THACO và hành trình chinh phục những giấc mơ
Gây tiếng vang lớn cùng nhiều dấu ấn trên thương trường đầy sóng gió, khi nhắc đến doanh nhân Trần Bá Dương, không thể không nghĩ đến "đế chế ô tô" Thaco Trường Hải, Khu kinh tế mở Chu Lai... Và ở mỗi một giai đoạn xây dựng, phát triển, mỗi thời điểm "khởi nghiệp", doanh nhân Trần Bá Dương luôn biết cách để người khác nhớ và tìm đến mình.
Xuất phát điểm của ông Trần Bá Dương có thể xem là khá khiêm tốn, khi sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo khó lại đông con, mồ côi cha; và để đỡ đần cho mẹ, phải vừa học vừa làm. Vượt lên hoàn cảnh với ý chí quật cường, ông thi đỗ Trường Đại học Bách khoa TP.HCM và đây cũng chính là tiền đề mở ra cánh cửa chinh phục ước mơ gắn liền với cơ khí, ô tô của ông sau này. Và rồi tấm bằng đại học kỹ sư cơ khí đã giúp ông có một công việc ở một xưởng sửa chữa ô tô vào năm 1982. Công việc đầu tiên của ông là vét mỡ bò trong một xưởng sửa chữa ô tô.
Với khát vọng phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam, ông Trần Bá Dương đã thành công với "đứa con" mang tên THACO Trường Hải được thành lập vào năm 1997. Thời gian đầu, Công ty ô tô Trường Hải chỉ nhập khẩu xe đã qua sử dụng và tân trang, với doanh số vỏn vẹn 137 xe các loại. Thay vì tự sản xuất một chiếc xe mang thương hiệu Việt Nam, THACO đi theo con đường tham gia chuỗi giá trị của nền công nghiệp ô tô thế giới, lựa chọn sản xuất xe CKD (xe lắp ráp trong nước với 100% linh kiện nhập khẩu), và tiến đến SKD (xe có tỷ lệ nội địa hóa nhất định).
Đến năm 2000, doanh nhân Trần Bá Dương mở xưởng lắp ráp xe tải hạng nhẹ mang thương hiệu KIA. Mặc dù chưa có thành phẩm nhưng doanh nghiệp đã kín đơn đặt hàng. Rồi những năm sau đó tiếp tục bắt tay với Mazda và Peugeot và sang tới năm 2001, Trường Hải chính thức tung ra sản phẩm đầu tiên của dòng xe tải nhẹ và đã nhận được sự đón nhận lớn từ thị trường trong nước.
Khát vọng, ước mơ chưa dừng lại ở đó vì khi đã có những thành công bước đầu, thuyền trưởng Thaco tiếp tục vẽ bức tranh đầy màu sắc về câu chuyện khởi nghiệp của mình, quyết định dấn thân vào một thử thách mới đó là đầu tư vào Khu kinh tế mở Chu Lai - một nơi đất đai cằn cỗi, hoang hóa, một nơi đầy cát trắng, nắng gắt và gió Lào.
Thời điểm năm 2003, khi doanh nghiệp tròn 5 tuổi, ông Trần Bá Dương đã đưa ra quyết định táo bạo, đến vùng đất Quảng Nam để xây một ước mơ lớn mang tên "cơ khí, ô tô" thông qua lời mời của lãnh đạo tỉnh Quảng Nam. Được biết, lúc bấy giờ, Quảng Nam là một địa phương mới được tách ra, còn nghèo nàn và hoang sơ. Doanh nghiệp đầu tư tại địa bàn còn rất ít, chỉ lác đác một vài doanh nghiệp xây dựng, xây lắp điện với số vốn ít ỏi. Trước nghịch cảnh này, một hội thảo mang tính lịch sử đã được mở ra với chủ đề: "Cảng thị Hội An xưa - Khu kinh tế mở Chu Lai hiện nay". Hội thảo xác định Khu Kinh tế mở Chu Lai sẽ là chìa khóa để Quảng Nam thoát nghèo.
Có thể nói, ở lần khởi nghiệp này, ông Trần Bá Dương với khát vọng và tầm nhìn chiến lược đã quyết tâm chinh phục thành công mảnh đất Chu Lai, Quảng Nam - nơi "cát trắng, thiếu điện, thiếu nước, đêm ếch nhái kêu", thời tiết khắc nghiệt.
