Từ "thép phế" đến "thép xanh": VAS Group và hành trình hơn 25 năm "tái sinh để kiến tạo"

Từ "thép phế" đến "thép xanh": VAS Group và hành trình hơn 25 năm "tái sinh để kiến tạo"

Hà Thương
Hà Thương ngthuongreatimes@gmail.com
Thứ Hai, 05/05/2025 - 06:12

Khi những bó thép nóng đỏ rời khỏi dây chuyền cán cuối cùng tại một nhà máy ở miền Nam Việt Nam, ít ai biết rằng chúng từng là một phần của những tòa nhà cũ, những chiếc xe đã hết vòng đời, hay thậm chí là những công trình bị tháo dỡ. Ở VAS Group, thứ người khác coi là rác - họ coi là tài nguyên.

Chọn cho mình một lối đi riêng - tái chế thép phế liệu thành thép xanh, xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn - không phải là con đường dễ. Nhưng chính sự lựa chọn đó, cùng ý chí và quyết tâm mạnh mẽ, VAS Group đang làm nên một định nghĩa mới cho ngành thép Việt Nam - một ngành không chỉ mạnh về quy mô, tầm vóc kinh tế mà còn vững về giá trị. Và biết đâu, từ những lò luyện thép xanh hôm nay, chúng ta sẽ thấy một tương lai khác - nơi công nghiệp không còn là ngành đối đầu với thiên nhiên, mà là bạn đồng hành cùng quá trình chuyển đổi xanh. 

*****

Hà Nội những ngày cuối tháng Tư, nắng như rót mật lên từng mái ngói phố cổ. Nhưng lẫn trong ánh vàng dịu nhẹ ấy là một lớp sương xám đặc quánh bởi bụi mịn, khói xe và cả tiếng "thở dài" của một thành phố đang mệt mỏi vì ô nhiễm.

Khi các đô thị lớn chìm dần trong khói bụi, những câu hỏi tưởng như đã cũ lại trở nên cấp thiết: Làm sao để phát triển mà không phải trả giá bằng chất lượng môi trường sống? Làm sao để ngành công nghiệp - đặc biệt là công nghiệp nặng - không còn là "kẻ thù của thiên nhiên"?

Những trăn trở ấy đã dẫn tôi đến cuộc trò chuyện với PGS.TS. Nguyễn Thế Chinh, Phó Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường trước đây) - người gần như dành phần lớn sự nghiệp để tìm lời giải cho mối quan hệ phức tạp giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường.

Ông nói, bằng một giọng điềm tĩnh nhưng đầy chắc chắn: "Chỉ khi chúng ta phát triển được một nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn đúng nghĩa, thì mới mong có được sự cân bằng giữa phát triển và bền vững. Trong đó, xanh hóa những ngành công nghiệp nặng như thép là một bước đi vừa quan trọng, vừa cấp thiết".

Từ "thép phế" đến "thép xanh": VAS Group và hành trình hơn 25 năm "tái sinh để kiến tạo"- Ảnh 1.

PGS.TS. Nguyễn Thế Chinh.

"Quá trình sản xuất thép truyền thống từ nguyên liệu thô như quặng sắt, than cốc và đá vôi đã tạo ra một lượng lớn khí thải CO2, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống. Theo tính toán, sản xuất 1 tấn thép phát thải ra khoảng 2 tấn CO2. Trên thế giới, ngành sản xuất thép hiện chiếm từ 7 - 9% lượng khí thải toàn cầu, trong khi tỷ lệ này tại Việt Nam ước khoảng 17%", PGS.TS. Nguyễn Thế Chinh chia sẻ thêm.

Trong một thế giới đang chạy đua thực hiện cam kết cắt giảm phát thải khí nhà kính, hướng đến mục tiêu phát thải ròng bằng không đến năm 2050 (Net Zero), ngành thép - trụ cột của hạ tầng, phát triển - lại đang là "người khổng lồ" thải ra khí nhà kính hàng đầu. Và tại Việt Nam, thách thức ấy còn lớn hơn khi tốc độ đô thị hoá, xây dựng và nhu cầu tiêu thụ thép ngày càng tăng mạnh.

"Đó là lý do tại sao việc xanh hóa ngành thép không thể chờ đợi thêm", ông nhấn mạnh.

