
Vị thế ngành tôn mạ Việt Nam và những "nước cờ chiến lược" của Hoa Sen Group
Trên con đường hội nhập quốc tế, Việt Nam luôn được biết đến là nhà xuất khẩu tôn mạ hàng đầu Đông Nam Á. Trong đó, đóng góp của Hoa Sen Group (Hoa Sen) rất đậm nét khi tiên phong định hình lĩnh vực sản xuất tôn mạ trong nước và đưa thương hiệu tôn mạ Việt Nam vươn ra thị trường quốc tế.
Chiến lược phát triển bền vững cùng sự đầu tư nền tảng đã giúp Tập đoàn kiên tâm, bền chí vượt qua không ít thách thức, khẳng định thương hiệu quốc gia và duy trì vị thế số 1 trong lĩnh vực tôn mạ. Trong gần 24 năm hình thành và phát triển, Hoa Sen còn để lại dấu ấn ở sứ mệnh đồng hành cùng sự phát triển của cộng đồng, xã hội.
*****
Hoạt động sản xuất tôn mạ lần đầu tiên được thực hiện tại Việt Nam vào những năm cuối thập niên 60 với công nghệ và dây chuyền được nhập từ Nhật Bản, còn nguyên liệu là thép cán nguội (CRC) thì được nhập từ Liên Xô, Hàn Quốc. Khi ấy, tôn mạ được sản xuất hết sức thô sơ, ngoài ra, do yếu tố đầu vào gần như là nhập khẩu hoàn toàn với thuế suất cao nên giá trị thặng dư của ngành này không cao.
Giai đoạn 1998 – 1999, công suất toàn ngành chỉ ở mức 100.000 tấn/năm không đủ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước. Đến năm 2002, ngành tôn mạ Việt Nam bắt đầu có sự chuyển mình khi nước ta đã có thể tự nghiên cứu và cải tạo dây chuyền mạ với công nghệ chủ đạo là mạ trục và trợ dung ướt (wet-flux) hoặc trợ dung khô (dry-flux). Tuy nhiên, phương pháp mạ này vẫn không có gì quá đặc biệt, công suất thấp và môi trường sản xuất độc hại do hơi lưu huỳnh chống oxy hóa tại chảo mạ. Những năm tiếp theo, ngành tôn mạ xuất hiện các công nghệ mạ mới, điển hình là công nghệ mạ dao gió. Mặc dù có cải tiến hơn so với những công nghệ cũ nhưng nhìn chung là vẫn cho công suất không cao. Năm 2004, công suất sản xuất tôn mạ toàn ngành của Việt Nam chỉ đạt 500.000 tấn/năm.
Từ sự lạc hậu, quy mô sản xuất manh mún, ngành tôn mạ đến nay đã tiến những bước rất dài và sản phẩm có mặt tại nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Năm 2024, tôn mạ kim loại và tôn phủ màu của Việt Nam đạt sản lượng gần 5,7 triệu tấn, trong đó sản lượng xuất khẩu đạt gần 3 triệu tấn, chiếm 52,5%. Yếu tố quan trọng nhất để vươn tới những thành tựu hôm nay chính là nền tảng về chất lượng với sự tự chủ về công nghệ và công suất mà trong đó Hoa Sen đóng vai trò tiên phong.
Hoa Sen là doanh nghiệp đầu tiên mang công nghệ mạ NOF (Non Oxidizing Process) ứng dụng vào quy trình sản xuất tôn mạ từ năm 2007. Thời điểm đó, NOF là công nghệ hiện đại nhất của Việt Nam, cho ra các sản phẩm tôn lạnh, tôn lạnh màu có chất lượng ngang với sản phẩm nhập khẩu. Tôn được mạ bằng công nghệ NOF có khả năng chống ăn mòn tốt, bảo trì dễ dàng, độ bền cao gấp 4 lần tôn mạ thông thường, khả năng hấp thụ ánh nắng mặt trời thấp, không bị nứt gãy, các sản phẩm có sự đồng nhất về quy cách, đáp ứng tiêu chuẩn của các công trình xây dựng...
