Chiến lược liên doanh quốc tế và tầm nhìn xa của TC Group trong ngành công nghiệp ô tô

Chiến lược liên doanh quốc tế và tầm nhìn xa của TC Group trong ngành công nghiệp ô tô

Dương Minh Anh
Dương Minh Anh duongminhanh070902@gmail.com
Thứ Hai, 14/04/2025 - 06:00

Gần 3 thập kỷ bền bỉ đồng hành cùng tiến trình đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế, Tập đoàn Thành Công (TC Group) đã ghi dấu ấn mạnh mẽ, khẳng định vị thế tiên phong trong lĩnh vực công nghiệp ô tô - một trong những ngành công nghiệp mũi nhọn của Việt Nam.

Bước "nhảy vọt" của TC Group được tạo ra từ thời điểm tập đoàn "bắt tay" với "ông lớn" ô  toàn cầu Hyundai, mở rộng từ hoạt động lắp ráp sang sản xuất quy mô lớn, từng bước đưa sản phẩm ô tô "Made in Vietnam"  vươn ra thị trường quốc tế.

Với những bước đi bài bản và định hướng rõ ràng, TC Group đã vượt qua nhiều thách thức để dần hiện thực hóa khát vọng tham gia sâu vào chuỗi giá trị, đóng góp tích cực vào sự hình thành một ngành công nghiệp then chốt - nền tảng kỹ thuật quan trọng cho sự phát triển hiện đại của đất nước.

*****

PGS.TS. Đàm Hoàng Phúc, Giám đốc chương trình đào tạo kỹ thuật ô tô Đại học Bách khoa Hà Nội - chuyên gia dày dặn kinh nghiệm nghiên cứu về ngành công nghiệp ô tô nhìn nhận, một trong những yếu tố quan trọng nhất của ngành là khả năng tạo công ăn việc làm trên diện rộng. Quá trình sản xuất ô tô không chỉ dừng lại ở lắp ráp xe mà còn kéo theo cả một hệ sinh thái công nghiệp hỗ trợ, bao gồm các doanh nghiệp cung ứng linh kiện, sản xuất phụ tùng, logistics và phân phối. Khi xe được đưa vào sử dụng, một loạt ngành dịch vụ đi kèm cũng phát triển mạnh mẽ, từ bảo dưỡng, sửa chữa, tài chính - bảo hiểm, đến dịch vụ vận tải và kinh doanh xe cũ. Nhờ đó, ngành ô tô không chỉ tạo ra việc làm cho người lao động trực tiếp trong nhà máy mà còn góp phần tạo ra và duy trì hàng triệu việc làm trong các ngành liên quan.

Bên cạnh đó, ngành ô tô có tính liên kết kinh tế cao, tác động đến nhiều lĩnh vực công nghiệp khác. Quá trình sản xuất ô tô đòi hỏi sự tham gia của các ngành luyện kim, thép, cơ khí chính xác, hóa chất, cao su, nhựa, điện tử và cả ngành xây dựng. Từ đó, tạo ra hiệu ứng dây chuyền, thúc đẩy sự phát triển của hàng loạt ngành công nghiệp, nâng cao năng lực sản xuất nội địa và giảm dần sự phụ thuộc vào nhập khẩu. 

"Thực tế cho thấy, trên thế giới, nhiều quốc gia đã lấy công nghiệp ô tô làm trụ cột kinh tế. Đức, Nhật Bản hay Mỹ đều coi đây là ngành chiến lược", PGS.TS. Đàm Hoàng Phúc cho biết.

Tại Việt Nam, PGS.TS. Đàm Hoàng Phúc đánh giá, nền tảng của ngành công nghiệp ô tô vẫn yếu, cung - cầu mất cân đối, chưa phát huy được hết tiềm năng, do một thời gian dài phụ thuộc lớn vào xe nhập khẩu và linh kiện ngoại nhập.

- Dù vậy, quan sát thị trường có thể thấy, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đã có những chuyển biến rõ rệt. Những kết quả ban đầu có được, dường như phụ thuộc rất lớn vào nỗ lực và sự dấn thân của các doanh nghiệp tư nhân, thưa ông?

PGS.TS. Đàm Hoàng Phúc: Đúng vậy. Thị trường ô tô Việt Nam đã mở rộng nhanh chóng nhờ sự chủ động của doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp ô tô trong nước đã và đang nỗ lực mở rộng sản xuất trong bối cảnh thị trường giàu tiềm năng nhưng sản lượng xe vẫn phân tán, chưa đủ lớn để tạo lợi thế kinh tế. Số lượng xe tiêu thụ bị chia nhỏ giữa nhiều dòng sản phẩm khiến doanh nghiệp phải tính toán cẩn trọng trong từng quyết định đầu tư.

Để thực sự vươn lên, việc nâng cao năng lực sản xuất trong nước và từng bước tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu của ngành là hết sức quan trọng.

Việc doanh nghiệp mở rộng sản xuất trong nước, nghiên cứu, thiết kế và phát triển sản phẩm ngay tại Việt Nam là bước đệm để ngành ô tô trong nước nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, đáp ứng nhu cầu nội địa và hướng tới xuất khẩu. Nội địa hóa không chỉ giúp giảm phụ thuộc vào nhập khẩu mà còn tạo đà phát triển cho toàn bộ hệ sinh thái ngành ô tô trong tương lai.

- Đâu là những rào cản lớn nhất mà doanh nghiệp trong nước gặp phải khi muốn nâng cao tỷ lệ nội địa hóa và tự chủ công nghệ, thưa ông?