Người ta vẫn thường truyền tai nhau rằng, cây xương rồng nở hoa chính là biểu tượng của Tập đoàn THACO và cũng chính là hình ảnh của vùng đất Chu Lai trước và sau khi ông Trần Bá Dương đặt chân tới.
Dù được định hình là khu kinh tế mở đầu tiên của cả nước khi ấy, nhưng hạ tầng Chu Lai vẫn chưa có gì ngoài những bãi cát trắng mênh mông, khả năng vận chuyển tới các vùng miền, địa phương khác đều không thuận lợi khi hệ thống giao thông chưa đồng bộ và chi phí đầu tư cao. Đặc biệt, nguồn nhân lực gần như ở điểm xuất phát, phần lớn là nông dân, việc chuyển họ thành công nhân với tác phong công nghiệp có chất lượng cao là điều vô cùng khó khăn.
"Có thể nói rằng đầu tư của THACO là một nhân duyên khi chúng tôi lúc đó là một doanh nghiệp rất nhỏ được kêu gọi đến Quảng Nam, còn Khu kinh tế mở Chu Lai ngày đó cũng chỉ là một dự án mang nặng về khát vọng thoát nghèo của tỉnh Quảng Nam nhiều hơn là tính hiện thực", thuyền trưởng THACO Trường Hải từng bộc bạch.
Khu kinh tế mở Chu Lai được định hướng trở thành hạt nhân, trung tâm phát triển lớn của vùng và cả nước. Ảnh: THACO
Trong giai đoạn từ 2003 - 2020, THACO đã đầu tư và phát triển mạnh về lắp ráp ô tô, sản xuất linh kiện phụ tùng để gia tăng tỷ lệ nội địa hóa và phát triển logistics - lĩnh vực mà ngày đó tại miền Trung gần như rất thiếu. Sau hơn 20 năm xây dựng và phát triển, bằng sự đầu tư miệt mài, chiến lược khác biệt, tham gia thẳng chuỗi giá trị toàn cầu để khẳng định chất lượng cùng sự kiên định, quyết tâm dám nghĩ, dám làm, doanh nhân Trần Bá Dương đã đem đến những đổi thay diệu kỳ cho vùng đất cằn cỗi này. Ông đã biến một vùng đất gió Lào cát trắng trở thành nơi dẫn đầu của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam, đưa Khu kinh tế mở Chu Lai trở thành động lực tăng trưởng và hiện thực hóa giấc mơ "xây nhà máy trên cát" tại Quảng Nam.
Từ một nhà máy giữa mênh mông cát trắng, liên tiếp nhiều nhà máy được xây dựng và đưa vào hoạt động với dây chuyền công nghệ hiện đại, hình thành Trung tâm Công nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô quy mô bậc nhất tại Việt Nam và thuộc top đầu trong khu vực Đông Nam Á. Năm 2018, THACO mở rộng đầu tư 32 công ty, nhà máy, 1 tổ hợp cơ khí, trường cao đẳng nghề, hệ thống logictics với tổng vốn đầu tư trên 80.500 tỷ đồng và được chia thành 2 khu: Khu phức hợp cơ khí và ô tô Chu Lai - Trường Hải và khu cảng và hậu cần cảng Chu Lai. Những dòng ô tô du lịch, ô tô tải, ô tô bus xuất phát từ Chu Lai - Trường Hải đã có mặt trên khắp các con đường trên cả nước và ra cả nước ngoài - xác lập một thương hiệu quốc gia tại Quảng Nam.
Theo các chuyên gia, Tập đoàn THACO là "sếu đầu đàn" tại Quảng Nam, sự phát triển của doanh nghiệp này tác động lớn đến tăng trưởng, khi hằng năm đóng góp chủ lực cho ngân sách tỉnh, đồng thời cũng là doanh nghiệp dẫn dắt làn sóng đầu tư từ các doanh nghiệp khác vào Quảng Nam.
Chu Lai, từ một vùng đất chỉ có cát và gió thì giờ đã có cả loạt nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô của nhiều thương hiệu nước ngoài như: KIA, Mazda, Peugeot, Mitsubishi Fuso hay xe bus Mercedes-Benz cùng thương hiệu của chính Thaco là Thaco tải, Thaco bus.