Kể từ đây, lĩnh vực sản xuất tôn mạ chứng kiến một bước ngoặt lớn khi không còn phải phụ thuộc quá nhiều vào nhập khẩu, đồng thời cũng tiết giảm được chi phí thuế với thuế suất 12 – 15% cho các ngành công nghiệp khác liên quan.
Nhờ ứng dụng thành công công nghệ mới, Hoa Sen đã hoàn thiện được chuỗi giá trị gia tăng liên tục với biên lợi nhuận gộp từ 15 - 25%, cao nhất ngành thép Việt Nam.
Từ những thành công ở trong nước, Hoa Sen lấy đó làm bệ phóng để mang tôn mạ thương hiệu Việt vươn ra chinh phục thị trường quốc tế. Bắt đầu bằng các thị trường tại khu vực ASEAN như Indonesia, Thái Lan và Campuchia với sản lượng khoảng vài trăm tấn một tháng, mặc dù chưa nhiều, nhưng đã nhen nhóm tia hy vọng về tương lai tươi sáng cho tôn mạ Việt trên thị trường nước ngoài.




Hoạt động xuất khẩu tôn mạ của Hoa Sen Group.
Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) Trần Việt Hòa khẳng định, ngành tôn mạ với vai trò dẫn dắt của các doanh nghiệp trong nước đã từng bước khẳng định được vị thế của mình trên thị trường trong và ngoài nước.
"Các doanh nghiệp tư nhân thực sự đã lĩnh xướng vai trò đầu tàu trong việc đầu tư sản xuất, đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực và hoạt động hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh. Các số liệu cho thấy ngành đã tiếp cận được các thị trường khó tính như Hoa Kỳ, EU. Với EU, ngành tôn mạ Việt Nam thậm chí đã chiếm được một thị phần lớn với trên 56%", ông Hòa nhìn nhận.
Theo ông, việc chiếm được thị phần lớn của các thị trường khó tính có thể minh chứng cho khả năng thích ứng và sáng tạo của các doanh nghiệp trong nước. Và cũng bởi khả năng thích ứng và khả năng tiếp cận linh hoạt thị trường đích, chúng ta mới gặp các rào cản ngày càng khó khăn, phức tạp hơn từ các thị trường đó, cụ thể là EU.
"Nhưng dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, tôi luôn tin vào khả năng thích ứng của các doanh nghiệp của chúng ta. Họ rất linh hoạt để không chỉ thành công trong việc tiếp cận thị trường mà còn tiến tới chiếm lĩnh thậm chí thay thế các sản phẩm truyền thống", Cục trưởng Cục Công nghiệp khẳng định và cho biết, nhiều doanh nghiệp lớn trong ngành tôn mạ đã "quen" với các rào cản thương mại như tự vệ, chống bán phá giá hay hạn ngạch (đặc biệt từ EU, Mỹ). Họ chủ động thích ứng với chính sách thương mại quốc tế thông qua việc mở rộng thị trường xuất khẩu đến hàng chục quốc gia, không quá phụ thuộc vào một thị trường lớn nào. Khi EU thắt hạn ngạch, nhiều doanh nghiệp đã linh hoạt chuyển hướng xuất khẩu sang thị trường ít rào cản hơn.
Nhìn vào những bước đi của Hoa Sen trong hành trình chinh phục thị trường quốc tế, có thể cảm nhận một cách sâu sắc những nhận định trên của ông Trần Việt Hòa.
Giai đoạn 2018 - 2019, trong bối cảnh chiến tranh thương mại gay gắt, hoạt động xuất khẩu tôn mạ chịu áp lực lớn bởi làn sóng bảo hộ thương mại. Tôn mạ Việt Nam liên tục phải chịu đựng các biện pháp phòng vệ như thuế quan, hạn ngạch, cũng như là các cuộc điều tra chống bán phá giá từ các quốc gia.
