Masan - Hành trình xoay trục ngành bán lẻ, phụng sự người tiêu dùng

Masan - Hành trình xoay trục ngành bán lẻ, phụng sự người tiêu dùng

Thứ Sáu, 18/04/2025 - 06:30

Năm 2024, Việt Nam tiếp tục ghi dấu ấn trên bản đồ ngành hàng tiêu dùng - bán lẻ châu Á với tốc độ tăng trưởng nằm trong nhóm cao nhất. Cùng với xu thế tiêu dùng nội địa ngày càng gia tăng và sự chuyển dịch mạnh mẽ trong hành vi người tiêu dùng, ngành bán lẻ đã và đang trở thành một trong những trụ cột quan trọng của nền kinh tế.

Trong bức tranh ấy, Masan là một trong những doanh nghiệp tiên phong kiến tạo xu hướng, góp phần làm thay đổi diện mạo thị trường và nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành bán lẻ nội địa bằng nỗ lực xây dựng hệ sinh thái bán lẻ tích hợp, từ tiêu dùng nhanh, thực phẩm, đồ uống đến phân phối và chuỗi bán lẻ hiện đại.

Không chỉ tạo ra những sản phẩm "made by Vietnam", Masan còn đặt ra sứ mệnh cao hơn là phát triển mô hình tiêu dùng bền vững, phục vụ nhu cầu thiết yếu hằng ngày của hàng triệu hộ gia đình Việt bằng chất lượng, công nghệ và sự thấu hiểu sâu sắc văn hóa bản địa.

***

Hà Nội những ngày đầu tháng Tư. Tiết trời đã dịu lại sau cái se sắt của rét nàng Bân, nhưng cũng chưa hoàn toàn bước hẳn sang cái oi ả của mùa hạ. Phố xá như chùng xuống, lặng lẽ và thư thả hơn thường lệ. Giao mùa bao giờ cũng thế, luôn khiến người ta nghĩ nhiều hơn về sự chuyển động, của cả đất trời và của con người.

Mang theo bao câu hỏi về thị trường tiêu dùng - bán lẻ và vai trò của doanh nghiệp tư nhân nội địa, tôi trở lại ngôi nhà nhỏ trong con ngõ quen trên phố Khương Trung, nơi đã nhiều lần ngồi cùng PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh - một trong những chuyên gia kinh tế tôi luôn trân quý không chỉ bởi kiến thức sâu rộng mà còn bởi sự sắc sảo trong cách nhìn nhận vấn đề, sự điềm đạm trong cách nói. Ông đã dành gần như trọn vẹn thời gian học tập và làm việc của mình để quan sát và nghiên cứu từng bước chuyển mình của kinh tế Việt Nam ở nhiều ngành, lĩnh vực. 

Cánh cửa mở ra. Ông vẫn thế, chào tôi với nụ cười hiền hậu như lần đầu gặp gỡ: "Ngồi nói chuyện với người trẻ cũng là một cách để cập nhật lại chính mình", ông đùa. 

Bằng chất giọng trầm ấm, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh chậm rãi chia sẻ với tôi những đúc kết của riêng ông về ngành bán lẻ: 

"Tiềm năng của ngành bán lẻ Việt Nam hiện nay là vô cùng lớn, không chỉ ở quy mô thị trường, mà còn ở vai trò đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm và kích thích sản xuất nội địa. Ngành bán lẻ đang dần khẳng định vị thế là một trong những trụ cột quan trọng của nền kinh tế. 

Trong năm 2024, Việt Nam tiếp tục giữ vững vị thế là một trong những thị trường bán lẻ tăng trưởng tích cực và hấp dẫn bậc nhất khu vực, với quy mô toàn ngành ước tính đạt khoảng 250 tỷ USD. Theo dự báo của Bộ Công thương, quy mô thị trường bán lẻ trong năm 2025 có thể đạt 350 tỷ USD, đóng góp 59% tổng ngân sách nhà nước.

Nhưng điều tôi muốn nói ở đây không chỉ là những con số, mà là sự chuyển mình về chất. Đó kết quả của cả một quá trình va chạm và trưởng thành trong tư duy của doanh nghiệp Việt. Đã qua thời doanh nghiệp nội chỉ biết "co mình" trong vai trò nhà cung cấp thứ cấp hay lệ thuộc vào các hệ thống phân phối nước ngoài. Doanh nghiệp của chúng ta giờ đây không còn xem thị trường bán lẻ như một kênh tiêu thụ thứ cấp, kiểu "làm thêm để đẩy hàng ra" như giai đoạn trước mà bắt đầu nhìn nhận đúng tầm vóc của bán lẻ - là ngành mũi nhọn, là cầu nối trực tiếp giữa sản xuất và tiêu dùng".

Masan - Hành trình xoay trục ngành bán lẻ, phụng sự người tiêu dùng- Ảnh 1.

Chuyên gia kinh tế, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh

Ông rót thêm trà vào chén tôi, giải thích:

"Khi buộc phải cạnh tranh trực diện với các chuỗi ngoại dày dặn kinh nghiệm, doanh nghiệp nội hiểu rằng muốn tồn tại trong môi trường khốc liệt này, không thể đi sau mãi được. Bối cảnh đó đòi hỏi doanh nghiệp phải không ngừng đổi mới, cải tiến và nâng cao năng lực của mình. Thêm vào đó, quá trình hội nhập sâu rộng giúp lớp doanh nhân tiếp cận tư duy toàn cầu, khi doanh nhân Việt đi ra thế giới, học hỏi, tiếp thu và nhìn thấy rõ hơn vai trò của bán lẻ trong phát triển kinh tế bền vững. Ngoài ra, sự thay đổi này còn đến từ những chính sách hỗ trợ của Chính phủ khi thông qua những chủ trương bảo vệ thị trường bán lẻ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nội địa phát triển. Tất cả những yếu tố đó đã tạo động lực để doanh nghiệp trong nước mạnh dạn nghĩ xa hơn, làm dài hơn, không còn chỉ chăm chăm vào con số bán ra mỗi ngày, mà hướng đến việc xây dựng hệ sinh thái và giá trị thương hiệu lâu dài".

Vị chuyên gia chậm rãi kết luận, như thể muốn nhấn mạnh điều quan trọng nhất: "Chúng ta không chỉ chứng kiến sự phát triển của ngành bán lẻ trong hàng chục năm qua, mà đang chứng kiến chính các doanh nghiệp Việt định hình lại cục diện của ngành này bằng chính ý chí, tư duy và lòng tin vào năng lực, nội lực".

***

Những chia sẻ đó của PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh khiến tôi liên tưởng ngay đến câu chuyện của Masan, đó không chỉ đơn thuần là hành trình của một doanh nghiệp vươn lên, mà còn là biểu tượng của sự chuyển mình sâu sắc trong ngành bán lẻ Việt Nam. Đó là một cú xoay chuyển mang tính hệ thống, góp phần làm thay đổi cục diện thị trường, định hình một hệ sinh thái tiêu dùng rất mới, rất… Việt Nam.

Nhớ lại một thập kỷ trước, thị trường bán lẻ hiện đại tại Việt Nam gần như trở thành "sân chơi riêng" của các ông lớn ngoại. Các tập đoàn như Big C (Pháp, sau này bán lại cho Central Group của Thái Lan), Lotte Mart (Hàn Quốc), Aeon Mall (Nhật Bản)... ồ ạt vào Việt Nam, lần lượt phủ sóng những vị trí đắc địa bằng những đại siêu thị, trung tâm thương mại đa tầng hiện đại và mang tới trải nghiệm mua sắm hoàn toàn mới lạ cho người tiêu dùng nội địa. Với lợi thế về vốn, công nghệ và kinh nghiệm quản trị, các tập đoàn ngoại nhanh chóng chiếm lĩnh niềm tin người tiêu dùng đô thị, định hình một chuẩn mực tiêu dùng mới, hiện đại hơn, tiện nghi hơn và dường như… vượt khỏi tầm với của những doanh nghiệp nội địa.

