Nhân việc để xảy ra nạn bảo kê, đầu gấu ở chợ Long Biên hoành hành trong nhiều năm không bị phát hiện, dư luận có quyền đặt câu hỏi: Chính quyền cấp cơ sở ở đó thực chất đang làm gì?
Bởi vì chính quyền cơ sở là điểm tiếp xúc gần nhất, thường xuyên nhất giữa công dân với Nhà nước của mình. Nó đóng vai trò là tai mắt, là chân rết, là nền tảng... của quyền lực quốc gia.
Một trong những nhiệm vụ của chính quyền cơ sở là nắm bắt nguyện vọng của người dân, lắng nghe những ta thán của họ, để biết họ đang nghĩ gì, đang sống ra sao, đang gặp khó khăn thế nào trong việc mưu sinh. Trên sự hiểu biết ấy, chính quyền có trách nhiệm tạo cơ hội bình đẳng cho họ, cả về nghĩa vụ cũng như quyền lợi, từ những thứ nhỏ nhất. Ngoài ra chính quyền cơ sở phải biết và ngăn chặn kịp thời những phát sinh tiêu cực nảy ra từ cuộc sống, trong phạm vi địa lý được quy định. Những phát sinh này thường diễn ra dưới vô số sắc thái, trong mọi mặt sinh hoạt và đa số là bất ngờ.
Nói gọn lại cho dễ nhớ thì có ba nhiệm vụ lớn mà chính quyền cấp cơ sở phải làm hàng ngày:
- Cung cấp dịch vụ công cho người dân trong thẩm quyền Hiến định.
- Duy trì sức mạnh và sự nghiêm minh của luật pháp, theo đó kẻ yếu thế, người không may thì có chỗ dựa, còn những đứa cậy quyền cậy thế để làm bậy liệu mà dè chừng.
- Ngăn chặn ngay từ trong trứng nước những hành vi sai trái.
Tất cả những công việc đó, là thứ mặc nhiên chính quyền phải thực hiện mà không được phép từ chối, không được phép ra điều kiện với người dân, không được phép phản bội lợi ích hợp pháp và lòng tin của họ.
Tuy nhiên, ở những nơi chính quyền cơ sở hư hỏng, thì hầu hết những nhiệm vụ vừa kể ở trên lại biến thành lá bài để một số cán bộ hư hỏng lợi dụng vị trí của mình, đem ra mặc cả với người dân.
Với nhiệm vụ thứ nhất, khi hư hỏng, thay vì phục vụ dân, chính quyền cơ sở chỉ chuyên chú vào việc hành hạ người dân, nặn bóp họ bằng đủ các phương cách tinh vi nhất.
Với nhiệm vụ thứ hai, khi hư hỏng, thay vì duy trì tính nghiêm minh của pháp luật, thì chính quyền cơ sở là tấm bình phong an toàn nhất cho bọn tội phạm.
Với nhiệm vụ thứ ba, khi hư hỏng, các loại tai mắt chính quyền cơ sở đều mù hoặc điếc đặc. Chưa vội nói đến những ổ cờ bạc, tiêm chích, mại dâm... vốn thường hoạt động lén lút, trá hình dưới trăm ngàn vẻ, nên nhiều khi rất khó phát hiện hoặc quá khả năng điều tra của cấp cơ sở. Những việc “lộ thiên” hơn như đổ trộm phế thải, họp chợ làm nghẽn giao thông, cũng tạm chưa tính. Nhưng những việc sai trái tày núi khác như vượt thổ lấn chiếm đất công, san lấp đất nông nghiệp, ao hồ, xây dựng nhảy dù, cơi nới nhà trái phép và mới đây là nạn bảo kê công khai giữa chợ, chiếm đoạt tài sản công dân... là những việc đòi hỏi phải có không gian và thời gian, thậm chí nhiều nơi cần cả một sự huy động nhân lực, phương tiện ầm ỹ. Dân trong vùng không ai là không biết biết. Dân ngoại vùng nhiều người biết. Chỉ mỗi một mình chính quyền cơ sở ăn lương để biết thì lại “quyết tâm không biết”?
Vì sao như vậy? Rất đơn giản, bởi thứ quyết định chính ở đây không phải là luật pháp, lòng tự trọng, mà là... tiền! Tiền đã làm thay mọi thứ, che lấp mọi thứ thông qua những kẻ hư hỏng khoác áo chính quyền!
Thế là trong trường hợp này, Nhà nước vừa bỏ tiền (thuế của dân) để nuôi ong tay áo, vừa phải chấp nhận mang tiếng xấu chỉ vì những cấp dưới thiếu phẩm chất của mình.
Trên thực tế, những chính quyền cấp cơ sở hư hỏng đã làm tiêu tốn không biết bao nhiêu tài sản xã hội. Những công trình bạc tỉ xây xong bị bắt phải phá chỉ là một ví dụ nhỏ. Nguy hại hơn là nó làm cho bộ máy quyền lực nhà nước trở nên lỏng lẻo, biến dạng, không đáng tin cậy. Nó khiến người dân mệt mỏi, nản lòng trong làm ăn, kinh doanh. Khi không còn chỗ dựa tin cậy là chính quyền, người dân sẽ tìm những con đường tắt để đi, tức là vô tình cùng nhau phá nát Chính đạo.
Chính đạo tối tăm, lầy lội, nhiều cạm bẫy sẽ khiến người công chính quay lưng lại, trong khi tạo cơ hội cho các loại cầy cáo, đạo tặc thả sức lộng hành, ăn trộm, phá nát kỉ cương, luân thường…
Gốc rễ của họa lớn khiến xã tắc nghiêng ngửa là từ đấy chứ ở đâu xa?