Giá chung cư tại Hà Nội chạm mốc 79 triệu đồng/m2
Theo Báo cáo tổng quan thị trường bất động sản Hà Nội quý I/2025 vừa được Savills Việt Nam công bố, giá bán căn hộ sơ cấp tại Hà Nội tiếp tục ghi nhận mức tăng mạnh. Cụ thể, trong quý I/2025, giá bán trung bình căn hộ sơ cấp đạt mức 79 triệu đồng/m2, tăng 5% so với quý trước và tăng tới 32% so với cùng kỳ năm 2024.
Ghi nhận từ đơn vị này cho thấy, trong vòng 5 năm qua, giá căn hộ sơ cấp tại Hà Nội đã tăng trung bình 22%/năm, mức tăng vượt xa tốc độ tăng trưởng thu nhập bình quân của người dân đô thị. Đáng chú ý, tại Đông Anh, khu vực đang được đầu tư mạnh về hạ tầng, giá căn hộ tăng tới 42% theo năm nhờ sự xuất hiện của dự án Vinhomes Global Gate. Trong khi đó, Tây Hồ tiếp tục dẫn đầu với mức giá lên đến 185 triệu đồng/m2 và đứng thứ 2 về tốc độ tăng trưởng đạt 40%/năm.

Giá chung cư Hà Nội tiếp tục "leo thang". (Ảnh minh hoạ: Bùi Văn Doanh)
Đáng chú ý, trong bối cảnh giá bán căn hộ sơ cấp tiếp tục leo thang, nguồn cung mới trên thị trường ghi nhận sụt giảm mạnh. Quý I chỉ ghi nhận 7.940 căn hộ mở bán mới, giảm 39% so với quý trước dù vẫn tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng nguồn cung sơ cấp đạt 11.168 căn, giảm 33% theo quý và 14% theo năm.
Về lượng giao dịch, thị trường đang dịch chuyển rõ rệt sang phân khúc trung - cao cấp. Các căn hộ có giá trên 4 tỷ đồng hiện chiếm 50% tổng lượng giao dịch (so với mức chỉ 6% vào năm 2021), trong khi các căn hộ dưới 2 tỷ đồng gần như đã biến mất khỏi thị trường. Những căn hộ trong khoảng giá 2 - 4 tỷ đồng hiện chỉ còn chiếm 50% tổng lượng bán ra.
"Với ngân sách 2 tỷ đồng, người mua hiện chỉ có thể lựa chọn căn hộ diện tích nhỏ hoặc sản phẩm hình thành trong tương lai, kết hợp vay vốn ngân hàng", Savills nhận định.
Trên thị trường thứ cấp, giá bán trung bình hiện đạt 60 triệu đồng/m2, tăng 41% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng lưu ý, chênh lệch giá giữa thị trường sơ cấp và thứ cấp đang ở mức rất cao, đặc biệt tại các dự án hạng A (52%) và hạng B (21%), phản ánh kỳ vọng lợi nhuận lớn từ phía chủ đầu tư sơ cấp.
Với các dự án sắp được tung ra thị trường, Savills dự báo giá trên thị trường sơ cấp trong quý II sẽ không giảm. Giá nhà dự báo sẽ duy trì ở mức 79 triệu đồng/m2, như quý I vừa qua.
Linh hoạt giải pháp phát triển nhà ở vừa túi tiền
Giữa lúc giá chung cư tại Hà Nội vẫn không ngừng leo thang, cơ hội sở hữu nhà của đại đa số người dân ngày càng trở nên mong manh. Điều đáng nói, phân khúc nhà ở bình dân gần như đã biến mất hoàn toàn khỏi bản đồ bất động sản Hà Nội.
Thực tế cho thấy, đà tăng giá mạnh đang kéo thị trường lệch hẳn về phía các sản phẩm trung đến cao cấp, hướng đến nhóm khách hàng trung lưu và thượng lưu. Trong khi đó, phân khúc dành cho người thu nhập trung bình và thấp - nhóm đối tượng chiếm đa số, lại thiếu hụt trầm trọng.
Nhìn nhận thực trạng trên, Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cảnh báo, nếu không có sự can thiệp kịp thời, thị trường sẽ phải đối mặt với những rủi ro nghiêm trọng trong dài hạn. "Hệ quả là giá nhà tăng cao vượt xa tầm với của phần đông người dân, kéo theo sự gia tăng bất bình đẳng trong cơ hội tiếp cận nhà ở, đồng thời tạo áp lực lớn lên an sinh xã hội. Không loại trừ khả năng sẽ hình thành "bong bóng" bất động sản, khiến thị trường trở nên kém bền vững và dễ tổn thương trước các biến động kinh tế", VARS nhấn mạnh.
Từ đó, VARS khuyến nghị các cơ quan quản lý cần sớm có chính sách cụ thể để "khơi thông" thị trường nhà ở vừa túi tiền và nhà ở xã hội. Đồng thời, các chủ đầu tư cần thay đổi tư duy phát triển dự án, chuyển hướng sang các sản phẩm phù hợp với khả năng chi trả của số đông người dân, thay vì tiếp tục "chen chân" trong phân khúc cao cấp, gây mất cân bằng nguồn cung.
Đồng quan điểm, bà Giang Huỳnh, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu tại Savills cho rằng, cần một giải pháp tổng thể, huy động sự tham gia của cả khu vực công và tư nhân. "Không thể kỳ vọng một bên đơn lẻ có thể giải quyết được thách thức phức tạp này", bà nhấn mạnh.
Theo bà Giang, trong bối cảnh ngân sách nhà nước còn hạn chế và lãi suất ở mức cao, việc tài trợ cho các dự án nhà ở xã hội đang gặp không ít khó khăn. Trong khi đó, doanh nghiệp tư nhân cũng chịu sức ép lớn từ chi phí đầu vào leo thang. Do vậy, sự phối hợp hiệu quả giữa Nhà nước và tư nhân là yếu tố then chốt để tạo ra đột phá trong phát triển nhà ở vừa túi tiền.
Bà cũng chỉ rõ rằng, ngoài yếu tố tài chính, việc tăng mật độ xây dựng hợp lý, lập quy hoạch đồng bộ, tận dụng hiệu quả quỹ đất và hạ tầng hiện hữu cũng sẽ góp phần quan trọng vào việc giảm giá thành sản phẩm nhà ở.
"Chính quyền cần đưa ra chính sách khuyến khích cụ thể nhằm thu hút sự hợp tác của các nhà đầu tư, từ đó hình thành những khu dân cư bền vững mới. Bằng cách tối ưu hóa diện tích đất, kết hợp với hệ thống tiện ích chung và không gian xanh, chúng ta có thể dần tháo gỡ nút thắt nhà ở hiện nay. Sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền và nhà đầu tư chính là chìa khóa để hiện thực hóa những giải pháp này", bà Giang khẳng định./.