Hiện nay, trong bối cảnh thế giới đang bước vào "kỷ nguyên số" với những đột phá về công nghệ và hội nhập quốc tế sâu rộng, hoạt động sản sản xuất ô tô trên toàn cầu nói chung và tại THACO nói riêng đã có những thay đổi để thích nghi với yêu cầu thị trường cũng như những xu thế mới. Các nhà máy được đầu tư theo hướng chuyên sâu, chú trọng hoạt động R&D, nghiên cứu các công nghệ và tính năng thông minh, kiểm soát chất lượng sản phẩm xuyên suốt toàn chuỗi.
Trong thời gian tới, THACO Chu Lai sẽ xây dựng Trung tâm R&D ô tô tập trung; phát triển sản phẩm chuyên dụng theo từng nhóm ngành, nghề, xe đô thị chạy điện và giải pháp vận chuyển thông minh; đồng thời phát triển thương hiệu THACO Royal và đẩy mạnh xuất khẩu.
Cùng với đó, nắm bắt xu hướng dịch chuyển sản xuất cơ khí - công nghiệp nặng từ các nước phát triển sang ASEAN và Việt Nam, THACO đã phát triển cơ khí và công nghiệp hỗ trợ thành ngành sản xuất kinh doanh chính, thành lập Tập đoàn Công nghiệp Trường Hải (THACO Industries), đầu tư Trung tâm Cơ khí đa dụng miền Trung tại Chu Lai - cơ sở cơ khí lớn nhất Việt Nam hiện nay với đầy đủ thiết bị, lực lượng kỹ sư, công nhân trình độ cao.
Trong thời gian tới, THACO Chu Lai sẽ xây dựng Trung tâm R&D ô tô tập trung; phát triển sản phẩm chuyên dụng theo từng nhóm ngành, nghề, xe đô thị chạy điện và giải pháp vận chuyển thông minh. Ảnh: THACO
Đáng chú ý, trong chiến lược phát triển tỉnh Quảng Nam đến năm 2035, Khu kinh tế mở Chu Lai được kỳ vọng trở thành tâm điểm phát triển của tỉnh. Là hạt nhân của Khu kinh tế mở, Thaco Chu Lai tiếp tục đầu tư các dự án: Hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật Khu công nghiệp Cơ khí & Ô tô hiện hữu và đầu tư Khu công nghiệp Cơ khí & Ô tô mở rộng để triển khai các dự án sản xuất cơ khí và công nghiệp hỗ trợ; KCN chuyên Nông - Lâm nghiệp với nông trường thực nghiệm trồng cây ăn trái và các nhà máy sản xuất chế biến; Khu cảng, logistics và phi thuế quan; Khu đô thị Chu Lai 01 và Khu đô thị Chu Lai 02; Đầu tư mới tuyến luồng đón tàu 5 vạn tấn khu vực Cửa Lở và mở rộng bến cảng số 2 - cảng Chu Lai. Một hệ sinh thái đa ngành có hạ tầng đồng bộ, sinh thái và thông minh đang từng bước hình thành, sẵn sàng đón sự dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu và là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư.
Có thể nói, hành trình chinh phục ước mơ của ông Trần Bá Dương là một minh chứng rõ ràng cho tầm nhìn rộng, chiến lược bài bản, sức mạnh quật cường cùng sự kiên trì, biết nắm bắt mọi cơ hội trên mọi chặng đường, từ đó đã để lại dấu ấn không thể phai mờ trong ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam.
"Nếu chỉ nghĩ cho bản thân, cho gia đình, thì tôi không cần phải đi xa, vất vả như vậy. Cơ sở sản xuất xe ở Đồng Nai cũng đủ. Quyết định ra Chu Lai là bởi khát khao và mong muốn làm được điều gì đó lớn lao hơn", ông Dương từng chia sẻ.
Trên thực tế, với sự nhạy bén và am hiểu cốt lõi thị trường, ông Trần Bá Dương đã nhận thức được việc phát triển công nghiệp ô tô là một cuộc đua không có điểm dừng, bởi đòi hỏi chi phí đầu tư rất lớn, phải đầu tư chiều sâu và liên tục tái đầu tư cũng như sự tổng hợp và công nghệ cao, chứ không đơn thuần như nhiều người vẫn nghĩ.