PGS.TS. Đàm Hoàng Phúc: Một trong những rào cản lớn nhất đối với quá trình nội địa hóa trong ngành sản xuất ô tô tại Việt Nam là sự hạn chế của ngành công nghiệp hỗ trợ. Hiện nay, số lượng doanh nghiệp trong nước có khả năng cung ứng linh kiện, phụ tùng theo tiêu chuẩn quốc tế còn rất ít, khiến các nhà sản xuất ô tô gặp khó khăn trong việc nội địa hóa sản phẩm.

Vấn đề này có thể được ví như bài toán "con gà và quả trứng": Sản lượng ô tô trong nước thấp dẫn đến việc doanh nghiệp không có động lực để đầu tư mở rộng sản xuất linh kiện, và ngược lại, việc thiếu nguồn cung linh kiện nội địa khiến chi phí sản xuất xe trong nước cao, cản trở sự phát triển của toàn ngành.

Không chỉ hạn chế khả năng mở rộng năng lực sản xuất của các doanh nghiệp trong nước, việc ngành công nghiệp hỗ trợ nội địa chưa đủ mạnh còn gây khó khăn trong việc thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp nước ngoài. 

******

Rõ ràng, dù có vai trò quan trọng và tiềm năng lớn, nhưng tại Việt Nam, công nghiệp ô tô là một lĩnh vực đầy thách thức với xuất phát điểm thấp. Manh nha phát triển từ những năm đầu đổi mới, nhưng một thời gian dài ngành loay hoay ở khâu lắp ráp đơn giản, tỷ lệ nội địa hóa thấp, thiếu cả chiều sâu công nghệ lẫn hệ sinh thái công nghiệp hỗ trợ. Thế nhưng, từ vị thế là thị trường tiêu thụ, "người học việc" trong "sân chơi" toàn cầu hóa, công nghiệp ô tô Việt Nam đến nay đã dần được định hình rõ nét, có chỗ đứng và vị thế.

Những dấu ấn, bước ngoặt của ngành dường như "trùng khớp" với những chặng đường phát triển của TC Group - tập đoàn kinh tế đa ngành, khởi đầu với lĩnh vực công nghiệp ô tô. Đó là một hành trình nỗ lực dấn thân "làm việc khó" - từ việc đặt những viên gạch đầu tiên đến tìm đường để tạo nền tảng vững chắc cho ngành công nghiệp ô tô.

Năm 1999, TC Group ra đời với tên gọi ban đầu là Công ty TNHH cơ khí Thành Công, đánh dấu bước khởi đầu của ngành nhập khẩu và lắp ráp ô tô tại Việt Nam. Đến năm 2004, doanh nghiệp quyết định đầu tư nhà máy sản xuất đầu tiên tại Đông Anh (Hà Nội), chính thức gia nhập lĩnh vực sản xuất, lắp ráp xe tải mang thương hiệu Thanh Cong Auto. Đây là bước đi đầy táo bạo khi phần lớn doanh nghiệp nội địa lúc đó vẫn "ngại" do chi phí đầu tư lớn, rủi ro cao, chưa có thị trường ổn định.

Chính trong bối cảnh thiếu chiến lược phát triển tổng thể và phải tự bươn chải để tìm "chỗ đứng", TC Group đã chứng minh được bản lĩnh của mình. Sớm nhìn thấy "khoảng trống lớn" của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam, Tập đoàn xác định sản xuất là "chìa khóa" để tham gia sâu vào chuỗi giá trị, mở ra cánh cửa tương lai.

Sau giai đoạn khởi động với xe tải, TC Group chuyển hướng sang lĩnh vực ô tô du lịch và nhanh chóng đạt được những kết quả kinh doanh vượt trội. Từ con số khiêm tốn 6.335 xe du lịch bán ra năm 2009, chỉ sau gần 1 thập kỷ, doanh số bán hàng đã tăng gần 10 lần, đạt 55.994 xe du lịch vào năm 2018, đưa thị phần từ 7% vọt lên 22%. 

Tính tổng cả xe du lịch và xe thương mại, trong năm 2018, TC Group đã đạt doanh số 63.526 xe. Đến năm 2022, mặc dù bối cảnh kinh tế chung của đất nước và thế giới còn nhiều khó khăn sau ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 cùng sự khan hiếm hàng hóa do khủng hoảng chất bán dẫn toàn cầu, tập đoàn vẫn tạo nên cột mốc lịch sử khi doanh số đạt 81.582 xe, chiếm 16% thị phần và lập kỷ lục cao nhất kể từ khi tập đoàn tham gia vào thị trường ô tô.

Trong giai đoạn 2023 - 2024, dù có sự điều chỉnh nhẹ với 67.450 xe bán ra năm 2023 và 67.168 xe bán ra năm 2024, TC Group vẫn duy trì được sức cạnh tranh đáng nể và giữ vững vị thế top đầu về sản lượng tiêu thụ xe tại Việt Nam. Điều này cho thấy khả năng thích ứng nhanh với biến động thị trường và sự đồng bộ trong hệ sinh thái sản xuất - phân phối - dịch vụ sau bán hàng mà doanh nghiệp đã xây dựng.

Những con số trên không đơn giản chỉ là kết quả kinh doanh, mà còn phản ánh đóng góp sâu sắc của TC Group đối với sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô trong nước, góp phần thay đổi cục diện cho ngành ô tô Việt Nam.