Trong khi đó, phần lớn doanh nghiệp bán lẻ trong nước lại hoạt động một cách rời rạc, thiếu liên kết, chiều sâu chiến lược và chỉ dừng lại ở quy mô nhỏ. Theo báo cáo của Bộ Công Thương, đến năm 2015, bán lẻ truyền thống (gồm chợ dân sinh và các cửa hàng tạp hóa nhỏ) vẫn chiếm hơn 75% thị phần, trong khi các chuỗi bán lẻ nội địa hiện đại chỉ chiếm khoảng 5 - 7%, số còn lại thuộc về các "đại gia" ngoại. Các doanh nghiệp nội khi ấy thường chỉ tập trung vào khâu phân phối sản phẩm, chủ yếu ở dạng cửa hàng tiện lợi nhỏ lẻ hoặc kênh bán lẻ truyền thống. Việc thiếu vốn đầu tư, công nghệ quản lý, cùng sự manh mún trong chuỗi cung ứng khiến doanh nghiệp nội không thể cạnh tranh sòng phẳng với khối ngoại. Thậm chí, ngay cả việc chen chân đưa hàng hóa lên các kệ của siêu thị ngoại cũng là vô cùng khó khăn (phải chịu chiết khấu thương mại lên tới 15 - 25%) chứ chưa nói đến việc làm chủ hệ thống phân phối.

Hệ quả là gì? Người tiêu dùng Việt, đặc biệt ở đô thị dần quen với việc mua sắm tại các chuỗi ngoại, ở đó mọi trải nghiệm được đóng gói chỉn chu, chuyên nghiệp và mang mùi "quốc tế". Còn doanh nghiệp nội thì vẫn mải miết đi tìm lời giải cho bài toán thị phần đang ngày một bị chia nhỏ.

Và chính trong bối cảnh ấy, khi sân chơi bán lẻ ngày càng trở nên khốc liệt, Masan xuất hiện như một "người chơi chiến lược" không chỉ vì quy mô mà còn nhờ tư duy phát triển vượt trội và sự hiểu biết sâu sắc về thị trường nội địa. Một doanh nghiệp Việt đi lên từ những sản phẩm thiết yếu quen thuộc như gói mì, chai nước mắm nhưng lại tạo nên điều khác biệt. Không chỉ dừng lại ở việc bán sản phẩm, doanh nghiệp còn phát triển mô hình bán lẻ phù hợp với nhu cầu và thói quen tiêu dùng của người Việt. Bằng cách này, Masan không chỉ chiếm lĩnh thị trường mà còn định hình lại thói quen tiêu dùng của người dân.

Từ những bước đi ban đầu trong lĩnh vực hàng tiêu dùng nhanh, sau gần 3 thập kỷ hoạt động, Masan dưới sự dẫn dắt của vị "thuyền trưởng" Nguyễn Đăng Quang đã âm thầm xây dựng nên một tập đoàn đa ngành hàng đầu Việt Nam, hội tụ cả 3 yếu tố cốt lõi: Sản xuất - phân phối - tiếp cận người tiêu dùng cuối cùng. Tập đoàn nhiều năm liền được vinh danh là nhà bán lẻ uy tín số 1 Việt Nam về doanh thu và lợi nhuận, đồng thời nằm trong Top 10 Công ty Bán lẻ uy tín năm 2024 do Vietnam Report xếp hạng.

Với hệ thống gần 4.000 siêu thị và cửa hàng WinMart và WinMart+ phủ khắp, Masan hiện đang nắm giữ mạng lưới bán lẻ hiện đại lớn nhất cả nước, phục vụ nhu cầu tiêu dùng thiết yếu.Trong năm 2024, WinCommerce - đơn vị vận hành hệ thống bán lẻ của Masan ghi nhận doanh thu đạt xấp xỉ 32.961 tỷ đồng. Đáng chú ý, doanh thu từ các cửa hàng hiện hữu tiếp tục đà tăng trưởng ấn tượng, với mức tăng lần lượt 10,4% ở khu vực thành thị và 12,5% tại các vùng nông thôn. Cùng với đó, Masan cũng không ngừng mở rộng và đổi mới mô hình bán lẻ của mình. Trong năm 2024, công ty đã lên kế hoạch mở từ 400 - 700 siêu thị mini, đồng thời tiếp tục đầu tư mạnh mẽ vào các công ty con chuyên về hàng tiêu dùng. 

Masan - Hành trình xoay trục ngành bán lẻ, phụng sự người tiêu dùng- Ảnh 2.
Masan - Hành trình xoay trục ngành bán lẻ, phụng sự người tiêu dùng- Ảnh 3.
Masan - Hành trình xoay trục ngành bán lẻ, phụng sự người tiêu dùng- Ảnh 4.

Với hệ thống gần 4.000 cửa hàng WinMart và WinMart+, Masan hiện đang nắm giữ mạng lưới bán lẻ hiện đại lớn nhất cả nước, phục vụ nhu cầu tiêu dùng thiết yếu.

Với việc tạo dựng lợi thế vượt trội trong cuộc đua chiếm lĩnh thị phần, Masan đã khẳng định được vị thế vững chắc của mình trong ngành bán lẻ Việt Nam. Hành trình này vẫn đang tiếp tục khi doanh nghiệp không ngừng đổi mới và mở rộng hệ sinh thái tiêu dùng - bán lẻ theo hướng hiện đại, đa tiện ích, kết hợp giữa offline và online, tích hợp các dịch vụ thiết yếu như chăm sóc sức khỏe, tài chính, công nghệ… trong cùng một không gian tiêu dùng. Việc thử nghiệm mô hình WINLife hay triển khai mô hình Win - WinMart+ thế hệ mới không chỉ giúp tối ưu trải nghiệm người tiêu dùng, mà còn góp phần nâng cao hiệu suất vận hành, mở rộng biên lợi nhuận và gia tăng giá trị đóng góp cho cộng đồng. 

Câu chuyện về hành trình vươn lên chiếm lĩnh thị trường của Masan, từ việc phủ sóng hệ thống cửa hàng rộng khắp cho đến tham vọng mở rộng hệ sinh thái tiêu dùng đa tầng, đa ngành khiến tôi không khỏi liên tưởng đến cuộc đối đầu kinh điển giữa David và Goliath trong Kinh Thánh. Một bên là "gã khổng lồ" ngoại quốc với tiềm lực dồi dào, mạng lưới toàn cầu và kinh nghiệm dạn dày. Một bên là "chàng David Việt Nam" tưởng như nhỏ bé, nhưng đầy bản lĩnh…

Tôi đùa rằng:"Ông nghĩ sao về hành trình của một "David Việt Nam?"

PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh bật cười: "Nếu ví von Masan như một "David Việt Nam" thì cũng không phải là quá lời. Bởi lẽ, cuộc chiến giữa doanh nghiệp nội và các tập đoàn ngoại trong lĩnh vực bán lẻ chưa bao giờ là dễ dàng. Đây là một cuộc chơi khốc liệt, đòi hỏi không chỉ tiềm lực tài chính, mà còn là chiến lược đủ sâu sắc và sự thấu hiểu người tiêu dùng".

Ông ngừng lại, như để cân nhắc từng chữ, rồi tiếp lời: "Câu chuyện David và Goliath vẫn được nhắc đến như một biểu tượng của sự đối đầu bất cân xứng, khi kẻ nhỏ bé, nếu đủ thông minh, đủ dũng khí và dám khác biệt, vẫn có thể vượt qua người khổng lồ. Masan, trong một chừng mực nào đó, đã hiện thực hóa điều ấy, nhưng không bằng may mắn, mà bằng một chiến lược bài bản, tỉnh táo và kiên trì theo đuổi những điều cốt lõi và lớn lao nhất: Phụng sự người tiêu dùng!

