Vốn tín dụng "chảy vào" bất động sản chưa hồi phục
Theo báo cáo mới nhất từ Bộ Xây dựng, dựa trên số liệu của NHNN, tháng 6/2024, tăng trưởng tín dụng cả nước đạt 3,6%, cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng của 5 tháng đầu năm cộng lại.
Tuy nhiên, đáng chú ý là một trong những lĩnh vực cho vay chính của tăng trưởng tín dụng là bất động sản lại giảm mạnh do nhu cầu vay vốn của người dân và doanh nghiệp bất động sản có xu hướng chậm lại.
Tại thời điểm cuối tháng 3/2024, dự nợ tín dụng kinh doanh bất động sản đạt gần 1,163 triệu tỷ đồng. Song đến cuối tháng 5/2024, con số này chỉ tăng thêm 43.000 tỷ đồng, đạt 1,205 triệu tỷ đồng.
Theo Bộ Xây dựng, nguyên nhân của việc chậm tăng trưởng tín dụng bất động sản là do giá nhà đang chênh lệch quá lớn so với thu nhập của người dân. Chính vì vậy, nhiều người dân không dám sử dụng đòn bẩy tài chính để mua nhà, dù lãi suất thời gian qua đã về mức thấp. Còn với các doanh nghiệp bất động sản, hoạt động kinh doanh tuy có phục hồi nhưng còn chậm, không ít doanh nghiệp vẫn trong trạng thái chật vật để duy trì.
Chia sẻ về dòng vốn tín dụng chảy vào bất động sản thời gian qua, ông Nguyễn Quang Ngọc, Phó Trưởng Ban chính sách tín dụng Agribank cũng cho biết, từ tháng 4/2023, ngân hàng này đã dành 30.000 tỷ đồng với mức lãi suất hỗ trợ 2%, để cho vay đối tượng khách hàng là pháp nhân, cá nhân đầu tư dự án và mua nhà ở tại các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo xây dựng lại chung cư cũ thuộc danh mục do Bộ Xây dựng công bố.
Tuy nhiên, tính đến 31/7/2024, Agribank mới phê duyệt 13 dự án nhà ở xã hội và 113 khách hàng là người mua nhà với tổng số tiền phê duyệt là 3.065 tỷ đồng, dư nợ là 731.523 triệu đồng.
Tương tự, Tổng Giám đốc Vietcombank Nguyễn Thanh Tùng cũng chia sẻ, tính đến hết ngày 17/6, tăng trưởng tín dụng của ngân hàng này mới đạt 2,1%. Nguyên nhân là do tín dụng cá nhân, chủ yếu là vay mua bất động sản tăng trưởng chậm, thậm chí còn tăng trưởng âm tại quý I/2024.
Trao đổi với Reatimes, đại diện một doanh nghiệp phía Nam cũng thừa nhận, doanh nghiệp bất động sản hiện nay chưa đủ "khỏe" để hấp thụ mạnh dòng vốn tín dụng. Bởi sau hơn 2 năm khó chồng khó, rất nhiều doanh nghiệp bất động sản đã suy yếu, không đủ sức để đáp ứng các điều kiện vay vốn theo quy định hiện hành, dù đã có Thông tư 06 của NHNN về việc cho phép giữ nguyên nhóm nợ.
Với các doanh nghiệp vẫn đảm bảo các điều kiện thì không có dự án, hoặc dự án đang bị "đắp chiếu" do vướng mắc pháp lý chưa được giải quyết. Chính vì vậy, dù lãi suất ngân hàng đã về mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây, khả năng hấp thụ vốn của các doanh nghiệp bất động sản vẫn rất hạn chế.
Về phía người mua nhà, đại diện doanh nghiệp cho biết, giá nhà đang tăng cao cả thị trường trong Nam lẫn ngoài Bắc, khiến gánh nặng vay ngân hàng của người dân sẽ áp lực hơn. Trong khi đó, tình hình công việc và thu nhập trong tương lai của họ chưa có gì đảm bảo. Do đó, không chỉ tín dụng cho kinh doanh bất động sản mà tín dụng cho vay mua bất động sản cũng tăng trưởng chậm trong 6 tháng đầu năm.
"Ở giai đoạn cuối năm 2024, thị trường bất động sản dự kiến sẽ có chuyển biến tích cực hơn nhờ các Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng… có hiệu lực sớm từ 1/8. Từ đó, tín dụng bất động sản có thể sẽ tốt lên, song không nhiều", đại diện doanh nghiệp nhìn nhận.
Giải pháp nào để khơi thông?
Không chỉ đại diện doanh nghiệp mà giới chuyên gia cũng cho rằng, tín dụng "chảy vào" bất động sản khó có thể bứt phá trong nửa cuối năm 2024.
Nói với Reatimes, chuyên gia kinh tế, TS. Huỳnh Thanh Điền nhìn nhận, thị trường bất động sản quý III và quý IV/2024 chưa thể lấy lại phong độ như thời kỳ trước khó khăn. Các chủ thể trên thị trường, từ doanh nghiệp, nhà đầu tư đến người mua thực dù đang dần hồi phục niềm tin và bắt đầu quay trở lại thị trường, song hành trình quay trở lại không dễ dàng do còn nhiều yếu tố cản trở như sức khỏe tài chính, các điều kiện pháp lý, việc hiểu và áp dụng các quy định mới trong luật…
Chuyên gia cho rằng, để khơi thông dòng chảy tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản trong thời gian tới, mặt bằng lãi suất cần được duy trì ở mức thấp dưới 6%. Cùng với đó là nghiên cứu ban hành thêm các gói tín dụng hỗ trợ người mua nhà, không chỉ với người mua nhà ở xã hội mà có thể là cho tất cả các đối tượng mua nhà lần đầu.
Ngoài ra, các Bộ, ngành và NHNN cần sớm ban hành các văn bản, nghị định, thông tư quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành 4 luật mới được thông qua, đảm bảo tính đồng bộ giữa 4 bộ luật, giúp doanh nghiệp, người dân dễ dàng áp dụng.
"Đối với cộng đồng doanh nghiệp, giai đoạn tới cần hướng đến các dự án có đất sạch, pháp lý rõ ràng, hoàn thiện. Điều này sẽ giúp tiến trình giải ngân vốn của các ngân hàng diễn ra thuận lợi hơn, nhất là trong bối cảnh các ngân hàng ngày càng thận trọng trước rủi ro nợ xấu gia tăng. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần hướng đến phát triển các dòng sản phẩm đáp ứng nhu cầu thực để đảm bảo thanh khoản. Có như vậy, cung - cầu mới gặp nhau và tín dụng mới dễ dàng chảy vào", ông Điền nói thêm.
Để thúc đẩy tín dụng ngành bất động sản, trong báo cáo công bố thông tin thị trường nhà ở và bất động sản quý II mới đây, Bộ Xây dựng cũng đã kiến nghị NHNN thực hiện hiệu quả, kịp thời các giải pháp tăng trưởng tín dụng phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; tiếp tục thực hiện có hiệu quả các giải pháp phù hợp để giảm mặt bằng lãi suất cho vay gắn với tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.
Cùng với đó là tập trung chỉ đạo các ngân hàng thương mại nhà nước lớn nghiên cứu xây dựng và cung cấp gói tín dụng cho người mua nhà xã hội với thời hạn vay từ 10 đến 15 năm, lãi suất ưu đãi thấp hơn 3 - 5% so với cho vay thương mại thông thường để đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp có cơ hội, động lực để mua nhà./.