PGS.TS. Nguyễn Thế Chinh gợi nhắc đến câu chuyện của VAS Group - một trong những doanh nghiệp đầu tiên trong ngành công nghiệp nặng tại Việt Nam đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ sạch và mô hình sản xuất tuần hoàn. Không chờ đến khi sức ép môi trường trở thành gánh nặng, không đợi đến khi buộc phải thay đổi, VAS Group đã khởi động "hành trình xanh" của mình ngay từ những ngày đầu thành lập - năm 1998. Thông qua việc áp dụng dây chuyền công nghệ hiện đại hàng đầu thế giới của Danieli (Ý), đầu tư hệ thống lò điện cảm ứng (không sử dụng dầu DO, than đá), VAS đã tái chế thép phế liệu thành thép xanh, thay vì dùng quặng - một hướng đi lạ lẫm, thậm chí gây hoài nghi vào thời điểm hơn 25 năm trước. Nhưng chính lựa chọn ấy đã giúp họ đặt nền móng cho mô hình kinh tế tuần hoàn trong ngành công nghiệp nặng - điều mà đến nay mới bắt đầu được đề cập đến nhiều.

PGS.TS. Nguyễn Thế Chinh nhìn nhận: "VAS Group là một doanh nghiệp khác biệt, sự khác biệt này là đáng tự hào và cần nhân rộng".

Ông lý giải: "Mỗi tấn thép mới làm từ thép phế liệu sẽ tiết kiệm được hơn 1.100kg quặng sắt, 620kg than đá, 53kg đá vôi. Hoạt động sản xuất thép tái chế giúp tiết kiệm khoảng 60% năng lượng và 40% lượng nước tiêu thụ, đồng thời giảm 86% ô nhiễm không khí, 58% lượng khí thải CO2 so với quá trình sản xuất thép trực tiếp từ quặng sắt. Nhìn chung, mỗi tấn thép tái chế sẽ giảm khoảng 1,5 tấn CO2. Thành phẩm thép tái chế cũng có chất lượng tốt hơn nhờ thành phần và quy chuẩn công nghệ khác biệt.

Đồng thời, việc sử dụng lò điện cảm ứng cũng hạn chế đáng kể các loại chất thải rắn, nước thải độc hại - qua đó bảo vệ môi trường đất và nguồn nước xung quanh nhà máy".

Những góc nhìn mới mẻ về con đường phát triển bền vững mà một doanh nghiệp tư nhân có nhiều dấu ấn trong ngành thép như VAS Group đã khiến cuộc thảo luận giữa tôi và PGS.TS. Nguyễn Thế Chinh trở nên sôi nổi, say sưa và kéo dài hơn mong đợi. Trong không khí nóng nực, ngột ngạt và có phần khó thở của Hà Nội lúc ấy, dường như chúng tôi tìm thấy một luồng gió mát - nhỏ thôi, nhưng đủ để xoa dịu niềm lo và thắp lên hy vọng.

- Là người nhiều năm nghiên cứu về môi trường, kinh tế môi trường, ông nhìn nhận như thế nào về việc VAS Group - một doanh nghiệp tư nhân trong ngành công nghiệp nặng lựa chọn hướng đi xanh hóa ngay từ khi mới thành lập?

PGS.TS. Nguyễn Thế Chinh: Vào cuối thập niên 90, khi nền kinh tế Việt Nam đang chuyển mình mạnh mẽ và các ngành công nghiệp nặng như thép đang trong quá trình phát triển, ít ai nghĩ rằng một doanh nghiệp tư nhân vừa mới thành lập lại có thể chọn lối đi riêng và trở thành người tiên phong trong việc xanh hóa một ngành công nghiệp vốn ảnh hưởng lớn đến môi trường và tiêu tốn tài nguyên như thép.

Thời điểm đó, ngành thép Việt Nam vẫn chủ yếu phụ thuộc vào việc khai thác quặng sắt - nguồn tài nguyên quý giá, khai thác nhiều sẽ dẫn đến cạn kiệt. Các nhà máy thép vẫn hoạt động theo phương thức truyền thống, thải ra một lượng lớn khí thải, chất thải rắn và nước thải sau sản xuất, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Trong bối cảnh đó, khái niệm "phát triển bền vững", "phát triển xanh" đối với ngành thép còn rất mơ hồ.

Dù vậy, VAS Group đã dám đi trước và đi xa trong việc xanh hóa ngành thép. Không phải là những tuyên ngôn màu mè, hành trình ấy bắt đầu từ những thay đổi cụ thể và nhất quán trong tư duy lẫn hành động - làm thép không phải bằng mọi giá, mà là làm thép sao cho bảo vệ được môi trường.

Từ "thép phế" đến "thép xanh": VAS Group và hành trình hơn 25 năm "tái sinh để kiến tạo"- Ảnh 2.
Từ "thép phế" đến "thép xanh": VAS Group và hành trình hơn 25 năm "tái sinh để kiến tạo"- Ảnh 3.