Không dừng lại ở thị trường trong nước, TC Group tiếp tục mở rộng tầm nhìn, vươn mình ra "biển lớn" quốc tế. Năm 2024, Tập đoàn đã xuất khẩu lô xe Hyundai Palisade sang thị trường Thái Lan. Đây là một trong những mẫu SUV cao cấp nhất được sản xuất và phân phối tại Việt Nam từ tháng 9/2023. Hyundai Palisade đủ điều kiện hưởng các ưu đãi thuế quan từ Khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA), tạo lợi thế cạnh tranh lớn khi xuất khẩu ra thị trường quốc tế.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài đánh giá, việc TC Group xuất khẩu xe Hyundai Palisade sang thị trường Thái Lan là một sự kiện đặc biệt quan trọng, đánh dấu bước chuyển mình mạnh mẽ của tập đoàn trong quá trình phát triển và trưởng thành. Đây là dấu mốc quan trọng, thúc đẩy toàn ngành công nghiệp ô tô tiến thêm một bước, gần hơn tới mục tiêu của chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam. Đồng thời là sự khẳng định về chất lượng sản phẩm xe ô tô "Made in Vietnam", không chỉ đáp ứng tốt nhu cầu trong nước mà còn có thể thỏa mãn những tiêu chuẩn khắt khe của các thị trường phát triển hơn trong khu vực1.

Chiến lược liên doanh quốc tế và tầm nhìn xa của TC Group trong ngành công nghiệp ô tô- Ảnh 1.

Công ty CP Sản xuất Ô tô Hyundai Thành Công Việt Nam (HTMV) – Liên doanh sản xuất giữa TC Group (Tập đoàn Thành Công) và Hyundai Motor đã tổ chức Lễ xuất khẩu xe ô tô Hyundai Palisade sang thị trường Thái Lan vào ngày 29/10/2024

Chiến lược liên doanh quốc tế và tầm nhìn xa của TC Group trong ngành công nghiệp ô tô- Ảnh 2.

Mẫu xe Hyundai Palisade được xuất khẩu sang Thái Lan

TC Group đang đặt mục tiêu mở rộng thị trường xuất khẩu sang các quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á như Myanmar, Philippines và Indonesia. Kế hoạch này bao gồm việc xuất khẩu các dòng xe thuộc phân khúc B, B-SUV, D-SUV và D-MPV.

Trước đó, TC Group đã xuất khẩu các dòng xe thương mại như Hyundai Solati và xe tải nhẹ Mighty sang một số thị trường Đông Nam Á và Nam Mỹ, đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc mở rộng thị trường quốc tế.

Như vậy, là một trong số ít những doanh nghiệp tư nhân dám đi "ngược dòng", TC Group không chỉ lấp đầy "khoảng trống" trên thị trường, mà còn tiên phong kiến tạo những giá trị mới cho ngành công nghiệp ô tô Việt Nam.

Không dễ để "hái trái ngọt" và càng không ngẫu nhiên có được những chiếc xe Hyundai "Made in Vietnam" xuất khẩu ra thị trường quốc tế. Nhận thức rõ xuất phát điểm chỉ là một doanh nghiệp nhỏ, chưa đủ năng lực để tự vận hành toàn bộ chuỗi sản xuất ô tô hiện đại, TC Group buộc phải tìm kiếm một hướng đi khả thi để tồn tại và phát triển nhanh, bền vững. Dấu mốc mang tính bước ngoặt chính là "cú bắt tay" chiến lược với Hyundai Motor - một trong những "ông lớn" của ngành ô tô toàn cầu.

Chiến lược liên doanh quốc tế và tầm nhìn xa của TC Group trong ngành công nghiệp ô tô- Ảnh 3.

Năm 2009, sau khi trở thành nhà phân phối độc quyền xe du lịch Hyundai tại Việt Nam, TC Group đã thể hiện khát vọng lớn "không chỉ bán xe, mà phải tự sản xuất", đặt nền tảng cho quá trình tiếp nhận chuyển giao công nghệ bài bản và chuyên sâu.

Ngay từ khi bắt đầu, Tập đoàn đã chủ động cử hàng trăm kỹ sư sang Hàn Quốc đào tạo, thực hành trực tiếp tại nhà máy Hyundai. Song song với đó, đội ngũ chuyên gia Hàn Quốc cũng thường xuyên có mặt tại Việt Nam, tham gia thiết lập quy trình, kiểm soát chất lượng và đào tạo đội ngũ sản xuất trong nước. Sự đầu tư bài bản vào con người, công nghệ và quy trình chính là "chìa khóa" giúp TC Group không đi theo lối mòn của nhiều doanh nghiệp lắp ráp khác.

Thành quả đến sớm hơn dự kiến, chỉ sau 2 năm kể từ khi bắt đầu học chuyển giao công nghệ từ Hyundai, năm 2011, TC Group đã chính thức vận hành nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô Hyundai Thành Công số 1 (HTMV1) tại Khu công nghiệp Gián Khẩu (Ninh Bình) - một minh chứng rõ nét cho nội lực mạnh mẽ và tốc độ triển khai thần tốc hiếm có trong lĩnh vực công nghiệp nặng. Trong giai đoạn đầu, nhà máy đáp ứng công suất 40.000 xe/năm và ấp ủ mở rộng năng lực sản xuất trong các năm tiếp theo. Tại HTMV1, Tập đoàn đã đưa mẫu xe đầu tiên vào dây chuyền lắp ráp là Hyundai Avante. Đây là mẫu xe bán chạy nhất của Hyundai Motor trên toàn cầu tại thời điểm đó, cũng như nhận được rất nhiều giải thưởng quốc tế quan trọng. Chính vì vậy, khi Hyundai Avante lắp ráp trong nước chính thức ra mắt thị trường ngày 13/5/2011 đã thu hút sự quan tâm lớn từ khách hàng Việt Nam. Sự ra mắt của mẫu xe này đã góp phần tạo nên sự thay đổi tích cực trong phân khúc xe Sedan hạng trung tại Việt Nam, cũng như mở đường cho thành công của nhiều mẫu xe lắp ráp tại nhà máy Hyundai Thành Công về sau.