Cụ thể, ngành này đòi hỏi không chỉ giỏi bán hàng, giỏi công nghệ, giỏi quản trị, mà cần bám được vào chuẩn mực và tiêu chí liên tục tăng lên của thị trường thế giới. Trong khi đó, nguồn lực đổ vào cũng không nhỏ, nên doanh nghiệp buộc phải tính toán dòng tiền. Chính vì vậy, ông không chỉ dừng lại ở ô tô mà chọn cách sử dụng bài toán chia trứng vào nhiều giỏ để tránh rủi ro. Từ đây, để có thể tăng quy mô doanh nghiệp mình, đóng góp nhiều hơn vào phát triển kinh tế đất nước, ông Trần Bá Dương đã mạnh dạn đưa con thuyền THACO chinh phục những lĩnh vực mới, những vùng đất mới.
Chia sẻ về quãng đường phát triển của THACO, doanh nhân Trần Bá Dương tâm sự, làm công nghiệp đòi hỏi phải có đủ ý chí để vạch ra chiến lược dài hơi, nuôi khát vọng ngay từ đầu. Thành công với ông chính là phát triển doanh nghiệp không giới hạn, điều chỉnh, tìm kiếm những gì mình chưa có, loại bỏ những gì chưa và không cần thiết dù đó đã từng là thế mạnh của mình.
Trong một lần chia sẻ với báo chí, lãnh đạo THACO cho biết, hành trình kinh doanh của ông được chia ra thành hai giai đoạn và mỗi giai đoạn có những tôn chỉ, mục đích khác nhau. Cụ thể, giai đoạn 1 được đánh dấu khi ông vừa mới ra trường, bắt đầu đi làm. Lúc đó, tôn chỉ là kiếm tiền để phụ giúp gia đình, nuôi sống bản thân, và lo được gia đình bằng năng lực của mình.
Giai đoạn 2 là khi đã nhận thức được rằng ta hạnh phúc khi ta đạt được thành công. Hạnh phúc là cảm giác biến giấc mơ thành hiện thực. Hạnh phúc là khi làm được những việc lớn, mang lại lợi ích, giá trị cho nhiều người, cống hiến lớn cho xã hội.
Được biết, giai đoạn 2010 - 2013, khi THACO tròn 15 tuổi, nền kinh tế Việt Nam đối mặt với thách thức và khủng hoảng trầm trọng khi lạm phát cao, lãi suất ngân hàng tăng mạnh, nợ xấu phình to… Khi đó, thị trường tài chính gần như tê liệt, thị trường bất động sản "đóng băng". Lúc này, ông Trần Bá Dương đã nhận được lời mời gọi của UBND TP.HCM đầu tư vào Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Thời điểm đó, dù đã được giải phóng mặt bằng cơ bản, nhưng Thủ Thiêm hoàn toàn hoang hóa. Cụ thể, các công trình hạ tầng giao thông chính dù đã được giao cho các doanh nghiệp nhà nước theo hình thức BT nhưng chưa được triển khai và một số chủ đầu tư bất động sản được giao dự án phần lớn đều đã rút lui.
Với mong muốn đóng góp cho sự phát triển của TP.HCM - đầu tàu kinh tế Việt Nam trong bối cảnh khủng hoảng và muốn có những công trình để đời sau này, cùng với sự mời gọi trọng thị và sự tin tưởng của Lãnh đạo Thành phố, THACO đã quyết định nhận nhiệm vụ đầy thách thức và tiếp tục hành trình "khởi nghiệp" của mình. Một lần nữa, THACO tiếp tục dấn thân và mở rộng hệ sinh thái trong lĩnh vực đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, đô thị với dấu ấn là những công trình nhà ở hiện đại. Ngoài TP.HCM, THACO đã và đang đầu tư xây dựng, phát triển đô thị tại Quảng Nam, Bến Tre…
Khi hội nhập cạnh tranh với các nền kinh tế, khách hàng và thị trường đóng vai trò quan trọng. Phải đề cao khách hàng, giúp khách hàng có được sản phẩm như ý. Tăng tốc nhưng không được vượt ẩu, phải tận tâm và thận trọng để giữ chữ tín. Và trong bối cảnh phải đương đầu với nhiều khó khăn, thách thức, THACO nhận thấy rằng muốn thành công thì phải thực hiện đầu tư xây dựng dự án đồng thời và đồng bộ.
