nhận thức về vai trò, vị trí của kinh tế tư nhân, xóa bỏ những định kiến, tư duy không đúng để tạo sự thay đổi trong "ứng xử" và hành động, chính sách cụ thể đối với khu vực kinh tế quan trọng này, đồng thời phải có chiến lược rõ ràng cho phát triển kinh tế tư nhân.

Trong bài viết "Phát triển kinh tế tư nhân - Đòn bẩy cho một Việt Nam thịnh vượng", Tổng Bí thư khẳng định: Chúng ta cần phải quán triệt lại định hướng quan điểm và nhận thức trong cả hệ thống chính trị về vai trò của kinh tế tư nhân như là động lực tăng trưởng quan trọng hàng đầu của đất nước. Điều này đòi hỏi một sự thay đổi căn bản trong hoạch định chính sách, khắc phục những hạn chế và phát huy tính ưu việt của cơ chế thị trường để hỗ trợ khu vực kinh tế tư nhân nâng cao năng suất lao động và đổi mới sáng tạo.

Chuyên đề: Sứ mệnh lịch sử của kinh tế tư nhân trên Reatimes.vn, thông qua những cuộc thảo luận sâu sắc với các chuyên gia hàng đầu, sẽ khắc họa rõ nét và đưa ra những hình dung cụ thể về đóng góp của kinh tế tư nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân trong hành trình 40 năm Đổi mới của đất nước và nhìn nhận về vị thế, vai trò của khu vực kinh tế này đối với cuộc đổi mới lần thứ 2 trong kỷ nguyên vươn mình. Đồng thời, làm rõ những rào cản, thách thức đang nhấn chìm khát vọng của khối doanh nghiệp tư nhân; kiến nghị chính sách để tạo đường băng rộng mở cho kinh tế tư nhân cất cánh.

Trân trọng giới thiệu tới độc giả!


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top