Ngày xưa đi học cấp một (Tiểu học bây giờ), tôi khốn khổ vì cái trò học thuộc lòng. Ngồi trên lớp cô giáo cho cả lớp đọc bài ra rả nhưng tôi hầu như chẳng cho được cái gì vào đầu.
Mỗi hôm đầu buổi học lúc cô giáo kiểm tra bài cũ là thời khắc khốn khổ của tôi. Ngồi dưới nhìn mấy đứa bạn bị gọi lên trước mà tim đập chân run. Lần nào bị gọi kiểm tra tôi cũng lên đứng ì trên bục trước cả lớp, mặt tái dại, miệng lí nhí vài câu vô nghĩa... Rồi nhận cái mác (điểm 1) hoặc con ngỗng quay béo mầm (điểm 2) về chỗ.
Cô giáo bảo với bố mẹ tôi là tôi hầu như không có một chữ nào trong đầu! Sau này lớn lên nghĩ lại tôi thấy lời cô giáo là đúng. Bởi khi ấy tôi đi học đâu phải để đi... học. Tôi và lũ bạn trong làng tôi đến trường là để đi... chơi!
Với bọn trẻ con làng tôi khi ấy, đến trường chỉ là cái cớ để chúng tôi tung tăng. Đường từ nhà đến trường qua một quãng đê ngắn, mà nếu chăm chú đi thì dù là trẻ con cũng chỉ hết độ mười lăm phút là cùng. Thế nhưng không, bọn con trai chúng tôi chả bao giờ đi thẳng theo đường đê. Chúng tôi luôn đi vòng qua cánh bãi sông, xuống sát mép nước sông Đuống vừa đi vừa khám phá. Tìm bắt tổ chim sáo hay đuổi theo bọn cun cút lẩn trốn trong bụi rậm.
Ngày ấy hai bên bờ sông Đuống lau lách cây dại mọc tốt như rừng. Mùa nước lũ, dòng sông cuồn cuộn đỏ rực phù sa cuốn từ trên thượng nguồn xuống cơ man nào những thứ lạ mắt. Những cành cây củ cây rừng đen bóng, có hôm cả một buồng chuối rừng toàn hạt đen sì chát xít dạt vào bãi bồi...
Lan man theo bờ sông chán chê, đến gần trường chúng tôi mới lại quay lại cánh bãi để vào lớp. Bởi vẽ đường đi chơi như vậy nên chúng tôi thường hay bị muộn học, bị cô giáo bắt đứng xếp hàng dọc trật tự một lúc ngoài sân trường rồi mới cho vào lớp. Nhưng thế hãy còn là khá. Tôi nhớ một lần vào mùa ngô sắp trổ bắp xanh rì, bọn tôi chơi ở bờ sông chán rồi vẫn chưa muốn vào trường, bèn rủ nhau chia hai bên chơi trận giả trong cánh đồng ngô. Đuổi nhau hò hét tưng bừng. Chơi vui và hăng quá, đến lúc tỉnh ra rủ nhau chạy vào lớp thì ôi thôi, chỉ còn một tiết sinh hoạt chiều thứ Bảy!
Cô giáo dạy chúng tôi năm ấy trẻ lắm, mới ra trường. Cô ngồi nhìn lũ học trò lốc nhốc như giặc cỏ mà bất lực, không nói sao được. Cô ngồi khóc. Trận ấy, cả lũ con trai bọn tôi về nhà thằng nào cũng ăn ít là dăm con lươn vào đít...
Học và chơi như thế nên có năm tôi bị… “đúp”. Có chữ nào trong đầu đâu mà chả phải học lại! Thế nhưng rồi mãi cũng học xong cấp một trường làng như ai. Qua hết những năm cấp một lâu rồi, tôi vẫn nhớ được mấy câu trong bài ca dao về mùa vụ thời ấy trong sách giáo khoa:
“Tháng giêng trồng đậu
Tháng hai trồng cà
Tháng ba cày vỡ ruộng ra
Hoa gạo rụng xuống thì ta gieo vừng.”
Có lẽ là do trên đường đi học xuống bờ sông xưa có một cây gạo cổ thụ. To lắm. Đến tháng Ba mùa xuân hoa nở đỏ ối cả một vùng. Rồi rụng rơi tơi tả xuống các khu ruộng xung quanh.
Người ta dắt trâu vào cứ thế cày lên, những tảng đất phù sa nâu non nục nạc lật ngửa úp kín hết những bông hoa gạo đỏ chói vừa rụng. Mấy bà mấy chị vác cuốc, vồ đi theo băm đập phù sa cho nhỏ ra rồi gieo hạt vừng xuống. Gặp mưa rào đầu mùa cây vừng lên tua tủa chỉ sau một đêm.
Vài tháng sau nhãng ý mải chơi là tôi đã thấy mẹ đi nhổ vừng về phơi ở sân. Đập lấy hạt, sàng sẩy sạch sẽ rồi rang lên. Thêm mấy củ lạc và muối rang nữa. Tất cả giã nhỏ, trộn đều để vào trong lọ ăn dần.
Món muối vừng thần thánh thời thơ ấu của mẹ vẫn thơm ngon đến tận bây giờ. Mỗi khi đi học về muộn, chỉ cần xới bát cơm, rắc tí muối vừng vào là chén ngon lành. Tôi mê lắm, bởi nhai kỹ sẽ thấy béo bùi thơm nức ngon ngọt làm sao! Có lẽ vì thế mà tôi nhớ và thuộc nằm lòng được câu ca dao “... hoa gạo rụng xuống thì ta gieo vừng…”!