Aa

Chú trọng chuyển giao, làm chủ công nghệ khi thực hiện Dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam

Dương Minh Anh
Dương Minh Anh duongminhanh070902@gmail.com
Thứ Năm, 21/11/2024 - 10:53

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội thảo luận toàn thể ở Hội trường về chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, chiều 20/11. Việt Nam cần ưu tiên lựa chọn công nghệ hiện đại khiến nhiều nhà cung cấp sẵn sàng chuyển giao công nghệ thay vì lựa chọn nhà cung cấp theo quốc gia.

Triển khai thực hiện Dự án theo phương thức chuyển giao công nghệ để làm chủ quá trình đầu tư

Đại biểu Hoàng Văn Cường, Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội đánh giá, Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam là dự án đầu tư lớn, có tầm quan trọng đối với sự phát triển lâu dài, ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực của đất nước, cần phải đánh giá kỹ dưới các góc nhìn đa chiều để lựa chọn được phương án triển khai phù hợp nhất.

Đại biểu Hoàng Văn Cường, Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội. (Ảnh: Cổng thông tin điện tử Quốc hội)

Đại biểu Hoàng Văn Cường, Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội. (Ảnh: Cổng thông tin điện tử Quốc hội)

Theo đại biểu, việc đầu tư dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam phải thực hiện theo phương thức chuyển giao công nghệ để Việt Nam làm chủ quá trình đầu tư, phát triển ngành công nghiệp đường sắt trong nước.

Nhìn từ bài học kinh nghiệm từ 2 tuyến đường sắt đô thị tại Hà Nội (Cát Linh - Hà Đông, Nhổn - Ga Hà Nội) và tuyến Bến Thành - Suối Tiên (TP.HCM), đại biểu Hoàng Văn Cường cho biết, cả ba dự án này đều do các nhà thầu nước ngoài thi công trọn gói. Tuy nhiên, khi gặp phải những điều kiện không thuận lợi, các nhà thầu đã dừng thi công và yêu cầu xử phạt vì thời gian chờ đợi. Việc bảo trì, sửa chữa và thay thế thiết bị trong quá trình vận hành cũng luôn phụ thuộc vào các nhà cung cấp nước ngoài.

Đại biểu bày tỏ lo ngại về khả năng dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam tiếp tục bị đấu thầu cho các nhà cung cấp nước ngoài như các dự án trước đó. Như vậy, ngoài nguy cơ về thời gian và chi phí không thể kiểm soát, điều đáng lo ngại hơn là sự lệ thuộc lâu dài vào các nhà thầu nước ngoài; từ đó, tạo ra rủi ro lớn về an ninh kinh tế và chủ quyền công nghệ.

"Noi theo thành công từ việc triển khai tuyến đường dây 500KV mạch 3, Dự án này được hoàn thành nhanh chóng đó là nhờ việc làm chủ công nghệ và trực tiếp thi công trong nước nên có thể vượt nắng, thắng mưa, quyết tâm hoàn thành theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ", đại biểu này khẳng định.

Ngoài ra, theo đại biểu Hoàng Văn Cường, nếu kết hợp Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam với các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP.HCM, Việt Nam sẽ có một thị trường đường sắt lớn, với tổng giá trị lên tới khoảng 150 tỷ USD. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp trong nước nhận chuyển giao công nghệ, tự sản xuất và thi công các dự án đường sắt. Thậm chí, các doanh nghiệp trong nước hoàn toàn có thể tự phát triển công nghệ đường sắt, chỉ cần nhập khẩu một số thiết bị đặc thù như đầu máy, hệ thống điều khiển.

Chính vì vậy, theo đại biểu, việc lựa chọn nhà cung cấp cần phải chú trọng vào công nghệ và khả năng chuyển giao công nghệ, thay vì chỉ quan tâm đến quốc gia cung cấp. Việc tạo ra một thị trường cạnh tranh với nhiều nhà cung cấp sẵn sàng chuyển giao công nghệ sẽ giúp Việt Nam phát triển mạnh mẽ ngành công nghiệp đường sắt trong tương lai.

Cũng bàn về công nghệ, đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy, Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh phân tích, trên thế giới có Nhật Bản, Pháp, Đức, Ý là những quốc gia tự phát triển và làm chủ hoàn toàn công nghệ đường sắt tốc độ cao. Trung Quốc, Hàn Quốc, Tây Ban Nha đều là các nước nhận chuyển giao công nghệ và tiến tới làm chủ công nghệ. Như vậy, có thể thấy, cả thế giới có 4 quốc gia sở hữu công nghệ gốc nhưng có 2 quốc gia phát triển đường sắt tốc độ cao và đạt được nhiều thành tựu nổi bật về công nghệ, cụ thể là Pháp và Nhật Bản. Điều quan trọng là nước ta lựa chọn đối tác làm đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam không phải dựa trên tiêu chí giá cả mà ở góc độ chuyển giao công nghệ và sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam hiện đại hoá công nghiệp đường sắt.