Định hướng trong tương lai, đại diện CTCP Tập đoàn Trường Hải cho biết, trong năm 2024 sẽ tập trung triển khai các dự án hạ tầng giao thông, khu công nghiệp và khu đô thị tại Chu Lai, gồm khu công nghiệp cơ khí - ô tô hiện hữu 243ha; khu công nghiệp cơ khí - ô tô mở rộng 115ha; khu công nghiệp nông nghiệp 451ha; khu cảng, logistics và phi thuế quan 173ha; nạo vét luồng hàng hải Kỳ Hà; khu phi thuế quan, bến cảng Tam Hòa, tuyến luồng Cửa Lở; khu đô thị Chu Lai giai đoạn 1 diện tích 195ha.
Nói ông Trần Bá Dương là người dẫn dắt ngành công nghiệp ô tô Việt Nam là chưa đủ nếu không nhắc đến lần khởi nghiệp thứ ba khi ông đã tiếp tục thử sức với một lĩnh vực rất khác biệt – nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp xanh.
4 năm trước, trong một lần chia sẻ với báo chí, ông Trần Bá Dương đã nói rằng "đến với nông nghiệp là nhờ nhân duyên". Nhân duyên đầu tiên là từ nguyên Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường. Chủ tịch THACO kể lại, từ đầu nhiệm kỳ, ông Nguyễn Xuân Cường đã kêu gọi doanh nghiệp ông tham gia lĩnh vực nông nghiệp mà trước hết là máy móc nông nghiệp. Mối nhân duyên thứ 2 là vào đầu năm 2018, ông Đoàn Nguyên Đức đã chủ động gặp và mời THACO tham gia đầu tư vào công ty nông nghiệp của HAGL là HAGL Agrico khi công ty này gặp khó khăn về tài chính.
Trước khi đi tới quyết định hợp tác với HAGL, ông Trần Bá Dương cũng đã có thời gian dài trăn trở về hướng đi cho nền nông nghiệp theo hướng quy mô lớn, mang tầm khu vực, trở thành mẫu hình mang tính tiên phong để đột phá và nâng tầm ngành nông nghiệp Việt Nam. Nhận thấy tiềm năng ở mảng nông nghiệp của Hoàng Anh Gia Lai, tỷ phú Trần Bá Dương đã quyết định đầu tư cả chục ngàn tỷ đồng vào Công ty Nông nghiệp Hoàng Anh Gia Lai ngay trong năm đầu tiên.
Việc một tập đoàn định hướng phát triển công nghiệp ô tô "rẽ ngang" sang làm nông nghiệp, thương mại, logistics đã làm dấy lên nghi ngại của dư luận về mục tiêu kinh doanh cốt lõi. Nhưng không để dư luận và thị trường thất vọng, ông Trần Bá Dương tiếp tục "đánh đâu thắng đó". Ông đã và đang miệt mài định hình nền tảng nhằm gây dựng một nền sản xuất nông nghiệp bài bản cho những bước đi thật lâu và thật xa.
Pha "bẻ lái" vào nông nghiệp của tỷ phú Trần Bá Dương từng khiến nhiều người cho rằng "thật điên rồ" nhưng sâu xa, từng bước đi đều đã được ông định hình rõ ràng.
Cụ thể, vào tháng 8/2018, THACO đã đầu tư mua và sở hữu 27,63% cổ phần HAGL Agrico. Và đến tháng 1/2021, ông Trần Bá Dương được bầu làm Chủ tịch HĐQT của HAGL Agrico, từ đó THACO tiếp quản điều hành các dự án của HAGL Agrico tại Lào.
Tuy là còn "non trẻ" trong lĩnh vực nông nghiệp nhưng kế hoạch phát triển ngành này đã được ông Dương chuẩn bị kỹ theo hướng sản xuất công nghiệp quy mô lớn, áp dụng cơ giới - tự động hóa bằng các thiết bị chuyên dụng và quản trị dựa trên nền tảng số hóa 4.0, theo chuỗi giá trị khép kín và tận dụng được quỹ đất vàng của Hoàng Anh Gia Lai. Từ đó hình thành hệ sinh thái khép kín gồm: Trồng cây ăn trái, chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản, từng bước hình thành trung tâm sản xuất chế biến lâm nghiệp, góp phần tái cơ cấu mạnh mẽ cho nền nông nghiệp nước nhà, đóng góp cho mối quan hệ quốc tế với các nước bạn Lào, Campuchia, Myanmar…
Điều đáng nói, bức tranh về những đàn bò, đàn lợn hàng chục ngàn con, những trang trại chuối và cây trái quy mô hàng chục nghìn héc-ta đã làm thay đổi quan niệm bấy lâu về làm nông nghiệp của người Việt Nam. Qua đó cũng thấy được tầm nhìn xa và những bước đi vô cùng chắc chắn của ông Trần Bá Dương là hướng tới hoạt động cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp quy mô lớn và đã là quy mô lớn thì buộc phải cơ giới hóa chứ chỉ có con người không thể đáp ứng được.