Tiếp bước HTMV1, năm 2022, TC Group cùng Hyundai Motor tiếp tục khánh thành nhà máy Hyundai Thành Công Việt Nam số 2 (HTMV2) tại Khu công nghiệp Gián Khẩu (Ninh Bình) - một nhà máy ô tô đạt chuẩn toàn cầu, sẵn sàng chinh phục những thị trường khó tính nhất. 

HTMV2 được xây dựng trên diện tích hơn 50ha, sở hữu những dây chuyền lắp ráp tự động hóa chính xác cao, áp dụng các công nghệ tiên tiến nhất từ Hàn Quốc, đáp ứng các yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn sản xuất thông minh. Nhà máy có tổng công suất thiết kế đạt 100.000 xe/năm, kết hợp với HTMV1 sẽ đưa tổng công suất xe Hyundai xuất xưởng đạt mức 180.000 xe/năm, phục vụ đáp ứng tốt nhu cầu trong nước cũng như hướng đến thị trường khác trong khu vực và đưa Công ty Cổ phần Liên doanh Ô tô Hyundai Thành Công Việt Nam trở thành nhà sản xuất ô tô lớn nhất Đông Nam Á của Hyundai Motor.

Chiến lược liên doanh quốc tế và tầm nhìn xa của TC Group trong ngành công nghiệp ô tô- Ảnh 4.
Chiến lược liên doanh quốc tế và tầm nhìn xa của TC Group trong ngành công nghiệp ô tô- Ảnh 5.
Chiến lược liên doanh quốc tế và tầm nhìn xa của TC Group trong ngành công nghiệp ô tô- Ảnh 6.

TC Group cùng Hyundai Motor tiếp tục khánh thành nhà máy Hyundai Thành Công Việt Nam số 2 (HTMV2) tại Khu công nghiệp Gián Khẩu (Ninh Bình) sau thành công của nhà máy số 1

Dù đi theo mô hình liên doanh, TC Group không đơn thuần chỉ "học nhờ" công nghệ của Hyundai. Từ nền tảng chuyển giao có chọn lọc, doanh nghiệp này đã chủ động tham gia vào hoạt động R&D, tinh chỉnh công nghệ cho phù hợp với điều kiện Việt Nam, bước đầu định hình năng lực phát triển sản phẩm riêng.

Tư duy "học để làm chủ, không học để phụ thuộc" đã trở thành kim chỉ nam trong mọi chiến lược của doanh nghiệp. Men theo đường hướng làm chủ công nghệ, Tập đoàn dần tiến tới thúc đẩy nội địa hóa trong sản xuất ô tô, mở ra năng lực sản xuất độc lập. Hiện một số mẫu xe lắp ráp chủ lực như Hyundai Accent, Hyundai Creta, Hyundai Tucson đã đạt tỷ lệ nội địa hoá trên 40%, cao gấp đôi mặt bằng chung của ngành ô tô trong nước (dao động từ 10 - 20%). Con số này không chỉ phản ánh khả năng kiểm soát chuỗi cung ứng mà còn mở ra cánh cửa xuất khẩu khi đáp ứng yêu cầu về tỷ lệ nội địa hoá của các hiệp định thương mại tự do (FTAs).

Đặc biệt, nhiều linh kiện trọng yếu như thân vỏ, hệ thống điện, điều hòa, ghế, lốp xe, thảm sàn và các chi tiết nhựa nội thất đã được sản xuất hoàn toàn trong nước, với chất lượng đạt chuẩn toàn cầu của Hyundai.

Tỷ lệ nội địa hóa cao giúp TC Group vừa giảm chi phí sản xuất, vừa tăng tính linh hoạt trong kiểm soát chất lượng, đồng thời góp phần thúc đẩy công nghiệp phụ trợ Việt Nam phát triển theo chuẩn quốc tế. 

- Thưa PGS.TS. Đàm Hoàng Phúc, ông nhìn nhận như thế nào về chiến lược liên doanh dài hạn của doanh nghiệp ô tô Việt Nam với "ông lớn" ô tô trên thế giới?

PGS.TS. Đàm Hoàng Phúc: Với một ngành công nghiệp ô tô còn non trẻ như Việt Nam, việc liên doanh với các tập đoàn nước ngoài hay còn được gọi là chiến lược "đứng trên vai người khổng lồ" là con đường tất yếu để phát triển. Việc hợp tác này giúp doanh nghiệp trong nước tiếp cận công nghệ, tạo điều kiện để nâng cao năng lực quản lý và sản xuất. Nếu mối quan hệ hợp tác chỉ dừng lại ở việc khai thác thị trường tiêu thụ, các đối tác ngoại sẽ không có động lực đầu tư mạnh vào công nghệ cao hay chuyển giao giá trị thực sự, mà chủ yếu chỉ hướng đến tối đa hóa lợi ích kinh tế cho riêng họ. Mặt khác, khi một tập đoàn nước ngoài nắm quyền kiểm soát toàn bộ, họ sẽ chủ động quyết định chiến lược kinh doanh và tận dụng tối đa ưu đãi, khiến doanh nghiệp Việt khó có cơ hội tiếp cận công nghệ và mở rộng vai trò.

Trong khi đó, mô hình liên doanh mở ra hướng đi hiệu quả cho cả doanh nghiệp trong nước lẫn các tập đoàn ô tô thế giới. Với đối tác nước ngoài, đây là phương thức thâm nhập thị trường thuận lợi thông qua hoạt động lắp ráp ngay tại Việt Nam, đồng thời tận dụng tối đa các chính sách ưu đãi và thị hiếu tiêu dùng. Việc đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất, thiết lập hệ thống phân phối và dịch vụ hậu mãi ngay tại địa phương giúp họ nhanh chóng mở rộng thị phần và củng cố niềm tin với khách hàng.