VAS Group là một trong những doanh nghiệp đầu tiên trong ngành công nghiệp nặng tại Việt Nam đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ sạch và mô hình sản xuất tuần hoàn.

Thay vì tiếp tục chạy theo các tiêu chuẩn cũ, họ đã đặt câu hỏi mới: Làm sao để một ngành vốn được xem là "ô nhiễm mặc định" có thể trở nên thân thiện với môi trường? Câu trả lời được tìm thấy trong việc cải tiến dây chuyền sản xuất, tái chế nguồn nguyên liệu, tiết kiệm năng lượng và đặc biệt là kiểm soát nghiêm ngặt phát thải ra môi trường.

Sự khác biệt hoàn toàn, thậm chí là liều lĩnh đó, tôi cho rằng xuất phát từ niềm tin mạnh mẽ của doanh nghiệp vào giá trị dài hạn của việc "đồng hành cùng môi trường".

VAS đã nhìn thấy tầm quan trọng của việc bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và cắt giảm khí thải carbon. Chính vì vậy, họ đã lựa chọn đi theo con đường xanh hóa từ những ngày đầu. Và điều này, thực sự rất đáng ghi nhận và tự hào, nhất là ở thời điểm cách đây hơn 25 năm.

- Khi câu chuyện phát triển tác động tới môi trường đang là trăn trở lớn thì VAS Group đã nhìn thấy cơ hội kinh doanh từ chính tư duy bảo vệ môi trường thông qua việc tái chế thép. Ông nghĩ sao về tầm nhìn này?

PGS.TS. Nguyễn Thế Chinh: Gần 3 thập kỷ về trước, môi trường chưa trở thành một yếu tố trong các tính toán chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp. Chưa có ai nói đến carbon footprint (tổng lượng khí nhà kính được tạo ra), chưa có ESG (khung đánh giá nhằm đo lường tính bền vững và trách nhiệm đối với môi trường, xã hội của doanh nghiệp). Cũng không ai yêu cầu doanh nghiệp phải báo cáo phát thải, càng không có áp lực từ thị trường hay cộng đồng như hiện nay.

Việc VAS chọn đi theo hướng xanh hóa từ giai đoạn đó cho thấy một tầm nhìn vượt thời đại - nhưng hơn hết là một ý thức, một tinh thần trách nhiệm rất đáng trân trọng. Họ không bị bắt buộc phải làm, nhưng họ vẫn làm. Họ không coi bảo vệ môi trường là "chi phí", mà coi đó là phần không thể thiếu trong giá trị sản phẩm và trong đạo đức kinh doanh. Đó là điều khiến tôi kính nể nhất.

Từ "thép phế" đến "thép xanh": VAS Group và hành trình hơn 25 năm "tái sinh để kiến tạo"- Ảnh 4.

- Đi con đường chưa nhiều người đi, thậm chí chưa ai đi, rõ ràng VAS Group sẽ gặp phải không ít thách thức, thưa ông?

PGS.TS. Nguyễn Thế Chinh: Chắc chắn là vậy! Khi là người tiên phong trong một lĩnh vực mà cả xã hội còn chưa hình dung được nó sẽ đi về đâu, chắc chắn sẽ đối mặt với rất nhiều rào cản.

Với VAS, tôi cảm nhận, khó khăn đầu tiên là sự hoài nghi - từ chính nội bộ, đối tác, đến thị trường. Họ bị đặt câu hỏi: "Sử dụng thép phế liệu thì liệu có đảm bảo chất lượng", "Sản xuất theo kiểu đó thì có đủ lợi nhuận không"? Điều này gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc tiếp cận thị trường ở giai đoạn đầu của VAS.

Tiếp theo là thách thức về công nghệ. Hiện nay việc sản xuất thép xanh đã phần nào dễ dàng hơn khi công nghệ ngày càng phát triển. Nhưng thời điểm đó, công nghệ luyện thép bằng lò điện cảm ứng còn rất mới, chưa phổ biến tại Việt Nam. Ở các nước phát triển, công nghệ này cũng chỉ mới bắt đầu được triển khai. Do đó, việc đầu tư cho công nghệ này đòi hỏi chi phí rất lớn, trong khi chưa có nhiều cơ chế hỗ trợ về mặt chính sách.

Chúng ta có Luật Bảo vệ môi trường từ năm 1993, nhưng phải đến lần sửa đổi thứ tư vào năm 2020, việc thúc đẩy kinh tế tuần hoàn và định hướng phát triển xanh tại Việt Nam mới được quy định rõ ràng. Từ đó, các cơ chế hỗ trợ về mặt chính sách để khuyến khích doanh nghiệp tham gia phát triển mới thực sự được quan tâm. Còn thời điểm những năm cuối thập niên 90 của thế kỷ XX và những năm đầu của thế kỷ XXI, dường như chưa có bất cứ một chính sách hay cơ chế nào để hỗ trợ doanh nghiệp.

