Aa

Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa: Cần gỡ vướng tiếp cận tín dụng

Thứ Năm, 25/04/2024 - 06:00

Để tăng khả năng tiếp cận tín dụng thông qua Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, theo chuyên gia, cần đơn giản hóa thủ tục, nới rộng phạm vi lĩnh vực đối với doanh nghiệp.

Thực tế cho thấy, doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp nhỏ và vừa nói riêng có vị trí đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp đổi mới và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, trong đó doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 98%, thu hút hơn 5,6 triệu lao động, đóng góp khoảng 45% tổng sản phẩm trong nước (GDP) và 31% vào tổng thu ngân sách hàng năm.

Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa: Cần gỡ vướng tiếp cận tín dụng- Ảnh 1.

Doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp nhỏ và vừa nói riêng có vị trí đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp đổi mới và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Ảnh minh họa: Quốc Tuấn

Thời gian qua, thực hiện Nghị quyết 35/2016, Nghị quyết 58/2023 của Chính phủ về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, doanh nghiệp tư nhân, triển khai Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và các Nghị định hướng dẫn triển khai Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Ngân hàng Nhà nước đã xây dựng các chương trình hành động của ngành triển khai quyết liệt nhiều giải pháp góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho phát triển doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp nhỏ và vừa nói riêng.

Dù vậy, việc tiếp cận vốn của doanh nghiệp hiện nay vẫn rất khó khăn. Một số nhóm khách hàng có nhu cầu nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa do quy mô vốn nhỏ, năng lực hạn chế, thiếu phương án kinh doanh khả thi; các giải pháp tăng tiếp cận tín dụng thông qua Quỹ Bảo lãnh tín dụng, Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa... chưa phát huy được nhiều hiệu quả.

Số liệu thống kê cho thấy, các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận các nguồn tài chính chính thống qua hệ thống ngân hàng và các nguồn chính thống khác chỉ chiếm khoảng 25%, còn đến 75% vẫn phải đi huy động bạn bè, vay mượn phi chính thống.

Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa: Cần gỡ vướng tiếp cận tín dụng- Ảnh 2.

Để tăng khả năng tiếp cận tín dụng thông qua Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, theo chuyên gia, cần đơn giản hóa thủ tục. Ảnh minh họa: Quốc Tuấn

Do đó, theo các chuyên gia, cần có thêm nhiều giải pháp và chính sách hữu hiệu để tháo gỡ nút thắt về vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Nêu quan điểm về vấn đề này, ông Trần Văn Hiển, Chuyên gia tư vấn độc lập cho hay, những khó khăn của doanh nghiệp nhỏ và vừa khi tiếp cận nguồn vốn tín dụng đó là không có tài sản đảm bảo; có tài sản đảm bảo nhưng giá trị tài sản thấp, nếu được vay thì tỷ lệ vay trên giá trị tải sản đảm bảo đó không cao, chỉ khoảng 50-60%.

Hơn nữa, việc vay tín chấp cũng rất khó để tiếp cận. Đặc biệt, các dự án của doanh nghiệp nhỏ và vừa có tính khả thi thấp; báo cáo tài chính thiếu tin cậy; chưa có kế hoạch kinh doanh và dự báo tài chính từ 3-4 năm.

Trước thực trạng đó, ông Hiển nhận định, để tăng cường bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, cần đơn giản hóa thủ tục, nới rộng phạm vi lĩnh vực đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa được tiếp cận nguồn vốn.

“Cần nâng cao năng lực đánh giá dự án có khả thi đảm bảo an toàn vốn, giảm thiểu trách nhiệm người chịu trách nhiệm cao nhất của quỹ. Đánh giá, xem xét quy trình thẩm định hồ sơ nhằm thẩm định 2 lần từ quỹ bảo lãnh tín dụng và chính quyền địa phương. Đồng thời, xây dựng cơ chế phối hợp hiệu quả giữa quỹ bảo lãnh tín dụng, ngân hàng thương mại, tổ chức đại diện cộng đồng doanh nghiệp, chính quyền địa phương…”, chuyên gia này bày tỏ.

Bên cạnh vấn đề nêu trên, Ths.Bs Ngô Đức Hải, Chủ tịch Hội đồng quản trị Thiện Nhân Hospital cho biết, dù đã biết đến “Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa” (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) từ lâu, tuy nhiên, một số tiêu chí, quy định của quỹ chưa được rõ ràng. Đơn cử như, đối tượng của quỹ đang rất trừu tượng “Khởi nghiệp sáng tạo”.

“Khởi nghiệp thì ai cũng biết nhưng thế nào là sáng tạo. Chúng tôi đưa những công nghệ hàng đầu trên thế giới về Việt Nam, có được xem là đối tượng của quỹ này hay không?”, vị này đặt vấn đề.

Đồng thời cho rằng, rất nhiều doanh nghiệp khi không tiếp cận được vốn ngân hàng thì quỹ có thể hỗ trợ. Song bước xét duyệt đầu tiên của Quỹ lại là ngân hàng, ngân hàng loại hết rồi doanh nghiệp không có cơ hội để tiếp cận vốn từ Quỹ.

“Theo tôi nên có tiêu chí của quỹ, quỹ phải đứng ra chịu trách nhiệm quyết định doanh nghiệp được vay hay không và liên kết với ngân hàng để giải ngân”, Ths.Bs Ngô Đức Hải kiến nghị.

Đồng quan điểm, LS. Đào Văn Hưng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký và Trưởng Ban pháp chế, Chi Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển Kinh tế Xanh cho biết, thực tế của các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam là tất cả các mặt đều không quá tốt bởi vì bản thân họ trưởng thành từ nghề. Biết nghề gì thì thành lập doanh nghiệp về nghề đó.

“Trong khi đó, các cán bộ ngân hàng rất thận trọng trong việc cho vay vốn, xử lý duyệt vốn cực kỳ kỹ. Vì vậy, Quỹ nên có cơ chế cho vay trực tiếp với doanh nghiệp”, LS. Đào Văn Hưng nhấn mạnh./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top