Bán lẻ, xét cho cùng, không chỉ là bán sản phẩm. Đó là hành trình kiến tạo trải nghiệm, là nghệ thuật xây dựng niềm tin từng ngày, từng bước một. Muốn đi đường dài, doanh nghiệp phải có khả năng bám rễ sâu trong lòng thị trường và đồng thời đủ linh hoạt để thích nghi với biến động không ngừng. Masan đang làm điều đó rất tốt, không ồn ào, không phô trương, nhưng quyết liệt và bền bỉ.

Chúng ta đang chứng kiến sự trưởng thành của một thế hệ doanh nghiệp Việt mới không còn e ngại trước sân chơi lớn, mà sẵn sàng bước ra, sẵn sàng định hình lại luật chơi. Và điều ấy thực sự rất đáng mừng".

Nhấp thêm ngụm trà, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh nói tiếp, giọng đầy hứng khởi: "Trong bối cảnh toàn cầu hôm nay, khi các tập đoàn đa quốc gia là những "Goliath" hiện đại, thì hình ảnh một "David Việt Nam" nhỏ bé, không khuất phục chính là niềm tự hào. Tôi tin, hành trình ấy không bắt đầu bằng sức mạnh, mà bằng niềm tin, rằng mình có thể khác, có thể tốt hơn, có thể vươn lên. "David Việt Nam" đã dũng cảm khai phá điểm mạnh của mình, chính là sự linh hoạt, khả năng thích ứng, tinh thần đổi mới sáng tạo và trên hết, là khát vọng không bao giờ tắt.

Nhưng để thắng được Goliath, David không thể chỉ cầm đá, David phải biết cầm đá đúng cách. Hành trình ấy không chỉ là chuyện của cảm hứng. Đó là chuyện của chiến lược, của nội lực, của sự chuẩn bị và sự bền bỉ đến tận cùng. Và điều đẹp nhất, có lẽ là khi "David" không còn chỉ muốn thắng ai đó, mà muốn thắng chính giới hạn của mình, để trưởng thành, để lan tỏa, để khẳng định một cách rất Việt Nam rằng: "Chúng tôi nhỏ, nhưng chúng tôi không hề nhỏ bé".

Nhắc đến Masan hiện nay, nhiều người đã quen với hình ảnh một "người chơi lớn" trong ngành bán lẻ. Nhưng nếu nhìn lại, hành trình của họ trong lĩnh vực này thực ra cũng chưa quá dài…

PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh: Nếu tính về "tuổi đời" trong ngành bán lẻ, Masan vẫn là một gương mặt tương đối mới. Tuy nhiên, chính vì sự mới mẻ đó, hành trình bứt phá của họ lại càng ấn tượng hơn. Masan đã thể hiện khả năng nắm bắt cơ hội và thực thi chiến lược thông qua thương vụ mua lại VinCommerce từ Vingroup (sau này đổi tên thành WinCommerce) vào cuối năm 2019. 

Bằng việc tiếp quản hệ thống bán lẻ với quy mô hàng ngàn điểm bán trên toàn quốc, Masan không chỉ nhanh chóng rút ngắn khoảng cách tiếp cận người tiêu dùng, mà còn có được nền tảng vật lý đủ lớn để triển khai những thay đổi mang tính cách mạng, nhận lấy sứ mệnh làm chủ ngành bán lẻ trong nước. 

Theo thông tin tôi tiếp cận được, đến cuối năm 2024, WinCommerce - đơn vị vận hành hệ thống WinMart, WinMart+ chính thức báo lãi sau 5 năm về tay Masan, với lợi nhuận sau thuế quý IV/2024 đạt hơn 200 tỷ đồng. Doanh thu thuần cả năm đâu đó ghi nhận khoảng hơn 83.000 tỷ đồng, tăng mạnh so với năm trước đó - mức cao nhất trong gần 3 năm trở lại đây. Lợi nhuận sau thuế cả năm 2024 đạt hơn 4.200 tỷ đồng, cũng gấp đôi so với năm 2023. Những con số biết nói ấy là minh chứng rõ nét cho năng lực điều hành, khả năng "làm mới" và chiến lược phát triển bài bản của một doanh nghiệp nội địa trên hành trình tái định hình thị trường bán lẻ Việt Nam. 

- Thực tế từng chứng minh, không ít thương vụ M&A đình đám đã đổ vỡ vì thiếu sự đồng bộ trong chiến lược và năng lực vận hành hậu sáp nhập. Vậy theo ông, đâu là yếu tố then chốt giúp Masan không chỉ "hấp thụ" được hệ thống VinCommerce, mà còn nhanh chóng biến nó thành một phần quan trọng để khẳng định vị thế trong ngành bán lẻ của mình?

PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh: Muốn hiểu được vì sao Masan "làm nên chuyện" trong thị trường bán lẻ, trước tiên phải nhìn vào cách họ hoạch định chiến lược.

Điều đầu tiên và cũng là yếu tố then chốt, chính là Masan không chạy theo xu hướng M&A kiểu "mua cho kịp thời đại", mà họ thực hiện thương vụ này với một chiến lược dài hạn, dựa trên sự hiểu biết rất sâu về thị trường tiêu dùng nội địa. Họ không đi tìm thị trường từ con số 0, mà chọn "đi đường gần", tận dụng những gì mình đã có, đã làm tốt và đã chiếm được lòng tin của người tiêu dùng Việt Nam. 

Từ nước mắm Nam Ngư, mì Omachi, Vinacafé… cho đến các sản phẩm chăm sóc cá nhân, tất cả đều là những mặt hàng thiết yếu, quen thuộc trong bữa ăn và sinh hoạt hằng ngày của hàng triệu hộ gia đình. Tôi nhớ, theo khảo sát của Kantar Worldpanel, có đến hơn 98% hộ gia đình Việt đang sử dụng ít nhất một sản phẩm mang thương hiệu Masan, một con số đủ để cho thấy mức độ phủ sóng cũng như mức độ gắn bó của người tiêu dùng với thương hiệu nội địa này.

Masan - Hành trình xoay trục ngành bán lẻ, phụng sự người tiêu dùng- Ảnh 5.
Masan - Hành trình xoay trục ngành bán lẻ, phụng sự người tiêu dùng- Ảnh 6.
Masan - Hành trình xoay trục ngành bán lẻ, phụng sự người tiêu dùng- Ảnh 7.
Masan - Hành trình xoay trục ngành bán lẻ, phụng sự người tiêu dùng- Ảnh 8.

Có đến hơn 98% hộ gia đình Việt đang sử dụng ít nhất một sản phẩm mang thương hiệu Masan.

Chính sự thấu hiểu thị trường nội địa đã tạo cho Masan một lợi thế cạnh tranh rất lớn. Bởi trong ngành bán lẻ, thứ quyết định thành công không chỉ là giá cả hay độ phủ hệ thống mà là niềm tin thương hiệu. Người tiêu dùng bước vào WinMart không phải để làm quen với một "người lạ", mà là để gặp lại những thương hiệu quen thuộc mà họ đã gắn bó từ lâu. Chính điều này đã tạo nên một sự kết nối gần như tự nhiên trong hành vi mua sắm, khiến khách hàng cảm thấy như đang được chăm sóc bởi một người bạn đáng tin cậy, không chỉ là một cửa hàng bán lẻ.

- Rõ ràng, việc Masan tận dụng được mạng lưới sản phẩm đã "nằm lòng" người tiêu dùng giúp họ rút ngắn khoảng cách đến với thị trường khi vận hành WinCommerce. Nhưng để phát triển bền vững trong ngành bán lẻ, có lẽ chừng đó là chưa đủ. Theo ông, vì sao Masan không chỉ giữ vững vị thế, mà còn tạo được sự khác biệt giữa một thị trường đầy cạnh tranh và biến động như hiện nay?

PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh: Để đứng vững và đặc biệt là để dẫn đầu trong ngành bán lẻ thì không thể chỉ dựa vào sản phẩm quen thuộc. Nhìn vào hành trình phát triển của Masan, ta thấy họ chưa bao giờ chỉ đơn thuần là một nhà sản xuất thực phẩm, mà họ hướng mạnh đến tiêu dùng. Và đã làm tiêu dùng thì không thể chỉ dừng lại ở việc đưa sản phẩm ra quầy kệ. Phải có không gian, có hệ thống, có trải nghiệm để sản phẩm ấy "sống" trong đời sống của người tiêu dùng. Chính từ tư duy đó mà Masan lựa chọn con đường xây dựng một hệ sinh thái tiêu dùng, điều mà không phải doanh nghiệp Việt nào trong ngành bán lẻ cũng đủ tầm nhìn, nội lực và sự kiên định để thực hiện.

Masan - Hành trình xoay trục ngành bán lẻ, phụng sự người tiêu dùng- Ảnh 9.

Masan không vận hành WinCommerce như một "hệ thống kế thừa", mà họ chủ động tái cấu trúc toàn diện, từ cải thiện vận hành, nâng cấp trải nghiệm mua sắm, sắp xếp lại danh mục sản phẩm, đến ứng dụng công nghệ để gia tăng hiệu suất. Họ không áp đặt mô hình cũ mà định hình lại toàn bộ cấu trúc chuỗi bán lẻ theo hướng tích hợp: Lấy người tiêu dùng làm trung tâm, lấy dữ liệu làm nền tảng, lấy sản phẩm thiết yếu làm trục xoay.

Hơn hết, Masan hiểu rằng người tiêu dùng hôm nay không chỉ cần mua được sản phẩm tốt, mà còn muốn mua nhanh hơn, tiện lợi hơn và trải nghiệm tốt hơn. Với sự ra đời của nền tảng WINLife, Masan tiếp tục mở rộng và hoàn thiện hệ sinh thái tiêu dùng của mình. Tích hợp bán lẻ, tài chính, y tế, viễn thông và các sản phẩm tiêu dùng, Masan đang biến các cửa hàng WinMart+ thành những "trạm dịch vụ tiện ích hiện đại". Người tiêu dùng ở mọi miền đất nước, dù ở thành thị hay nông thôn, đều có thể mua thực phẩm MEATDeli, thanh toán qua Techcombank, rút tiền mà không cần đến ngân hàng, nạp điện thoại Reddi hay thậm chí đặt lịch khám bệnh qua ứng dụng DrWinCare. Tất cả gói gọn trong một hệ sinh thái liền mạch, khép kín, mang đậm dấu ấn Việt Nam. Mô hình này không chỉ giúp Masan bán được nhiều hơn, mà còn giữ chân người tiêu dùng lâu hơn, hiểu họ rõ hơn để từ đó cá nhân hóa trải nghiệm, nâng cao giá trị vòng đời khách hàng. Đến nay, hệ sinh thái WINLife đã phủ sóng hơn 500 cửa hàng đa tiện ích, Masan đặt mục tiêu mở rộng lên 1.000 cửa hàng WIN vào năm 2025.

Ở đây, Masan không chỉ đang bán sản phẩm, mà còn bán sự an tâm, bán trải nghiệm và bán niềm tin vào những yếu tố rất khó định lượng nhưng lại cực kỳ quan trọng trong ngành bán lẻ hiện đại. Và tôi cho rằng, chính tầm nhìn dài hạn này đã giúp họ vượt lên khỏi tư duy "mua đi - bán lại" đơn thuần, để bước vào cuộc chơi chiến lược, nơi những người thực sự hiểu thị trường và dám đầu tư bài bản mới có thể trụ vững.

Masan - Hành trình xoay trục ngành bán lẻ, phụng sự người tiêu dùng- Ảnh 10.

Khách hàng trải nghiệm dịch vụ tại cửa hàng đa tiện tích của WinCommerce.

Ngoài ra, khi bàn về hệ sinh thái tiêu dùng mà Masan đang xây dựng, tôi cho rằng không thể không nhắc đến một "chân kiềng" quan trọng, đó là nông nghiệp. Bởi dù công nghệ có hiện đại đến đâu, chuỗi bán lẻ có phát triển mạnh đến mấy, thì nền tảng cốt lõi của ngành thực phẩm vẫn bắt đầu từ… cánh đồng, từ những nguyên liệu thô mang tính bản địa, gần gũi với đời sống người Việt. Điểm đặc biệt của Masan là không đơn thuần mua nguyên liệu từ nông dân, mà chủ động tham gia sâu vào chuỗi giá trị nông nghiệp. Họ đầu tư bài bản từ khâu nghiên cứu giống, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, chế biến, ví dụ như chuỗi Feed - Farm - Food cho đến kiểm soát chất lượng đầu vào thông qua việc xây dựng vùng nguyên liệu bền vững. 

Masan - Hành trình xoay trục ngành bán lẻ, phụng sự người tiêu dùng- Ảnh 11.

Tôi được biết hiện nay hệ thống trang trại WinEco của Masan đã phát triển 14 nông trường trên toàn quốc, với hơn 3.000ha áp dụng công nghệ hiện đại từ Israel, Nhật Bản. Rau củ được trồng trên dây chuyền khép kín, từ xử lý giá thể, gieo hạt, tưới phun sương, kiểm soát vi khí hậu trong nhà kính đến khâu thu hoạch nhằm đảm bảo chất lượng tối ưu và hạn chế sâu bệnh. Tương tự, nhà máy chế biến thịt MeatDeli cũng được vận hành theo tiêu chuẩn quốc tế với quy trình chăn nuôi không kháng sinh, kiểm soát dịch bệnh chặt chẽ và ứng dụng công nghệ châu Âu để cho ra sản phẩm thịt tươi ngon, an toàn góp phần nâng cao tiêu chuẩn tiêu dùng của người Việt theo hướng hiện đại và bền vững.

Tất cả những nỗ lực này không chỉ góp phần nâng tầm chất lượng sản phẩm, mà còn giúp tăng năng lực cạnh tranh cho nông sản Việt, từ đó mở ra cơ hội chinh phục thị trường trong và ngoài nước một cách bền vững.

Masan - Hành trình xoay trục ngành bán lẻ, phụng sự người tiêu dùng- Ảnh 12.
Masan - Hành trình xoay trục ngành bán lẻ, phụng sự người tiêu dùng- Ảnh 13.

Masan không đơn thuần mua nguyên liệu từ nông dân, mà chủ động tham gia sâu vào chuỗi giá trị nông nghiệp.

Hơn thế, Masan còn hợp tác với các hợp tác xã, tổ chức nông dân, để tạo nên những vùng trồng đạt chuẩn, không chỉ nhằm phục vụ cho riêng họ, mà còn tạo ra giá trị kép: Vừa đảm bảo nguồn nguyên liệu sạch, ổn định; vừa nâng cao thu nhập, đời sống cho người nông dân. Đây chính là tư duy phát triển bền vững mà không phải doanh nghiệp nào cũng đủ tầm nhìn và nguồn lực để theo đuổi. Khi kiểm soát được nguyên liệu, doanh nghiệp mới kiểm soát được chất lượng sản phẩm, giá thành, và quan trọng nhất là thương hiệu.

Đó là lý do tại sao mì Omachi có thể chinh phục thị trường khó tính như Hàn Quốc, hay nước mắm Chin-su không chỉ đơn thuần là gia vị, mà là câu chuyện gắn với vùng biển Phú Quốc, với bản sắc và niềm tự hào ẩm thực Việt Nam. Chính những yếu tố ấy đã giúp Masan tạo ra một hệ sinh thái tiêu dùng đặc trưng, rất Việt Nam, nhưng cũng đủ chuẩn quốc tế để vươn ra thế giới.