Trước tình hình này, Hoa Sen chú trọng hơn vào kênh xuất khẩu và đã bảo vệ thành công thị trường xuất khẩu chủ lực của tôn mạ Việt Nam như Australia, Indonesia, Malaysia. Riêng tại Malaysia, Hoa Sen được kết luận không bán phá giá và là doanh nghiệp duy nhất tại Việt Nam được miễn thuế chống bán phá giá đối với tôn kẽm vào thị trường này.
Bên cạnh đó, sau khi Hiệp định CPTPP bắt đầu có hiệu lực tại 7 nước đầu tiên (Australia, Canada, Nhật Bản, New Zealand, Mexico, Singapore, Việt Nam) vào đầu năm 2019, sản lượng xuất khẩu của Hoa Sen sang thị trường các quốc gia thành viên CPTPP cũng tăng lên đáng kể. Sau khi ký kết hợp đồng xuất khẩu 4.300 tấn tôn sang Mexico vào dịp Tết 2019; ngày 22/04/2019, Tập đoàn cũng đã xuất khẩu lô hàng 15.000 tấn, trị giá 12 triệu USD sang thị trường này, và là lô hàng tôn mạ lớn nhất xuất khẩu sang thị trường Mexico sau khi hiệp định CPTPP có hiệu lực.
Sự thành công của Hiệp định CPTPP đã giúp cánh cửa xuất khẩu của Hoa Sen thêm rộng mở với các đối tác từ nhiều thị trường khó tính như châu Mỹ, châu Âu. Minh chứng rõ nét nhất khẳng định mạnh mẽ năng lực cạnh tranh của thương hiệu Hoa Sen chính là lô hàng 50.000 tấn tôn xuất khẩu sang châu Âu và châu Mỹ vào giữa năm 2020 - khi đại dịch Covid-19 và những căng thẳng địa chính trị làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu.
Với sự điều hành linh hoạt và sáng tạo của doanh nhân Lê Phước Vũ - Chủ tịch HĐQT và các cộng sự, từ một công ty nhỏ với số vốn điều lệ ban đầu 30 tỷ đồng và 22 nhân viên, Hoa Sen Group đã nhanh chóng vươn lên trở thành doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh tôn, thép số 1 Việt Nam, với vốn điều lệ hơn 6.100 tỷ đồng.
Vị thế dẫn đầu lĩnh vực tôn mạ được khẳng định ở thị trường nội địa với thị phần khoảng 29%, duy trì trong nhiều năm qua nhờ bước đầu tiên phong về công nghệ sản xuất; đồng thời, Hoa Sen cũng chiếm lĩnh thị phần xuất khẩu với tỷ trọng khoảng hơn 30%. Sản lượng xuất khẩu vượt lên trên mốc 121.000 tấn/tháng, tôn Hoa Sen đã có mặt tại 87 quốc gia và vùng lãnh thổ, trở thành doanh nghiệp xuất khẩu tôn mạ hàng đầu Đông Nam Á.
Sơ đồ kênh phân phối của Tập đoàn Hoa Sen
Đằng sau sự tăng trưởng nhanh chóng, ổn định của Hoa Sen Group là nền tảng phát triển bền vững, giúp doanh nghiệp không ít lần trụ lại sau các "cơn bão" và ngày càng lớn mạnh, trở thành “sếu đầu đàn” trong lĩnh vực sản xuất tôn mạ Việt Nam.
Khi được hỏi có mạo hiểm quá hay không khi đưa thương hiệu tôn Hoa Sen ra thị trường thế giới, doanh nhân Lê Phước Vũ cho rằng "mạnh dùng lực, yếu dùng thế". Ông thường ví von, các tập đoàn nước ngoài như người khổng lồ trên võ đài tung những cú đấm mạnh, nhưng nếu mình khôn ngoan, biết cách né đòn thì họ sẽ không đánh tới ta được. Nhờ biết cái "thế" của mình nên Hoa Sen luôn giữ vững và mở rộng thị phần để doanh nghiệp vẫn tăng trưởng kể cả trong những giai đoạn kinh tế khó khăn.