Ngoài ra, để sản xuất thép xanh, không chỉ cần công nghệ trong sản xuất mà còn cần hệ sinh thái logistics, cơ sở thu gom, phân loại và xử lý thép phế liệu. Trong khi thời điểm đó, những yếu tố này chưa được thiết lập một cách bài bản như hiện nay, khiến chi phí đầu vào rất cao.

Từ "thép phế" đến "thép xanh": VAS Group và hành trình hơn 25 năm "tái sinh để kiến tạo"- Ảnh 5.

- Câu chuyện về những doanh nghiệp tiên phong phát triển xanh không phải là hiếm, nhưng để tiên phong và đi đến cùng con đường mình đã chọn như VAS Group thì không nhiều. Bởi khó khăn là muôn trùng, còn kết quả như thế nào thì chưa thể đoán định…

PGS.TS. Nguyễn Thế Chinh: Không ít doanh nghiệp ở các lĩnh vực khác hay thậm chí kể cả trong ngành thép mà tôi biết, họ cũng đã từng theo đuổi mô hình xanh, mô hình tuần hoàn để hướng đến bảo vệ môi trường. Nhưng phần lớn trong số họ đều đã bỏ cuộc giữa chừng bởi khó khăn về công nghệ, áp lực về chi phí… Và suy cho cùng, doanh nghiệp làm ăn phải có lợi nhuận, trong khi những doanh nghiệp này chưa nhìn thấy được lợi nhuận trong dài hạn từ con đường xanh hoá.

Nên có thể nói, hành trình phát triển thép xanh của VAS Group là một cuộc "đầu tư niềm tin". Bởi họ đầu tư khi chưa biết lợi nhuận như thế nào, trong khi khó khăn, thử thách thì rất nhiều. Nhưng có lẽ, cũng chính vì kiên định đi đến cùng trên con đường khó, nên hôm nay, VAS Group mới có một nền tảng vững chắc để phát triển bền vững hơn bất kỳ ai.

- Nền tảng để phát triển vững chắc mà ông nhắc đến chính là "trái ngọt" cho hành trình xanh hóa ngành thép vốn đầy thách thức của VAS Group?

PGS.TS. Nguyễn Thế Chinh: Đúng vậy. VAS Group đã nhận được "trái ngọt" xứng đáng sau nhiều nỗ lực và sự kiên định trên con đường mình đã chọn. Trong đó, uy tín doanh nghiệp và khả năng cạnh tranh ở cả thị trường trong nước và quốc tế là "trái ngọt" lớn nhất.

Trong một ngành công nghiệp nhiều cạnh tranh và dễ gây tác động môi trường như thép, việc một doanh nghiệp có thể duy trì được hình ảnh xanh - bền vững - có trách nhiệm, đó là điều vô cùng giá trị. Điều này không chỉ giúp VAS nâng cao hình ảnh trong cộng đồng mà còn giúp doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận với các thị trường xuất khẩu lớn trên thế giới nhờ sản phẩm phù hợp các tiêu chuẩn quốc tế về phát thải và thân thiện môi trường.

Tôi được biết rằng, nguyên liệu tái chế thép được VAS xử lý tại Khu Hậu cần cảng Nghi Sơn – khu rửa phế liệu hiện đại và duy nhất tại Việt Nam đầu tư hệ thống phun sương lọc bụi, trồng dải cây xanh, lắp đặt các lớp lưới chắn bụi xung quanh khu vực nhằm hạn chế tác động đến môi trường. Toàn bộ nước thải đều được tuần hoàn, tái sử dụng thông qua hệ thống xử lý thải được giám sát nghiêm ngặt, báo cáo dữ liệu mỗi ngày cho cơ quan quản lý thuộc Bộ Nông nghiệp và Môi trường.

Tiếp đó, việc ứng dụng hệ thống lò điện cảm ứng cùng dây chuyền công nghệ tiên tiến hàng đầu thế giới của Danieli (Ý), thép xanh VAS đạt độ bền, dẻo, co cao, thân thiện với môi trường.

Từ "thép phế" đến "thép xanh": VAS Group và hành trình hơn 25 năm "tái sinh để kiến tạo"- Ảnh 6.

Nhà máy sản xuất thép của VAS Group ứng dụng hệ thống lò điện cảm ứng cùng dây chuyền công nghệ tiên tiến hàng đầu thế giới của Danieli (Ý).