- Còn yếu tố tài chính thì sao, thưa ông? Bán lẻ rõ ràng là một cuộc chơi tốn kém…?

PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh: Tất nhiên. Masan cũng tính đến chuyện đó và có sự chuẩn bị bài bản. Bởi phát triển một chuỗi tiêu dùng tích hợp từ nông nghiệp, chế biến, logistics, bán lẻ, đến công nghệ là một hành trình tốn kém và đòi hỏi sự đầu tư liên tục.

Masan không đơn độc trong cuộc chơi này. Họ đã xây dựng cho mình một hệ sinh thái tài chính vững chắc, cung cấp nguồn lực tài chính để Masan thực hiện các chiến lược phát triển trong lĩnh vực bán lẻ, đặc biệt là trong giai đoạn chuyển mình gần đây. 

Việc Masan chủ động hợp tác với các quỹ đầu tư chiến lược trong và ngoài nước, theo tôi, không chỉ là chuyện huy động vốn, mà còn là cách để mở rộng tầm nhìn, tiếp cận tri thức quản trị hiện đại và nâng cấp năng lực cạnh tranh. Khi một tập đoàn như Masan bắt tay với các định chế tài chính lớn như Bain Capital (Mỹ), SK Group (Hàn Quốc), Alibaba (Trung Quốc)… đó là sự kết nối mang tính chiến lược. Cụ thể, SK Group đã đầu tư tổng cộng hơn 1,2 tỷ USD vào Masan và các công ty thành viên, bao gồm 340 triệu USD để sở hữu 4,9% cổ phần tại The CrownX, công ty con của Masan. Alibaba và Baring Private Equity Asia cũng đã đầu tư 400 triệu USD để sở hữu 5,5% cổ phần của The CrownX. Những khoản đầu tư này không chỉ mang đến dòng tiền ổn định mà còn chia sẻ kinh nghiệm, công nghệ, hệ sinh thái kinh doanh ở tầm khu vực và quốc tế. Họ hỗ trợ Masan không chỉ ở khâu tài chính mà còn trong tái cấu trúc vận hành, quản lý rủi ro, mở rộng chuỗi cung ứng, thậm chí là mở rộng thị trường ra nước ngoài.

Nói cách khác, Masan đang dựa vào nội lực để đi xa, nhưng tận dụng ngoại lực để đi nhanh. Đây là chiến lược rất khôn ngoan, bởi trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu ngày càng gay gắt, rất khó để một doanh nghiệp có thể tự mình phát triển mạnh nếu thiếu sự hậu thuẫn từ những đối tác lớn, hiểu thị trường và có cùng tầm nhìn dài hạn. Và tôi cho rằng, sự linh hoạt trong tư duy dám cởi mở, dám chia sẻ, dám "chia bánh" để cùng phát triển là một đặc điểm rất đáng quý ở thế hệ doanh nghiệp mới như Masan. Nó khác với tư duy "giữ chặt" truyền thống và đó là lý do vì sao Masan không chỉ giữ được mình mà còn liên tục bứt phá.

Masan - Hành trình xoay trục ngành bán lẻ, phụng sự người tiêu dùng- Ảnh 14.

Ngay từ khi đặt bút thực hiện bài viết này, tôi không muốn góc nhìn của mình chỉ dừng lại ở việc mô tả sự vươn lên mạnh mẽ của đế chế Masan - "con thuyền" mà doanh nhân Nguyễn Đăng Quang đã "chèo lái" khởi hành từ những bến cảng nhỏ bé, vượt ngàn sóng lớn, băng qua những đại dương thử thách để chạm tới tầm vóc của một tập đoàn kinh tế hàng đầu Việt Nam như hôm nay.

Nếu nhìn vào sự lớn mạnh của những con số, Masan chắc chắn đã đạt được những thành tựu ấn tượng. Masan hiện là một trong những tập đoàn đa ngành hàng đầu trong lĩnh vực kinh tế tư nhân tại Việt Nam, với hơn 50 công ty thành viên và quy mô gần 36.000 nhân viên. Theo danh sách Fortune Southeast Asia 500 của Tạp chí Fortune, Masan là công ty đứng đầu trong lĩnh vực sản xuất hàng tiêu dùng và bán lẻ nhu yếu phẩm tại Việt Nam. Cụ thể, năm 2024, Masan đạt 83.178 tỷ đồng doanh thu thuần và 1.999 tỷ đồng lãi sau thuế, tương ứng với mức tăng trưởng 6% về doanh thu và hơn 377% về lợi nhuận so với năm 2023. Đặc biệt, ông Nguyễn Đăng Quang đã ghi dấu trong danh sách những tỷ phú giàu nhất Việt Nam, với khối tài sản đạt mức 1,2 tỷ USD theo cập nhật của Forbes năm 2025.

Thế nhưng, như đã chia sẻ, nếu câu chuyện chỉ dừng lại ở những con số ấy, e rằng ta có thể sẽ bỏ qua yếu tố quan trọng nhất làm nên thành công của doanh nhân Nguyễn Đăng Quang và Masan. Đó chính là khát vọng - thứ không thể đo đếm bằng báo cáo tài chính, nhưng lại là "ngọn lửa" âm ỉ, bền bỉ cháy trong từng bước đi của doanh nghiệp này. Khát vọng không chỉ dừng lại ở việc dẫn dắt doanh nghiệp tăng trưởng vượt bậc, mà còn nằm ở cam kết với phát triển bền vững, ở khát khao phụng sự người tiêu dùng Việt một cách bền bỉ, sâu sắc. Tôi tin rằng, chính khát vọng cháy bỏng như lửa và sự "bền lòng như đá" mới là chiếc "la bàn" dẫn lối Masan băng qua những cơn sóng lớn, từng bước khẳng định vị thế của một "David Việt Nam" giữa đại dương đầy rẫy những "Goliath toàn cầu".

"Chúng ta làm việc tốt thì không nhất thiết nó phải vĩ đại. Việc bạn làm sẽ trở nên vĩ đại khi nó tốt cho tất cả mọi người. Cho đến thời điểm hiện tại, triết lý chung mà Masan theo đuổi vẫn là Keep Going - tiếp tục đi tới", Chủ tịch Nguyễn Đăng Quang chia sẻ. 

Masan - Hành trình xoay trục ngành bán lẻ, phụng sự người tiêu dùng- Ảnh 15.

Và thực tế cho thấy, khát vọng ấy không phải là một tuyên ngôn truyền thông, mà là một kim chỉ nam sống động xuyên suốt hành trình khởi nghiệp và phát triển của doanh nhân Nguyễn Đăng Quang. Ngay từ những ngày đầu khởi nghiệp ở Đông Âu, ông đã đặt ra cho bản thân một mục tiêu đầy tham vọng: "Không chỉ tham gia thị trường, mà phải dẫn đầu lĩnh vực mà mình lựa chọn". Tư duy ấy không chỉ là biểu hiện của tầm nhìn cá nhân, mà còn là gốc rễ hình thành nên chiến lược dài hạn, xuyên suốt toàn bộ hệ sinh thái Masan.

Mỗi bước tiến của tập đoàn đều mang dấu ấn của tinh thần "Keep Going" - không ngừng sáng tạo, không ngừng đổi mới, không ngại thử thách và luôn sẵn sàng vươn tới những đỉnh cao mới. Quan trọng hơn, sau mỗi thành công, Masan tiếp tục đặt ra những tiêu chuẩn cao hơn, những "ngọn núi" mới để chinh phục.