Ra đời năm 2001, Hoa Sen Group đi sau nhiều “ông lớn”, nhưng với những đóng góp cho lĩnh vực sản xuất tôn mạ nói riêng và nền kinh tế nói chung, có thể nói, doanh nghiệp này đã “đi sau, về trước”. Yếu tố quan trọng giúp Hoa Sen vượt qua các thách thức khốc liệt của ngành tôn mạ và vươn lên dẫn đầu chính là một tầm nhìn tốt, chiến lược đúng, phát triển bền vững và khả năng linh hoạt thích nghi với mọi hoàn cảnh.
Với lối tư duy khác biệt, ở thời điểm sau khủng hoảng tài chính năm 2008, thị trường bất động sản nước ta đóng băng, tác động tiêu cực đến thị trường vật liệu xây dựng, doanh nhân Lê Phước Vũ quyết định tự tạo “sân chơi riêng” bằng cách đẩy mạnh xuất khẩu, thay vì tập trung tiêu thụ ở nội địa. Quyết định này của vị Chủ tịch đã giúp Hoa Sen duy trì đà tăng trưởng doanh thu, đạt gần 300 triệu USD trong năm 2024.
Ngược lại, trong giai đoạn 2012 - 2016, khi lĩnh vực tôn mạ bắt đầu có sự cạnh tranh gay gắt, Hoa Sen đã để thị phần lọt vào hai đối thủ lớn là Tôn Nam Kim và Tôn Đông Á trong một khoảng thời gian. Nhận thấy “lỗ hổng” trong chiến lược kinh doanh, từ năm 2017, Hoa sen đã tiến vào cuộc đua đầu tư để tái cấu trúc thị trường theo hướng đầu tư mạnh mẽ, bao phủ thị trường toàn quốc và tận dụng lợi thế chi phí thấp nhất của mình để hạ giá bán nhằm chiếm lĩnh thị phần.
Kết quả, trong niên độ tài chính 2017 - 2018, sản lượng tiêu thụ trong nước của Hoa Sen đạt 1,1 triệu tấn, chiếm 63% cơ cấu sản lượng toàn Tập đoàn, đồng thời cũng là kênh tiêu thụ chủ lực.



Kết quả kinh doanh của Hoa Sen tăng trưởng tích cực nhờ tư duy khác biệt
Nói thì đơn giản như thế, nhưng để có được thành quả ấy là cả một sự lao tâm khổ tứ, từ việc định hướng chiến lược đến tìm ra giải pháp khả thi và nhất là khâu tổ chức thực hiện của cả hệ thống. Đối với Hoa Sen, lợi thế về giá bán và chất lượng sản phẩm chính là yếu tố then chốt để tập đoàn này có thể cạnh tranh trên thương trường. Ngay từ những ngày đầu, Hoa Sen đã chọn cách bỏ qua các đối tác trung gian trong khâu nhập nguyên liệu để tối ưu hóa chi phí, đồng thời xây dựng mạng lưới bán hàng thông minh để mang đến tận tay người dùng cuối những sản phẩm tôn mạ chất lượng cao với giá rẻ nhất có thể.
Trải qua không ít cuộc khủng hoảng, chiến lược “mua tận gốc, bán tận ngọn” này của Hoa Sen đã được thị trường ghi nhận như một “độc chiêu” đúng đắn, giúp Tập đoàn có thể cạnh tranh sòng phẳng ở cả thị trường nội địa và quốc tế.
Và để xây dựng được chiến lược “mua tận gốc, bán tận ngọn” một cách hoàn chỉnh, Hoa Sen đã chú trọng thiết lập nền tảng vững chắc bằng việc triển khai xây dựng nhà máy cán nguội ngay từ năm 2006. Việc sở hữu nhà máy cán nguội không những đã giúp Tập đoàn hoàn thiện quy trình, chủ động trong sản xuất, giảm sự phụ thuộc nguồn nguyên liệu từ bên ngoài mà còn góp phần tăng lợi nhuận lên gấp đôi.