Trên nền tảng công nghệ, thiết bị và kinh nghiệm trong nhiều năm sản xuất, quản trị về cơ khí ô tô, tổ hợp cơ khí THACO Chu Lai đã phát triển cơ khí nông - lâm nghiệp với cách làm khác biệt là nghiên cứu, phát triển sản phẩm và áp dụng trên các nông trường của Thaco tại Lào, Campuchia… Từ đó hoàn thiện quy trình sản xuất, công nghệ, sản phẩm để cung cấp cho các đối tác trong và ngoài nước, hướng đến tạo ra những giá trị mới cho ngành nông nghiệp thông qua phương thức quản lý công nghiệp.
Được biết, đây là bước đi phù hợp trong bối cảnh cơ giới hóa trở thành yêu cầu cấp thiết trong sản xuất nông nghiệp hiện nay, đồng thời đáp ứng chiến lược phát triển đa ngành của THACO, trong đó nông nghiệp được xác định là lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính.
=========
Những năm 2000, thị trường nổi lên hình ảnh của ông Trần Bá Dương - một vị thuyền trưởng đầy nhiệt huyết, đầy ước mơ cùng khát vọng cho một tương lai tươi sáng của ngành công nghiệp sản xuất ô tô Việt Nam. Sau hơn 20 năm, nhiệt huyết ấy vẫn chưa dừng lại mà gắn liền với một hoài bão lớn hơn – đó là khát vọng hiện đại hóa nền nông nghiệp nước nhà. Với THACO, làm nông nghiệp thành công cũng là trách nhiệm với đất nước, giống như mơ ước đã đạt được ở ngành cơ khí và ô tô.
"Tôi quan niệm, khi làm gì cũng phải nghĩ đến cạnh tranh tầm quốc gia. Nền kinh tế của Việt Nam xuất phát là nông nghiệp với lực lượng lao động cần cù và xuất thân từ nông thôn. Nếu chúng ta tạo ra nền sản xuất nông nghiệp tốt để nguồn nhân lực này quay về nông thôn sản xuất nông nghiệp với thu nhập ổn định thì chắc chắn có lực lượng sản xuất tốt hơn các quốc gia khác", ông Trần Bá Dương bộc bạch.
Có thể nói, sự thành công của THACO là minh chứng rõ ràng rằng môi trường Việt Nam hoàn toàn có thể phát triển và sinh ra những doanh nghiệp tầm cỡ. THACO và doanh nhân Trần Bá Dương đã thôi thúc tinh thần dám nghĩ, dám làm từ đó truyền cảm hứng vào sự thành công cho nhiều doanh nghiệp khác. THACO cũng chính là hiện thân của "những con sếu đầu đàn", là hình ảnh chân thực nhất của một doanh nghiệp có tầm nhìn xa, khát vọng lớn. Sau cùng, THACO đã viết nên một trong những chương quan trọng trong cuốn sách về cải cách kinh tế thành công của Việt Nam sau thời kỳ đổi mới đất nước.
Với tư duy phát triển doanh nghiệp "không giới hạn", khát vọng làm mới mình và và luôn cống hiến, hướng về đất nước, giấc mơ THACO, hành trình của doanh nhân Trần Bá Dương vẫn sẽ tiếp tục tiến bước và gặt hái nhiều trái ngọt. Trải qua 27 năm thăng trầm, THACO đang vững bước trên con đường kinh doanh và trở thành một tập đoàn lớn mạnh, vì sự phát triển và phồn vinh của đất nước./.
Dấu ấn của một doanh nghiệp phát triển bền vững, vì cộng đồng
Trong suốt 27 năm hình thành và phát triển, Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường Hải (THACO) không chỉ đóng góp quan trọng trong sự phát triển kinh tế đất nước mà còn phát huy vai trò tiên phong trong việc thực hiện trách nhiệm với cộng đồng thông qua các chương trình an sinh xã hội.