Tinh thần ấy, một khi thấm sâu đã lan tỏa thành "DNA văn hóa" của toàn bộ tập đoàn - không chỉ định hình cách Masan làm kinh doanh, mà còn là ngọn nguồn dẫn dắt họ theo đuổi một mô hình phát triển bền vững, ở đó lợi ích doanh nghiệp gắn liền với lợi ích cộng đồng, xã hội và quốc gia. Dưới sự dẫn dắt của doanh nhân Quang, Masan không chỉ là một doanh nghiệp bán hàng, mà là một tổ chức tạo ra giá trị thật: Từ sản phẩm thiết yếu chất lượng cao cho người Việt, đến những nỗ lực nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng tiêu dùng nội địa trên thị trường quốc tế.

Sức mạnh "Go Global" của Masan đã được chứng tỏ khi các sản phẩm nổi tiếng như mì Omachi, nước mắm Chin-Su, cà phê Wake-up 247… đã có mặt tại hơn 30 quốc gia, từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Mỹ và cả các thị trường khó tính như EU. Mỗi năm, những sản phẩm này mang về doanh thu xuất khẩu ước tính từ 150 - 250 triệu USD. Đặc biệt, đầu năm 2024, tương ớt Chin-Su của Masan đã vươn lên dẫn đầu danh sách sản phẩm bán chạy nhất trên Coupang - sàn thương mại điện tử hàng đầu tại Hàn Quốc. Trước đó, thương hiệu này cũng từng lọt vào Top 8 sản phẩm tương ớt bán chạy nhất trên Amazon, một trong những sàn thương mại điện tử lớn nhất thế giới.

Masan - Hành trình xoay trục ngành bán lẻ, phụng sự người tiêu dùng- Ảnh 16.

Sản phẩm tương ớt Chin-su của Masan xuất hiện tại khu phố ẩm thực sôi động Dotonbori, Osaka, Nhật Bản.

***

Tại Việt Nam, phát triển bền vững đang dần trở thành một định hướng chiến lược trong hoạch định chính sách quốc gia. Ngày 8/2/2022, Chính phủ ban hành Quyết định số 167/QĐ-TTg phê duyệt "Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp khu vực tư nhân kinh doanh bền vững giai đoạn 2022 - 2025". Đây là bước đi mang tính chiến lược nhằm thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân phát triển theo định hướng hài hòa giữa hiệu quả kinh tế với trách nhiệm xã hội, bảo vệ tài nguyên môi trường, góp phần hiện thực hóa 17 mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) mà Việt Nam cam kết đạt được vào năm 2030.

Hưởng ứng và đồng hành cùng các nỗ lực quốc gia, Masan với vị thế là một trong những doanh nghiệp tư nhân hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực tiêu dùng và bán lẻ đã chủ động tích hợp bộ tiêu chuẩn ESG (Môi trường - Xã hội - Quản trị) vào chiến lược phát triển xuyên suốt của mình. Không chỉ dừng lại ở lời cam kết, Masan đã hiện thực hóa triết lý phát triển bền vững bằng loạt hành động cụ thể: Từ đổi mới sáng tạo trong sản phẩm, thân thiện với môi trường trong sản xuất vận hành, cho đến các chương trình hướng tới cộng đồng.

"Là một doanh nghiệp đầu ngành trong lĩnh vực tiêu dùng bán lẻ với các sản phẩm dịch vụ cho 100 triệu người tiêu dùng Việt Nam và là đối tác tin cậy của các nhà cung cấp, chúng tôi nhìn thấy vai trò quan trọng và tầm ảnh hưởng của tập đoàn trong việc nâng cấp chuỗi giá trị thực phẩm và đóng góp vào cam kết Net Zero vào năm 2050 của Việt Nam. Việc này đòi hỏi một cách suy nghĩ khác về mô hình kinh doanh trong tương lai, trong đó phát triển bền vững không chỉ là quản trị rủi ro mà còn là cơ hội để tạo ra sự khác biệt đối với khách hàng, đối tác và cộng đồng xã hội. "Doing Well By Doing Good - Đó là con đường chúng tôi đi", ông Lê Bá Nam Anh, Giám đốc Cấp cao Thị trường vốn & Sáng kiến chiến lược, Thành viên Ủy ban ESG Tập đoàn Masan cho biết.

Minh chứng rõ nét cho cam kết ấy, có thể kể đến việc Tập đoàn luôn chú trọng thực hiện trách nhiệm xã hội của mình. Trong thời điểm khó khăn, đặc biệt là khi cơn bão số 3 (Yagi) quét qua, để lại thiệt hại nghiêm trọng tại miền Bắc, Masan vẫn giữ vững cam kết đồng hành cùng cộng đồng. Dù gần 700 cửa hàng WinMart bị ảnh hưởng nặng nề, hàng hóa hư hỏng, hệ thống kho lạnh và các trang trại WinEco chìm trong nước lũ, doanh nghiệp không chỉ lo khắc phục hậu quả cho chính mình mà còn hướng tới người dân cả nước.

Không chờ đợi lời kêu gọi, Masan đã chủ động phối hợp với chính quyền địa phương để triển khai các hoạt động cứu trợ khẩn cấp. Hơn 16.000 phần quà với tổng trị giá khoảng 7 tỷ đồng đã được trao tận tay các hộ dân bị ảnh hưởng. Song song đó, doanh nghiệp cũng ủng hộ 2 tỷ đồng cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để tăng cường nguồn lực hỗ trợ. Đặc biệt, với hơn 100 tỷ đồng đóng góp cho chương trình "Mái ấm cho đồng bào tôi", Masan không chỉ giúp người dân có nơi nương náu sau thiên tai, mà còn gieo lại hy vọng - những mái nhà mới, những cuộc sống đang dần hồi sinh.

Masan - Hành trình xoay trục ngành bán lẻ, phụng sự người tiêu dùng- Ảnh 17.
Masan - Hành trình xoay trục ngành bán lẻ, phụng sự người tiêu dùng- Ảnh 18.

Masan không chỉ cam kết tạo ra những sản phẩm chất lượng cao mà còn luôn tìm cách đóng góp giá trị thiết thực cho cộng đồng và đất nước.

Không chỉ thể hiện trách nhiệm với cộng đồng qua những hoạt động thiện nguyện thiết thực, Masan còn là một trong những doanh nghiệp tư nhân có đóng góp tích cực và bền bỉ vào ngân sách nhà nước. Trong năm 2023, tập đoàn đã đóng góp hơn 4.421 tỷ đồng thuế, trở thành một trong những doanh nghiệp đóng thuế lớn nhất tại các tỉnh có nhà máy của Masan hoạt động. Điều này đã góp phần tạo công ăn việc làm, cải thiện đời sống cho hàng nghìn người dân địa phương.

Bên cạnh đó, quá trình thực hành ESG tại Masan cũng đang diễn ra mạnh mẽ và đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực kinh doanh, đặc biệt là ở mảng bán lẻ. Với mạng lưới gần 4.000 siêu thị và cửa hàng WinMart, WinMart+, Masan không chỉ tập trung nâng cao trải nghiệm mua sắm mà còn tiên phong lan tỏa tinh thần sống xanh. Cụ thể, doanh nghiệp đã thay thế hoàn toàn túi nilon bằng 100% túi tự hủy sinh học, đồng thời chủ động cắt giảm và chuyển đổi các vật dụng nhựa dùng một lần bằng các giải pháp thân thiện với môi trường trong toàn bộ chuỗi vận hành. Không dừng lại ở đó, Masan còn ra mắt bộ sưu tập túi mua sắm thời trang từ chất liệu tái chế với mức giá không lợi nhuận nhằm góp phần thay đổi thói quen tiêu dùng của người Việt, hướng đến một phong cách sống văn minh và bền vững hơn.

Ở lĩnh vực hàng tiêu dùng, kinh doanh thịt có thương hiệu, Masan liên tục có những phát kiến mới về sản phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn vệ sinh, an toàn và tốt cho sức khỏe. Các tổ hợp chế biến thịt MEATDeli đều đạt chứng nhận BRC - tiêu chuẩn toàn cầu về an toàn thực phẩm, được xem là "tấm vé thông hành" giúp sản phẩm thực phẩm có thể chinh phục các thị trường quốc tế khó tính. 

