Aa

Khi học trò nói xấu thầy sau lưng

Thứ Tư, 07/11/2018 - 06:00

Yêu được tha nhân mới là tình yêu lớn. Dạy nó để mai này nó quăng thân vào cuộc đời không bị gió bão quật ngã. Nó lớn lên, hạnh phúc chất ngất chân trời góc bể, chả cần nhớ đến thầy. Nhưng khi nó thất bại, lê lết trở về, nhiều đứa tìm đến thầy mong được chỉ bảo tiếp. Đã làm thầy thì không được chấp nê học trò. Vì thế, kể cả khi nó bạc, vẫn phải tận tâm khuyên bảo nó điều hơn lẽ thiệt, chỉ cho nó những việc khôn ngoan cần làm.

Đạo thầy trò từ xa xưa không cho phép học trò nói xấu thầy. Bởi vì thầy dạy mình là người cha tinh thần. Đã là cha mẹ thì có quyền mắng mỏ, dọa nạt, thậm chí phạt bằng đòn roi, trong khi là phận “con”, mình không được quyền nói hỗn. Nói hỗn với thầy là phạm vào tội báng bổ, bất hiếu. Lễ giáo nghiêm cẩn này thể hiện rõ nhất ở phong tục thăm hỏi ngày Tết, là ngày lễ trọng nhất trong năm có sự chứng kiến của thần linh, trời đất. Theo đó mùng Một tết Cha (bên nội), mùng Hai tết Mẹ (bên ngoại), mùng Ba tết Thầy.

Nhưng để có được những hành xử thiêng liêng đó, không phải cứ tự nhiên mà có. Làm thầy thực sự còn khó hơn làm cha mẹ. Bởi vì cha mẹ yêu thương con ruột mình là lẽ đương nhiên, dễ hơn gấp trăm lần người Thầy yêu học trò. Yêu học trò là yêu người khác. Yêu được tha nhân mới là tình yêu lớn. Dạy nó chữ, dạy nó đạo làm người, dạy nó cách hành xử để mai này nó quăng thân vào cuộc đời không bị gió bão quật ngã. Nó lớn lên, hạnh phúc chất ngất chân trời góc bể, chả cần nhớ đến thầy, chả cần biết thầy sướng khổ, ốm đau bệnh tật ra sao. Nhưng khi nó thất bại, lê lết trở về, nhiều đứa tìm đến thầy mong được chỉ bảo tiếp. Đã làm thầy thì không được chấp nê học trò. Vì thế, kể cả khi nó bạc, vẫn phải tận tâm khuyên bảo nó điều hơn lẽ thiệt, chỉ cho nó những việc khôn ngoan cần làm.

Làm thầy cô khó hơn làm cha mẹ: Cô dạy nét chữ cô rèn nết người!

Làm thầy cô khó hơn làm cha mẹ: Cô dạy nét chữ cô rèn nết người!

Liệu người thầy ngày nay có giữ được cốt cách, nhân cách, sự yêu thương đầy bao dung của người thầy xưa?

Tôi thì không tin.

Tôi cũng đã từng được vinh dự vào vai người thầy gần chục năm, vì thế tôi rất buồn khi thấy các em học sinh nói xấu cô giáo chủ nhiệm lớp sau lưng như những gì vừa xảy ra ở Thanh Hóa. Nhưng tôi còn buồn hơn bởi cách ứng xử của cô chủ nhiệm và nhà trường. Cô giáo đã làm đúng quy định của trường khi thu điện thoại của học sinh trong giờ học. Nhiều nước trên thế giới cũng phải làm thế, vì muốn các em tập trung vào học hành. Nhưng cô đã sai, rất sai khi tự ý xem thông tin cá nhân của người khác. Tôi dùng chữ người khác, là muốn nhấn mạnh quyền riêng tư, quyền bí mật thông tin cá nhân là quyền công dân, được Hiến định. Chúng ta không nên làm to chuyện, nhưng chuyện này quả thật không hề là chuyện bé.

Tôi đã cố ý đưa hai chữ “sau lưng” vào đầu đề, vì việc nói xấu ai đó sau lưng, với việc mắng mỏ, xúc phạm họ trực tiếp, là hai trạng thái tình cảm khác nhau. Khi phải nói vụng sau lưng cô, chứng tỏ các em vẫn còn biết sợ việc mình làm, biết việc đó là sai trái. Mặt khác, nó cho thấy các em đã bị đẩy đến chỗ không thể tương tác với cô được nữa. Nguyên nhân từ đâu thì chính cô phải là người tự vấn trước và tự vấn một cách nghiêm khắc. Nhưng cô đã không làm thế. Cô quên mất rằng mình là người mẹ tinh thần của các em. Vì chỉ nghĩ đến bản thân, cô quyết định ngay các em là những phần tử xấu xa, ngang bằng với mình về trách nhiệm công dân. Đây là sự đáng tiếc lớn và là gốc rễ của bi kịch như mọi người đang thấy: Các em bị nhà trường đuổi học, trong khi không chỉ mình các em sai.

Cô giáo thân mến, nếu là tôi, tôi sẽ tự hỏi mình: Vì sao các em nói xấu mình sau lưng? Vì sao mình nói chúng nó không nghe? Chỉ cần hỏi thế và thành thật, nhất định cô sẽ tìm ra chỗ sơ suất. Thầy vẫn có thể sai. Nhưng thôi, bỏ qua chuyện sai, đúng. Lớn hơn cả sai đúng, là đạo thầy trò. Học trò cần được yêu thương cả khi chúng lầm lạc. Trẻ con hư là chuyện thường. Chúng hư, nhưng lỗi phần lớn lại thuộc về người lớn. Tôi tin rằng, việc chúng nói xấu cô bền bỉ như vậy, tai quái và hỗn láo như vậy, không phải là ý thích của chúng. Một em thì có thể. Nhưng cả một nhóm các em thì nhất định người lớn phải suy xét.

Tiếc rằng cô không đủ bao dung, không đủ tự tin để hẹn riêng các em, trà chanh chém gió, lạc rang bắp nướng, rồi hỏi thẳng các em cô đã có lỗi gì, rằng cô chỉ mong các em giỏi giang, nên người, chả lẽ thế là cô có lỗi? Đừng đánh giá thấp sự trải đời của bọn trẻ. Vấn đề mấu chốt ở đây chỉ là, mình có yêu thương, lo lắng cho chúng nó một cách thật lòng, như cách những người thầy lớn xưa nay vẫn làm? Lòng yêu thương không bao giờ chỉ đường sai, một khi chúng ta phải quyết định nên đi lối nào.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top