Nhờ những ưu điểm vượt trội này, sản phẩm của VAS đã đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường quốc tế như: Nhật Bản (JIS), Anh Quốc (BS4449), Hoa Kỳ (ASTM, SAE, J403), Úc (ACRS). Từ đó, thành công khi đưa thương hiệu thép Việt lần lượt chinh phục nhiều thị trường khó tính.

Năm 2024, VAS đã xuất khẩu hàng chục ngàn tấn thép sang Bỉ. Đây là cột mốc quan trọng khẳng định chất lượng và uy tín của thép xanh VAS trên thị trường quốc tế, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và khẳng định vị thế dẫn đầu của Việt Nam trong ngành công nghiệp thép xanh.

Trước đó, đầu năm 2023, chuyến tàu chở thép mang thương hiệu VAS đã rời Cảng Quốc tế Nghi Sơn (Thanh Hóa) cập cảng Houston (Mỹ) - một trong những cảng biển lớn nhất thế giới và phục vụ các khu vực đô thị của bang Texas và bang phụ cận. Không dừng lại ở Houston, trong năm 2023, thép VAS còn xuất tiếp lô hàng thép thương mại thứ hai đến cảng Los Angeles, trung tâm logistics của Mỹ ngay sau đó.

Đối với thị trường trong nước, các sản phẩm thép của VAS hiện đã trở thành "thép quốc dân" được đông đảo người tiêu dùng trong nước tin cậy. Hàng triệu công trình trọng điểm trên cả nước cũng sử dụng thép VAS như một phần không thể thiếu, như Cảng hàng không quốc tế Long Thành, cao tốc Bắc - Nam, tuyến đường ven biển quốc gia, đường vành đai 3 TP.HCM, Bảo tàng quốc gia tại Hà Nội, cầu vượt ngã ba Huế, tòa nhà làm việc thường xuyên của Quốc hội tại Đà Nẵng….

Có thể nói, nhờ vào chất lượng thép xanh, sạch, sản xuất trên mô hình kinh tế tuần hoàn, các sản phẩm của VAS đã ngày càng chứng minh được khả năng cạnh tranh vượt trội của mình.

Từ "thép phế" đến "thép xanh": VAS Group và hành trình hơn 25 năm "tái sinh để kiến tạo"- Ảnh 7.

Tháng 10/2024, VAS Group đã xuất khẩu hàng chục ngàn tấn thép sang Bỉ - cột mốc quan trọng khẳng định chất lượng và uy tín của thép xanh VAS trên thị trường quốc tế.

- Trong giai đoạn tới thì sao, thưa ông? Nhất là khi EU áp dụng Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) từ ngày 1/1/2026?

PGS.TS. Nguyễn Thế Chinh: Đó lại càng là lợi thế để VAS tiếp tục vững bước. CBAM là một tín hiệu rõ ràng cho thấy thế giới đang tiến vào một kỷ nguyên phát triển mới, nơi xanh không còn là lựa chọn, mà là điều kiện bắt buộc để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Với các doanh nghiệp ngành thép, đặc biệt là những doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường châu Âu, CBAM sẽ là một hàng rào kỹ thuật về môi trường rất khắt khe. Nếu không thay đổi, chi phí carbon sẽ trở thành gánh nặng lớn - làm giảm sức cạnh tranh, thậm chí là mất thị trường. Trong bối cảnh đó, việc sản xuất thép từ thép phế liệu, sử dụng công nghệ lò điện cảm ứng và phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn sẽ tạo ra một lợi thế cạnh tranh kép.

Tôi cho rằng trong thời đại kinh tế xanh, sức cạnh tranh không chỉ đến từ công suất hay giá thành - mà còn đến từ giá trị môi trường đi kèm. Những doanh nghiệp như VAS Group, chọn đi trước và đầu tư từ sớm, sẽ là những doanh nghiệp có lợi thế lớn nhất khi cuộc chơi toàn cầu bước sang luật chơi mới.

- Kết quả xứng đáng mà những doanh nghiệp như VAS Group có được sau hành trình dài bền bỉ dường như đang khiến ngành thép Việt Nam thay đổi cách nhìn về phát triển bền vững?

PGS.TS. Nguyễn Thế Chinh: Khi một doanh nghiệp có thể chứng minh rằng phát triển xanh là có thể - và thậm chí còn mang lại hiệu quả cao - thì những người khác không thể đứng ngoài cuộc mãi được.