Song song với nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩmMasan cũng chú trọng đầu tư cho hạ tầng sản xuất theo hướng bền vững và thân thiện với môi trường. Các nhà máy chế biến hàng tiêu dùng của Masan Consumer đều được trang bị hệ thống xử lý nước thải hiện đại, do đối tác đến từ Hà Lan thiết kế, nhằm đảm bảo quá trình vận hành không gây tác động tiêu cực đến môi trường xung quanh. Đặc biệt, tại các tổ hợp chế biến thịt MEATDeli, toàn bộ nước thải sinh hoạt và nước thải phát sinh từ sản xuất đều được thu gom, xử lý đạt chuẩn loại A - mức cao nhất theo quy định về môi trường. 

Masan - Hành trình xoay trục ngành bán lẻ, phụng sự người tiêu dùng- Ảnh 19.

Khu vực bãi lọc sinh học tại một nhà máy thuộc Masan.

Nhằm hiện thực hóa mục tiêu khử carbon vào năm 2030, Masan còn đẩy mạnh ứng dụng các nguồn năng lượng tái tạo vào hoạt động sản xuất. Tính đến nay, hơn 50% tổng năng lượng tiêu thụ của Masan và các công ty thành viên đến từ các nguồn sạch như sinh khối và nhiên liệu sinh học. Đáng chú ý, trong năm 2023, Masan MEATLife đã vận hành thành công một trong bốn nhà máy sản xuất hoàn toàn bằng năng lượng sinh khối từ trấu và phế thải mùn cưa. Ở khối hàng tiêu dùng, Masan Consumer cũng ghi dấu ấn với tỷ lệ sử dụng năng lượng sinh khối trung bình lên tới 87% tại các cơ sở sản xuất khác nhau.

Tiếp nối chiến lược sử dụng năng lượng hiệu quả, Masan Consumer Holdings (MCH), công ty thành viên nòng cốt của Masan đã thành công đưa năng lượng sinh khối trở thành nguồn năng lượng chính trong vận hành sản xuất với tỷ lệ sử dụng trung bình là 87% tại các cơ sở khác nhau. MCH còn tối ưu hóa toàn diện quy trình sản xuất nhằm giảm thiểu tiêu hao điện năng. Doanh nghiệp tận dụng lượng nhiệt thất thoát trong các công đoạn chiên, tiệt trùng sản phẩm; đồng thời giảm thiểu các biến đổi về nhiệt và áp suất nhờ ứng dụng các công nghệ tiết kiệm năng lượng tiên tiến. 

Góp phần vào hành trình nâng cao chất lượng cuộc sống và thúc đẩy sự phát triển bền vững của xã hội, Masan luôn kiên định với sứ mệnh mang đến những sản phẩm tiêu dùng chất lượng cao, sánh tầm thế giới. Với chiến lược lấy công nghệ làm nền tảng và người tiêu dùng làm trung tâm, Tập đoàn không ngừng đổi mới để tạo ra những giá trị thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của người Việt. Masan liên tục ghi dấu bằng những phát kiến sản phẩm mới, kết hợp giữa tính hiện đại và giá trị truyền thống. Các sản phẩm đều được phát triển dựa trên những tiêu chuẩn vệ sinh, an toàn thực phẩm nghiêm ngặt, có mức giá hợp lý, đảm bảo yếu tố tươi ngon và tốt cho sức khỏe.

Không chỉ thể hiện cam kết phát triển bền vững qua các sản phẩm và quy trình sản xuất, Masan còn khẳng định vai trò tiên phong trong thực thi ESG thông qua chính sách nhân sự đa dạng, hòa nhập và tiến bộ. Hoạt động kinh doanh trải rộng trên nhiều lĩnh vực cùng mạng lưới phân phối vươn tầm quốc tế đã tạo nên một môi trường làm việc đa văn hóa quy tụ gần 40.000 thành viên đến từ nhiều quốc gia như Hoa Kỳ, Úc, Ấn Độ và Việt Nam. Sự hòa quyện giữa các vùng miền, quốc gia và văn hóa không chỉ giúp Masan trở nên linh hoạt và sáng tạo hơn trong cách tiếp cận thị trường, mà còn tạo nên một bản sắc doanh nghiệp đặc biệt.

Chính nhờ triết lý nhân văn đó, Masan đã được vinh danh là "Nơi làm việc tốt nhất châu Á 2023", đồng thời chiến thắng hạng mục giải thưởng "Doanh nghiệp có môi trường làm việc đa dạng, bình đẳng và hòa nhập" do HR Asia - Tạp chí hàng đầu về nhân sự tại khu vực bình chọn. Đây không chỉ là sự ghi nhận cho nỗ lực xây dựng văn hóa doanh nghiệp bền vững, mà còn là minh chứng sống động cho việc ESG không nằm trên giấy, mà thấm đẫm trong từng hoạt động của Masan.

Trong bối cảnh đất nước đang bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình, những doanh nghiệp như Masan được nhìn nhận sẽ là "trụ cột" quan trọng của nền kinh tế tự chủ và thịnh vượng - vừa làm chủ thị trường nội địa, vừa lan tỏa giá trị ra bên ngoài biên giới. Câu chuyện từ gói mì, chai nước mắm, chuỗi siêu thị hiện đại, thực phẩm sạch đến những sáng kiến ESG… tất cả như những nét chấm phá tạo nên bức tranh về một doanh nghiệp Việt có tầm vóc quốc tế nhưng không xa rời cội nguồn. Và ở trung tâm hành trình ấy, vẫn là "con người" - từ người tiêu dùng, đến người lao động, người nông dân và những đối tác đồng hành trong chuỗi giá trị. 

***

Cuộc trò chuyện giữa tôi và PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh kéo dài hơn dự kiến. Bằng sự quan sát kỹ lưỡng và vốn hiểu biết sâu sắc, ông khiến tôi không khỏi ngạc nhiên bởi những phân tích không chỉ rõ nét về chiến lược kinh doanh của Masan mà còn chạm đến cả những chi tiết tưởng như rất "nội bộ", từ cách doanh nghiệp này chọn nguyên liệu, xây dựng chuỗi giá trị khép kín, cho đến cách họ ứng xử với người tiêu dùng và cộng đồng.

Tôi buột miệng hỏi, nửa đùa nửa thật: "Sao ông hiểu Masan rõ như người trong cuộc vậy?"

PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh bật cười: "Tôi cũng hay tò mò như bạn thôi. Mà cái tò mò ấy lại xuất phát từ… một lần bà xã nhờ đi siêu thị. Lúc đó đến WinMart mua đồ, thấy cách họ trưng bày hàng hóa, nhãn hiệu sản phẩm lạ mà quen, từ nước mắm, mì gói, xúc xích đến thịt mát, rau củ... Tôi bắt đầu để ý và lần theo những thương hiệu ấy. Rồi từ đó, mỗi lần đọc báo cáo tài chính, tin tức kinh tế, tôi thường để ý đến cái tên Masan. Càng theo dõi, càng phát hiện ra nhiều điều thú vị, không chỉ là chuyện kinh doanh mà còn là cách một doanh nghiệp Việt chọn con đường phát triển đầy trách nhiệm và khát vọng".

Tôi im lặng vài giây. Thì ra, đôi khi những điều lớn lao lại bắt đầu từ những điều rất đỗi đời thường, như một lần đi siêu thị chẳng hạn. Và cũng từ đó, những câu chuyện về tầm vóc, về triết lý phát triển hay "giấc mơ thương hiệu Việt" cũng trở nên gần gũi, chân thực và đầy cảm hứng...