Đến thời điểm hiện tại, Hoa Sen đang có hệ thống bao gồm 10 nhà máy trải dài từ Bắc chí Nam, cùng mạng lưới phân phối - bán lẻ gồm 500 chi nhánh được ứng dụng mô hình quản trị tối ưu và hệ thống ERP. Mô hình kinh doanh này đã giúp Hoa Sen trực tiếp tiếp cận người tiêu dùng, do đó giảm được giá bán, đồng thời kiểm soát chặt chất lượng và dễ dàng đưa sản phẩm ra thị trường.
Những bước đi có phần khác biệt trong quá khứ đã tạo nên một Hoa Sen Group ở hiện tại - lớn mạnh, vững vàng và có sức bật để vươn xa hơn nữa trong tương lai. Đứng trên thương trường khốc liệt, nhất là với một lĩnh vực nhiều biến động như tôn mạ, doanh nhân Lê Phước Vũ có lẽ đã nhìn thấu mặt trái của ngành là luôn có hàng loạt thách thức chực chờ, khi thuận lợi thì vô cùng hưng thịnh, lúc khó khăn thì phải đối mặt với áp lực rất lớn trong việc giải phóng hàng tồn trong kho.
Đầu năm 2025, khi "cơn gió ngược" của làn sóng bảo hộ thương mại tiếp tục tác động mạnh, Chủ tịch Lê Phước Vũ chia sẻ thẳng thắn với cổ đông: “Ngành tôn thép giỏi lắm chỉ đi ngang, xu thế chung là phải đi xuống”. Lời khẳng định của vị chủ tịch như kéo mọi người về với thực tại, rằng đầu tư vào tôn, thép không hề dễ dàng. Giữa bối cảnh hầu hết đều là suy thoái, xu hướng toàn cầu hóa bị đảo ngược, xung đột địa chính trị ngày càng trở nên đáng lo ngại, các quốc gia trên thế giới đã lựa chọn biện pháp tăng cường bảo hộ nền sản xuất nội địa. Trước tính hình đó, rõ ràng với một doanh nghiệp mà tỷ trọng xuất khẩu lên đến 60% như Hoa Sen thì khó mà tăng trưởng tích cực.
Nhưng, nhìn ra, chỉ ra điểm tiêu cực của thực tại không phải là để chùn bước mà là nhìn thẳng vào sự thật để đương đầu với thực tại, tìm ra giải pháp thích ứng và giảm thiểu tác động tiêu cực. Đồng thời cũng chính là sự chuẩn bị tích cực cho sự phát triển trong tương lai. Điều này chứng tỏ sự nắm vững thị trường và tầm nhìn của người lãnh đạo doanh nghiệp.
Mặc dù sản xuất kinh doanh tôn mạ là hoạt động cốt lõi nhưng cũng không thể vì vậy mà để doanh nghiệp trượt dài theo khó khăn chung của ngành. Để phân tán rủi ro và phát triển bền vững, Hoa Sen nhất quyết không “để trứng vào một giỏ”. Bên cạnh việc tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh trong ngành tôn, thép, Tập đoàn đã và đang chú trọng phát triển hoạt động phân phối vật liệu xây dựng và nội thất với chiến lược trọng tâm là phát triển hệ thống Hoa Sen Home nhằm đón đầu một chu kỳ tăng trưởng mới.
Không chỉ vậy, Hoa Sen cũng ngày càng khẳng định quyết tâm với mục tiêu chuyển đổi xanh trong kinh doanh. Năm 2024 vừa qua, Hoa Sen đã ký hợp tác chiến lược về việc phát triển bền vững năng lượng sạch tại các nhà máy với SP Group (Singapore). Qua đó giúp Tập đoàn giảm phát thải khí nhà kính, đáp ứng các tiêu chuẩn xanh bắt buộc theo xu hướng mới toàn cầu, đặc biệt là tại các thị trường quốc tế có yêu cầu cao về phát thải của hàng hóa như châu Âu, Mỹ…
Theo chia sẻ của ông Vũ Văn Thanh - Tổng Giám đốc Tập đoàn, doanh nghiệp xác định phát triển bền vững phải gắn liền với bảo vệ môi trường và việc chuyển đổi sử dụng năng lượng sạch là một phần rất quan trọng trong chiến lược phát triển bền vững và dài hạn, đồng thời đóng góp vào mục tiêu chung của quốc gia về phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050 của Việt Nam.
