Aa

Sổ hộ khẩu

Thứ Tư, 31/10/2018 - 06:00

Một thứ giấy tờ là sản phẩm của thời cách nay nửa thế kỉ mọi thao tác đều thủ công; một thứ giấy tờ trên thực tế không giúp nhiều cho việc quản lý công dân về thực chất; một thứ giấy tờ tạo ra sự bất bình đẳng về quyền cư trú tự do của công dân, tạo ra sự phân biệt về quyền lợi, làm hao tổn biết bao là sức lực, thời gian và của cải xã hội… thì liệu có còn nên để nó tồn tại trong thời buổi 4.0?

Hồi mới về sinh sống tại Hà Nội, tôi vay tiền bạn bè và liều mua một căn nhà chung cư. Chủ bán chỉ biên cho tôi một cái giấy viết tay, vì tôi không có hộ khẩu thường trú để sang tên. Hồi đó chưa có luật dân sự, vì thế cái giấy viết tay đó chẳng có giá trị gì về pháp lý. Nếu xảy ra tranh chấp, kiện tụng, tôi rất dễ bị mất trắng.

Sau đó tôi được biên chế do có thành tích học tập xuất sắc, nhờ thế mà được cấp một chỉ tiêu nhập khẩu vào Hà Nội. Tôi nhanh chóng là công dân thủ đô nhưng mới chỉ trên danh nghĩa, vì chưa có địa chỉ cụ thể do không thể nhập vào căn hộ không chính chủ. Tôi đành phải nhờ chỗ quen biết, chạy vòng vo qua mấy cửa, mới được một gia đình đồng ý cho nhập khẩu ké. Thời gian lo thủ tục mất đứt một năm. Biết bao là sức lực không cần thiết đã phải bỏ ra, cùng với nỗi phấp phỏng chờ đợi, để cuối cùng tôi cũng có tên trong sổ hộ khẩu của gia đình không hề quen biết kia. Rồi lại mất thêm nhiều thời gian để lo tách sổ, tất nhiên là vẫn giàng vào cái địa chỉ ấy. Sau đó, vợ, rồi các con tôi cũng nhập hộ khẩu theo tôi. Tận khi bán nhà, dọn đến chỗ ở mới, hộ khẩu của tôi vẫn thuộc về một gia đình mà tôi chưa đến thăm lần nào. Mảnh đất hiện là nơi tôi dựng nhà sinh sống, trong sổ đỏ cũng đăng kí theo số nhà của cái sổ hộ khẩu nhập nhờ.

Cho đến một ngày, vì nhu cầu, tôi muốn chuyển hộ khẩu về đúng nơi mình sống. Tôi bèn lần theo địa chỉ tìm gia đình kia thì không biết họ chuyển đi đâu. Không ai loanh quanh khu vực mà tôi khoanh vùng, biết cái địa chỉ đó. Tôi đành vào công an phường quản lý số nhà trên để hỏi, thì được biết, đó là số nhà, số tổ dân phố, thậm chí cả tên phường…là của mấy chục năm trước. Nhà nước đã đổi vài lần rồi.

Tuy thế, hiện tại, chứng minh nhân dân, hộ chiếu, thẻ ngân hàng và trăm thứ giấy tờ lâu dài khác của tôi vẫn gắn với cái số nhà, số tổ dân phố đã hoàn toàn biến mất ấy. Liệu có hài kịch nào tức cười hơn.

Nhiều ý kiến xác đáng về bỏ sổ hộ khẩu.

Nhiều ý kiến xác đáng về bỏ sổ hộ khẩu.

Tôi biết rằng, hàng triệu người vẫn đang trong tình trạng như tôi, chỉ tính riêng ở Hà Nội. Tôi biết rằng, chuyện bi hài này chỉ là một trong số hàng ngàn câu chuyện cười ra nước mắt, mà nguồn phát sinh đều từ cái số hộ khẩu.

Một thứ giấy tờ giờ đây chỉ gây ra muôn vàn rắc rối cho công dân; một thứ giấy tờ là sản phẩm của thời cách nay nửa thế kỉ mọi thao tác đều thủ công; một thứ giấy tờ trên thực tế không giúp nhiều cho việc quản lý công dân về thực chất; một thứ giấy tờ tạo ra sự bất bình đẳng về quyền cư trú tự do của công dân, tạo ra sự phân biệt về quyền lợi, làm hao tổn biết bao là sức lực, thời gian và của cải xã hội… thì liệu có còn nên để nó tồn tại trong thời buổi 4.0? Chúng ta đã có đủ phương tiện để quản lý công dân vừa nhanh, vừa hiện đại, vừa hiệu quả hơn nhiều lần, lại phù hợp với Hiến pháp về quyền cư trú, thì liệu có còn cần cái thứ giấy tờ đó? Và cái giấy tờ đó không là thứ gì khác, mà chính là cái sổ hộ khẩu lừng danh nhưng đã hết vai trò.

Theo tính toán, nếu bỏ sổ hộ khẩu, chỉ riêng về kinh tế, mỗi năm xã hội tiết kiệm được 1.600 tỷ đồng.

Đến thế thì còn chần chừ gì nữa, nuối tiếc gì nữa mà không bỏ ngay cái sổ hộ khẩu đi, như bỏ một thủ tục hành chính, một điều kiện cư trú đã lỗi thời và kéo lùi sự phát triển.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top