Trên đường về nhà, tôi tạt qua cửa hàng WinMart+ quen thuộc đầu ngõ. Vẫn quầy kệ ấy, vẫn những món đồ giản dị, quen thuộc tôi từng chọn hàng chục lần, nhưng lần này lại có sức sống đặc biệt. Dường như chúng đang khoác lên mình một tầng nghĩa mới, không chỉ là sản phẩm tiêu dùng nhỏ bé, mà là kết tinh của một hệ sinh thái được xây dựng bài bản, ở đó từng bước đi, từng cách làm đều được hoạch định bởi một khát vọng dài lâu và một niềm tin bền bỉ vào giá trị Việt.

Xách túi đồ bước ra, lòng tôi nhẹ tênh như thể vừa góp một chút nhỏ vào câu chuyện lớn lao mà Masan đang viết. Một câu chuyện không chỉ được bắt đầu từ phòng họp hay bàn làm việc, mà có khi… lại được gieo mầm từ chính kệ hàng siêu thị, nơi những khát vọng Việt âm thầm hiện diện giữa đời sống hằng ngày.

…Và có lẽ, chính sự hiện diện âm thầm ấy mới là điều khiến Masan đặc biệt.

Không ồn ào khẩu hiệu, không phô trương thành tích, họ chọn cách đi sâu vào từng ngóc ngách của đời sống, ở đó khát vọng không cần phải được hô vang, mà được vun đắp qua từng sản phẩm, từng trải nghiệm, từng lần gặp gỡ giữa thương hiệu và người tiêu dùng.

Tôi rảo bước giữa con phố nhỏ, lòng thầm biết ơn cuộc trò chuyện chiều nay đã giúp tôi nhìn Masan bằng một lăng kính khác: Không chỉ là một tập đoàn kinh tế, mà là biểu tượng cho một thế hệ doanh nghiệp mới của Việt Nam - những người không ngừng mơ, không ngừng làm và quan trọng nhất, không bao giờ quên mình đến từ đâu.

Khát vọng, rốt cuộc, không phải là đích đến. Mà là hành trình dài, bền và đẹp của những con người dám tin rằng giá trị Việt có thể vươn xa. Và Masan, với sự lặng lẽ nhưng bền bỉ của mình, đang từng ngày viết tiếp câu chuyện ấy một cách chân thành và đầy cảm hứng...

Tổng kết 40 năm Đổi mới, Việt Nam đã chuyển mình từ một nước nghèo vươn lên thành quốc gia đang phát triển, thu nhập trung bình, hội nhập sâu rộng và giữ vị thế quan trọng trên trường quốc tế. Những thành tựu vĩ đại đạt được dưới sự lãnh đạo của Đảng đã giúp Việt Nam tích lũy đủ nội lực cho sự phát triển bứt phá tiếp theo. Gắn liền với hành trình ấy là sự phát triển không ngừng, dấu ấn và đóng góp khó đong đếm của khu vực kinh tế tư nhân, nòng cốt là các doanh nghiệp tư nhân.

Mùa xuân năm 2025 được xác định là thời điểm bản lề, chuẩn bị bắt đầu kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình, là thời điểm hội tụ, tổng hòa các lợi thế, ý chí, quyết tâm cùng khát vọng, niềm tin, khí thế mới để có thể tạo sự chuyển động mạnh mẽ, dứt khoát và tự tin nâng cao nội lực của đất nước, vượt qua thách thức, nắm bắt cơ hội vươn tới những mục tiêu lớn lao hơn.

Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định: Ưu tiên hàng đầu trong kỷ nguyên mới là thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước xã hội chủ nghĩa phát triển, có thu nhập cao; khơi dậy mạnh mẽ hào khí dân tộc, tinh thần tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc, khát vọng phát triển đất nước; kết hợp chặt chẽ sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại.

Nhấn mạnh "để vuột mất cơ hội là có lỗi với lịch sử", Tổng Bí thư yêu cầu cần thống nhất nhận thức và hành động về sự cấp bách phải tiếp tục tiến hành công cuộc đổi mới kinh tế một cách mạnh mẽ, quyết liệt và toàn diện hơn để đất nước vững vàng bước vào kỷ nguyên thịnh vượng, giàu mạnh và phát triển.

Trong bối cảnh đó, kinh tế tư nhân đang được xem xét, định hình trở thành trụ cột quan trọng nhất của tăng trưởng kinh tế. Không có kinh tế tư nhân, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân lớn mạnh thì sẽ không có nền kinh tế quốc gia vững mạnh, tự chủ và có sức chống chịu tốt. Cơ chế thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển đột phá được đánh giá là then chốt để đạt được các mục tiêu đặt ra, trước mắt là tăng trưởng kinh tế 2 con số. Một nghị quyết mới về kinh tế tư nhân đang được mong chờ sẽ tạo ra những cải cách mạnh mẽ, thúc đẩy các doanh nghiệp tư nhân đẩy nhanh quá trình đổi mới, thay đổi cơ cấu và vươn tới những giới hạn cao nhất của nền kinh tế; tạo nền tảng cho khả năng vươn mình thành những doanh nghiệp đa quốc gia và góp phần định hình kỷ nguyên mới của đất nước.

Tương lai của nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc lớn vào khu vực kinh tế tư nhân. Được khuyến khích và hun đúc thêm hào khí dân tộc, khẳng định vị thế và tạo ra những cảm hứng phát triển mới, tin rằng các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam sẽ còn ghi dấu ấn bằng những bước tiến đột phá trong kỷ nguyên vươn mình, quyện hòa giữa khát vọng làm giàu và tinh thần dân tộc, xây dựng nền kinh tế tự chủ, tự lực, tự cường. Lựa chọn phát triển kinh tế tư nhân là con đường ngắn nhất để vượt qua những khó khăn hiện tại và vươn tới tương lai thịnh vượng.

Đầu tháng 3, chủ trì buổi làm việc với Ban Chính sách và Chiến lược Trung ương về một số giải pháp chiến lược nhằm tạo đột phá phát triển kinh tế tư nhân Việt Nam trong thời gian tới, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh yêu cầu tiếp tục đổi mới tư duy và tạo sự thống nhất cao trong nhận thức về vai trò, vị trí của kinh tế tư nhân, xóa bỏ những định kiến, tư duy không đúng để tạo sự thay đổi trong "ứng xử" và hành động, chính sách cụ thể đối với khu vực kinh tế quan trọng này, đồng thời phải có chiến lược rõ ràng cho phát triển kinh tế tư nhân.

Trong bài viết "Phát triển kinh tế tư nhân - Đòn bẩy cho một Việt Nam thịnh vượng", Tổng Bí thư khẳng định: Chúng ta cần phải quán triệt lại định hướng quan điểm và nhận thức trong cả hệ thống chính trị về vai trò của kinh tế tư nhân như là động lực tăng trưởng quan trọng hàng đầu của đất nước. Điều này đòi hỏi một sự thay đổi căn bản trong hoạch định chính sách, khắc phục những hạn chế và phát huy tính ưu việt của cơ chế thị trường để hỗ trợ khu vực kinh tế tư nhân nâng cao năng suất lao động và đổi mới sáng tạo.

Chuyên đề: Sứ mệnh lịch sử của kinh tế tư nhân trên Reatimes.vn, thông qua những cuộc thảo luận sâu sắc với các chuyên gia hàng đầu, sẽ khắc họa rõ nét và đưa ra những hình dung cụ thể về đóng góp của kinh tế tư nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân trong hành trình 40 năm Đổi mới của đất nước và nhìn nhận về vị thế, vai trò của khu vực kinh tế này đối với cuộc đổi mới lần thứ 2 trong kỷ nguyên vươn mình. Đồng thời, làm rõ những rào cản, thách thức đang nhấn chìm khát vọng của khối doanh nghiệp tư nhân; kiến nghị chính sách để tạo đường băng rộng mở cho kinh tế tư nhân cất cánh.

Trân trọng giới thiệu tới độc giả!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top