Đại biểu cũng nhấn mạnh, theo dự thảo, thời gian triển khai Dự án từ năm 2025 và sẽ phấn đấu cơ bản hoàn thành vào năm 2035 là quá dài, trong khi Nhật Bản - quốc gia đầu tiên triển khai đường sắt tốc độ cao cách đây 60 năm cũng chỉ cần hơn 5 năm để hoàn thành, Trung Quốc cũng chỉ cần gần 5 năm cho đường sắt tốc độ cao đầu tiên của quốc gia mình. Và gần nhất là Indonesia cũng cần 7 năm (tính cả thời gian kéo dài)...

Đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy, Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh. (Ảnh: Cổng thông tin điện tử Quốc hội)

Đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy, Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh. (Ảnh: Cổng thông tin điện tử Quốc hội)

Đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy cho rằng, với bài học từ 22 quốc gia đã thực hiện, với công nghệ phát triển nhanh chóng và hiện đại, quốc tế hóa như hiện nay, chúng ta hoàn toàn có thể "đi tắt đón đầu", rút ngắn hơn nữa thời gian triển khai dự án. Đồng thời, khi nhìn lại quá trình triển khai dự án của các quốc gia, điểm chung là thời gian chuẩn bị đầu tư của họ dài nhưng tiến độ thi công dự án lại rất nhanh, cho thấy việc chuẩn bị dự án rất được coi trọng, xem xét thấu đáo các nguồn lực, đánh giá tác động, các phương án phát sinh rất toàn diện, kỹ lưỡng.

Do vậy, đại biểu đề nghị giảm thời gian thực hiện dự án xuống dưới 10 năm với tinh thần chuẩn bị dự án thận trọng nhưng triển khai dự án "thần tốc". Cho rằng "chuyển mình chậm là lạc hậu với thế giới", đại biểu nêu rõ, cần triển khai dự án thần tốc để tận dụng cơ hội phát triển trong bối cảnh thế giới biến đổi nhanh chóng, tạo động lực mạnh mẽ cho Việt Nam bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Cần đảm bảo tính phổ quát trong lựa chọn công nghệ

Tham gia thảo luận về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn, Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương đề nghị Bộ Giao thông Vận tải cần có chiến lược rõ ràng trong việc lựa chọn công nghệ hiện đại, nhưng vẫn phải đảm bảo tính phổ quát, nhằm tăng cường sự cạnh tranh trong việc lựa chọn đối tác cung cấp sản phẩm và sẵn sàng chuyển giao công nghệ cho Việt Nam. Đồng thời, đề án phát triển công nghiệp cần phải xây dựng một lộ trình chi tiết, cùng với các nguồn lực cụ thể, để đảm bảo công tác chuyển giao và tiếp nhận công nghệ diễn ra phù hợp với tiến độ của dự án.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn, Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương. (Ảnh: Cổng thông tin điện tử Quốc hội)

Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn, Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương. (Ảnh: Cổng thông tin điện tử Quốc hội)

Về vấn đề tiếp nhận chuyển giao công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực, đại biểu cho rằng, công tác này thường gắn liền với quá trình chuẩn bị dự án, đầu tư xây dựng, cũng như việc mua sắm thiết bị và phương tiện. Do đó, trong giai đoạn tiếp theo, các khoản chi phí liên quan đến chuyển giao công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực cần được làm rõ và phân bổ hợp lý, gắn với trách nhiệm cụ thể của các bên tham gia dự án nhằm đảm bảo tính khả thi và sự đồng bộ trong việc đáp ứng nhu cầu nhân lực, không chỉ trong ngắn hạn mà còn lâu dài, đặc biệt trong bối cảnh ngành công nghiệp mới nổi, như công nghệ AI, blockchain, và chip bán dẫn.

"Để dự án có thể hoàn thành đúng tiến độ vào năm 2035, cần huy động tối đa các nguồn lực trong và ngoài nước. Đây là một dự án phức tạp, chưa có tiền lệ, do vậy, cần đặc biệt chú trọng đến việc thuê các tư vấn quốc tế có năng lực để hỗ trợ chủ đầu tư trong việc quản lý dự án, lựa chọn tư vấn thiết kế và thẩm tra có năng lực thực sự, đảm bảo dự án được hoàn thành nhanh chóng và đạt chất lượng cao nhất", đại biểu nhấn mạnh.

Đặc biệt, đại biểu này nêu rõ, cần tiếp tục rà soát và đề xuất các chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai các bước tiếp theo của dự án./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top