Aa

Tư duy đường làng

Thứ Tư, 14/11/2018 - 06:00

Tư duy kém thì đành phải trả giá. Nhưng việc của tôi, quá lắm chỉ mình tôi chịu thiệt, trở thành trò cười nếu có ai đó biết. Nhưng với lối tư duy “đường làng suy ra đường cao tốc” mà lại làm lãnh đạo, lại có quyền định đoạt những vấn đề lớn của cộng đồng, thì không chỉ gây cười, mà chắc chắn còn gây thảm họa.

Có rất nhiều định nghĩa về tư duy, nhưng nói chung nó đều phản ánh một hoạt động tinh thần gắn với bộ não. Tư duy của ai đó phản ánh không chỉ tri thức, sự sâu sắc trong suy nghĩ, mà còn cho thấy tầm vóc về trí tuệ cũng như tầm nhìn xa hay gần của người ấy.

Một người có kiến văn sâu rộng, từng trải, chăm suy nghĩ, cầu thị, sẽ luôn có tư duy vượt khỏi tầm của những người bình thường khác.

Tôi đang mào đầu cho câu chuyện gắn với tư duy, của chính tôi. Nói trước với bạn đọc, một thứ tư duy thảm hại, là kết quả của lười biếng và vì thế mà thiếu tầm nhìn, đáng là bài học để thỉnh thoảng tôi nhớ lại, khi hòa nhập với thời đại.

Chuyện thế này:

Lần ấy, tôi tự lái xe ô tô cùng mấy người nữa về Mỹ Hào, thuộc tỉnh Hải Dương, để dự lễ viếng người thân của một anh bạn cùng làm với nhau từ thời ở Hòa Bình. Khi đó đường cao tốc 5B đã thông xe, nhưng chưa đi vào khai thác. Nghe tôi kể khổ về đường xá, vừa lòng vòng, vừa nhỏ hẹp, lại không có đèn chiếu sáng, vợ của anh bạn tôi, đang sống tại Hà Nội bảo: “Các bác không thấy con đường cao tốc bên cạnh đấy à? Thông xe rồi, chạy được rồi nhưng chưa thu phí, vì còn đoạn cuối giáp cầu Thanh Trì chưa xong. Lát nữa từ đây ra, các bác lên đấy, chỉ hơn tiếng sau là về tới Ecopak, tiện lắm!”.

Tôi vỗ vào trán “à” lên một  tiếng, như Arsimet phát hiện ra sức đẩy của nước khi ngâm mình trong bể tắm. Dốt quá, có thế mà không nghĩ ra.

Tôi chỉ quên không hỏi vợ của bạn tôi là cô ấy đã đi lần nào chưa.

Vòng trở ra chúng tôi bắt đầu tìm lối lên đường cao tốc. Nó ở ngay bên cạnh, cao hơn so với mặt đường bình thường, xe chạy vun vút. Lát nữa mình cũng thế. Nghĩ thế thấy lòng thật phấn khích. Chúng tôi bèn cho xe chạy men theo con đường bên dưới lầy lội. Trời tối đen, nhưng cứ nghĩ sắp lên mặt đường nhẵn bóng, nên chúng tôi không nản. Xe vật vã một hồi, càng đi càng chẳng thấy lối lên đâu. Trong khi xe chạy 120 km trên một giờ thì cứ vun vút lao qua. Cuối cùng chả biết hỏi ai, chúng tôi đành quay lại, điểm rẽ ban đầu, xe bẩn như trâu đằm bùn và vòng trở về chỉ vì muốn nhanh mà hóa thành chậm hơn so với vòng đi cả tiếng đồng hồ.

Tư duy đường làng: Lùi xe, đi ngược chiều trên cao tốc ắt gây tai nạn thảm khốc.

Tư duy đường làng: Lùi xe, đi ngược chiều trên cao tốc là dễ gây ra tai nạn thảm khốc.

Giá kể tôi hoặc ai đó trong số những người trên xe không quen nghĩ như những anh chàng nhà quê ra tỉnh, với tư duy đường làng, thì chúng tôi phải hiểu ngay ra rằng, đường cao tốc là đường hiện đại, không phải cứ bạ chỗ nào cũng có thể lên được. Nó có điểm lên, điểm xuống cố định, với hệ thống biển báo, đèn chiếu sáng, hướng dẫn rõ ràng, để đảm bảo xe đang lưu thông hơn 100 km/h không ảnh hưởng bởi xe nhập làn. Mỗi điểm lên xuống ấy cách nhau hàng mấy chục ki lô mét. Cứ theo cách nghĩ của tôi (và của ba bốn người cùng ngồi trên xe), thì đường cao tốc làm sao còn là cao tốc nữa.

Tư duy kém thì đành phải trả giá. Nhưng việc của tôi, quá lắm chỉ mình tôi chịu thiệt, trở thành trò cười nếu có ai đó biết. Nhưng với lối tư duy “đường làng suy ra đường cao tốc” mà lại làm lãnh đạo, lại có quyền định đoạt những vấn đề lớn của cộng đồng, thì không chỉ gây cười, mà chắc chắn còn gây thảm họa.

Không thể mang tư duy đường làng ra áp dụng với đường cao tốc! Một câu nói có thể là cũ nhất trong mọi sự cũ. Nhưng tôi vẫn cứ phải nhắc lại, vì cái sự cũ hóa ra có sức sống dai dẳng, có khả năng tàn phá hơn mọi dự đoán và mong muốn.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top