VAS Group không chỉ thay đổi tư duy sản xuất của riêng họ, mà còn dần làm thay đổi nhận thức của cả một ngành. Từ chỗ né tránh trách nhiệm môi trường, giờ đây nhiều doanh nghiệp thép đang tích cực đầu tư vào công nghệ sạch, năng lượng tái tạo, và mô hình tuần hoàn. Họ đã thay đổi cách mà ngành thép nhìn nhận về chính mình – từ việc đơn thuần là một ngành khai thác tài nguyên đến việc trở thành một ngành công nghiệp có trách nhiệm hơn với môi trường, với cộng đồng.

Từ "thép phế" đến "thép xanh": VAS Group và hành trình hơn 25 năm "tái sinh để kiến tạo"- Ảnh 8.

Tôi cho rằng, nếu coi ngành thép như một cơ thể, thì VAS Group chính là trái tim - bơm vào đó dòng máu đổi mới và bền vững. Họ trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều doanh nghiệp khác trong ngành học hỏi và làm theo. Đó là yếu tố ảnh hưởng mang tính hệ thống và theo tôi, đây là một thành công lớn của họ.

Hành trình của VAS Group không chỉ là câu chuyện của một doanh nghiệp, mà là minh chứng sống động cho một ý chí kiên định và một tầm nhìn dài hạn. Một tầm nhìn không chỉ bảo vệ tài nguyên quốc gia, mà còn đặt nền móng cho sự phát triển bền vững của cả một ngành công nghiệp, đóng góp vào tương lai xanh của đất nước.

Để hành trình xanh thật sự bền vững, tư duy tuần hoàn không chỉ dừng lại trong nhà máy sản xuất. Với VAS Group, sản xuất xanh là một nửa câu chuyện - nửa còn lại nằm ở cách vận hành cả một chuỗi cung ứng rộng lớn: Từ nguyên liệu đầu vào, quá trình sản xuất, đến khâu vận chuyển và phân phối.

Chính vì vậy, bên cạnh xây dựng hệ thống 5 nhà máy sản xuất thép xanh (gồm: 2 nhà máy ở Bình Dương, 2 nhà máy ở Đà Nẵng và 1 nhà máy ở Thanh Hoá), VAS Group còn xây dựng hệ thống cảng biển và kho bãi - Cảng Quốc tế Nghi Sơn (Thanh Hoá) - xem đây là "xương sống" của cho mô hình tuần hoàn mà doanh nghiệp đang theo đuổi.

Hệ thống cảng biển, kho bãi của VAS có khả năng xếp dỡ và lưu thông hàng hóa qua cảng với năng lực trên 15.000.000 tấn/năm đối với hàng hóa rời và trên 100.000 TEU/năm với hàng hóa container. Đây là những con số biết nói, cho thấy quy mô lớn và hơn hết là sự đầu tư mạnh mẽ của VAS trong hệ thống logistics.

Trên thực tế, việc đầu tư mạnh vào hệ thống logistics đã đem lại nhiều giá trị cho VAS khi không chỉ giúp toàn bộ chu trình sản xuất và phân phối nhanh hơn, chính xác hơn, mà còn giảm thiểu tác động đến môi trường một cách rõ rệt như giảm lượng phương tiện trung chuyển, tiết kiệm nhiên liệu, và kiểm soát chặt chẽ lộ trình phát thải carbon xuyên suốt chuỗi cung ứng.

Không dừng lại ở vận hành hiệu quả, hệ thống logistics của VAS còn là một phần trong mô hình cộng sinh công nghiệp, khi các nhà máy được bố trí sao cho tận dụng tối đa phụ phẩm của nhau - từ nhiệt, nước, đến vật liệu tái sử dụng. Một nguồn lực được sử dụng nhiều lần, một hành trình vận chuyển được tối giản đến mức tối ưu - đó chính là cách mà VAS xây dựng một "vòng tròn xanh" khép kín, đầy tính toán và bền vững.

Tại Việt Nam, không nhiều doanh nghiệp công nghiệp nặng xây dựng được chuỗi logistics nội bộ vững vàng và đồng bộ như VAS. Cũng chính sự chủ động này đã giúp Tập đoàn không bị lệ thuộc vào hệ thống logistics bên ngoài, từ đó kiểm soát tốt hơn tác động môi trường và nâng cao năng lực cạnh tranh.

Từ "thép phế" đến "thép xanh": VAS Group và hành trình hơn 25 năm "tái sinh để kiến tạo"- Ảnh 9.

PGS.TS. Nguyễn Thế Chinh nhìn nhận: "VAS không chỉ vận chuyển thép, VAS đang vận hành một chuỗi tuần hoàn. Bằng việc đặt logistics vào trung tâm chiến lược phát triển xanh, VAS đang cho thấy một chân lý tưởng như rất cũ, nhưng nay lại vô cùng cấp tiến - muốn bền vững thật sự, phải bắt đầu từ cách vận hành từng bánh răng nhỏ trong cỗ máy lớn. Và khi mọi chuyển động đều cùng chung một hướng - hướng về một nền công nghiệp sạch - vòng tuần hoàn ấy sẽ tiếp tục mở rộng, vững vàng và lan tỏa".