Về phía doanh nghiệp Việt, hợp tác với những thương hiệu lớn tạo điều kiện nâng cao khả năng quản trị và từng bước làm chủ quy trình sản xuất theo chuẩn quốc tế. Không chỉ giúp đưa ra những sản phẩm phù hợp với thị trường trong nước, mô hình này còn góp phần nâng cao chất lượng nhân lực, tạo nền tảng cho ngành công nghiệp ô tô nội địa phát triển theo chiều sâu.

Như vậy, thông qua hợp tác chiến lược, các doanh nghiệp trong nước có thể tích lũy kinh nghiệm, tăng cường năng lực sản xuất và từng bước khẳng định vị thế độc lập trên thị trường. So với hình thức đầu tư 100% vốn nước ngoài, liên doanh mang lại giá trị bền vững và lâu dài hơn cho nền kinh tế.

Thực tế đã cho thấy một số doanh nghiệp sau khi liên doanh với các thương hiệu quốc tế đã phát triển thêm các dòng xe thương mại mang thương hiệu riêng. Điều này minh chứng rằng liên doanh không chỉ giúp doanh nghiệp Việt vươn lên mà còn tạo nền tảng để hình thành các thương hiệu ô tô nội địa trong tương lai. Vì vậy, việc khuyến khích và mở rộng các mô hình hợp tác này là điều cần thiết để Việt Nam xây dựng một ngành công nghiệp ô tô vững mạnh, có khả năng cạnh tranh trong khu vực và trên thế giới.

Trong ngành công nghiệp ô tô, không có chỗ cho những kẻ yếu.
PGS.TS. Đàm Hoàng Phúc

- Ông nghĩ sao về bản lĩnh của TC Group khi có thể liên doanh được với "ông lớn" Hyundai từ rất sớm và duy trì bền bỉ trong một thời gian dài?

PGS.TS. Đàm Hoàng Phúc: TC Group không hề liều lĩnh khi bắt tay với Hyundai mà đó là một bước đi thể hiện bản lĩnh và tầm nhìn chiến lược.

Trong ngành công nghiệp ô tô, không có chỗ cho những kẻ yếu. "Người khổng lồ" mà TC Group đang chọn "đứng trên vai" như Hyundai đã phải trải qua hàng thập kỷ cạnh tranh khốc liệt, không ngừng đổi mới và mở rộng tầm ảnh hưởng để có được vị thế như ngày hôm nay.

Để hiện thực hóa giấc mơ "đứng đầu" ngành công nghiệp ô tô, doanh nghiệp không thể đi theo lối mòn hay chờ đợi cơ hội, họ phải dấn thân, chấp nhận rủi ro và sẵn sàng đối mặt với những áp lực lớn.

Quan trọng hơn, họ không chọn cách đầu tư nửa vời hay chạy theo phong trào. Việc bắt tay với Hyundai, dần mở rộng quy mô hợp tác với thương hiệu lớn khác giúp TC Group đặt ra những yêu cầu khắt khe về sản xuất và quản trị. Đây là thử thách không nhỏ, nhưng cũng là cơ hội để doanh nghiệp Việt vươn lên, tiệm cận những tiêu chuẩn quốc tế và từng bước khẳng định vị thế.

TC Group đã chứng minh rằng, muốn đi xa thì phải có bản lĩnh, phải dám đầu tư bài bản, dám chịu áp lực cạnh tranh thay vì tìm đường tắt, dám kiên trì theo đuổi một chiến lược dài hơi ngay cả khi thị trường biến động. Đây không phải là sự liều lĩnh mà là một bước đi có tính toán, đặt nền móng cho ngành công nghiệp ô tô trong tương lai.

- Theo nhìn nhận của ông, TC Group hiện đã "đi xa" đến đâu?

PGS.TS. Đàm Hoàng Phúc: Tôi nhận thấy, TC Group đã từng bước mở rộng mô hình kinh doanh, phát triển hệ sinh thái ô tô đa thương hiệu và gia tăng nội lực sản xuất.

Không chỉ dừng lại ở Hyundai, Tập đoàn hiện còn là đối tác duy nhất của thương hiệu xe hơi Skoda Auto tại Việt Nam và tiếp tục tìm kiếm các cơ hội hợp tác chiến lược khác. Quá trình này không chỉ giúp doanh nghiệp tích lũy vốn, kinh nghiệm mà còn mở ra cơ hội phát triển sản phẩm mang dấu ấn riêng.

Việc ban đầu chỉ hợp tác với Hyundai giúp TC Group xây dựng nền tảng vững chắc về tài chính, năng lực sản xuất và quản trị. Sau khi tích lũy đủ kinh nghiệm, doanh nghiệp từng bước mở rộng sang các thương hiệu khác, tự chủ hơn trong việc lựa chọn đối tác và định hướng phát triển. 

Đây là minh chứng cho thấy mô hình liên doanh không chỉ mang lại lợi ích trước mắt mà còn tạo nền tảng để doanh nghiệp nội địa vươn lên, dần khẳng định vị thế trong ngành công nghiệp ô tô.

- Xin ông chia sẻ rõ hơn cảm nhận về vị thế của TC Group trong ngành công nghiệp ô tô, cho đến nay?