Định hướng phát triển bền vững của Hoa Sen không chỉ được thể hiện trong hoạt động sản xuất kinh doanh mà còn nằm ở những dự án thiện nguyện đã và đang được triển khai. Theo đó, thông điệp “phát triển bền vững” đã được Tập đoàn tích cực lan tỏa khi luôn hướng đến đối tượng trẻ em – thế hệ tương lai của đất nước. Các chương trình của Hoa Sen phần lớn đều đóng góp cho giáo dục, bởi họ hiểu rằng, đầu tư vào giáo dục, trẻ em sẽ nhận được giá trị từ tri thức, từ đó xây dựng một nền tảng vững chắc để các em có thể trở thành những công dân có ích cho xã hội và đóng góp tích cực cho đất nước.
“Mái ấm gia đình Việt” là dự án thiện nguyện có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với cộng đồng của Hoa Sen. Đó là "chuyến xe nhân văn" giúp đỡ cho hơn 2.000 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt ở các mái ấm, nhà mở, trường giáo dưỡng, làng trẻ em SOS... trong suốt 10 năm qua. Và ngay khi được tổ chức thành chương trình truyền hình thực tế, “Mái ấm gia đình Việt” một lần nữa chạm được đến trái tim của cộng đồng. Hàng ngàn trẻ em mồ côi đã có cơ hội tiếp tục ước mơ đến trường và có cuộc sống tốt đẹp hơn.




Chương trình "Mái ấm gia đình Việt"
Trong 24 năm qua, hành trình thiện nguyện của Hoa Sen ngày càng mở rộng và lan tỏa. Ở Hoa Sen, ngoài mục tiêu phát triển kinh tế còn có những mục tiêu mang giá trị vô hình khác. Nói như doanh nhân Lê Phước Vũ, “Hoa Sen vẫn tiếp tục một cuộc chơi mang tính trường tồn với những giá trị cao hơn tiền bạc”.
Vốn là Phật tử trước khi dấn thân vào con đường kinh doanh, doanh nhân Lê Phước Vũ đã xây dựng cho Hoa Sen những giá trị cốt lõi, thấm nhuần tinh thần đạo Phật, dựa trên ba yếu tố: “Trung thực – Cộng đồng – Phát triển”, điều đó cho thấy rằng, trách nhiệm với cộng đồng luôn gắn liền với sự phát triển của doanh nghiệp. Bên cạnh thành công chốn thương trường, ông Vũ hết sức quan tâm đến sự phát triển của đất nước và thể hiện trách nhiệm với cộng đồng thông qua các hoạt động xã hội.
Tại Hoa Sen, giá trị cốt lõi có sức ảnh hưởng sâu sắc tới với văn hóa doanh nghiệp. Ở thời điểm sau khủng hoảng tài chính toàn cầu, khi Nhà nước đang tìm cách ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định đời sống và đảm bảo an sinh xã hội cho người dân, Hoa Sen cũng luôn chú trọng đến đời sống người lao động bằng việc đảm bảo nguồn thu nhập và tích cực tăng cường các chính sách an sinh xã hội cho người lao động. Chia sẻ về những nỗ lực ở giai đoạn đó, ông Vũ nói: “Đây là thời điểm tôi thấy hạnh phúc nhất”.


Chương trình "Cặp lá yêu thương - Trao cơ hội đi học, cho cơ hội đổi đời"
Không chỉ chăm lo cho người lao động, Hoa Sen còn là một trong những doanh nghiệp hưởng ứng mạnh mẽ, thiết thực cuộc vận động “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam” bằng các chính sách ưu đãi cụ thể cho người tiêu dùng mua hàng trực tiếp tại chi nhánh của công ty; đảm bảo giá bán ổn định, lâu dài; đặc biệt là có chính sách ưu đãi người dân vùng bị bão lũ, hỗ trợ thiết thực cho đồng bào bị thiệt hại về nhà cửa sau thiên tai...