Có thể nói, Cảng Quốc tế Nghi Sơn là "mảnh ghép" hoàn thiện bức tranh khép kín về sản xuất và vận chuyển thép xanh của VAS Group - một mô hình khép kín hiếm có trong lĩnh vực công nghiệp nặng tại Việt Nam. Chưa kể, với quy mô lớn hơn 70ha với 9 cầu cảng cùng công suất cao, Cảng Quốc tế Nghi Sơn còn góp phần thúc đẩy phát triển Khu kinh tế Nghi Sơn - vùng kinh tế trọng điểm vùng Bắc Trung Bộ - khi tác động tích cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh và xuất nhập khẩu của các nhà đầu tư, các tập đoàn và doanh nghiệp tại khu vực này.

Với tầm nhìn dài hạn, sự nhất quán trong tư duy lẫn hành động, sau hành trình hơn 25 năm phát triển, VAS Group đã không ngừng lớn mạnh và dần hiện thực hóa được ước mơ tiên phong xanh hóa ngành thép của mình.

Giờ đây, VAS đã trở thành doanh nghiệp sản xuất thép hàng đầu Việt Nam và tự hào với danh hiệu Thương hiệu Quốc gia Việt Nam, Top 50 doanh nghiệp Phát triển bền vững, Thương hiệu vì môi trường, Sản phẩm thân thiện với môi trường, Nhà máy xanh thân thiện…

Đây không chỉ là kết quả của tầm nhìn, chiến lược phát triển dài hạn, mà còn là minh chứng cho sự nỗ lực không ngừng nghỉ của Tập đoàn trong hành trình khẳng định vị thế trên thị trường thép Việt và quốc tế.

Trong tương lai, với khát vọng "Vươn cao tinh thần Việt", VAS đang tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng sản phẩm để tiếp tục hành trình đưa sản phẩm thép đi khắp năm châu, viết tiếp câu chuyện tự hào của ngành thép Việt Nam, khẳng định thương hiệu quốc gia.

*****

Rõ ràng, hành trình xanh của VAS Group là minh chứng sống động rằng ngay cả trong ngành công nghiệp nặng - nơi những ống khói từng là biểu tượng - vẫn có thể hình thành những tư duy mới, những lựa chọn có trách nhiệm, và những con người dám bước khác đi.

Đó không chỉ là câu chuyện của một doanh nghiệp thép. Mà là câu chuyện về một Việt Nam dám làm, dám nghĩ lớn, không đánh đổi môi trường để phát triển bằng mọi giá, mà lựa chọn phát triển bền vững.

"Trong một thế giới đang quay cuồng vì biến đổi khí hậu, những ngành công nghiệp nặng như thép đang chịu áp lực ngày một lớn để xanh hóa - không chỉ từ chính sách, mà còn từ thị trường và người tiêu dùng. Việt Nam, quốc gia đang cam kết mạnh mẽ cho mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, hiểu rằng: Muốn đi nhanh phải có doanh nghiệp đồng hành. Và doanh nghiệp tư nhân như VAS Group - tiên phong tái chế thép phế liệu thành thép xanh, kiên định với mô hình kinh tế tuần hoàn - đang trở thành mắt xích không thể thiếu", PGS.TS. Nguyễn Thế Chinh đúc kết lại với tôi cuối cuộc trò chuyện./.

Tổng kết 40 năm Đổi mới, Việt Nam đã chuyển mình từ một nước nghèo vươn lên thành quốc gia đang phát triển, thu nhập trung bình, hội nhập sâu rộng và giữ vị thế quan trọng trên trường quốc tế. Những thành tựu vĩ đại đạt được dưới sự lãnh đạo của Đảng đã giúp Việt Nam tích lũy đủ nội lực cho sự phát triển bứt phá tiếp theo. Gắn liền với hành trình ấy là sự phát triển không ngừng, dấu ấn và đóng góp khó đong đếm của khu vực kinh tế tư nhân, nòng cốt là các doanh nghiệp tư nhân.

Mùa xuân năm 2025 được xác định là thời điểm bản lề, chuẩn bị bắt đầu kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình, là thời điểm hội tụ, tổng hòa các lợi thế, ý chí, quyết tâm cùng khát vọng, niềm tin, khí thế mới để có thể tạo sự chuyển động mạnh mẽ, dứt khoát và tự tin nâng cao nội lực của đất nước, vượt qua thách thức, nắm bắt cơ hội vươn tới những mục tiêu lớn lao hơn.

Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định: Ưu tiên hàng đầu trong kỷ nguyên mới là thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước xã hội chủ nghĩa phát triển, có thu nhập cao; khơi dậy mạnh mẽ hào khí dân tộc, tinh thần tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc, khát vọng phát triển đất nước; kết hợp chặt chẽ sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại.

Nhấn mạnh "để vuột mất cơ hội là có lỗi với lịch sử", Tổng Bí thư yêu cầu cần thống nhất nhận thức và hành động về sự cấp bách phải tiếp tục tiến hành công cuộc đổi mới kinh tế một cách mạnh mẽ, quyết liệt và toàn diện hơn để đất nước vững vàng bước vào kỷ nguyên thịnh vượng, giàu mạnh và phát triển.

Trong bối cảnh đó, kinh tế tư nhân đang được xem xét, định hình trở thành trụ cột quan trọng nhất của tăng trưởng kinh tế. Không có kinh tế tư nhân, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân lớn mạnh thì sẽ không có nền kinh tế quốc gia vững mạnh, tự chủ và có sức chống chịu tốt. Cơ chế thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển đột phá được đánh giá là then chốt để đạt được các mục tiêu đặt ra, trước mắt là tăng trưởng kinh tế 2 con số. Một nghị quyết mới về kinh tế tư nhân đang được mong chờ sẽ tạo ra những cải cách mạnh mẽ, thúc đẩy các doanh nghiệp tư nhân đẩy nhanh quá trình đổi mới, thay đổi cơ cấu và vươn tới những giới hạn cao nhất của nền kinh tế; tạo nền tảng cho khả năng vươn mình thành những doanh nghiệp đa quốc gia và góp phần định hình kỷ nguyên mới của đất nước.

Tương lai của nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc lớn vào khu vực kinh tế tư nhân. Được khuyến khích và hun đúc thêm hào khí dân tộc, khẳng định vị thế và tạo ra những cảm hứng phát triển mới, tin rằng các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam sẽ còn ghi dấu ấn bằng những bước tiến đột phá trong kỷ nguyên vươn mình, quyện hòa giữa khát vọng làm giàu và tinh thần dân tộc, xây dựng nền kinh tế tự chủ, tự lực, tự cường. Lựa chọn phát triển kinh tế tư nhân là con đường ngắn nhất để vượt qua những khó khăn hiện tại và vươn tới tương lai thịnh vượng.

Đầu tháng 3, chủ trì buổi làm việc với Ban Chính sách và Chiến lược Trung ương về một số giải pháp chiến lược nhằm tạo đột phá phát triển kinh tế tư nhân Việt Nam trong thời gian tới, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh yêu cầu tiếp tục đổi mới tư duy và tạo sự thống nhất cao trong nhận thức về vai trò, vị trí của kinh tế tư nhân, xóa bỏ những định kiến, tư duy không đúng để tạo sự thay đổi trong "ứng xử" và hành động, chính sách cụ thể đối với khu vực kinh tế quan trọng này, đồng thời phải có chiến lược rõ ràng cho phát triển kinh tế tư nhân.

Trong bài viết "Phát triển kinh tế tư nhân - Đòn bẩy cho một Việt Nam thịnh vượng", Tổng Bí thư khẳng định: Chúng ta cần phải quán triệt lại định hướng quan điểm và nhận thức trong cả hệ thống chính trị về vai trò của kinh tế tư nhân như là động lực tăng trưởng quan trọng hàng đầu của đất nước. Điều này đòi hỏi một sự thay đổi căn bản trong hoạch định chính sách, khắc phục những hạn chế và phát huy tính ưu việt của cơ chế thị trường để hỗ trợ khu vực kinh tế tư nhân nâng cao năng suất lao động và đổi mới sáng tạo.

Chuyên đề: Sứ mệnh lịch sử của kinh tế tư nhân trên Reatimes.vn, thông qua những cuộc thảo luận sâu sắc với các chuyên gia hàng đầu, sẽ khắc họa rõ nét và đưa ra những hình dung cụ thể về đóng góp của kinh tế tư nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân trong hành trình 40 năm Đổi mới của đất nước và nhìn nhận về vị thế, vai trò của khu vực kinh tế này đối với cuộc đổi mới lần thứ 2 trong kỷ nguyên vươn mình. Đồng thời, làm rõ những rào cản, thách thức đang nhấn chìm khát vọng của khối doanh nghiệp tư nhân; kiến nghị chính sách để tạo đường băng rộng mở cho kinh tế tư nhân cất cánh.

Trân trọng giới thiệu tới độc giả!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top