PGS.TS. Đàm Hoàng Phúc: Đến nay, TC Group đã góp phần đáng kể vào sự phát triển của thị trường ô tô trong nước, đặc biệt là phân khúc xe Hyundai. Với mức giá phù hợp, chất lượng ổn định và danh mục sản phẩm đa dạng, Hyundai nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường Việt Nam, được người tiêu dùng đón nhận rộng rãi. Một số dòng xe như Hyundai i10 đã trở thành lựa chọn phổ biến cho dịch vụ taxi, thể hiện khả năng đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dùng.

TC Group còn mở rộng sang phân khúc xe thương mại như xe tải, xe khách. Điều này cho thấy sự trưởng thành của doanh nghiệp khi từng bước hoàn thiện chuỗi sản xuất và mở rộng phạm vi hoạt động.

TC Group chính là một điển hình cho thấy, từ một doanh nghiệp liên doanh đơn lẻ, họ có thể phát triển thành một hệ sinh thái ô tô hoàn chỉnh, nâng cao giá trị thương hiệu và mở ra nhiều cơ hội hợp tác chiến lược hơn nữa trong tương lai.

Khi đã đạt đến một quy mô đủ lớn, doanh nghiệp nội địa có thể đàm phán với các đối tác nước ngoài trên thế chủ động hơn. Các tập đoàn quốc tế không chỉ đánh giá tiềm năng của thị trường Việt Nam mà còn quan tâm đến năng lực của doanh nghiệp bản địa trước khi quyết định đầu tư.

- Trên thực tế, không ít doanh nghiệp trong nước đã chủ động tận dụng mô hình liên doanh làm "đòn bẩy" để gia tăng nội lực và tiếp cận công nghệ thông qua các hiệp định thương mại tự do. Nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng học chuyển giao công nghệ thành công. Ở góc độ này, ông đánh giá như thế nào về chiến lược của TC Group trong việc từng bước làm chủ công nghệ?

PGS.TS. Đàm Hoàng Phúc: Về cơ bản, công nghệ lắp ráp ô tô tại Việt Nam giữa các doanh nghiệp không có sự khác biệt quá lớn. Các quy trình sản xuất đều tuân theo tiêu chuẩn chung của ngành, với mức độ chênh lệch về kỹ thuật không đáng kể. Tuy nhiên, điểm tạo nên sự khác biệt nằm ở chiến lược phát triển của từng doanh nghiệp, đặc biệt là khả năng mở rộng nội địa hóa và nâng cao năng lực quản lý sản xuất.

Thay vì chỉ dừng lại ở lắp ráp xe hoàn chỉnh, TC Group đã từng bước xây dựng nhà máy sản xuất phụ tùng riêng, gia tăng tỷ lệ nội địa hóa và chuyển giao dần các khâu quan trọng về Việt Nam. Chiến lược này không chỉ giúp tối ưu chi phí mà còn tạo nền tảng để nâng cao năng lực sản xuất trong nước, giảm sự phụ thuộc vào nguồn linh kiện nhập khẩu.

Nhìn chung, dù công nghệ lắp ráp không có sự khác biệt quá lớn, nhưng hướng đi của doanh nghiệp trong việc mở rộng quy mô, đầu tư vào chuỗi cung ứng nội địa và nâng cao khả năng tự chủ mới là yếu tố quyết định sự phát triển bền vững của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam.

- Không chỉ mở rộng sản để xuất đáp ứng nhu cầu nội địa, TC Group còn thành công vươn ra thị trường quốc tế. Có vẻ như đây là chiến lược đã được tính toán kỹ?

PGS.TS. Đàm Hoàng Phúc: Đúng vậy, việc mở rộng xuất khẩu sang thị trường quốc tế của TC Group không phải là bước đi ngẫu nhiên, mà là kết quả của một chiến lược tận dụng cơ hội bài bản.

Trong bối cảnh Hyundai – đối tác chiến lược chính của TC Group – chưa có nhà máy sản xuất quy mô lớn tại Đông Nam Á, trong khi các thị trường như Thái Lan và Indonesia chủ yếu vẫn phụ thuộc vào xe nhập khẩu, TC Group đã nhanh chóng nắm bắt cơ hội này. Tập đoàn chủ động bắt tay với Hyundai để đưa Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất, làm "bàn đạp" cho hoạt động xuất khẩu sang các nước trong khu vực.

Chiến lược này không chỉ giúp Hyundai thâm nhập sâu hơn vào thị trường Đông Nam Á, mà còn tạo điều kiện để ngành công nghiệp ô tô Việt Nam phát triển. Khi đặt nhà máy tại Việt Nam, Hyundai và các đối tác khác buộc phải hình thành chuỗi cung ứng tại chỗ, qua đó thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp hỗ trợ.

Và như đã nói, TC Group đã áp dụng mô hình "đứng trên vai người khổng lồ" một cách khéo léo. Bằng việc liên doanh với Hyundai, doanh nghiệp không chỉ học hỏi công nghệ sản xuất mà còn tiếp thu phương thức quản lý chuỗi cung ứng, vận hành nhà máy theo tiêu chuẩn quốc tế. Đây là những yếu tố nền tảng giúp tập đoàn từng bước nâng cao năng lực, mở rộng quy mô và tiến tới tự chủ hơn trong sản xuất.

Về dài hạn, khi đã tích lũy đủ kinh nghiệm và tài chính, tôi cho rằng, TC Group hoàn toàn có thể mở rộng hợp tác với nhiều thương hiệu quốc tế khác, thậm chí phát triển dòng sản phẩm riêng. Mô hình này không chỉ giúp doanh nghiệp Việt Nam lớn mạnh mà còn góp phần đưa ngành công nghiệp ô tô Việt Nam tiến lên một tầm cao mới.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!