Nhìn vào Hoa Sen, dễ thấy rằng trách nhiệm xã hội không đơn thuần là việc thực hiện các hoạt động nhân đạo, mà còn bao gồm trách nhiệm đảm bảo tăng trưởng kinh tế, hiệu quả, đảm bảo đời sống cho người lao động, đạo đức kinh doanh và chia sẻ khó khăn với cộng đồng. Việc gắn trách nhiệm xã hội với sự phát triển bền vững của doanh nghiệp như Hoa Sen đã làm trong nhiều năm nay, mới thấy đây là xu hướng tất yếu để doanh nghiệp vững vàng trên con đường hội nhập.
*****
Gần 24 năm qua, Hoa Sen đã từng bước vươn lên mạnh mẽ trở thành doanh nghiệp đứng đầu và thực hiện được sứ mệnh thay đổi cục diện cả một lĩnh vực trọng yếu, đồng thời thành công mang tôn mạ Việt Nam ra thế giới. Có thể nói, những điều đạt được hôm nay của Hoa Sen đã chứng minh rằng, đầu tư vào những yếu tố mang tính chất nền tảng để hướng tới sự phát triển bền vững chính là tầm nhìn chiến lược và bước đi đúng đắn hướng đến sự phát triển lâu dài.
Tập đoàn đã nhận được những giải thưởng cao quý ở cả trong và ngoài nước như Huân chương Lao động hạng Nhì; nhiều lần được vinh danh Thương hiệu Quốc gia Việt Nam cho cả 3 dòng sản phẩm Tôn Hoa Sen, Ống thép Hoa Sen và Ống nhựa Hoa Sen; Vinh danh Giải Vàng Chất lượng Quốc gia.
Với những kết quả kinh doanh tạo được sự phát triển vượt bậc, những giải thưởng danh giá về chất lượng sản phẩm cùng sự tin yêu của người tiêu dùng trên cả nước, Hoa Sen không ngừng vươn lên lớn mạnh và phát triển, khẳng định cam kết của một thương hiệu luôn tạo ra giá trị tốt nhất cho người tiêu dùng và xã hội, hướng tới trở thành tập đoàn kinh tế hàng đầu Việt Nam và khu vực./.
Tổng kết 40 năm Đổi mới, Việt Nam đã chuyển mình từ một nước nghèo vươn lên thành quốc gia đang phát triển, thu nhập trung bình, hội nhập sâu rộng và giữ vị thế quan trọng trên trường quốc tế. Những thành tựu vĩ đại đạt được dưới sự lãnh đạo của Đảng đã giúp Việt Nam tích lũy đủ nội lực cho sự phát triển bứt phá tiếp theo. Gắn liền với hành trình ấy là sự phát triển không ngừng, dấu ấn và đóng góp khó đong đếm của khu vực kinh tế tư nhân, nòng cốt là các doanh nghiệp tư nhân.
Mùa xuân năm 2025 được xác định là thời điểm bản lề, chuẩn bị bắt đầu kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình, là thời điểm hội tụ, tổng hòa các lợi thế, ý chí, quyết tâm cùng khát vọng, niềm tin, khí thế mới để có thể tạo sự chuyển động mạnh mẽ, dứt khoát và tự tin nâng cao nội lực của đất nước, vượt qua thách thức, nắm bắt cơ hội vươn tới những mục tiêu lớn lao hơn.
Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định: Ưu tiên hàng đầu trong kỷ nguyên mới là thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước xã hội chủ nghĩa phát triển, có thu nhập cao; khơi dậy mạnh mẽ hào khí dân tộc, tinh thần tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc, khát vọng phát triển đất nước; kết hợp chặt chẽ sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại.
Nhấn mạnh "để vuột mất cơ hội là có lỗi với lịch sử", Tổng Bí thư yêu cầu cần thống nhất nhận thức và hành động về sự cấp bách phải tiếp tục tiến hành công cuộc đổi mới kinh tế một cách mạnh mẽ, quyết liệt và toàn diện hơn để đất nước vững vàng bước vào kỷ nguyên thịnh vượng, giàu mạnh và phát triển.