Theo người đứng đầu tập đoàn, để đánh giá một doanh nghiệp phát triển bền vững không chỉ dừng lại ở việc doanh nghiệp ấy tạo ra bao nhiêu việc làm cho người lao động, đóng góp như thế nào cho ngân sách nhà nước mà còn phải đánh giá đến yếu tố phi tài chính, trong đó bao gồm trách nhiệm xã hội - chính là đóng góp cho sự phát triển của cộng đồng.
Chính vì vậy, ngay từ những ngày đầu thành lập, doanh nhân Trần Bá Dương cùng ban lãnh đạo THACO đã đặt ra sứ mệnh đồng thời là kim chỉ nam cho hành trình phát triển của doanh nghiệp là: "Mang lại giá trị cho khách hàng, đối tác, xã hội và phát triển kinh tế đất nước với tinh thần tận tâm phục vụ" với tôn chỉ "phát triển bền vững và thực thi trách nhiệm xã hội".
Cụ thể, trong 27 năm qua, THACO đã xem công tác thực hiện trách nhiệm đối với xã hội là nhiệm vụ hàng đầu. Hàng năm Thaco đều hỗ trợ các quỹ như: Đền ơn đáp nghĩa; Vì nạn nhân chất độc da cam/dioxin; Quỹ vì người nghèo; Quỹ học bổng; Quỹ phát triển tài năng trẻ; Quỹ Bảo trợ Trẻ em nghèo; Tiếp sức đến trường cho Tân sinh viên… Đóng góp tích cực trong nhiều lĩnh vực như: An ninh Tổ quốc, An sinh xã hội, An toàn giao thông, Giáo dục, Văn hóa - Văn nghệ, Y tế, Thể thao, Vì người nghèo, trao học bổng…
Đặc biệt, trong giai đoạn đại dịch Covid-19, mặc dù hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp cũng đối mặt với không ít những khó khăn nhưng Thaco vẫn kiên định với tôn chỉ đã đặt ra thông qua việc tài trợ gần 1.100 tỷ đồng phòng chống dịch Covid-19. Cùng với đó, Thaco cũng đã hỗ trợ 100 xe tiêm chủng cơ động cho các tỉnh, thành nhằm giúp công tác tiêm vắc-xin được dễ dàng, thuận lợi đến tận các vùng sâu, vùng xa.
Với mong muốn giúp đỡ hoàn cảnh khó khăn, từ năm 2017 đến nay, THACO đã đồng hành cùng chương trình "Việc tử tế" của Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) tổ chức nhiều "Chuyến xe tử tế" đến với những địa phương ở vùng sâu, vùng xa. Dấu ấn để lại trên những vùng đất đã đến là những sân chơi, thư viện; phòng học cho trẻ em nhà ở cho đồng bào nghèo…
Bên cạnh đó, THACO cũng phát động và tổ chức thường niên nhiều chương trình hiến máu tình nguyện. Với thông điệp "Một giọt máu - Triệu tấm lòng", hàng trăm đơn vị máu của cán bộ nhân viên THACO đã góp phần hỗ trợ cấp cứu và điều trị cho những người bệnh cần, chung tay vì sức khỏe cộng đồng.
Đáng chú ý, luôn đau đáu khát vọng có thêm nhiều doanh nhân, người tài cùng chung khát khao đưa Việt Nam vươn tới những tầm cao mới, tỷ phú Trần Bá Dương đã hỗ trợ hàng trăm tỷ đồng cho Quỹ đầu tư khởi nghiệp của Trung ương Đoàn, là nhà tài trợ chính của các Chương trình Đường lên đỉnh Olympia, Khởi nghiệp quốc gia, Cà phê khởi nghiệp...
Nhìn lại chặng đường 27 năm đã qua có thể khẳng định, song song với những thành quả ấn tượng trên hành trình xây dựng và phát triển kinh tế đất nước, THACO nói chung và doanh nhân Trần Bá Dương nói riêng đã thành công trong việc xây dựng hình ảnh một doanh nghiệp phát triển bền vững vì cộng đồng thông qua công tác an sinh xã hội ý nghĩa và lan tỏa những giá trị nhân văn sâu sắc./.