Sau gần 26 năm hình thành và phát triển, TC Group không ngừng mở rộng hệ sinh thái, từng bước khẳng định vị thế trên nhiều lĩnh vực. Những thành quả đã đạt được trong ngành công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp ô tô không chỉ mang tính nền tảng, mà còn là "bệ phóng" vững chắc cho hành trình vươn xa của doanh nghiệp trong tương lai.

Với sứ mệnh kiến tạo những giá trị tốt đẹp hơn cho cộng đồng và xã hội, TC Group đã triển khai hàng loạt dự án quy mô trên khắp cả nước, bao phủ đa dạng các loại hình sản phẩm, từ sản xuất công nghiệp, thương mại - dịch vụ, bất động sản.

Tổ hợp khách sạn và sân golf The Five Resort & Golf Hoàng Gia Ninh Bình là tổ hợp sân golf 54 lỗ theo tiêu chuẩn quốc tế, gắn liền với quần thể khách sạn, biệt thự cao cấp. Những chuỗi biệt thự, khách sạn sang trọng, những khu nghỉ dưỡng tiêu chuẩn 5 sao như Khách sạn Shilla Monogram Quangnam Danang không chỉ là điểm đến nghỉ dưỡng lý tưởng mà còn mang lại cơ hội đầu tư bền vững. Tổ hợp dịch vụ và căn hộ The Five Residences Hanoi, The Five Suites Lilas ghi dấu ấn trên thị trường căn hộ cao cấp. Những tòa nhà văn phòng hạng A+ đẳng cấp, đa năng và thân thiện với môi trường, cung cấp những trải nghiệm dịch vụ hiện đại, với hệ thống tiện ích vượt trội.

Chiến lược liên doanh quốc tế và tầm nhìn xa của TC Group trong ngành công nghiệp ô tô- Ảnh 7.
Chiến lược liên doanh quốc tế và tầm nhìn xa của TC Group trong ngành công nghiệp ô tô- Ảnh 8.
Chiến lược liên doanh quốc tế và tầm nhìn xa của TC Group trong ngành công nghiệp ô tô- Ảnh 9.
Chiến lược liên doanh quốc tế và tầm nhìn xa của TC Group trong ngành công nghiệp ô tô- Ảnh 10.

Một số dự án bất động sản nổi bật TC Group đang triển khai

Hiện TC Group còn đang là chủ đầu tư của Tổ hợp công nghiệp ô tô và phụ trợ Thành Công Việt Hưng, tại khu công nghiệp Việt Hưng, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, với quy hoạch bài bản, chất lượng cao để trở thành một điểm đến cho các đối tác công nghiệp ô tô và phụ trợ trên thế giới. Dự án đã chính thức khánh thành vào ngày 26/3 và sẽ sản xuất các sản phẩm xe ô tô Skoda. Trong tương lai, sẽ mở rộng đa dạng sản phẩm, chủng loại ô tô để trở thành trung tâm ô tô lớn tiếp theo của đất nước.

Chiến lược liên doanh quốc tế và tầm nhìn xa của TC Group trong ngành công nghiệp ô tô- Ảnh 11.
Chiến lược liên doanh quốc tế và tầm nhìn xa của TC Group trong ngành công nghiệp ô tô- Ảnh 12.
Chiến lược liên doanh quốc tế và tầm nhìn xa của TC Group trong ngành công nghiệp ô tô- Ảnh 13.
Chiến lược liên doanh quốc tế và tầm nhìn xa của TC Group trong ngành công nghiệp ô tô- Ảnh 14.

Tổ hợp công nghiệp ô tô và phụ trợ Thành Công Việt Hưng/

Trong các lĩnh vực kinh doanh, mảng tài chính ngân hàng là mảnh ghép mới nhất. Hiện TC Group là đối tác chiến lược của ngân hàng PG Bank và đang tiếp tục nghiên cứu, tham gia sâu hơn vào lĩnh vực tài chính để phục vụ khách hàng và đối tác ngày một tốt hơn. Điều này chứng minh và khẳng định tầm nhìn chiến lược của TC Group trên thương trường, cũng như là mảnh ghép hoàn hảo để tạo dựng vững chắc thương hiệu của một tập đoàn kinh tế đa lĩnh vực.

Sự phát triển lớn mạnh và vững chắc thành một tập đoàn kinh tế đa ngành chính là kết quả của sự nỗ lực không ngừng nghỉ của tập thể cán bộ, công nhân viên và vai trò lãnh đạo của người chèo lái "con thuyền" TC Group. Xuyên suốt quá trình phát triển, giá trị cốt lõi mà TC Group luôn hướng tới là con người và chất lượng của sản phẩm làm nên thương hiệu ngày hôm nay. 

*****

Có thể thấy, hành trình phát triển của TC Group là minh chứng rõ nét cho nội lực bền bỉ và tầm nhìn chiến lược của doanh nghiệp tư nhân Việt Nam trong thời kỳ hội nhập. Không chỉ là sức sống mãnh liệt, những bước đi tiên phong đầy quyết đoán mà còn là những giá trị riêng biệt.

Trong bối cảnh Việt Nam hướng tới mục tiêu trở thành nước phát triển vào năm 2045, những doanh nghiệp sẵn sàng dấn thân "mở đường" như TC Group chính là lực lượng dẫn dắt. Với tư duy đổi mới, chiến lược bền vững và khát vọng không ngừng vươn xa, họ không chỉ khẳng định tinh thần dân tộc của doanh nghiệp Việt mà còn góp phần đưa nền kinh tế đất nước sánh vai cùng các cường quốc trên thế giới./.