Trong bối cảnh đó, kinh tế tư nhân đang được xem xét, định hình trở thành trụ cột quan trọng nhất của tăng trưởng kinh tế. Không có kinh tế tư nhân, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân lớn mạnh thì sẽ không có nền kinh tế quốc gia vững mạnh, tự chủ và có sức chống chịu tốt. Cơ chế thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển đột phá được đánh giá là then chốt để đạt được các mục tiêu đặt ra, trước mắt là tăng trưởng kinh tế 2 con số. Một nghị quyết mới về kinh tế tư nhân đang được mong chờ sẽ tạo ra những cải cách mạnh mẽ, thúc đẩy các doanh nghiệp tư nhân đẩy nhanh quá trình đổi mới, thay đổi cơ cấu và vươn tới những giới hạn cao nhất của nền kinh tế; tạo nền tảng cho khả năng vươn mình thành những doanh nghiệp đa quốc gia và góp phần định hình kỷ nguyên mới của đất nước.
Tương lai của nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc lớn vào khu vực kinh tế tư nhân. Được khuyến khích và hun đúc thêm hào khí dân tộc, khẳng định vị thế và tạo ra những cảm hứng phát triển mới, tin rằng các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam sẽ còn ghi dấu ấn bằng những bước tiến đột phá trong kỷ nguyên vươn mình, quyện hòa giữa khát vọng làm giàu và tinh thần dân tộc, xây dựng nền kinh tế tự chủ, tự lực, tự cường. Lựa chọn phát triển kinh tế tư nhân là con đường ngắn nhất để vượt qua những khó khăn hiện tại và vươn tới tương lai thịnh vượng.
Đầu tháng 3, chủ trì buổi làm việc với Ban Chính sách và Chiến lược Trung ương về một số giải pháp chiến lược nhằm tạo đột phá phát triển kinh tế tư nhân Việt Nam trong thời gian tới, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh yêu cầu tiếp tục đổi mới tư duy và tạo sự thống nhất cao trong nhận thức về vai trò, vị trí của kinh tế tư nhân, xóa bỏ những định kiến, tư duy không đúng để tạo sự thay đổi trong "ứng xử" và hành động, chính sách cụ thể đối với khu vực kinh tế quan trọng này, đồng thời phải có chiến lược rõ ràng cho phát triển kinh tế tư nhân.
Trong bài viết "Phát triển kinh tế tư nhân - Đòn bẩy cho một Việt Nam thịnh vượng", Tổng Bí thư khẳng định: Chúng ta cần phải quán triệt lại định hướng quan điểm và nhận thức trong cả hệ thống chính trị về vai trò của kinh tế tư nhân như là động lực tăng trưởng quan trọng hàng đầu của đất nước. Điều này đòi hỏi một sự thay đổi căn bản trong hoạch định chính sách, khắc phục những hạn chế và phát huy tính ưu việt của cơ chế thị trường để hỗ trợ khu vực kinh tế tư nhân nâng cao năng suất lao động và đổi mới sáng tạo.
Chuyên đề: Sứ mệnh lịch sử của kinh tế tư nhân trên Reatimes.vn, thông qua những cuộc thảo luận sâu sắc với các chuyên gia hàng đầu, sẽ khắc họa rõ nét và đưa ra những hình dung cụ thể về đóng góp của kinh tế tư nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân trong hành trình 40 năm Đổi mới của đất nước và nhìn nhận về vị thế, vai trò của khu vực kinh tế này đối với cuộc đổi mới lần thứ 2 trong kỷ nguyên vươn mình. Đồng thời, làm rõ những rào cản, thách thức đang nhấn chìm khát vọng của khối doanh nghiệp tư nhân; kiến nghị chính sách để tạo đường băng rộng mở cho kinh tế tư nhân cất cánh.
Trân trọng giới thiệu tới độc giả!