[1]https://tienphong.vn/buoc-tien-moi-cua-nganh-cong-nghiep-o-to-viet-nam-post1687690.tpo 

Tổng kết 40 năm Đổi mới, Việt Nam đã chuyển mình từ một nước nghèo vươn lên thành quốc gia đang phát triển, thu nhập trung bình, hội nhập sâu rộng và giữ vị thế quan trọng trên trường quốc tế. Những thành tựu vĩ đại đạt được dưới sự lãnh đạo của Đảng đã giúp Việt Nam tích lũy đủ nội lực cho sự phát triển bứt phá tiếp theo. Gắn liền với hành trình ấy là sự phát triển không ngừng, dấu ấn và đóng góp khó đong đếm của khu vực kinh tế tư nhân, nòng cốt là các doanh nghiệp tư nhân.

Mùa xuân năm 2025 được xác định là thời điểm bản lề, chuẩn bị bắt đầu kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình, là thời điểm hội tụ, tổng hòa các lợi thế, ý chí, quyết tâm cùng khát vọng, niềm tin, khí thế mới để có thể tạo sự chuyển động mạnh mẽ, dứt khoát và tự tin nâng cao nội lực của đất nước, vượt qua thách thức, nắm bắt cơ hội vươn tới những mục tiêu lớn lao hơn.

Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định: Ưu tiên hàng đầu trong kỷ nguyên mới là thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước xã hội chủ nghĩa phát triển, có thu nhập cao; khơi dậy mạnh mẽ hào khí dân tộc, tinh thần tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc, khát vọng phát triển đất nước; kết hợp chặt chẽ sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại.

Nhấn mạnh "để vuột mất cơ hội là có lỗi với lịch sử", Tổng Bí thư yêu cầu cần thống nhất nhận thức và hành động về sự cấp bách phải tiếp tục tiến hành công cuộc đổi mới kinh tế một cách mạnh mẽ, quyết liệt và toàn diện hơn để đất nước vững vàng bước vào kỷ nguyên thịnh vượng, giàu mạnh và phát triển.

Trong bối cảnh đó, kinh tế tư nhân đang được xem xét, định hình trở thành trụ cột quan trọng nhất của tăng trưởng kinh tế. Không có kinh tế tư nhân, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân lớn mạnh thì sẽ không có nền kinh tế quốc gia vững mạnh, tự chủ và có sức chống chịu tốt. Cơ chế thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển đột phá được đánh giá là then chốt để đạt được các mục tiêu đặt ra, trước mắt là tăng trưởng kinh tế 2 con số. Một nghị quyết mới về kinh tế tư nhân đang được mong chờ sẽ tạo ra những cải cách mạnh mẽ, thúc đẩy các doanh nghiệp tư nhân đẩy nhanh quá trình đổi mới, thay đổi cơ cấu và vươn tới những giới hạn cao nhất của nền kinh tế; tạo nền tảng cho khả năng vươn mình thành những doanh nghiệp đa quốc gia và góp phần định hình kỷ nguyên mới của đất nước.

Tương lai của nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc lớn vào khu vực kinh tế tư nhân. Được khuyến khích và hun đúc thêm hào khí dân tộc, khẳng định vị thế và tạo ra những cảm hứng phát triển mới, tin rằng các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam sẽ còn ghi dấu ấn bằng những bước tiến đột phá trong kỷ nguyên vươn mình, quyện hòa giữa khát vọng làm giàu và tinh thần dân tộc, xây dựng nền kinh tế tự chủ, tự lực, tự cường. Lựa chọn phát triển kinh tế tư nhân là con đường ngắn nhất để vượt qua những khó khăn hiện tại và vươn tới tương lai thịnh vượng.

Đầu tháng 3, chủ trì buổi làm việc với Ban Chính sách và Chiến lược Trung ương về một số giải pháp chiến lược nhằm tạo đột phá phát triển kinh tế tư nhân Việt Nam trong thời gian tới, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh yêu cầu tiếp tục đổi mới tư duy và tạo sự thống nhất cao trong nhận thức về vai trò, vị trí của kinh tế tư nhân, xóa bỏ những định kiến, tư duy không đúng để tạo sự thay đổi trong "ứng xử" và hành động, chính sách cụ thể đối với khu vực kinh tế quan trọng này, đồng thời phải có chiến lược rõ ràng cho phát triển kinh tế tư nhân.

Trong bài viết "Phát triển kinh tế tư nhân - Đòn bẩy cho một Việt Nam thịnh vượng", Tổng Bí thư khẳng định: Chúng ta cần phải quán triệt lại định hướng quan điểm và nhận thức trong cả hệ thống chính trị về vai trò của kinh tế tư nhân như là động lực tăng trưởng quan trọng hàng đầu của đất nước. Điều này đòi hỏi một sự thay đổi căn bản trong hoạch định chính sách, khắc phục những hạn chế và phát huy tính ưu việt của cơ chế thị trường để hỗ trợ khu vực kinh tế tư nhân nâng cao năng suất lao động và đổi mới sáng tạo.

Chuyên đề: Sứ mệnh lịch sử của kinh tế tư nhân trên Reatimes.vn, thông qua những cuộc thảo luận sâu sắc với các chuyên gia hàng đầu, sẽ khắc họa rõ nét và đưa ra những hình dung cụ thể về đóng góp của kinh tế tư nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân trong hành trình 40 năm Đổi mới của đất nước và nhìn nhận về vị thế, vai trò của khu vực kinh tế này đối với cuộc đổi mới lần thứ 2 trong kỷ nguyên vươn mình. Đồng thời, làm rõ những rào cản, thách thức đang nhấn chìm khát vọng của khối doanh nghiệp tư nhân; kiến nghị chính sách để tạo đường băng rộng mở cho kinh tế tư nhân cất cánh.

Trân trọng giới thiệu tới độc giả!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top